Đánh giá tác động của điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đến các vấn đề kinh tế, lao động và xã hội

13/07/2015 00:00:00

n và bổ sung phương pháp đánh giá tác động của tăng tuổi nghỉ hưu; cập nhật số liệu và đánh giá thường xuyên tác động đến thị trường lao động và các yếu tố kinh tế xã hội giai đoạn sau khi tăng tuổi nghỉ hưu

Print Friendly

Mục tiêu

Hoàn thiện và bổ sung phương pháp đánh giá tác động của tăng tuổi nghỉ hưu; cập nhật số liệu và đánh giá thường xuyên tác động đến thị trường lao động và các yếu tố kinh tế xã hội giai đoạn sau khi tăng tuổi nghỉ hưu.

Những phát hiện chính

  • Do xu hướng già hóa dân số, Việt Nam nằm trong số các nước đứng trước sức ép tăng tuổi nghỉ hưu cho lực lượng lao động. Một số ý kiến cho rằng với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý cùng với sự phản ứng linh hoạt của thị trường lao động, tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm ổn định cân bằng quỹ BHXH, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển cầu lao động và nâng cao năng suất lao động. Một số ý kiến khác cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến khả năng mất việc làm của nhóm lao động trẻ, gây xáo trộn đối với thị trường lao động và có ảnh hưởng tiêu cực khác đến mối quan hệ cung cầu lao động.
  • Theo lý thuyết, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm tăng nguồn thu của quỹ BHXH thông qua hai kênh chính: Thứ nhất, tăng tuổi nghỉ hưu có thể gia tăng số người tham gia BHXH. Mức độ tăng số người tham gia BHXH phụ thuộc vào: i) mong muốn tham gia thị trường lao động của người lao động thuộc nhóm tuổi được mở rộng; ii) khả năng tham gia thị trường lao động của lao động thuộc các độ tuổi khác; và iii) tỷ lệ tuân thủ của các doanh nghiệp đóng BHXH. Thứ hai, tăng độ tuổi nghỉ hưu cũng có thể kéo dài thời gian đóng BHXH của những người hiện đang tham gia BHXH. Kết quả nghiên cứu cho thấy: i) Số người tham gia BHXH sẽ tăng thêm hàng năm khoảng 0,3% theo phương án 1 và 0,27% với phương án 2; ii) Thời gian đóng trung bình sẽ thêm 3 năm, nam tăng từ 28 năm lên 31 năm, nữ tăng từ 23 năm lên 26 năm; và iii) tổng thu quĩ BHXH tăng thêm bình quân mỗi năm 0,29%.
  • Bên cạnh đó, theo lý thuyết, tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm giảm gánh nặng chi trả cho quỹ BHXH theo hai kênh tương ứng: Thứ nhất, tăng tuổi nghỉ hưu làm giảm tốc độ tăng số người hưởng lương hưu. Thứ hai, tăng tuổi nghỉ hưu làm giảm thời gian hưởng lương hưu của người ra khỏi độ tuổi lao động. Trên thực tế, tốc độ tăng của số người hưởng lương hưu và thời gian lảm lương hưu phụ thuộc vào sự thay đổi của độ tuổi nghỉ hưu trung bình. Kết quả nghiên cứu cho thấy: i) Tăng tuổi nghỉ hưu làm cho làm cho số người hưởng lương hưu giảm hàng năm (so với không điều chỉnh) khoảng 18,39% theo phương án 1 và 17% theo phương án 2; ii) Thời gian hưởng lương hưu giảm đi 3 năm, và tổng chi quỹ lương hưu hàng năm giảm 17,43% theo phương án 1 và 17,26% theo phương án 2.
  • Cân đối quỹ BHXH được đo bằng chênh lệch giữa thu và chi BHXH. Thời điểm quỹ BHXH thu bằng chi thời điểm quỹ BHXH mất cân bằng trong khi đó thời điểm quỹ BHXH không còn số dư là thời điểm quỹ BHXH cạn kiệt. Như vậy, tác động tổng hợp đến quỹ BHXH được đo lường bằng chêch lệch khoảng thời gian cân đối quỹ của các phương án tăng tuổi nghỉ hưu so với kịch bản hiện tại (cơ sở). Sử dụng số liệu của BHXH Việt Nam, số liệu điều tra mức sống dân cư (VHLSS) và số liệu tổng điểu tra doanh nghiệp, với tình trạng quỹ và chính sách BHXH như hiện nay, thu BHXH sẽ không đủ để bù cho chi BHXH tại thời điểm năm 2032 và quỹ sẽ vỡ vào năm 2042.
  • Trên cơ sở tính toán tác động của tăng tuổi nghỉ hưu đến cân đối quỹ BHXH ứng dụng vào trường hợp của Việt Nam, theo phương án 1, thời điểm thu bù chi sẽ kéo dài thêm 6 năm, tức là đến năm 2038 và thời điểm vỡ quỹ sẽ được kéo dài đến sau năm 2049 (hình 2). Theo phương án 2, thời điểm thu bù chi cũng kéo dài thêm 5 năm (đến năm 2037) và thời điểm vỡ quỹ chỉ kéo dài đến năm 2049. Điều này cũng cho thấy tốc độ tăng của tổng chi BHXH rất cao so với tốc độ tăng tổng thu.
  • Theo lý thuyết, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm cho tổng sản phẩm quốc dân (GDP) tăng lên, từ đó góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người và làm kéo dài khoảng tuổi có thặng dự thu nhập chi tiêu. Phương pháp tài khoản quốc gia (NTA) sẽ giúp xác định ở độ tuổi nào có dòng tiền dương (thu nhập nhiều hơn tiêu dùng) và độ tuổi nào có dòng tiền âm (tiêu dùng lớn hơn thu nhập) trước và sau khi tăng tuổi nghỉ hưu thông qua việc so sánh tiêu dùng và thu nhập ở mỗi độ tuổi Kết quả cho trường hợp của Việt Nam cho thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu theo các phương án làm tăng. thu nhập bình quân đầu người của nền kinh tế (thặng dư giữa thu nhập chi tiêu của người lao độngvà kéo dài thời gian lợi tức nhân khẩu thêm khoảng 3 năm), tức là từ 57 tuổi lên đạt mức 60 tuổi. Tăng tuổi nghỉ hưu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. 1% tăng tổng số lao động lớn tuổi hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt nam thêm 0.068%.
  • việc tăng tuổi về hưu, thông qua kênh tăng trưởng kinh tế, dẫn đến tăng tổng cầu lao động của nền kinh tế và theo từng nhóm tuổi, từ đó nâng cao cơ hội tìm việc làm của người lao động. Tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 đến 60 đối với nữ và 55 đến 62 đối với nam, thì tổng cầu lao động tăng 0,32% tương đương tăng 173 nghìn lao động. Khi tổng cầu lao động chung tăng, 1% tăng độ tuổi cho lao động già sẽ thu hút thêm 0.22% lao động trẻ vào làm trong các doanh nghiệp hay cứ tăng thêm 1 lao động già thì lao động trẻ tăng thêm 1,05 người. Tăng tuổi nghỉ hưu có tác động lớn hơn đối với lao động nữ do khoảng thời gian tăng tuổi cao hơn so với lao động nam (5 tuổi so với 2 tuổi) và nữ hiện nay nghỉ hưu sớm hơn nam. Tăng tuổi nghỉ hưu thì lao động trẻ là nữ tăng 0,29% tương đương 28 nghìn người. 1% tăng độ tuổi lao động cao tuổi là nữ sẽ thu hút thêm 0.48% lao động trẻ là nữ vào làm trong các doanh nghiệp hay cứ 1 lao động cao tuổi là nữ tiếp tục làm việc thì kéo theo khoảng 2 người lao động trẻ là nữ.

Giải pháp, khuyến nghị

  • Tiếp tục nghiên cứu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để giảm sức ép đối với quỹ BHXH thông qua việc sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành điều 187 quy định về kéo dài thời gian làm việc của người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu lên các nhóm đối tượng khác.
  • Tiếp thục thực hiện các nghiên cứu sâu hơn tác động của tuổi nghỉ hưu đến cân bằng quỹ BHXH, thị trường lao động và các yếu tố kinh tế xã hội khác.
  • Cần hoàn thiện và bổ sung phương pháp đánh giá tác động của tăng tuổi nghỉ hưu; cập nhật số liệu và đánh giá thường xuyên tác động đến thị trường lao động và các yếu tố kinh tế xã hội giai đoạn sau khi tăng tuổi nghỉ hưu.

2013, TS Nguyễn Thị Lan Hương và nhóm nghiên cứu