Chất lượng lao động trình độ cao ở Việt Nam: những hạn chế cơ bản

16/07/2015 00:00:00

Việt Nam chưa có lực lượng lao động trình độ cao với cơ cấu và chất lượng như mong đợi

Print Friendly

Tóm tắt: Việt Nam chưa có lực lượng lao động trình độ cao với cơ cấu và chất lượng như mong đợi. Chúng ta chưa có cơ chế đào tạo và sử dụng hợp lý để tạo được động lực cho lực lượng này làm trụ cột dẫn dắt nền kinh tế phát triển đúng hướng, cạnh tranh và hiệu quả. Quy mô, chất lượng lao động trình độ cao nhỏ bé đồng thời với sử dụng lãng phí nguồn lực quan trọng nhất của đất nước đã khiến cho năng suất lao động xã hội và sức cạnh tranh của nền kinh tế trở nên yếu kém.

  1. Quan niệm về lao động trình độ cao

Theo chúng tôi, lao động trình độ cao là một bộ phận của nguồn nhân lực đang làm việc ở những vị trí lãnh đạo, chuyên môn kỹ thuật bậc cao và chuyên môn kỹ thuật bậc trung theo phân loại nghề của Tổng cục Thống kê.

Lao động trình độ cao có đặc điểm là thường được đào tạo ở trình độ cao đẳng trở lên; có kiến thức và kỹ năng để làm các công việc phức tạp; có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ và vận dụng sáng tạo những kiến thức, những kỹ năng đã được đào tạo trong quá trình lao động sản xuất[1].

Thực chất, lao động trình độ cao là những người trực tiếp làm việc tại các vị trí có liên quan mật thiết tới sự ra đời, phát triển, truyền bá và ứng dụng tri thức.

  1. Quy mô nhỏ bé và cơ cấu chưa hợp lý của lao động trình độ cao

Năm 2014, Việt Nam có gần 5,4 triệu lao động trình độ cao, bao gồm 585 nghìn lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị (chiếm 10,9% lao động trình độ cao); 3.165 nghìn lao động chuyên môn kỹ thuật bậc cao (chiếm 58,7%) và 1.638 nghìn lao động chuyên môn kỹ thuật bậc trung (chiếm 30,4%).

Giai đoạn 2009-2014, lao động trình độ cao tăng khá nhanh, từ 4,5 triệu người lên 5,4 triệu người.

 

char

Hình 1. Quy mô lao động trình độ cao và tỷ trọng so với việc làm

Nguồn: TCTK, Điều tra Lao động Việc làm 2009-2014; Số liệu năm 2014 là số 6 tháng đầu năm

Hiện nay, trong số lao động trình độ cao, có đến gần 1,4 triệu người (tương đương ¼) không có bằng cấp hoặc chỉ có bằng sơ cấp, trung cấp; người có trình độ đào tạo cao đẳng trở lên chiếm 74,3% lao động trình độ cao.

Mặc dù tăng nhanh nhưng quy mô lao động trình độ cao vẫn còn nhỏ bé so với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Với gần 5,4 triệu người, lao động trình độ cao hiện chỉ chiếm 10,2% tổng việc làm cả nước.

Giai đoạn 2009-2014, lao động trình độ cao chỉ tăng bình quân mỗi năm 175 nghìn người, bằng 1/5 mức tăng của tổng việc làm.

Lao động trình độ cao đang tập trung nhiều nhất trong ngành giáo dục và đào tạo (chiếm 30% số lao động trình độ cao, tỷ trọng lao động trình độ cao chiếm 88,4% lao động của ngành), hoạt động của Đảng, tổ chức chính trị xã hội, Quản lý Nhà nước và An ninh quốc phòng (chiếm 19%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (chiếm 8%).

Công nghiệp chế biến, chế tạo – là ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ chiếm 9% tổng số lao động trình độ cao, trong khi với các nước phát triển tỷ lệ nâng lên đến 40-60%.

 char

Hình 2. Cơ cấu lao động trình độ cao theo ngành năm 2014

Nguồn: TCTK, Điều tra Lao động Việc làm 6 tháng đầu năm 2014


  1. Bất cập giữa đào tạo và sử dụng

Mặc dù rất thiếu lao động trình độ cao nhưng hiện nay Việt Nam vẫn có rất nhiều người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên hiện làm những công việc bậc thấp – một dạng của “thất nghiệp trá hình”. 6 tháng đầu năm 2014, có 1160 nghìn người có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ cao đẳng trở lên đang làm công việc thấp hơn so với trình độ (từ nhóm nghề thứ 4 đến thứ 9), trong đó có 631 nghìn người trình độ đại học trở lên, chiếm 55,8%.


Bảng 1. Phân bố vị trí việc làm theo nghề và trình độ đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ) 6 tháng đầu năm 2014

Không có CMKT Sơ cấp Trung cấp, THCN Cao đẳng ĐH trở lên Tổng số
1. Các nhà lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị 101 6 93 32 353 585
2. Chuyên môn kỹ thuật bậc cao trong các lĩnh vực 26 3 41 318 2776 3164
3. Chuyên môn kỹ thuật bậc trung trong các lĩnh vực 213 34 866 409 114 1636
4. Nhân viên trong các lĩnh vực 479 29 189 62 145 904
5. Nhân viên dịch vụ và bán hàng 7334 174 453 164 256 8381
6. Lao động có kỹ thuật trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 6301 58 109 24 32 6524
7. Thợ thủ công có kỹ thuật và các thợ kỹ thuật khác có liên quan 5336 352 305 93 53 6139
8. Thợ có kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị 2600 719 267 66 56 3708
9. Lao động giản đơn 20742 137 380 120 89 21468
10. Khác 35 5 33 12 51 136
Tổng số 43167 1517 2736 1300 3925 52645

Nguồn: TCTK, Điều tra Lao động Việc làm 6 tháng đầu năm 2014

Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh học sinh, sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Năm 2012, Ngân hàng Thế giới công bố kết quả khảo sát về mức độ đáp ứng các kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học so với yêu cầu của nhà tuyển dụng tại 7 quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam : “thái độ làm việc được đánh giá ở mức thiếu hụt nghiêm trọng; các kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề thiếu hụt lớn”[2]. Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 viết “Phần lớn người sử dụng lao động nói rằng tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp (“thiếu kỹ năng”) hoặc vì sự khan hiếm người lao động trong một số ngành nghề (“thiếu hụt người lao động có tay nghề”)”[3]. Khảo sát của ILSSA- Manpower năm 2013 cũng cho thấy tình hình tương tự[4] , gần 30% doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động trực tiếp và nhân viên văn phòng; ý thức về chất lượng và đúng giờ/đáng tin cậy là những kỹ năng thiếu hụt lớn nhất, với khoảng 30%, trong nhóm lao động trực tiếp và quản đốc phân xưởng; những kỹ năng thiếu hụt tiếp theo là khả năng thích nghi với những thay đổi, khả năng làm việc nhóm, khả năng nhận biết tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng máy tính cơ bản.

Do hạn chế về chất lượng, người có trình độ đào tạo cao vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình tìm việc làm. 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ cao đẳng là 6,3%; đại học trở lên là 3,9% (tương ứng gấp 3,1 và 1,9 lần tỷ lệ thất nghiệp chung) .

  1. Một số nguyên nhân chủ yếu

Về phía nhu cầu, mô hình tăng trưởng của chúng ta vẫn chưa khuyến khích thúc đẩy nhu cầu lao động trình độ cao và nâng cao chất lượng lao động trình độ cao. Mô hình tăng trưởng hiện hành của Việt Nam với các trụ cột chính là: (i) khai thác tài nguyên; (ii)lao động rẻ, chất lượng thấp; (iii) đầu tư vốn lớn và dễ dàng; (iv) khu vực doanh nghiệp nhà nước có thế lực mạnh nhưng với hiệu quả thấp. Hệ quả là chúng ta có một cơ cấu công nghiệp lệch lạc- thiếu nền tảng công nghiệp hỗ trợ, thiếu lực lượng doanh nghiệp có khả năng liên kết và gia nhập chuỗi sản xuất thế giới, thiếu lực lượng LĐCMKTTĐC để dẫn dắt nền kinh tế, do đó không thể cạnh tranh và phát triển một cách bình thường.

Về trình độ công nghệ của sản xuất, hiện nay hầu hết các DN mới đầu tư khoảng 0,2-0,3% doanh thu cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, trong khi tỉ lệ này ở Hàn Quốc là 10% và Ấn Độ là 5% . Đáng chú ý, 80% các DN Việt Nam đang sử dụng công nghệ lạc hậu từ 3-4 thế hệ so với thế giới, đa số DN sử dụng công nghệ của những năm 1980 và năng lực nghiên cứu đổi mới công nghệ rất hạn chế . Giai đoạn 2010-2011, mặc dù các chỉ tiêu vĩ mô đang được phục hồi sau khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009, nhưng vẫn còn thấp. Tăng trưởng GDP bình quân 6,3%/năm, tăng trưởng vốn cố định vẫn trên 10%/năm, nhưng tăng trưởng việc làm chậm lại, khoảng 2,3%/năm. Đóng góp vào tăng trưởng từ vốn cố định chiếm 56,2%/năm, từ lao động là 24,2%/năm (giảm nhẹ so với giai đoạn 2006-2010). TFP tăng nhẹ (1,2%/năm) đóng góp 19,6% vào tăng trưởng .

Về đào tạo, trong lúc nền kinh tế đang khan hiếm lao động trình độ cao ở nhiều ngành nghề như vị trí tư vấn, thiết kế, quản trị nhân sự, lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao, luật sư, khoa học môi trường, kỹ sư công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, kỹ sư điện, điện tử, cơ khí, logistics… thì thanh niên ra trường chủ yếu là cử nhân tài chính, ngân hàng, kế toán, luật, hành chính văn phòng…; và đang thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề để tăng năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp thì hầu hết thanh niên tốt nghiệp lớp 12 chọn con đường học đại học.

Trong khi những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm và phẩm chất lao động công nghiệp hiện đại tại doanh nghiệp thì thanh niên ra trường thường chỉ được trang bị những lý thuyết chung, năng lực thực hiện yếu, thiếu những kỹ năng sống quan trọng. Đặc biệt, lao động trình độ cao yếu tin học và ngoại ngữ, thiếu những công cụ sắc bén để làm việc đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng làm việc độc lập và nâng cao năng suất.

Về dịch chuyển lao động theo các tín hiệu của thị trường, tỷ lệ di chuyển trên thị trường lao động khá cao, theo số liệu Điều tra Dân số và Nhà ở (2009), tỷ lệ lao động trình độ cao di chuyển chiếm khoảng 11.3% tổng số lao động di chuyển. Trong đó, nhóm di chuyển nhiều nhất là lao động có trình độ đại học, chiếm 71%. Lao động trình độ cao có xu hướng di chuyển đến những vùng, thành phố và khu vực có thị trường lao động sôi động nhất (thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 tỉnh có lượng lao động trình độ cao di chuyển đến nhiều nhất, tương ứng là 67,9% và 19,1%; chủ yếu làm việc ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 36% số lao động di chuyển). Điểm chú ý là đi liền với khả năng di chuyển cao thì mức độ “nhảy việc” nhiều, không an tâm đầu tư phát triển nghề nghiệp lâu dài của một bộ phận lao động trình độ cao.

Những bất cập trong mô hình tăng trưởng và trình độ công nghệ của sản xuất đã kéo theo sư mất cân đối nghiêm trọng trong cấu trúc việc làm ở Việt Nam. Mâu thuẫn giữa lao động và việc làm càng trở lên gay gắt khi tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế từ năm 2012. Sự dịch chuyển lao động giữa các khu vực, các ngành nghề và nhu cầu kỹ năng làm cho một bộ phận lớn lao động trở nên dư thừa, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Trong quá trình dịch chuyển này, nền kinh tế vừa thiếu đội ngũ lao động có kỹ thuật, công nhân lành nghề có khả năng làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao, các khu chế xuất và những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vừa thừa đội ngũ lao động phổ thông không có tay nghề chuyên môn. Lao động vẫn tiếp tục bị dồn nén trong khu vực nông nghiệp, nông thôn với năng suất thấp- năm 2013, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm gần 46% việc làm nhưng chỉ tạo ra 25,7% GDP; vẫn có đến gần 70% việc làm không chính thức trong tổng việc làm với những đặc điểm của lao động dễ bị tổn thương và mới có 20,6% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (cơ chế an sinh xã hội chủ yếu với người lao động).

Về cơ sở hạ tầng của thị trường lao động, thông tin thị trường lao động nói chung hiện nay lạc hậu, không mang tính hệ thống, bị chia cắt giữa các vùng miền, không phản ánh được những vấn đề nóng của thị trường lao động, khả năng bao quát, thu thập và phổ biến thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tác. Cơ sở dữ liệu về thị trường lao động vừa thiếu vừa không được cập nhật, hầu hết các cuộc điều tra về lao động – việc làm không được công bố kịp thời. Hiệu quả các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, giao dịch việc làm thấp. Hệ thống dịch vụ việc làm của cả nước mới chỉ đáp ứng 10-15% nhu cầu thực tế về tư vấn và giải quyết việc làm, đặc biệt không đáp ứng yêu cầu của lao động trình độ cao. Trên thị trường lao động Việt Nam, các vị trí chủ chốt như kỹ thuật cao cấp, chức danh quản lý cao cấp (quản lý dự án, giám đốc nhân sự và marketing…), doanh nghiệp phải tìm đến kênh chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, chủ yếu thông qua các công ty “săn đầu người” nước ngoài.

Về cơ chế quản trị thị trường lao động, các cơ chế hữu hiệu trên thị trường lao động như đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể…chưa được thực hiện hoặc còn hình thức.

Chất lượng của lao động trình độ cao theo đội ngũ một số “trụ cột” như công chức, cán bộ khoa học công nghệ, giảng viên đại học, đội ngũ doanh nhân, công nhân kỹ thuật trình độ cao…. vẫn chưa đảm đương được sứ mệnh là “đầu kéo của quá trình phát triển”.

  1. Hậu quả

Năng lực thực hiện yếu kém và cơ cấu việc làm lạc hậu đã trực tiếp hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 là 5.440 USD (theo giá so sánh PPP năm 2005), cao hơn của Myanmar, Campuchia và Lào nhưng thấp hơn các nước còn lại trong khối ASEAN (chỉ bằng 55% của Indonesia, bằng 54% của Philippine, bằng 37% của Thailand, bằng 15% của Malaysia và bằng 6% của Singapore).

Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam thuộc nhóm thấp: năm 2014 đứng ở vị trí 68 trong tổng số 144 nước tham gia xếp hạng, mặc dù đã tăng 2 bậc so với năm 2013 (70/148) và tăng 7 bậc so với 2012 (75/144).

  1. Những giải pháp cơ bản

Nâng cao chất lượng lao động trình độ cao Việt Nam phải trở thành nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển. Làm thế nào để có lực lượng lao động trình độ cao đủ về quy mô, hợp lý về cơ cấu và nâng cao về chất lượng; làm thế nào để họ trở thành “đầu kéo phát triển” và để kết nối đào tạo với sử dụng.

Để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhu cầu cạnh tranh quốc tế trong điều kiện hội nhập, dự báo ít nhất đến năm 2020 nền kinh tế cần khoảng 13,6% lao động trình độ cao trong tổng việc làm, nghĩa là phải tăng hơn gấp đôi quy mô hiện nay (tăng thêm hơn 4,3 triệu người), mỗi năm tăng 400-500 nghìn người, tốc độ tăng khoảng 11-12%/năm. Do vậy cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

  1. Tạo dựng môi trường và vị thế để lao động trình độ cao hoạt động

– Tạo dựng môi trường nuôi dưỡng, trọng dụng nhân tài;

– Đổi mới căn bản chính sách thu hút – tuyển dụng – sử dụng – đánh giá – đãi ngộ đối với lao động trình độ cao;

– Xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực trọng điểm gắn với chiến lược công nghiệp hoá đất nước;

– Có các chính sách đặc thù thu hút người tài và du học sinh Việt Nam ở nước ngoài trở về phục vụ đất nước.

  1. 2. Đổi mới giáo dục- đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại

– Thay đổi tư duy, chuyển đổi từ khả năng hệ thống sang đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động;

– Xây dựng các tiêu chí chất lượng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về năng lực nghề nghiệp hội nhập quốc tế;

– Rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa;

– Đổi mới nội dung giáo dục – đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại;

– Đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn;

– Xây dựng “Xã hội học tập” theo phương châm “học suốt đời“;

– Gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp.

  1. 3. Đổi mới mô hình tăng trưởng, thực sự coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu

– Thay đổi mô hình kinh tế, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo chiều sâu, lấy “vốn con người” và khoa học công nghệ làm nền tảng cho phát triển;

– Phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn dựa vào các hướng công nghệ ưu tiên và ứng dụng công nghệ cao;

– Tăng tỷ lệ chi nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, ưu tiên đặc biệt cho công nghệ thông tin và truyền thông; phát triển các vườn ươm công nghệ; đẩy mạnh R&D và chuyển giao công nghệ.

  1. Kết nối cung – cầu lao động trình độ cao và quản trị thị trường lao động

– Hoàn thiện khung pháp lý và định hướng chiến lược cho thị trường lao động hoạt động;

– Xây dựng và phát triển hệ thống tư vấn, hướng nghiệp, dịch vụ việc làm và thông tin thị trường lao động;

– Tăng cường vai trò phản biện của các hiệp hội trí thức;

– Tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của các công ty dịch vụ lao động, đặc biệt là kết nối cung-cầu lao động trình độ cao.

 PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc, ThS Đặng Đỗ Quyên

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Các Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, Chiến lược phát triển nhân lực, Chiến lược khoa học- công nghệ, Chiến lược giáo dục và đào tạo, Chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020 và các tài liệu đã được trích dẫn.
  2. Báo cáo tổng hợp và các Chuyên đề nhánh thuộc Đề tài cấp nhà nước KX.01.04/11-15
  3. World Bank, Putting higher education to work, skill and research for growth in East Asia, Regional Report , Washington DC, 2012.
  4. WB, Vietnam Development Report 2014, Skilling up Vietnam: Preparing the workforce for a modern market economy, Hanoi 2013.
  5. ILSSA-Manpower, Nhu cầu kỹ năng lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, Hà Nội 2014.

Institute of Public Finance, The competitiveness of Croatia’s human resources, Zagreb 2004.

[1] Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, KX.01/11-15, Đề tài KX.01.04/11-15 Các giải pháp nâng cao chất lượng lao động chuyên môn kỹ thuật trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế theo hướng CNH, HĐH, năm 2013 do PGS.TS. Nguyễn Bá Ngọc làm Chủ nhiệm.

[2] World Bank, Putting higher education to work, skill and research for growth in East Asia, Regional Report , Washington DC, 2012.

[3] WB, Vietnam Development Report 2014, Skilling up Vietnam: Preparing the workforce for a modern market economy, Hanoi 2013.

[4] ILSSA-Manpower, Nhu cầu kỹ năng lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, Hà Nội 2014.