Đánh giá nhanh về tình hình việc làm và thất nghiệp của người tốt nghiệp đại học năm 2013

13/07/2015 00:00:00

thông tin về tình hình hoạt động kinh tế (HĐKT) của người tốt nghiệp đại học (NTNĐH) năm 2013 nhằm xác định những khó khăn, thuận lợi trong quá trình hội nhập thị trường lao động và đề xuất các khuyến nghị chính sách hỗ trợ

Print Friendly

Mục tiêu

Thu thập thông tin về tình hình hoạt động kinh tế (HĐKT) của người tốt nghiệp đại học (NTNĐH) năm 2013 nhằm xác định những khó khăn, thuận lợi trong quá trình hội nhập thị trường lao động và đề xuất các khuyến nghị chính sách hỗ trợ.

Những phát hiện chính

Về tình trạng việc làm và quá trình tìm việc của người tốt nghiệp đại học năm 2013

  • NTNĐH 2013 có xu hướng ở lại Hà Nội làm việc hoặc tìm kiếm việc làm ở những thành phố lớn, chỉ có một số ít quay trở lại quê hương. Họ tìm việc chủ yếu thông qua các trang web việc làm (chiếm 43,37%). Sau hơn 1 năm tốt nghiệp đại học, hầu hết NTNĐH 2013 đã ổn định việc làm.
  • Tuy nhiên, NTNĐH 2013 đã phải trải qua quá trỉnh tìm kiếm việc làm rất vất vả. Có gần 30% NTNĐH 2013 gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm ổn định; gần 50% NTNĐH 2013 tiếp tục tham gia đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn để tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn và tìm được những công việc tốt hơn.
  • Thời tìm được việc làm của NTNĐH 2013 khá nhanh, trung bình của nữ là 7,46 tuần và của nam là 8,12 tuần. Tuy nhiên, tình trạng chuyển việc của họ cũng khá phổ biến, có 42,05% từng chuyển việc từ 1 đến 4 lần, trong đó có 10% số người đã từng chuyển việc từ 2-4 lần, chủ yếu với lý do làm không đúng với CMKT được đào tạo.
  • Chất lượng việc làm đã được cải thiện dần qua quá trình thay đổi công việc.
  • Hiện tại, kết quả khảo sát cho thấy việc làm của người mới tốt nghiệp đảm bảo đủ thời gian làm việc với mức thu nhập tương đối khá tuy nhiên tính ổn định bền vững chưa cao

Về tình trạng thất nghiệp của người tốt nghiệp đại học năm 2013

  • Gần 30% số người mới tốt nghiệp đã từng bị thất nghiệp.
  • Kênh thông tin mà người thất nghiệp sử dụng tìm việc chủ yếu qua quảng cáo, website tìm việc
  • Phần lớn người mới tốt nghiệp thất nghiệp cho rằng cái mà họ đang thiếu là thực hành về những kiến thức đã được trang bị trong trường
  • Tình trạng thất nghiệp của người mới tốt nghiệp rất đa dạng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: (i) thất nghiệp tạm thời trong ngắn hạn do không có đầy đủ thông tin về cung – cầu lao động, hoặc chờ đợi vào những điều kiện lao động và thu nhập không thực tế; (ii) thất nghiệp cơ cấu do không phù hợp về qui mô và cơ cấu cũng như trình độ của cung lao động theo vùng đối với cầu lao động; (iii) thất nghiệp nhu cầu  do giảm tổng cầu về lao động và làm nền kinh tế đình đốn hoặc suy thoái.

Giải pháp, khuyến nghị

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

  • Chỉ nên xem xét thành lập mới cơ sở giáo dục đại học và cấp phép cho những ngành học thực sự cần thiết cho thị trường lao động;
  • Điều chỉnh nội dung đào tạo từ lý thuyết sang thực hành nhiều hơn nữa và tổ chức thực hiện đồng bộ ở tất cả các trường đại học;
  • Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về tình trạng việc làm của sinh viên để có cơ sở giao chỉ tiêu đào tạo.

Đối với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

  • Đề xuất Chính phủ có kế hoạch phù hợp nhằm phát triển việc làm ở các tỉnh, các địa phương và có chiến lược thu hút sinh viên sau khi ra trường về làm việc ở địa phương mình.
  • Làm tốt công tác hướng nghiệp đối với người tốt nghiệp trung học phổ thông, tăng cường chuyển đổi giáo dục chuyên nghiệp sang đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tăng cường truyền thông về nghề nghiệp…

Đối với các cơ sở đào tạo

  • Tăng cường kết nối với doanh nghiệp để gửi sinh viên đến thực hành.
  • Tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong việc điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.
  • Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tình trạng việc làm của sinh viên trường mình.

Đối với các doanh nghiệp

  • Sẵn sàng cùng với cơ sở đào tạo tiếp nhận sinh viên thực tập và đến học hỏi kinh nghiệm, nhằm tìm kiếm các ứng viên phù hợp cho doanh nghiệp mình.
  • Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, coi trọng đào tạo cho người lao động khi mới bắt đầu làm việc để giúp họ nhanh chóng làm quen và thích nghi với công việc tại doanh nghiệp.

Đối với sinh viên và người mới tốt nghiệp

  • Tự tìm tòi, trau dồi kiến thức lý thuyết, đặc biệt thực tiễn nghề nghiệp để có thể bắt tay ngay vào làm việc bất cứ lúc nào doanh nghiệp cần.
  • Sẵn sàng, chấp nhận làm ở những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, để học tập và tích lũy kinh nghiệm.
  • Tìm kiếm cơ hội ở các tỉnh, các địa phương, thay đổi quan điểm nhất nhất ở lại Hà Nội hay một số thành phố lớn để làm việc…