Bản tin tóm tắt chính sách số 2 – Bảo hiểm xã hội – Tăng cường an sinh xã hội cho mọi người dân

07/07/2015 00:00:00

Tăng cường an sinh xã hội cho mọi người dân

Mục tiêu

Đánh giá thực trạng độ bao phủ của chính sách Bảo hiểm xã hội (bắt buộc và tự nguyện); đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm tăng cường hiệu quả thực thi chính sách BHXH, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Những phát hiện chính

Độ bao phủ của BHXH là mức độ hiệu quả của việc thực hiện các chính sách và chương trình BHXH, bảo đảm cho nhiều người dân được tham gia và tăng cường mức độ bảo vệ (mức độ hưởng lợi) của người dân. Độ bao phủ được đo bằng 2 chỉ tiêu cơ bản: độ bao phủ theo chiều rộng (tiềm năng, theo luật định và thực tế) và độ bao phủ theo chiều sâu.

  • Độ bao phủ tiềm năng: Giai đoạn 2009-2014, dân số trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động tăng từ 49,6 triệu người năm 2009 lên 54,2 triệu người năm 2014, tốc độ tăng bình quân 1,6%/năm.
  • Độ bao phủ theo luật định: Cùng với việc mở rộng chính sách BHXH (về loại hình bảo hiểm, đối tượng tham gia, chế độ hưởng…), phạm vi bao phủ của BHXH (bắt buộc và tự nguyện) đã tăng lên đến 100% lực lượng lao động.
  • Độ bao phủ thực tế: Tổng số người tham gia BHXH tăng từ gần 9 triệu người năm 2009 lên khoảng 11,4 triệu người năm 2014, tốc độ tăng đạt 5,1% một năm, trong đó phần lớn là tham gia BHXH bắt buộc. So với dân số tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ bao phủ của BHXH khá thấp, năm 2014 chỉ đạt 21,1%, tương đương mức bao phủ khoảng 1/5 lực lượng lao động.

Độ bao phủ theo chiều sâu: Tổng số người hưởng chế độ hưu trí tăng từ gần 1,74 triệu người năm 2009 lên gần 2,2 triệu người năm 2014. Tuy nhiên, so với số người từ 60 tuổi trở lên, tỷ lệ người hưởng chế độ hưu trí còn thấp, thậm chí giảm đi, từ 22,4% năm 2009 xuống 20,9% năm 2014 do tác động của già hóa dân số. Chênh lệch giữa tiền hưu trí bình quân và mức lương tối thiểu theo luật định có xu hướng tăng từ 2,7 lần năm 2009 lên 3 lần năm 2014. Giai đoạn 2009-2014, tổng thu BHXH tăng với tốc độ bình quân 25,6%/năm, đạt gần 139 nghìn tỷ đồng năm 2013 và ước tính đến tháng 9/2014 đạt gần 94 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2009 đến tháng 9/2014, tổng chi BHXH tăng nhanh hơn so với thu BHXH, với tốc độ 29,20%/năm, đạt gần 99,5 nghìn tỷ đồng tính đến tháng 9/2014. Do chi tăng nhanh hơn thu, nên tỷ lệ chi/thu có xu hướng tăng trong giai đoạn 2009-2012, từ 75,7% năm 2009 lên 76,2% năm 2012 và đến năm 2013 giảm xuống còn 55,9%, tuy nhiên, đang có xu hướng tăng nhanh trở lại, ước tính đến tháng 9/2014, tỷ lệ chi/thu đã đạt mức 70,5%. Điều này cho thấy tiềm ẩn nguy cơ bất ổn quỹ rất lớn.

Giải pháp, khuyến nghị

  • Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai áp dụng luật BHXH sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ VIII ngày 20/11/2014.
  • Tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về BHXH; hoàn thiện việc chi trả, theo dõi đối tượng BHXH, xóa bỏ yếu tố “hộ khẩu” trong việc tổ chức tham gia đóng – hưởng BHXH tự nguyện.
  • Tiếp tục hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng bảo đảm bình đẳng về chính sách và chế độ giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện để khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.
  • Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHXH. Triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ trong tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH.
  • Tiếp tục nghiên cứu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để giảm sức ép đối với quỹ BHXH; trước mắt sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành điều 187 quy định về kéo dài thời gian làm việc của người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu lên các nhóm đối tượng khác.
  • Tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sâu hơn tác động của tuổi nghỉ hưu đến cân bằng quỹ BHXH, thị trường lao động và phát triển kinh tế xã hội.

Xây dựng lộ trình mở rộng diện bao phủ của chính sách lương hưu xã hội (chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng bằng tiền mặt) đối với người cao tuổi (từ 60 đến dưới 80 tuổi) không có nguồn thu nhập ổn định hoặc không được hưởng tiền hưu trí hay trợ cấp BHXH.

2014 – TS Nguyễn Thị Lan Hương, ThS Giản Thành Công, ThS Nguyễn Thị Vĩnh Hà

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)