Các giải pháp thúc đẩy thương lượng tập thể về tiền lương ở cấp doanh nghiệp

18/08/2015 00:00:00

Các giải pháp thúc đẩy thương lượng tập thể về tiền lương ở cấp doanh nghiệp

 

Mục đích

  • Hệ thống hóa cơ sở lý luận về thương lượng tập thể ở cấp doanh nghiệp nói chung và thương lượng tập thể về tiền lương ở cấp doanh nghiệp nói riêng.
  • Đánh giá những điểm yếu, khó khăn trong thực trạng thương lượng tập thể về tiền lương ở cấp doanh nghiệp.
  • Đề xuất được các giải pháp thúc đẩy thương lượng tập thể về tiền lương ở cấp doanh nghiệp.

Những phát hiện chính

  • Nội dung tiền lương liên quan trực tiếp đến lợi ích của người lao động được pháp luật quy định như một chế đinh bắt buộc, tuy vậy cơ quan quản lý nhà nước thiếu cơ sở pháp lý để kiểm tra, giám sát, thúc đẩy quá trình thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể về nội dung này.
  • Thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, diện bao phủ hẹp và chưa thực chất, còn nặng tính đối phó và hình thức, nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn để đại diện người lao động tiến hành thương lượng;
  • Thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể ở cấp ngành còn thiếu các chế định cụ thể, chưa có cơ sở để nhân rộng và thiếu các biện pháp chế tài để thúc đẩy quá trình thương lượng ở cấp ngành;
  • Mặc dù một số nội dung về tiền lương đã được quy định và thỏa thuận tương đối rõ song thường là chính sách theo 1 chiều của doanh nghiệp.
  • Ở nhiều doanh nghiệp, mặc dù đã ký thoả ước lao động nhưng vẫn không triển khai thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nội dung đã cam kết, trong các doanh nghiệp FDI và dân doanh chủ yếu chỉ ký kết để nhằm phục vụ việc giao kết các hợp đồng kinh doanh với các đối tác nước ngoài khi họ có yêu cầu các doanh nghiệp này phải có thoả ước mà không phải xuất phát từ đòi hỏi thực tế về quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
  • Ngoài ra, ở một số doanh nghiệp, việc ký kết thỏa ước được thực hiện giữa người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn mà không có sự tham gia của đại diện người lao động, do đó người lao động không biết về sự tồn tại cũng như nội dung được ghi trong đó. Vấn đề giám sát và thực hiện các cam kết trong thỏa ước do đó cũng gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp, khuyến nghị

  • Bổ sung điều luật quy định về thương lượng tập thể trong Bộ luật lao động. Quy định rõ về nguyên tắc tự nguyện/bắt buộc trong việc tham gia xây dựng thỏa ước lao động trong các doanh nghiệp. Ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể về thỏa ước lao động tập thể ngành. Tiếp tục nghiên cứu, phê chuẩn các công ước của Tổ chức lao động quốc tế.
  • Tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động cần được hình thành rõ nét và đồng bộ. Tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của công đoàn cơ sở trong thương lượng tập thể về tiền lương. Tổ chức huấn luyện kỹ năng thương lượng tập thể về tiền lương cho người tham gia thương lượng tập thể.
  • Tăng cường cơ chế phối hợp 3 bên trong quan hệ lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế 3 bên trong việc nghiên cứu, tư vấn. Đẩy mạnh việc thực thi pháp luật lao động trong doanh nghiệp. Giám sát và đánh giá việc thực hiện nội dung về tiền lương trong thỏa ước lao động tập thể.

2014- PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc và nhóm nghiên cứu