Field Wages, Labour Productivity Labour Relations

02/06/2015 00:00:00

Field Wages, Labour Productivity Labour Relations

Bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái là một chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước.
Mặc dù có nhiều biến động về kinh tế trong nước và quốc tế, nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nhưng Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác chăm lo việc làm và an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển xã hội ngang tầm và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế. Hệ thống chính sách lao động – việc làm và an sinh xã hội Việt Nam đã được hình thành và phát triển từ nhiều thập kỷ, ngày càng nhiều nhóm đối tượng được tham gia và hưởng lợi từ các chính sách này, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái
Bên cạnh việc chăm lo phát triển an sinh xã hội, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm tới thúc đẩy bình đẳng giới. Trong thời gian qua,  nhiều chính sách quan trọng về bình đẳng giới được ban hành và triển khai trong thực tế như Luật Bình đẳng giới (2006), Luật về Phòng chống bạo lực gia đình (2007), Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015… Các chính sách này đã tạo ra khung khổ pháp lý quan trọng cho việc thực hiện bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực an sinh xã hội nói riêng.
Trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam” năm 2015, Viện Khoa học Lao động và Xã hội phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đồng tổ chức hội thảo “Thúc đẩy an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam” được diễn ra sáng ngày 21/4/2015 tại Hà Nội.

Bà PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội,  Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

Tới tham dự hội thảo có Ông TS. Haroon Akram-Lodhi, Giáo sư Nghiên cứu Phát triển Quốc tế và Trưởng khoa Nghiên cứu Phát triển Quốc tế trường đại học Trent, Canada và đại diện của Bộ ngoại giao và thương mại Úc, các  đại biểu đến từ Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại diện các cục, vụ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (vụ Bình đẳng giới, cục Bảo trợ xã hội, cục Trẻ em, cục Việc làm, vụ hợp tác quốc tế,…), đại diện các Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, BHXH Việt Nam, Tổng cục thống kê; đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học và đại diện các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
Trong bài trình bày của mình, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương đã giới thiệu về hệ thống ASXH Viêt Nam nói chung, những rà soát chính sách ASXH hiện hành cho phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, thực trạng ASXH cho phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam 2004-2014 và đưa ra đề xuất, khuyến nghị trong vấn đề này.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu, những chia sẻ cởi mở đối với vấn đề an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái.
TS. Haroon Akram – Lodhi phát biểu về Bình đẳng giới và an sinh xã hội. Ông cho rằng: Ghi nhận và đánh giá đúng giá trị của công việc nhà và việc chăm sóc không được trả công thông qua việc cung cấp các dịch vụ công, các chính sách về cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội; thúc đẩy việc chia sẻ trách nhiệm trong gia đình và trong xã hội một cách phù hợp.
Bà Đoàn Thị Kim Thủy (Vụ Bình đẳng giới) trong bài phát biểu của mình đã nêu lên những thành quả của bình đẳng giới đóng góp vào việc thực hiện an sinh xã hội như: Đào tạo nghề cho lao động nữ ở nông thôn, Hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo, Đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, Đảm bảo bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
Thay mặt Viện Khoa học Lao động và Xã hội, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng trân trọng cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ của Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ trong thời gian qua, đồng thời cám ơn các ý kiến đóng góp, thảo luận của đại biểu có mặt tại hội thảo.  Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, các ý kiến đóng góp, xây dựng tại hội thảo sẽ góp phần hoàn thiện hơn đối với nghiên cứu tăng cường bình đẳng giới, việc làm và an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái trong tương lai tại Việt Nam.