Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng chính sách khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội

10/07/2015 00:00:00

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lao động nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, nông dân có mức thu nhập từ trung bình trở xuống

Những phát hiện chính

Về lý luận

Nghiên cứu lý luận cho thấy, một chính sách BHXH khuyến khích người dân tự nguyện tham gia khi đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

– Có thị trường hay nói cách khác là có một bộ phận dân cư đủ lớn có khả năng và năng lực tham gia BHXH

– Các nội dung chính sách phù hợp, hấp dẫn đối tượng tham gia

– Tổ chức thực hiện hiệu quả

– Có chiến lược tiếp thị, phổ biến chính sách tốt đến đối tượng tiềm năng

Về thực tiễn

Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của BHXH là phải đóng BHXH theo qui định thì mới được hưởng. Tuy vậy, với qui định mức đóng như hiện nay thì người nghèo không đủ năng lực tài chính để tham gia.

Theo qui định của chính sách BHXH tự nguyện hiện, những người lao động (nữ trên 40, nam trên 45 tuổi) không thể tham gia vì không còn đủ thời gian 20 năm đóng BHXH để có lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.

Việc linh hoạt giữa thời gian đóng và mức đóng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu tham gia BHXH của một bộ phận không nhỏ người lao động.

Mở rộng và linh hoạt hơn nữa phương thức đóng (đóng hàng năm, đóng 1 lần cho nhiều năm) sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho đối tượng tham gia.

Khi đến tuổi nghỉ hưu mà đối tượng tham gia chưa đủ số năm đóng BHXH thì việc cho phép đối tượng tham gia đóng bù số năm còn thiếu hoặc tiếp tục đóng cho đến khi đạt yêu cầu số năm tối thiểu đóng BHXH sẽ tạo điều kiện để người lao động lớn tuổi tham gia và phù hợp với đăc điểm việc làm và thu nhập không ổn định của lao động là nông dân, lao động tự làm trong khu vực phi kết cấu.

Công tác phổ biến và tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện nói riêng và công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện nói chung phải được củng cố hơn nữa.

Giải pháp, khuyến nghị

Về hoàn thiện chính sách

BHXH tự nguyện đã được luật hóa. Do vậy, hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện phải gắn với kế hoạch sửa đổi Luật BHXH. Vấn đề đóng bù số năm đóng BHXH tự nguyện còn thiếu và phương thức đóng BHXH là các nội dung có thể đưa vào sửa đổi Luật BHXH.

Chủ trương của Đảng về hỗ trợ phí đóng BHXH tự nguyện cho lao động có thu nhập thấp đã được khẳng định trong Nghị quyết số 15/NQ-TW về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Do vậy hàng năm Nhà nước cần chủ động dành một khoản ngân sách tương đương với 0,01% GDP hay bằng 0,045% chi ngân sách thường xuyên để đảm bảo hỗ trợ 30% phí tham gia BHXH tự nguyện ở mức tối thiểu cho người lao động thu nhập thấp (từ mức tiền lương cơ sở trở xuống) tham gia BHXH tự nguyện. Để đảm bảo tính hiệu lực, nội dung về hỗ trợ người lao động thu nhập thấp một phần phí tham gia BHXH tự nguyện cần được đưa vào Luật BHXH.

Về triển khai thực hiện chính sách

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, tiếp thị xã hội để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về vai trò, nội dung của chính sách BHXH tự nguyện. Các chương trình truyền thông phải đảm bảo hướng trực tiếp đến đối tượng của BHXH tự nguyện; nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức đoàn thể trong việc phổ biến và hỗ trợ triển khai thực hiện chính sách.

Cơ quan BHXH địa phương (cấp huyện) cần xây dựng được cơ sở dữ liệu về đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện của địa phương mình. Cần đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, 5 năm, 10 năm của địa phương…

Tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện một cách chủ động. Coi BHXH tự nguyện là sản phẩm/dịch vụ còn người lao động là khách hàng. Hình thành mạng lưới thu và chi trả BHXH tự nguyện đến cấp xã (kết hợp với các mạng lưới sẵn có khác như thu bảo hiểm y tế chẳng hạn) để đảm bảo cung cấp sản phẩm/dịch vụ BHXH tự nguyện đến người lao động một cách thuận tiện nhất, dễ tiếp cận nhất (nhất là đối với các địa bàn giao thông không thuận lợi, chưa phát triển).

Có các hình thức biểu dương, khen thưởng đối với những địa phương làm tốt chính sách BHXH tự nguyện đồng thời tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng những cách làm hay trong thực hiện BHXH tự nguyện.

Đổi mới tư duy về xây dựng và phát triển một hệ thống BHXH toàn diện

Các khuyến nghị và giải pháp thực hiện chính sách ở trên vẫn chỉ dừng lại ở việc làm sao đạt được mục tiêu mở rộng độ bao phủ của BHXH [tự nguyện], các chính sách BHXH bắt buộc và tự nguyện như vậy vẫn rời rạc, không có sự liến kết, hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo cho BHXH phát huy hết vai trò là xương sống của hệ thống ASXH. Về lâu dài, cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn trong cải cách BHXH ở Việt Nam theo hướng phát triển một hệ thống BHXH đa tầng có thể hỗ trợ lẫn nhau.

Về cơ bản, có thể xây dựng một hệ thống BHXH 3 tầng:

  • Tầng BHXH thứ nhất dựa vào ngân sách Nhà nước (nguồn thu từ thuế), đảm bảo cho mọi người dân khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động mà không có nguồn thu nhâp nào khác thì được hưởng một mức lương hưu tối thiểu như nhau (còn gọi là lương hưu xã hội), thường bằng khoảng 45% chuẩn nghèo.
  • Tầng BHXH thứ hai dựa trên nguồn thu từ sự bắt buộc mọi người lao động có việc làm tạo thu nhập, phải tham gia với mức đóng đủ để đảm bảo khi đến tuổi nghỉ hưu thì được hưởng mức lương hưu không thấp hơn mức tiền lương tối thiểu (lương cơ sở).

Tầng BHXH thứ ba dựa trên nguồn thu từ sự tham gia tự nguyện của người lao động (đồng thời tham gia cả ở tầng 2 và thầng 3 này) để gia tăng mức lương hưu cho người lao động sau này nghỉ hưu.

2012, ThS Lưu Quang Tuấn và nhóm nghiên cứu