Đánh giá thực trạng khả năng và cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội của nhóm người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số

10/07/2015 00:00:00

Đánh giá thực trạng khả năng và cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội của nhóm người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số

Những phát hiện chính

Đề tài nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (DVXHCB) của người nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; đánh giá thực trạng khả năng tiếp cận DVXHCB và đề xuất, khuyến nghị các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận DVXHCB của người nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cách tiếp cận nghiên cứu: (i) xuất phát từ Cung DVXHCB (bao gồm các chương trình, chính sách DVXHCB cho nhóm người nghèo tại các vùng DTTS và miền núi; tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ); (ii) xuất phát từ Cầu DVXHCB (bao gồm đặc điểm của đối tượng; nhu cầu của người nghèo tại vùng DTTS và miền núi.

Theo đề tài, DVXHCB được định nghĩa là hệ thống cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người và được xã hội thừa nhận. Các quan điểm và cách tiếp cận khác nhau đều xác định DVXHCB bao gồm: giáo dục cơ bản, y tế cơ bản, dân số và kế hoạch hóa gia đình; nước sạch và vệ sinh môi trường; trợ giúp xã hội đột xuất. Vùng DTTS và miền núi bao gồm 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (19 tỉnh miền núi vùng cao (có đồng bào DTTS), 22 tỉnh miền núi (có đồng bào DTTS) và 10 tỉnh đồng bằng (có đồng bào các DTTS sinh sống).

Vùng DTTS và miền núi có những đặc thù rất khác biệt, có ảnh hưởng lớn tới tình trạng nghèo đói của người dân như điều kiện sản xuất khó khăn, thiếu việc làm và việc làm năng suất thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn thấp kém và không đáp ứng nhu cầu, thiếu vốn, giáo dục và trình độ lao động thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, phong tục tập quán còn lạc hậu…

Vùng đồng bào DTTS và miền núi là nơi tập trung chủ yếu người nghèo và đồng bào DTTS đã được Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển thông qua nhiều chính sách, chương trình, dự án. Với sự quan tâm của Chính phủ, kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng sâu vùng xa đã có sự tăng trưởng đáng kể, tỷ lệ nghèo đói đã giảm nhanh hàng năm. Công bằng xã hội trong tiếp cận DVXHCB đã được cải thiện, đặc biệt là cho người nghèo DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Hệ thống cung cấp DVXHCB và chính sách hỗ trợ đã góp phần thực hiện công bằng xã hội và phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, chính sách đã có nhưng tổ chức cung cấp các DVXHCB còn nhiều bất cập; hệ thống cung cấp DVXHCB ở những vùng, miền này còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Người nghèo tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ các chính sách, chương trình giảm nghèo, tỷ lệ tiếp cận với hệ thống DVXHCB của người nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi còn rất hạn chế. Mặc dù đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, song tỷ lệ nghèo ở các hộ DTTS vẫn còn cao so với các nhóm còn lại, mức độ bình đẳng trong các cơ hội tiếp cận DVXHCB còn nhiều hạn chế, bất bình đẳng giữa các vùng miền, các dân tộc còn cao. Cụ thể:

  • Về dịch vụ việc làm: Chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề còn chồng chéo, chưa bao phủ hết đối tượng; hệ thống thông tin TTLĐ, dịch vụ việc làm còn nhiều yếu kém và hạn chế. Tỷ lệ lao động DTTS được tư vấn về việc làm và học nghề rất thấp (gần 5%); tỷ lệ hộ nhận được hỗ trợ dạy nghề còn thấp và có xu hướng tiếp tục giảm qua các năm, chất lượng việc làm thấp.
  • Về dịch vụ giáo dục cơ bản: Chính sách hỗ trợ giáo dục ban hành khá sớm và đồng bộ, có quy định về phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, miễn giảm học phí và các khoản đóng góp, ngân sách nhà nước dành nhiều ưu tiên đầu tư… Tuy nhiên hệ thống pháp luật và chính sách về giáo dục thiếu đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung; hiệu quả thực hiện chính sách chưa cao, chính sách phổ cập giáo dục chưa bao phủ đến nhóm trẻ dưới 5 tuổi; còn thiếu trường lớp, chất lượng kém. Còn một bộ phận người DTTS không biết chữ, trẻ em 5 tuổi không được đi học cao, tình trạng bỏ học còn phổ biến.
  • Về dịch vụ y tế cơ bản: chính sách BHYT và khám chữa bệnh miễn phí bao phủ gần 100% người nghèo vùng DTTS; đầu tư hệ thống dịch vụ y tế và đội ngũ y bác sỹ cho vùng DTTS được ưu tiên quan tâm. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng, cán bộ y tế vùng sâu, vùng xa còn thiếu và kém; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu (tiêm chủng, phòng dịch,dinh dưỡng trẻ em, khám thai…) đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khoảng cách; một bộ phận DTTS vẫn còn phong tục lạc hậu trong chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, sinh đẻ.
  • Về dịch vụ nước sạch và VSMT: Hộ DTTS nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt và hố xí hợp vệ sinh, tuy nhiên công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình chưa được chú trọng, cơ chế quản lý của Nhà nước, nhất là cơ chế tài chính chưa phù hợp. Hộ DTTS chủ yếu tiếp cận và sử dụng nước khe, mó được bảo vệ để sinh hoạt, chủ yếu tự tạo hố xí theo tập quán, thói quen riêng.

Về dịch vụ trợ giúp đột xuất: các chính sách trợ giúp cho người, hộ gia đình gặp khó khăn do hậu quả của thiên tai bất khả kháng gây ra có hỗ trợ còn thấp, chỉ bảo đảm ổn định cuộc sống và sản xuất trước mắt. Người nghèo DTTS thường bị động trước thiên tai, không được tiếp cận với các dịch vụ dự báo, cảnh báo và phòng ngừa trước để có phương án đối phó, di dời.

Giải pháp, khuyến nghị

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của các cấp chính quyền và người DTTS trong tiếp cận DVXHCB và đảm bảo ASXH.

Ban hành danh mục các DVXHCB cung cấp cho người dân để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người và bảo đảm ASXH phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội đất nước và hội nhập với các tiêu chuẩn quốc tế.

Cải thiện dịch vụ và nâng cao năng lực cung cấp DVXHCB: thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp DVXH cho người dân theo định hướng cầu, phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của người DTTS, vùng DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ hiệu quả (gồm hình thức hợp tác công tư), tổng kết và nhân điển hình áp dụng đối với các vùng miền khu vực thích hợp với sự tham gia của người dân.

Huy động các nguồn lực trong xã hội và từ ngân sách nhà nước; (vi) mở rộng hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và tăng thêm nguồn lực tài chính cho việc hoàn thiện hệ thống DVXHCB cũng như trợ giúp các địa phương thực hiện tốt các mô hình cung cấp DVXHCB, đặc biệt là cho người nghèo DTTS và miền núi.

2011-2012, PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc và nhóm nghiên cứu