Ảnh hưởng của đình trệ kinh tế đến thay đổi việc làm và tác động hệ thống an sinh xã hội

07/07/2015 00:00:00

Ảnh hưởng của đình trệ kinh tế đến thay đổi việc làm và tác động hệ thống an sinh xã hội

Mục tiêu

Mục tiêu chung của RIM là nhằm thu thập thông tin định tính một cách nhanh nhất để bổ trợ cho các thông tin định lượng và cung cấp các thông tin và phân tích đó tới các bên liên quan để phục vụ quá trình ra quyết định chính sách để giảm thiểu các tác động tiêu cực của suy giảm tăng trưởng và bất ổn vĩ mô tới các nhóm dễ bị tổn thương.

Những phát hiện chính

  • Ba ngành chịu ảnh hưởng mạnh bởi tình trạn đình trệ kinh tế kéo dài là nông nghiệp, xây dựng và bán lẻ. Ngành xây dựng bị ảnh hưởng mạnh nhất (ở cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức). Một số ngành cung cấp đầu vào cho xây dựng như: vật liệu xây dựng, thép, xi măng… cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. Ngành bán lẻ vẫn giữ được mức tăng trưởng nhưng mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa: (1) doanh nghiệp bán lẻ; (2) tiểu thương; và (3) người bán hàng rong. Trong nông nghiệp, ngành chăn nuôi và trồng hoa màu bị tác động mạnh do cạnh tranh tăng và sức tiêu thụ giảm.
  • Cùng với các dòng dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, xuất hiện các dòng lao động di chuyển ngược từ khu vực chính thức sang phi chính thức; từ thành thị quay về nông thôn, từ phi nông nghiệp sang nông nghiệp.
  • Các cú sốc chủ yếu với người lao động là: (1) mất việc làm, phải chuyển việc làm và giảm giờ làm (nhất là với ngành xây dựng); (2) bị cạnh tranh về việc làm và khó khăn về đầu ra (với nông nghiệp và bán lẻ); và (3) giảm thu nhập (ở cả 3 ngành).
  • Với các qui định chính sách bảo hiểm hiện hành (BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT bắt buộc), những lao động bị tác động mạnh và trên diện rộng [như đề cập ở trên] không thuộc diện được tham gia (do không có hợp đồng lao động hoặc chỉ có hợp đồng lao động ngắn hạn). Mặt khác, hầu hết những người lao động này cũng không tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự nguyện, vì: (i) không biết hoặc hiểu biết chính sách không đầy đủ; (ii) năng lực tài chính của họ còn hạn hẹp nên khó tham gia vào hệ thống trong khi chưa có cơ chế khuyến khích của Nhà nước. Do vậy, bị rủi ro về việc làm, mất hoặc giảm thu nhập, họ không được hệ thống bảo hiểm xã hội hỗ trợ.

Các hộ gia đình có thu nhập bị suy giảm nhìn chung vẫn duy trì mức dinh dưỡng và chăm sóc y tế, giáo dục cho trẻ em. Trong trường hợp cạn kiệt tài chính, các hộ gia đình thường vay mượn từ người thân, họ hàng, bạn bè hoặc các nguồn vay mượn phi chính thức như vay nóng lãi suất cao để duy trì việc học tập và chăm sóc sức khỏe cho con em mình cũng như các chi tiêu tối thiểu khác trong gia đình.

Giải pháp khuyến nghị

  • Hỗ trợ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua được thời điểm khó khăn thông qua các chính sách giảm/giãn các khoản phải đóng (các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…) và tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý.
  • Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, trong đó, phải phát triển hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm đảm bảo hỗ trợ người lao động trong cung cấp thông tin và tư vấn giới thiệu việc làm.
  • Xúc tiến hoạt động nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chương trình việc làm công để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm (chưa thể tìm được việc làm mới trong khu vực thị trường) có việc làm tạm thời, duy trì mức thu nhập tối thiểu.
  • Đảm bảo ký kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động…) thông qua hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát và nâng cao vai trò của các chế tài xử phạt.
  • Xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách về lao động và bảo hiểm như ưu tiên thuê mặt bằng, vay vốn sản xuất kinh doanh…
  • Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách lao động, việc làm và an sinh xã hội.
  • Hoàn thiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cơ bản. Mọi lao động trong doanh nghiệp đều được quyền tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế để khi gặp rủi ro thì được hưởng các chế độ bảo hiểm với mức hưởng và thời gian hưởng phụ thuộc vào mức đóng và thời gian đóng của từng đối tượng.
  • Đa dạng các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện thay vì chi có 2 chế độ hưu trí và tử tuất như hiện nay và đặc biệt là sớm ban hành chính sách khuyến khích nông dân và lao động trong khu vực phi chính thức tham gia

Có tiêu chí cụ thể về thời gian cư trú ở nơi đến của người di cư để được hưởng các chính sách ASXH tương tự như người dân bản địa, đặc biệt là việc đảm bảo tiếp cận hệ thống giáo dục công lập của trẻ em các hộ gia đình di cư.

2013 – ThS Lưu Quang Tuấn, ThS Lê Ngự Bình, ThS Chử Thị Lân, ThS Phạm Thị Bảo Hà, ThS Nguyễn Vân Trang

Dự án hỗ trợ Giảm nghèo (PRPP) – UNDP