Báo cáo tóm tắt An sinh xã hội thế giới 2014/2015 – Hướng tới phục hồi kinh tế, phát triển toàn diện và công bằng xã hội

16/07/2015 00:00:00

Các chính sách an sinh xã hội đóng một vai trò thiết yếu trong việc thực hiện các quyền được bảo hiểm xã hội cho mọi người, giảm đói nghèo

Các chính sách an sinh xã hội đóng một vai trò thiết yếu trong việc thực hiện các quyền được bảo hiểm xã hội cho mọi người, giảm đói nghèo – bất bình đẳng và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện. Thật vậy, các chính sách ASXH thúc đẩy tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất, thúc đẩy nhu cầu trong nước và tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu nền kinh của các quốc gia. Báo cáo này của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhằm: i) cung cấp một cái nhìn tổng quan về cơ cấu tổ chức của các hệ thống an sinh xã hội, về mức độ bao phủ của hệ thống ASXH, về các trợ cấp, cũng như chi tiêu công cho bảo hiểm xã hội; ii) giới thiệu phương pháp tiếp cận dựa trên vòng đời, các chiến lược an sinh xã hội cho trẻ em, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi lao động và cho người cao tuổi; iii) phân tích các xu hướng và chính sách hiện hành, bao gồm các tác động tiêu cực của việc hợp nhất và điều chỉnh các biện pháp tài chính; và iv) các định hướng mở rộng an sinh xã hội như là một phương tiện để vượt qua khủng hoảng, để đảm bảo sự phát triển toàn diện và thúc đẩy công bằng xã hội.

Các quyền cơ bản của tất cả mọi người về an sinh xã hội vẫn còn là một khoảng cách xa với thực tế đối với một bộ phận lớn dân số thế giới, mặc dù sự cần thiết về an sinh xã hội đã được công nhận rộng rãi. Chỉ có 27% dân số thế giới có thể tiếp cận được hệ thống BHXH một cách toàn diện, trong khi 73% chỉ hưởng một phần BHXH hoặc không được hưởng.

Thiếu tiếp cận với an sinh xã hội là một trở ngại lớn cho phát triển kinh tế và xã hội. An sinh xã hội không đầy đủ hoặc không tồn tại dẫn đến tăng mức độ nghèo đói, làm mất an ninh và tính bền vững về kinh tế, gia tăng mức độ bất bình đẳng, thiếu nguồn vốn tài chính và vốn con người, và tổng cầu yếu trong giai đoạn suy thoái và tăng trưởng thấp.

Với những lợi ích quan trọng của nó, an sinh xã hội là một trong những mục tiêu ưu tiên của phát triển. An sinh xã hội là một phần thiết yếu của chiến lược quốc gia để thúc đẩy phát triển con người, sự ổn định chính trị và tăng trưởng toàn diện. Khuyến nghị số 202 về sàn an sinh xã hội năm 2012 thể hiện sự đồng thuận giữa các chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động tại 185 nước đang phát triển về việc mở rộng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, G20 và Liên Hợp Quốc cũng đã hỗ trợ việc thành lập sàn an sinh xã hội ở các quốc gia.

Mặc dù xu hướng toàn cầu hướng đến mở rộng an sinh xã hội, đặc biệt là ở các nước thu nhập trung bình, nhưng hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội vẫn chỉ là triển vọng ở một số nước do thực hiện các biện pháp củng cố và điều chỉnh tài chính công. Những xu hướng này được trình bày trong các chương khác nhau của báo cáo, theo cách tiếp cận dựa trên vòng đời.

An sinh xã hội cho trẻ em và gia đình: một quyền còn chưa được nhận thức đầy đủ

Chính sách an sinh xã hội là một trong những chính sách giúp thực hiện có hiệu quả các quyền của trẻ em. Các chính sách này đảm bảo phúc lợi của trẻ em, phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo, dễ bị tổn thương và giúp trẻ em phát triển toàn diện. Các chính sách an sinh xã hội hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ em và gia đình về an ninh thu nhập, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình có số lượng lớn trẻ em, mặc dù đã có sự mở rộng đáng kể về các chế độ ASXH. Gần 18 nghìn trẻ em chết mỗi ngày do các nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Thực tế trong số trẻ em bị chết đó, có nhiều trường hợp có thể ngăn chặn được thông qua một hệ thống chính sách an sinh xã hội đầy đủ.

An sinh xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại lao động trẻ em vì chính sách này giúp làm giảm tính tổn thương về kinh tế của gia đình, giúp cho trẻ em đi học và bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro bóc lột. Cần phải nỗ lực tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh thu nhập cho trẻ em và gia đình. Nhiều trẻ em không được hưởng lợi từ các trợ giúp bằng tiền mặt cần thiết để có thể cải thiện tình hình của trẻ trong các lĩnh vực dinh dưỡng, y tế, giáo dục và các dịch vụ chăm sóc. Đã có 108 quốc gia đưa ra các chương trình trợ cấp cụ thể cho trẻ em và gia đình trong hệ thống luật pháp, tuy nhiên, các chương trình này cũng chỉ bao phủ đến một tỷ lệ nhỏ dân số. Tuy nhiên, vẫn có đến 75 quốc gia không có các chương trình trợ giúp cụ thể cho trẻ em và gia đình.

Tính trung bình, các Chính phủ chi tiêu 0,4% GDP cho trợ cấp cho trẻ em và gia đình, dao động từ 2,2% ở các nước Tây Âu đến 0,2% ở Châu Phi và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những bất cập về đầu tư cho trẻ em gây ảnh hưởng đến quyền lợi và tương lai của trẻ, cũng như ảnh hưởng đến triển vọng phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia.

Việc thực hiện các biện pháp điều chỉnh và củng cố tài chính công ở các nước có thu nhập cao đã gây tổn hại đến những tiến bộ đạt được về an ninh thu nhập cho trẻ em và gia đình của trẻ. Có 19/28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu ghi nhận sự gia tăng nghèo ở trẻ em trong giai đoạn 2007-2012.

An sinh xã hội của dân số trong độ tuổi lao động: tiến đến an ninh thu nhập

An sinh xã hội giữ vai trò cần thiết đối với phụ nữ và nam giới trong độ tuổi lao động trong việc ổn định thu nhập của họ trong các trường hợp bị thất nghiệp, tai nạn lao động, tàn tật, ốm đau, thai sản, bảo đảm cho họ một mức thu nhập tối thiểu. Trong khi thị trường lao động là nguồn chính đảm bảo an ninh thu nhập trong suốt thời gian làm việc của cá nhân, thì an sinh xã hội can thiệp bằng cách duy trì ổn định thu nhập của hộ gia đình và tổng cầu, trong đó tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế.

Trên toàn cầu, 2,3% GDP dành cho chi tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ và nam giới để đảm bảo an ninh thu nhập trong suốt thời kỳ ở độ tuổi lao động. Theo khu vực, con số này dao động từ 0,5% GDP ở Châu Phi đến 5,9% GDP ở Tây Âu.

Bảo vệ chống lại thất nghiệp

Các chế độ trợ cấp thất nghiệp là một phương tiện hữu hiệu để đảm bảo an ninh thu nhập cho người lao động và gia đình họ trong trường hợp thất nghiệp tạm thời. Như vậy, các trợ cấp thất nghiệp góp phần giảm nghèo, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chống lại sự chuyển dịch lao động từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức trong giai đoạn khủng hoảng, ổn định tổng cầu và đẩy nhanh sự hồi phục của nền kinh tế.

Tuy nhiên, chỉ có 28% người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp trên toàn thế giới có thể tiếp cận các trợ cấp (đóng hưởng hoặc không đóng hưởng) theo pháp luật quốc gia áp dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất khác nhau do khoảng cách giữa các khu vực là rất lớn: 80% lao động ở châu Âu được hưởng các chế độ thất nghiệp so với 38% ở Châu Mỹ La Tinh, 21% ở Trung Đông, 17% trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và 8% ở Châu Phi. Hơn nữa, chỉ có 12% người lao động thất nghiệp trên thế giới là đối tượng thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp, và ở điểm này cũng có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Độ bao phủ thực tế nằm trong khoảng từ 64% người lao động thất nghiệp ở Tây Âu được hưởng trợ cấp thất nghiệp, 7% trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, 5% phần trăm ở Mỹ Latinh và vùng Caribê, và dưới 3 phần trăm ở Trung Đông và châu Phi.

Một số quốc gia mới nổi như Bahrain và Việt Nam đã thiết lập các chương trình trợ cấp thất nghiệp như một phương tiện để đảm bảo an ninh thu nhập của người lao động thất nghiệp và để tạo điều kiện cho họ tìm kiếm một công việc phù hợp với kỹ năng trong khu vực kinh tế chính thức. Chế độ bảo đảm việc làm ở Ấn Độ (Mahatma Gandhi National Employment Guarantee Scheme) cũng cung cấp một hình thức bảo vệ chống thất nghiệp bằng cách đảm bảo 100 ngày làm việc công cho hộ gia đình nông thôn nghèo.

Bảo vệ trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Trong năm 2013, thế giới bị chấn động bởi sự sụp đổ bi thảm của tòa nhà Rana Plaza ở Bangladesh và thừa nhận mức độ trầm trọng của tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, vì thế, an sinh xã hội là cần thiết để bảo vệ người lao động và gia đình của họ chống lại các tác động về tài chính xuất phát từ nguy cơ này và để tạo điều kiện phục hồi chức năng của họ. Tuy nhiên, chỉ có 33,9% lực lượng lao động toàn cầu được bao phủ không phải chỉ bởi luật pháp quốc gia về phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, mà còn được đảm bảo bởi chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc. Độ bao phủ theo luật chỉ đạt được 39,4% lực lượng lao động, mặc dù phạm vi bao phủ của bảo hiểm xã hội tự nguyện và phạm vi trách nhiệm của người sử dụng lao động được quy định. Việc tiếp cận chính sách bảo vệ phòng ngừa tai nạn lao động thực tế còn nhiều hạn chế, chủ yếu là do việc thực hiện không đầy đủ về pháp luật ở nhiều nước.

Trong nhiều quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình, phạm vi bao phủ yếu của chế độ bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho thấy rằng cần phải thực hiện cải thiện khẩn cấp về y tế và an toàn tại nơi làm việc, cũng như cải thiện độ bao phủ của bảo hiểm trong trường hợp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho tất cả người lao động, bao gồm cả những người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức. Mức độ bảo hiểm cho người lao động sẽ được cải thiện khi ngày càng nhiều quốc gia hiện nay đang chuyển sang cơ chế bảo vệ dựa trên bảo hiểm xã hội, thay vì dựa trên hệ thống trách nhiệm của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi áp dụng các quy định pháp luật mới.

Trợ cấp khuyết tật

An sinh xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp đáp ứng các nhu cầu cụ thể của người khuyết tật trong việc đảm bảo an ninh thu nhập, tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hòa nhập xã hội. Các biện pháp hiệu quả để hỗ trợ những nỗ lực của người khuyết tật tìm kiếm và duy trì việc làm chất lượng là một phần quan trọng của các chính sách không phân biệt đối xử và toàn diện giúp cho người tàn tật khẳng định quyền của mình và thực hiện mong muốn trở thành thành viên sản xuất của xã hội.

Ngoài các chế độ có đóng hưởng, các trợ cấp khuyết tật không đóng hưởng giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ những người khuyết tật mà hiện không được (hoặc chưa được) hưởng các chế độ trợ cấp có đóng hưởng. Chỉ có 87 quốc gia quy định chế độ trợ cấp không đóng hưởng trong khung khổ pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, các trợ cấp không đóng hưởng sẽ cung cấp một mức tối thiểu bảo đảm thu nhập cho người khuyết tật từ khi mới sinh hoặc trước khi đạt đến độ tuổi lao động, và những người không có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội dù bất kể lý do gì để đủ điều kiện hưởng trợ cấp.

Chính sách thai sản

Chính sách thai sản có hiệu quả, đảm bảo an toàn về thu nhập cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh của các bà mẹ và gia đình của họ, cũng như sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ có chất lượng. Nó cũng thúc đẩy bình đẳng trong lĩnh vực việc làm và lao động.

Trên toàn cầu, dưới 40% phụ nữ đang làm việc được bao phủ bởi pháp luật theo các chế độ trợ cấp thai sản bắt buộc bằng tiền mặt; 48% được bao phủ bởi bảo hiểm tự nguyện (chủ yếu cho phụ nữ đang tham gia hoạt động kinh tế độc lập). Vì lý do thực thi pháp luật kém trong một số khu vực (chủ yếu là ở châu Á và Thái Bình Dương, châu Mỹ Latin và châu Phi), độ bao phủ thậm chí còn hạn chế hơn: chỉ có 28% phụ nữ làm việc trên thế giới được bảo vệ bởi trợ cấp thai sản bằng tiền mặt, trong đó đảm bảo an ninh thu nhập cho họ đến giai đoạn cuối của thai kỳ và sau khi sinh con; sự thiếu an ninh thu nhập đó khiến cho nhiều phụ nữ phải trở lại làm việc sớm. Ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng chính sách trợ cấp thai sản bằng tiền mặt không đóng hưởng để góp phần cải thiện an ninh thu nhập và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho phụ nữ mang thai và bà mẹ trẻ, đặc biệt là phụ nữ nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống.

Đảm bảo tiếp cận hiệu quả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ có chất lượng là cần được quan tâm, đặc biệt là ở các quốc gia nơi mà việc làm trong khu vực kinh tế chính thức chiếm một phần đáng kể.

Hưu trí: trách nhiệm của Nhà nước

Quyền của người cao tuổi về an ninh thu nhập hàm ý quyền được nhận lương hưu đầy đủ đã được ghi nhận trong các quy định về quyền con người nhưng không được ghi nhận trong các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Tuy nhiên, gần một nửa (48%) những người trong độ tuổi nghỉ hưu sẽ không nhận được lương hưu và trợ cấp hưu trí hoặc nhận được ở mức không đủ. Vì vậy, đa số người cao tuổi không được bảo đảm thu nhập, không có quyền hưu trí và phải tiếp tục làm việc càng lâu càng tốt, thường xuyên tham gia các công việc lương thấp và tạm bợ. Theo các luật và quy định hiện hành, chỉ có 42% số người trong độ tuổi lao động hiện nay có thể được nhận lương hưu và trợ cấp hưu trí theo chế độ BHXH trong tương lai; tỷ lệ bao phủ thực tế thậm chí còn thấp hơn. Cần thiết phải lấp đầy sự thiếu hụt về mức độ bao phủ này bằng cách mở rộng các loại trợ cấp không đóng hưởng.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã có những nỗ lực để mở rộng độ bao phủ của các chế độ hưu trí đóng hưởng và thực hiện chế độ hưu không đóng hưởng để đảm bảo an ninh thu nhập cơ bản cho tất cả những người cao tuổi.

Trong cùng thời kỳ, một số nước bắt tay vào củng cố tài chính, cải cách hệ thống hưu trí để giảm chi phí, bao gồm cả việc tăng tuổi nghỉ hưu, giảm mức hưởng và tăng mức đóng.Những điều chỉnh này làm giảm phần đóng góp của nhà nước về trách nhiệm bảo đảm an ninh thu nhập cho người cao tuổi. Phần lớn các rủi ro kinh tế gắn liền với lương hưu do đó đã trở thành trách nhiệm của cá nhân, khiến cho ảnh hưởng đến khả năng phòng ngừa nghèo đói của họ ở tuổi già.

Ít nhất 14 quốc gia trong châu Âu, người về hưu trong tương lai nhận lương hưu thấp hơn.Cần lưu ý rằng trong một số quốc gia, chúng ta đang chứng kiến một sự đảo ngược quá trình tư nhân hoá của hệ thống lương hưu bắt đầu vào những năm 1980 và 1990. Các nước Argentina, Bolivia, Chile, Hungary và Ba Lan đã (hoặc đang) tái quốc hữu hóa hệ thống hưu trí để cải thiện an ninh thu nhập cho người cao tuổi.

Hướng tới phổ cập y tế

Hơn 90% dân số sống ở các nước thu nhập thấp không được hưởng quyền bảo hiểm y tế; cần thiết phải tiến hành các nỗ lực hướng tới phổ cập y tế toàn dân.Trên toàn cầu, 39% dân số không được hưởng lợi từ chính sách này.Do đó, khoảng 40% chi tiêu y tế toàn cầu do những người bệnh trực tiếp chi trả.Tuy nhiên, ngay cả những người trong diện bao phủ pháp lý cũng chỉ nhận được những lợi ích sức khỏe hạn chế, phải trả khoản thanh toán trực tiếp cao và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế cần thiết cho các dịch vụ y tế.Trong hoàn cảnh như vậy, mặc dù được thụ hưởng chính sách, chăm sóc y tế thường không có sẵn hoặc khó tiếp cận. Và để tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, một số bệnh nhân có thể rơi vào đói nghèo.

ILO ước tính trên toàn cầu, cần thêm 10,3 triệu nhân viên y tế nữa để đảm bảo dịch vụ y tế có chất lượng cho tất cả những người có nhu cầu.Khoảng trống này cùng với mức tiền lương của nhân viên y tế thường thấp, đã cản trở bước tiến của việc phổ cập y tế toàn dân.

Trên toàn cầu, 88 quốc gia ở một số vùng đã cho thấy rằng có thể lấp đầy những khoảng trống trong độ bao phủ của y tế.Nhiều nước đã khởi xướng cải cách bất chấp việc giảm thu nhập quốc gia và thực hiện đầu tư trong thời điểm khủng hoảng kinh tế.Hơn nữa, các nước này đã cho thấy rằng có thể đạt được mức độ bao phủ cao, thậm chí là phổ cập toàn dân bằng cách sử dụng các chế độ và hệ thống tài trợ bằng thuế, các khoản đóng góp hoặc kết hợp cả hai.Tuy nhiên, các quốc gia đang thực hiện các biện pháp củng cố tài chính công thường tiến hành những cải cách chăm sóc sức khỏe để cắt giảm chi tiêu, bao gồm cả việc hợp lý hóa chi phí của cơ sở hạ tầng y tế công cộng, cho phép sự tham gia tài chính của bệnh nhân và giảm lương của nhân viên y tế.Những biện pháp điều chỉnh này làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm trầm trọng thêm các hiện tượng bị loại trừ bằng cách chuyển gánh nặng của công quỹ sang các hộ tư nhân.

Đầu tư vào bảo vệ sức khỏe, bao gồm nghỉ ốm hưởng lương, là có hiệu quả.Tuy nhiên, chi tiêu công cho y tế hiện nay quá thấp để đạt hiệu quả mong muốn: hiệu quả kinh tế tiềm năng từ việc tăng năng suất và việc làm không thể đạt được khi vẫn còn tồn tại sự chênh lệch trong phạm vi bao phủ.Lấp đầy các khoảng trống này sẽ dẫn đến tỷ lệ hoàn vốn cao ở những nước nghèo nhất.

Cần phải đẩy mạnh các hành động chung để tiến tới bao phủ y tế toàn dân và hướng tới việc thành lập sàn an sinh xã hội quốc gia như một mục tiêu mà Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây đã kêu gọi.

Mở rộng an sinh xã hội: một yếu tố quyết định để thoát khỏi khủng hoảng và phát triển toàn diện

Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của BHXH là một quyền của con người và nhu cầu kinh tế xã hội, như đã nêu trong Khuyến nghị số 202 về sàn an sinh xã hội năm 2012.

Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng (2008-2009), an sinh xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ứng phó với khủng hoảng thông qua thực hiện các biện pháp mở rộng chính sách.Khoảng 48 quốc gia bao gồm các nước thu nhập trung bình và thu nhập cao công bố gói kích thích tài chính với tổng giá trị 2.400 tỷ USD, trong đó khoảng một phần tư được đầu tư vào các biện pháp an sinh xã hội để đảo ngược tình thế.

Trong giai đoạn thứ hai của cuộc khủng hoảng (từ năm 2010), các Chính phủ đã bắt tay vào việc củng cố tài chính công và cắt giảm chi tiêu, bất chấp nhu cầu cấp bách để hỗ trợ công cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.Trong năm 2014, dự kiến mức điều chỉnh chi tiêu công tăng lên đáng kể: theo dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), 122 quốc gia (trong đó có 82 nước đang phát triển) giảm chi tiêu của họ theo phần trăm GDP.Ngoài ra, một phần năm của các quốc gia này đã thắt chặt tài chính quá mức, thể hiện thông qua việc giảm chi tiêu công dưới mức trước khi khủng hoảng xảy ra.

Trái ngược với quan điểm của dư luận chung,các biện pháp củng cố tài chính côngkhông chỉ giới hạn ở châu Âu;nhiều nước đang phát triển đã áp dụng các biện pháp điều chỉnh.Đặc biệt, các nước này loại bỏ hoặc giảm trợ cấp thực phẩm và năng lượng, cắt giảm tiền lương hoặc mức lương trần, bao gồm đối với cả nhân viên y tế và nhân viên xã hội. Trợ cấp an sinh xã hội có tổ chức và có mục tiêu tốt hơn, thông qua những cải cách đối với hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe.Nhiều chính phủ cũng có kế hoạch để thực hiện các biện pháp tăng nguồnthu, ví dụ bằng cách tăng thuế tiêu dùng như thuế GTGT đối với các hàng hóa cơ bản được tiêu thụ bởi các hộ nghèo.

Ở các nước đang phát triển, một phần lợi nhuận từ những điều chỉnh này, bao gồm việc loại bỏ các khoản trợ cấp, đã được sử dụng để thiết kế lưới an toàn hoạt động trên cơ sở xác định đối tượng một cách hạn chế, bù đắp cho nhóm dân số nghèo nhất. Tuy nhiên, số lượng lớn các hộ gia đình dễ bị tổn thương có thu nhập thấp ở các nước đang phát triển cần nhiều nỗ lực hơn nữa được tăng không gian tài chính đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số này trong khuôn khổ an sinh xã hội.Điều quan trọng là phải lưu ý các xu hướng khác nhau ở các nước giàu và các nước nghèo, trong khi nhiều quốc gia có thu nhập cao giảm mức độ mở rộng của hệ thống an sinh xã hội, nhiều nước đang phát triển lại mở rộng các hệ thống này.

Các nước có thu nhập cao đã giảm mức trợ cấp an sinh xã hội và hạn chế tiếp cận với các dịch vụ công có chất lượng.Cùng với tình trạng thất nghiệp dai dẳng, lương thấp hơn và thuế cao hơn, những biện pháp này góp phần làm tăng nghèo đói và loại trừ xã hội, mà hiện nay ảnh hưởng đến 123 triệu người ở châu Âu, hay 24% dân số, trong đó có nhiều trẻ em, phụ nữ, người già và người khuyết tật.Chi phí điều chỉnh phát sinh bởi những người đang phải đối mặt với cắt giảm việc làm và thu nhập thấp hơn năm năm qua.Mức thu nhập thấp của hộ gia đình dẫn đến sự suy giảm trong tiêu dùng và tổng cầu trong nước, làm chậm lại sự phục hồi.Những cải cách điều chỉnh ngắn hạn đang phá hoại những thành tựu của mô hình xã hội châu Âu, vốn làm giảm đáng kể đói nghèo và thúc đẩy sự thịnh vượng từ sau Thế chiến II.

Nhiều quốc gia thu nhập trung bình đang thực hiện kế hoạch đầy tham vọng mở rộng hệ thống an sinh xã hội, góp phần vào chiến lược tăng trưởng tập trung vào tổng cầu trong nước: có thể học được một bài học có giá trị về phát triển. Ví dụ ở Trung Quốc, độ bao phủ của hưu trí là gần như phổ quát và tiền lương đã tăng lên; Brazil, mở rộng độ bao phủ của an sinh xã hội và tăng lương tối thiểu liên tục kể từ năm 2009. Cam kết liên tục về mở rộng độ bao phủ của ASXH là rất quan trọng để loại bỏ sự bất bình đẳng dai dẳng.
Một số quốc gia có thu nhập thấp đã mở rộng an sinh xã hội, chủ yếu là thông qua lưới an toàn tạm thời với mức trợ cấp rất thấp. Tuy nhiên, nhiều trong số các nước này đang thảo luận việc thành lập sàn an sinh xã hội trong hệ thống an sinh xã hội toàn diện.

Ngày nay, vấn đề an sinh xã hội là cần thiết, thúc đẩy các quyền cơ bản về an sinh xã hội và là một thành phần thiết yếu của chính sách kinh tế hoàn chỉnh.An sinh xã hội đóng vai trò quan trọng trong giảm nghèo, giảm loại trừ xã hội và bất bình đẳng, đồng thời thúc đẩy sự ổn định chính trị và gắn kết xã hội.An sinh xã hội góp phần vào tăng trưởng kinh tế bằng cách hỗ trợ thu nhập hộ gia đình, và từ đó tăng tiêu dùng trong nước, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn kinh tế phục hồi chậm và tổng cầu thế giới yếu.Hơn nữa, an sinh xã hội tăng cường nguồn nhân lực và năng suất;trở thành một chính sách quan trọng trong chuyển đổi định hướng phát triển quốc gia. An sinh xã hội, và đặc biệt là sàn an sinh xã hội là rất cần thiết cho sự phục hồi, phát triển toàn diện và công bằng xã hội, và chắc chắn là một phần của chương trình phát triển sau năm 2015./.

ThS Nguyễn Thị Vĩnh Hà, ThS Phạm Thị Bảo Hà (dịch)