Các giải pháp hỗ trợ sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

02/07/2015 00:00:00

Các giải pháp hỗ trợ sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đối với người nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng cao thêm 1m so với hiện nay, ước tính khoảng 40% diện tích trồng trọt của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị tác động bởi ngập lụt thường xuyên và xâm thực mặn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sinh kế của người dân. Do vậy, bên cạnh việc nghiên cứu, tổng kết, xây dựng các mô hình sinh kế chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) thì việc đề xuất các giải pháp hỗ trợ thực hiện được sinh kế bền vững cho người nghèo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài này thể hiện kết quả nghiên cứu của Nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Lao động và Xã hội thực hiện trong năm 2013 với các nghiên cứu điển hình tại Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

1. Giải pháp vĩ mô

1.1. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐKH và những tác động của BĐKH.

Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức của cán bộ chuyên môn, cán bộ lãnh đạo và toàn thể người dân về hiện tượng BĐKH, các tác động của BĐKH và NBD, các giải pháp thích ứng với BĐKH và NBD, trước mắt tập trung vào giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức cán bộ lãnh đạo và nhân dân về phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường.

Ứng phó với biến đổi khí hậu trước hết phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức và phải bắt đầu từ các em học sinh, bởi đây sẽ là thế hệ phải đương đầu trực tiếp với kịch bản nước biển dâng. Do vậy, Chương trình hành động nâng cao nhận thức cần bắt đầu từ chiến dịch truyền thông trong trường học và hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền về ứng phó với BĐKH cho các thôn, ấp nghèo xa trung tâm.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh tổng kết, phổ biến, nhân rộng các mô hình sinh kế chủ động thích ứng với BĐKH và thông tin BĐKH tới các cấp quản lý và người dân, đặc biệt là người nghèo, góp phần làm thay đổi các tập tục sản xuất và sinh hoạt gây tác hại đến môi trường, ảnh hưởng bất lợi cho phát triển bền vững.

Cần tạo sự chủ động từ chính phía người nghèo để họ tìm nguyên nhân và giải pháp – xác định họ có cái gì – cần hỗ trợ đến đâu – họ làm như thế nào. Nhà nước chỉ nên giữ vai trò đòn bẩy, tập trung hỗ trợ kiến thức làm ăn, việc làm và cơ sở hạ tầng; cũng nên hỗ trợ người nghèo bằng vật tư hơn là đưa tiền trực tiếp.

1.2. Quy hoạch cụ thể các vùng sản xuất nông nghiệp- phi nông nghiệp

Cần có quy hoạch cụ thể theo từng vùng đất thổ nhưỡng và thế mạnh của địa phương; trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, dự án từ sản xuất giống, đến nuôi trồng, chế biến xuất khẩu sản phẩm; nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi luân canh, xen canh.

Về quy hoạch tổng thể:

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội có lồng ghép các yếu tố tác động của các kịch bản nước biển dâng và BĐKH tới từng địa phương. Áp dụng quản lý tổng hợp vùng bờ để xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và hài hoà quyền lợi của các bên liên quan trong sử dụng và quản lý đới bờ.

Về rừng ngập mặn:

Quy hoạch, quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn để bảo vệ đê kè, chống xói lở bờ biển. Chú ý trồng mới và khả năng thay thế giống cây mới, song song với đó, cần tiến hành nghiên cứu trồng thử nghiệm các giống cây chịu mặn và chịu ngập lâu trong nước hơn như: sú, vẹt, đước, mắm, …

Về thủy lợi:

Trước hết cần có những khảo sát, nghiên cứu có hệ thống để đánh giá một cách cụ thể những tác động của quá trình nước biển dâng đối với từng hệ thống sản xuất nông nghiệp đang được ngọt hóa, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp ứng phó, chỉ ra những nguy cơ của các hệ thống thủy lợi “ngọt hóa” theo thời gian…

Sửa chữa, nâng cấp các đoạn đê biển không đạt tiêu chuẩn và đã hư hỏng hoặc không phù hợp với các dự báo về BĐKH. Đồng bộ hóa các tuyến đê. Xây dựng các công trình thủy lợi theo quy hoạch đã tính đến tác động của BĐKH.

Đánh giá “sự không phù hợp” của hệ thống công trình, của từng thành phần hay hạng mục công trình, của từng lọai kết cấu công trình (ví dụ cửa van cống, kết cấu thủy công) theo thời gian và kịch bản nước biển dâng.

Điều chỉnh, nâng cấp hệ thống đê bao, bờ bao chống lũ phù hợp với mực nước gia tăng vào mùa lũ tại các địa phương.

Về nông nghiệp:

  • Chuyển đổi mùa vụ và cây trồng… nhằm thích nghi với điều kiện mới.
  • Quy hoạch vùng đất lúa và vùng nuôi trồng thủy sản để tránh tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu do canh tác xen kẽ.
  • Đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp giúp tăng sức cạnh tranh nông sản trên thị trường: hộ trợ sản xuất rau quả an toàn theo VietGAP, GlobalGAP, phát triển các vùng đặc sản, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, thúc đẩy thương mại công bằng.
  • Thúc đẩy việc thử nghiệm các cây trồng, vật nuôi mới thích ứng với vùng đất ngập mặn, đất mặn, chua phèn. Nghiên cứu tạo các giống lúa, màu phù hợp trên đất mặn.

– Quy hoạch lại các khu vực nuôi trồng thuỷ sản ngoài bãi và tăng cường áp dụng kiến thức khoa học vào nuôi trồng thuỷ sản.

– Quy hoạch hợp lý ngành khai thác hải sản nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

– Nhà nước cũng cần có các chính sách phát triển công nghiệp, xây dựng thêm nhà máy gần khu nguyên liệu nông sản, thủy sản và xây dựng các khu công nghiệp hợp lý hơn ở vùng ĐBSCL.

1.3. Cải tạo và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt đê biển.

  • Nâng cấp đường giao thông để tránh úng ngập, bảo đảm giao thông thuận tiện ngay cả trong điều kiện ngập lụt do vỡ đê, sử dụng các đường giao thông như là các đê phụ để nếu có vỡ đê, ngập lụt không xảy ra trên diện rộng.

– Nâng cấp các công trình tiêu thoát nước tại các khu vực có nguy cơ úng ngập cao để đảm bảo tiêu thoát nước nhanh sau khi mưa, phòng tránh úng ngập gây thiệt hại cho nông nghiệp.

– Nâng cấp một số công trình công cộng (như trường học, nhà uỷ ban v.v.) để có thể sử dụng làm nơi sơ tán trong thiên tai bão, lụt.

  • Quy hoạch ngành điện ở một số vùng ven biển đã không còn phù hợp.
  • Xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng cá, bến cá, khu neo đậu tầu thuyền, cơ sở bảo quản chế biến sản phẩm có tính đến các yếu tố về nước biển dâng và nhiệt độ tăng.

1.4. Ưu tiên phát triển khoa học công nghệ trong dự báo thời tiết và ứng dụng công nghệ mới trong trồng trọt/chăn nuôi/thủy hải sản

  • Lựa chọn để nhập công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm nhằm ứng dụng, chuyển giao nhanh nhất các thành tựu khoa học tiên tiến vào sản xuất.
  • Về dự báo thời tiết, ngoài việc trang bị trang thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại, thì cần tăng cường hợp tác với các nước trong vùng để cùng ứng phó với những tác động của BĐKH.
  • Về ứng dụng công nghệ mới trong trồng trọt, cần lưu ý khuyến khích nghiên cứu các giống mới có khả năng thích ứng cao với những biến đổi do BĐKH gây ra, ví dụ như lúa chịu hạn, chịu mặn với nồng độ cao hơn.
  • Nghiên cứu các giống mới, con mới đồng thời cũng để có thể đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nhằm đa dạng hóa sinh kế của người dân, giảm thiểu rủi ro trước tác động của BĐKH và nước biển dâng.
  • Phát triển những giống cá có thể thích nghi với nhiệt độ cao, du nhập các loài thủy sản thích nghi với nhiệt độ tăng cao và độ mặn cao như tôm hùm, tôm sú, cá bống tượng;

1.5. Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động và xây dựng cơ chế tài chính thích hợp ứng phó với BĐKH

– Ngân sách nhà nước thực hiện đầu tư và hỗ trợ đầu tư: xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm theo phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị sản phẩm.

– Vốn của các tổ chức, cá nhân: Đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở chế biến theo hướng công nghiệp, hiện đại, đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến xuất khẩu nhằm tăng dần tỷ trọng xuất khẩu hàng có giá trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng hàng sơ chế, hàng có giá trị gia tăng thấp; xây dựng và quảng bá thương hiệu cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp; đầu tư bảo đảm các điều kiện cho việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc và áp dụng các chương trình sản xuất tiên tiến và bảo vệ môi trường.

– Xây dựng cơ chế tài chính thích hợp và Quỹ để sử dụng cho phòng chống thiên tai, hỗ trợ tái định cư và chuyển đổi nghề nghiệp.

1.6. Tăng cường liên kết “Bốn nhà”

– Trước tiên cần xác định lợi thế tương đối của từng vùng đặc thù của lãnh thổ: cần đánh giá lại vùng nào có thế mạnh về cây gì, con gì và có lợi thế hơn vùng . Từ đó, các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp để tạo điều kiện tốt cho nông dân sản xuất mặt hàng phù hợp.

– Nhà nước và doanh nghiệp cần xác định thị trường cho từng sản phẩm mũi nhọn để chuẩn bị xúc tiến thương mại.

– Tổ chức tập hợp nông dân xây dựng từng “Cụm liên kết sản xuất theo nông nghiệp kỹ thuật cao” (NNKTC) hoặc những hợp tác xã nông nghiệp, trang trại lớn, có khả năng tạo ra những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế.

– Tập hợp khoa học kỹ thuật: gồm các Bộ, ngành chuyên môn, trường đại học hoăc trung tâm, viện nghiên cứu gần nhất vùng của hợp tác xã hoặc cụm liên kết, để nghiên cứu và ứng dụng

– Tập hợp các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gồm Ngân hàng, Công ty hóa chất nông nghiệp, Công ty bảo quản, chế biển bao bì, phân phối cho mạng lưới đại lý trong nước, và xuất khẩu hàng có thương hiệu sang Nhật Bản, Úc, châu Âu, Mỹ, v.v.

  • Hoàn thiện các chính sách thị trường bảo vệ quyền lợi cho người nghèo
  • Hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước ngành nông, lâm, thủy sản từ trung ương đến địa phương. Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng nông sản sản, quản lý chất lượng theo chuỗi sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc; đặc biệt về chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y và các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, các chất bảo quản sản phẩm thủy sản.
  • Nghiên cứu xây dựng các giải pháp đồng bộ (dự báo thị trường, marketing, thể chế thị trường…) để người nghèo có thể tham gia hiệu quả vào thị trường.
  • Thiết kế cơ chế để giảm thiểu tác động tiêu cực của thị trường đối với người nghèo.
  • Bảo hiểm nông nghiệp là một chương trình rất có ý nghĩa cho người hộ nghèo sản xuất nông nghiệp (hộ nghèo được Chính phủ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm) và có ý nghĩa lớn trong thích ứng với BĐKH ở nước ta.
  • Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người nghèo như hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, đất đai, trợ giúp thiệt hại nông nghiệp sau thiên tai,

2. Giải pháp của Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội

2.1. Nhóm chính sách về phòng ngừa

– Lồng ghép hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho nông dân vào Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/2009/TTg theo hướng tập trung vào: (i) chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp và (ii) sản xuất thâm canh nhằm gia tăng giá trị sử dụng đất và mặt nước. Mức hỗ trợ cho đào tạo nghề và tạo việc làm cho người nghèo cần được tăng lên để đảm bảo đầu tư hỗ trợ “trọn gói” cho người nghèo có thể tiếp cận được với việc làm. Tăng mức hỗ trợ cho người nghèo tham gia đào tạo nghề, đối với những người nghèo là lao động chính trong gia đình cần có thêm hỗ trợ mức lương thực tối thiểu cho bản thân họ và những người sống phụ thuộc vào họ trong thời gian đào tạo.

  • Trong công tác dạy nghề, mở rộng hướng kết hợp đào tạo nghề tại chỗ, ưu đãi tín dụng được dành cho các doanh nghiệp cam kết đào tạo nghề tại chỗ và nhận người lao động do họ đào tạo nghề.
  • Các địa phương cần xúc tiến xây dựng kế hoạch chuyển đổi việc làm cho những người dân trong vùng bị mất đất.
  • Trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo, xây dựng các dự án tạo việc làm và dạy nghề có tính tới các yếu tố về BĐKH và nước biển dâng, tập trung nhiều hơn vào các dự án vay tín dụng ưu đãi tạo việc làm và ưu đãi trong dạy nghề.

– Lồng ghép vấn đề suy giảm tư liệu sản xuất do thiên tai, BĐKH vào các chương trình tín dụng tạo việc làm và các chương trình giải quyết, chuyển đổi việc làm gắn với di cư.

– Có cơ chế ưu tiên hơn cho hộ nghèo về mức hỗ trợ trong các chương trình hỗ trợ rủi ro của sản xuất nông nghiệp để đảm bảo cho hộ nghèo có điều kiện tái đầu tư sản xuất.

– Tín dụng ưu đãi tạo việc làm cũng cần tập trung cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (vừa và nhỏ) có khả năng tạo ra nhiều việc làm dành cho người nghèo bị ảnh hưởng của BĐKH và các doanh nghiệp nằm trong diện phải di dời bởi nước biển dâng.

– Hộ nghèo ĐBSCL là có chung đặc trưng ít đất hoặc không có đất thì trang bị kiến thức, tay nghề cho lao động nghèo để có việc làm phi nông nghiệp ổn định lại càng là một giải pháp quan trọng.

– Tăng cường hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm gắn với nhu cầu thực cần chuyển đổi việc làm của nông dân.

– Sắp xếp và tổ chức lại, củng cố, nâng cấp, mở rộng, hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất.

– Ban hành chính sách khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất”

– Xây dựng lực lượng ứng phó tại chỗ với thiên tai, tập trung vào: xây dựng các quy định, cơ chế, chính sách phục vụ hoạt động của lực lượng ứng phó tại chỗ với thiên tai, các kế hoạch đào tạo, nâng cao nhận thức, diễn tập; tổ chức thực hiện: xây dựng lực lượng phòng chống thiên tai tại chỗ, thực hiện tập huấn, đào tạo, nâng cao kiến thức, thường xuyên tổ chức diễn tập.

2.2. Nhóm giải pháp giảm thiểu rủi ro

  • Nhóm giải pháp này sẽ tập trung vào các loại hình bảo hiểm cho người dân như bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế… đặc biệt là trong mô hình bảo hiểm nông nghiệp, cần tạo ra được cơ chế chia sẻ rủi ro từ người sản xuất tới người tiêu dùng theo chuỗi giá trị sản phẩm.
  • Tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp để mở rông phạm vi bao phủ và chất lượng dịch vụ cho các đối tượng tham gia ở những vùng bị ảnh hưởng bởi BĐKH và nước biển dâng.
  • Tăng cường công tác bảo vệ môi trường vệ sinh phòng dịch, nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Tập trung vào: Xây dựng các bể tự hoại tại mỗi hộ gia đình theo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo không xả trực tiếp nước thải sinh hoạt ra môi trường; Tổ chức phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, không thực hiện xử lý rác thải tập trung; Không săn chim, thú; bảo vệ rừng ngập mặn và các hệ sinh thái tự nhiên; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân hoá học đúng cách; Nghiên cứu xây dựng các khu bảo tồn ven biển để khôi phục lại hệ sinh thái ven biển; Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức vệ sinh phòng dịch của người dân; Xây dựng những quy chế xử lý rác thải, nước thải, giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường; Tổ chức phun thuốc diệt muỗi định kỳ; Xây dựng, thường xuyên đào tạo, nâng cao năng lực các đội vệ sinh phòng dịch ở xã.

2.3. Nhóm giải pháp khắc phục rủi ro

– Hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi BĐKH và nước biển dâng xây dựng chương trình ứng phó nhanh với BĐKH và nước biển dâng tại cộng đồng.

– Hỗ trợ các địa phương xây dựng các quỹ cứu trợ đột xuất tại thôn/bản để người dân và địa phương chủ động linh hoạt đối phó với những rủi ro gây ra bởi các tác động của BĐKH và nước biển dâng.

– Lồng ghép vấn đề rủi ro do thiên tai vào các chính sách di dân, tái định cư như hỗ trợ xây dựng các khu định cư ổn định để di chuyển người dân ra khỏi những địa bàn bị rủi ro cao nhất.

– Lồng ghép vào các chính sách trợ giúp đột xuất, mở rộng diện thụ hưởng của các chính sách trợ giúp xã hội trên cơ sở xây dựng một bộ chỉ tiêu xác định đối tượng thụ hưởng trợ giúp đột xuất bị thiên tai dẫn đến mất nguồn sinh kế.

– Triển khai tốt hơn các chính sách trợ giúp đột xuất sau thiên tai cần được thực hiện tốt hơn nữa để giúp người nghèo ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất tốt hơn.

2.4. Công tác giám sát, đánh giá của Ngành LĐTBXH

– Tổ chức thực hiện và liên tục bổ sung, hoàn thiện Chương trình hành động cộng đồng ứng phó với BĐKH và NBD.

– Liên tục tổ chức giám sát, đánh giá hiệu quả của các giải pháp thích ứng với BĐKH và NBD, đưa ra các biện pháp cải tiến khi cần thiết.

Đưa vấn đề BĐKH vào trong các cuộc họp thường niên của các Ngành LĐTBXH, đánh giá hiệu quả các giải pháp theo từng giai đoạn từ đó đề xuất hoặc đề xuất các giải pháp bổ sung kịp thời.

3. Giải pháp của cộng đồng và chính quyền địa phương

  • Lập kế hoạch/chương trình ứng phó với BĐKH và nước biển dâng của mỗi ngành tại địa phương, dựa trên chương trình tổng thể của trung ương, có tính tới các yếu tố lồng ghép và hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành. Xây dựng chương trình giảm thiểu rủi ro do tác động của BĐKH dựa vào cộng đồng.
  • Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, ngành, địa phương cần chủ động bố trí nguồn vốn để thực hiện các mô hình sinh kế bền vững dành cho người dân vùng bị ảnh hưởng.
  • Tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức cộng đồng về ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, phát huy các biện pháp, phương pháp dự báo, cảnh báo tại chỗ với các diễn biến về thiên tai và nước biển dâng.
  • Học hỏi các kinh nghiệm của các địa phương đã áp dụng thành công những mô hình hày, đưa vào áp dụng và triển khai cụ thể những phương pháp phù hợp với địa phương mình. Mở các lớp tập huấn kỹ thuật, vận động và hướng dẫn người dân sản xuất theo đúng kỹ thuật. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời nhắc nhở, khắc phục những vấn đề xấu.
  • Phối hợp đồng bộ các cấp, các ngành trong địa bàn như phòng kinh tế, hội nông dân, chính quyền xã, hội phụ nữ, đoàn thanh niên gúp đỡ bà con nông dân chuyển đổi sang mô hình sản xuất có hiệu quả cao.
  • Thành lập các câu lạc bộ nông dân sản xuất giỏi, các hợp tác xã nông nghiệp để tổng kết, trao đổi, chuyển giao kỹ thuật và rút kinh nghiệm trong sản xuất.
  • Tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi các mô hình sản xuất để người dân hiểu rõ và tự nguyện chuyển đổi.
  • Thành lập, đào tạo kỹ năng và trang bị cho đội phản ứng nhanh cấp xã: Đội này sẽ được trang bị các kỹ năng, trang thiết bị để có khả năng ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp bởi thiên tai, thảm họa…Tăng cường kỹ năng quản lý thảm họa cho chính quyền các cấp (xã/ huyện/ tỉnh).

– Tăng cường năng lực cán bộ khuyến nông để cập nhật về diễn biến thiên tai, BĐKH, tìm kiếm các mô hình sinh kế bền vững, chỉ dẫn cho người dân cách sản xuất linh hoạt trong lựa chọn sinh kế, chiến lược sinh kế, ứng phó với thay đổi của thời tiết, khí hậu. Lựa chọn thêm các sinh kế bền vững để đa dạng hóa các sinh kế hộ nghèo nhằm giảm rủi ro.

– Tăng cường sự tham gia của người dân và chính quyền cấp xã trong việc xác định các mục tiêu ưu tiên, đối tượng ưu tiên, quyết định đầu tư vào việc gì và quá trình giám sát đánh giá chương trình/dự án. Chú trọng hơn đến các dự án như tiểu thủ công nghiệp để tạo thêm thu nhập cho lao động nhàn rỗi và phụ nữ người già.

– Chú ý lồng ghép với các chương trình khuyến nông cho người nghèo với các chương trình khuyến nông quốc gia để tạo điều kiện tốt hơn cho người nghèo tham gia tập huấn và xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

– Cần có các chương trình phát thanh và tuyên truyền bằng tiếng DTTS. Tăng cường các nội dung tuyên truyền về sinh kế phù hợp trong điều kiện BĐKH, các giải pháp sinh kế: các lựa chọn, kỹ thuật sản xuất, khắc phục, tiếp cận các chính sách hỗ trợ, và sự quan trọng của giáo dục, nâng cao nhận thức cần phải được phổ biến thật sâu rộng đến mọi người dân.

– Hỗ trợ thành lập và tăng cường vai trò của các tổ chức cộng đồng, xã hội dân sự trong XĐGN: ví dụ các tổ hợp tác, các nghiệp đoàn,…Nâng cao năng lực các tổ chức cộng đồng như tổ hợp tác, hợp tác xã,… và thể hiện rõ vai trò chung tay cùng chính quyền và người nghèo xoá đói, giảm nghèo.

– Cộng đồng phum, sóc, thôn, xóm phảỉ được xác định là nhân tố không thể thiếu được trong hệ đối tác (chính quyền, cộng đồng và chủ thể người nghèo) trong quá trình hoạch định, triển khai và giám sát chính sách XĐGN.

PGS.TS. Nguyễn Bá Ngọc và Nhóm nghiên cứu

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo cáo tổng hợp Xác định các giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững đối với người nghèo khu vực nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Viện KHLĐXH 2013.
  2. Viện Quy hoạch Thuỷ lợi Miền Nam, (2008), Báo cáo về ảnh hưởng của nước biển dâng đến ngập lụt và xâm nhập mặn đối với đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, 2008.
  3. Adger W. Neil (1999), Social Vulnerability to the climate change and extremes in coastal Viet Nam (World Development Vol 27, No 2 p 249-269), University of East Anglia, Norwich, UK, 1999.
  4. Care International Viet Nam (2004). Residential Clusters in the Mekong Delta – Viet Nam, PDR – SEA News Vol. 2 No. 2 at adpc.net/PDR-SEA/pdrsea2-news2.pdf, 2004.