Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý khoa học lao động và xã hội

17/07/2015 00:00:00

Thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế- xã hội

Thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, Quản lý khoa học và công nghệ lĩnh vực lao động – xã hội cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nược đồng thời đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý khoa học lao động như; cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu, cơ chế xác định chủ nhiệm và cơ quan chủ trì nghiên cứu, cơ chế tài chính tring nghiên cứu, cơ chế đánh giá nghiệm thu các sản phẩm.v.v… Bài viết này nhằm đưa ra thực trạng công tác quản lý khoa học thời gian qua và khuyến nghị các nội dung chủ yếu cần đổi mới.

Summary: In implementation of solutions for achievement of strategic objectives to develop science and technology in closely link with the strategic objectives of socio-economic development, a number of tasks relating to science and technology management in the area of labor and social issues are identified as follows: to be concretize the guidelines and policies of the Party and State, comprehensive reform and consistent organizational reform, innovating scientific management mechanism such as: mechanism on research service order, determining the responsibilities of research agencies, the financial mechanism for researches, assessment of the research quality. This paper aims to provide the overview of administration of scientific activities over time and recommends for betterment

 

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII “Phát triển kinh tế – xã hội dựa vào khoa học và công nghệ, phát triển khoa học và công nghệ định hướng vào các mục tiêu kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh” Để khoa học và công nghệ nhanh chóng phát huy được vai trò của mình phù hợp với yêu cầu thực tiễn chúng ta cần có một cơ chế quản lý khoa học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ hướng tới mục tiêu: “khoa học và công nghệ trở thành nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội” Việc đổi mới cơ chế quản lý khoa học tạo điều kiện vận dụng công nghệ mới và tiến bộ kỹ thuật vào các hệ thống kinh tế đã thúc đẩy nhanh việc chuyển hóa những quan hệ truyền thống. Đổi mới quản lý khoa học không chỉ là nguồn lực biến đổi kinh tế mà vai trò của nó ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội.

Lĩnh vực lao động thương binh và Xã hội do ngành quản lý có tính tổng hợp, đan xen cả chính trị, kinh tế và xã hội, liên quan trực tiếp tới con người và vì mục tiêu phát triển con người. Quát triệt phương trâm đó, trong thời gian qua các chương trình, đề tài nghiên cứu của Bộ năm qua tập trung vào các nội dung sau:

– Nghiên cứu thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động của Ngành.

– Nghiên cứu, xây dựng luận cứ khoa học cho việc sửa đổi Bộ Luật Lao động; Đề án An sinh xã hội, tiền lương, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo; phát triển thị trường lao động, di chuyển lao động-dân cư, các vấn đề về người có công, chăm sóc và phát huy người cao tuổi, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, v.v. – Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, giải quyết tranh chấp lao động, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trợ giúp các đối tượng xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, v.v.

– Nghiên cứu những vấn đề thúc đẩy hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực thuộc ngành.

– Nghiên cứu cơ bản những vấn đề về lý luận đối với các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

– Tổng kết thực tiễn các hoạt động sự nghiệp của ngành trên các lĩnh vực XĐGN, XKLĐ, chăm sóc người có công, các lĩnh vực xã hội nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm để xây dựng triển khai chỉ đạo thực hiện, các mô hình có hiệu quả.

Tình hình thực hiện các chương trình đề tài nghiên cứu:

Trong giai đoạn 2006-2012 Bộ đã triển khai nghiên cứu 260 chương trình, đề tài cấp bộ trên các lĩnh vực của ngành, về cơ cấu đề tài được điều chỉnh theo nhiệm vụ trọng tâm của từng giai đoạn và từng năm. Các vấn đề an sinh xã hội được chú trọng hơn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.


Hình 1: Cơ cấu đề tài chia theo các năm

Nguồn: Báo cáo hàng năm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

 


Về lĩnh vực lao động – việc làm: đã nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, phương pháp luận và cơ sở thực tiễn trước khi trình và ban hành các văn bản về việc làm, xuất khấu lao động, phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, môi trường, an toàn vệ sinh lao động, thanh tra chính sách Lao động – Thương binh và Xã hội, thanh tra an toàn lao động , v.v.

Về lĩnh vực Dạy nghề và đào tạo: Các đề tài đã đưa ra được các luận cứ cho việc xây dựng đề án phát triển dạy nghề nông thôn; xây dựng Quy hoạch phát triển các nghề trọng điểm trong mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề đến năm 2020, đã xây dựng chương trình các môn học; đưa ra các căn cứ khoa học và thực tiễn xây dựng đổi mới, phương pháp, mô hình dạy nghề đã được cuộc sống chấp nhận và phát huy tác dụng đem lại ngay hiệu quả thực tế.

Về lĩnh vực xã hội: Các nghiên cứu cơ sở của đề tài đã cung cấp luận cứ và những nội dung trong chiến lược an sinh xã hội, việc thể chế hóa các pháp lệnh, nghị định đã trở thành công cụ quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực chính sách bảo hiểm xã hội, xoá đói giảm nghèo, giảm chênh lệch giàu nghèo, bảo vệ người tàn tật, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cứu trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội , v.v. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật này đã được nghiên cứu quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng – Nhà nước về thực hiện công bằng xã hội, làm trong sạch môi trường xã hội, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của Bộ.

Về lĩnh vực thông tin và quản lý: Những giải pháp các đề tài đưa ra đã góp phần đưa công tác chỉ đạo điều hành của Ngành đi vào nề nếp và hiệu quả hơn. Các đề tài đã đưa ra các biện pháp tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật tới doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động nhằm nâng cao hiểu biết về quyền và trách nhiệm của các bên trong tham gia quan hệ lao động.

Đánh giá chung tình hình thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Công tác nghiên cứu khoa học của Bộ ngày càng bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội; đã góp phần cung cấp những căn cứ lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc soạn thảo các văn bản trình Bộ, Chính phủ hoặc đúc rút kinh nghiệm
thực tiễn có giá trị phục vụ chỉ đạo đưa các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực ngành quản lý vào cuộc sống

Công tác nghiên cứu khoa học của Bộ thời gian qua đạt được những thành công trên trước hết là do sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ. Công tác nghiên cứu khoa học của Bộ đã được quan tâm coi như những nhiệm vụ thiết thực và được triển khai toàn diện từ nghiên cứu lý luận đến tổng kết thực tiễn. Do đó đã phục vụ có hiệu qủa việc thực hiện những nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành, hệ thống chính sách lao động, Người có công và xã hội thuộc ngành đảm nhiệm ngày càng hoàn thiện, đi vào cuộc sống và được chấp nhận.

Một số tồn tại:

– Một số nhiệm vụ trọng tâm như những nghiên cứu đón đầu, nghiên cứu một số vấn đề có tính lý luận, phương pháp luận trong lĩnh vực quản lý lao động, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và dạy nghề trong bối cảnh toàn cầu hóa và suy giảm kinh tế còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn v.v.

– Kinh phí cho một đề tài còn thấp nên nhìn chung các đề tài chưa đi sâu khảo sát thực tiễn, tổng kết, đánh giá các mô hình cơ sở ở địa phương, nên việc ứng dụng đề tài còn hạn chế.

– Một số đề tài triển khai nghiên cứu còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ và niên độ kế toán.

Một điều đáng lo ngại đó là tình trạng nữ hoá đang tăng dần trong các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy của ngành . Một số cán bộ nữ xin vào cơ quan nghiên cứu với lý do điều kiện gia đình, cần thời gian chăm sóc con cái hoặc chờ cơ hội đi học. Một số có tố chất và đam mê nghiên cứu khoa học đã chuyển sang nơi khác sau một thời gian ngắn vì thu nhập thấp đã dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám trong các tổ chức nghiên cứu.

Vấn đề tuyển dụng và sử dụng cán bộ còn nhiều bất hợp lý, cơ quan nghiên cứu đầu ngành mang tính hàn lâm nhưng cán bộ dự tuyển hầu hết là sinh viên mới ra trường, Để những cán bộ mới này thành thạo, đứng vững được trong nghiên cứu cần cả chục năm. Trong thời gian đó họ tranh thủ đi học nâng cao và khi đạt học vị rồi tìm cách chuyển cơ quan công tác.

Một hạn chế lớn trong nghiên cứu và giảng dạy là trình độ ngoại ngữ của cán bộ còn yếu chưa đủ để có thể trao đổi nghiên cứu giảng dạy trực tiếp bằng ngoại ngữ, nhất là việc thiếu tương thích trong hợp tác nghiên cứu về lý luận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu. Kết quả các báo cáo khoa học chưa đạt được các chuẩn mực quốc tế và yêu cầu hội nhập.

Trong những năm qua cơ chế quản lý khoa học chưa mang tính hệ thống, đồng bộ và vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế và đất nước. Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tái cơ cấu nền kinh tế, đòi hỏi sự phát triển phải dựa trên các yếu tố về năng suất lao động, sự cạnh tranh, ứng dụng tri thức và công nghệ mới, đồi hỏi nguồn nhân lực phải có chất lượng cao và có kỹ năng quản lý hiện đại, v.v. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện cơ chế quản lý khoa học trong thời gian tới.

Những căn cứ pháp lý đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức cơ chế quản lý khoa học đến 2020:

– Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000 – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

– Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội – bổ sung, phát triển năm 2011.

– Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020.

– Kết luận của Bộ Chính trị về đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”

– Báo cáo số 220/BC-CP của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012 và 5năm 2011-2015.

– Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2011-2015,

– Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong đợt khảo sát, làm việc với các Bộ ngành, địa phương, các tổ chức khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước về tình hình hoạt động khoa học và công nghệ tháng 7/2011.

Đây là những hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới cơ chế quản lý khoa học cho giai đoạn tới.

Quan điểm đổi mới cơ chế quản lý khoa học trong thời gian tới:

– Bám sát quan điểm của Đảng và Nhà nước: “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.”

– Kế thừa những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua

– Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí cho sự nghiệp khoa học.

– Tiếp cận những chuẩn mực quốc tể trong quản lý và hoạt động khoa học -công nghệ.

Các nội dung cần tiêp tục đổi mới:

– Đổi mới công tác xây dựng nhiệm vụ khoa học – công nghệ: Tăng cường đặt hàng các nhiệm vụ khoa học – công nghệphục vụ cho công tác quản lý của ngành. Tổ chức xác định các vấn đề cần ưu tiên để thực hiện nghiên cứu. Tăng cường phối hợp giữa các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý của ngành tại các địa phương để xác định các vấn đề chiến lược của ngành. Xây dựng cơ chế tăng cường sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học – công nghệ.

– Nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu các đề tài theo hướng ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, bổ sung các nghiên cứu lý thuyết cơ bản, tổng kết lý luận từ thực tiễn, dự báo phân tích chiến lược chuẩn xác hơn.

– Hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học – công nghệ;

– Bố sung sửa đổi các quy định quản lý, điều phối, tổ chức thực hiện các chương trình đề tài theo hướng phù hợp với chuẩn mực quốc tế, nâng cao vai trò trách nhiệm của ban chủ nhiệm chương trình, đề tài trong việc tổ chức triển khai lấy nghiên cứu làm gốc, đảm bảo đời sống cán bộ nghiên cứu bằng những công trình nghiên cứu và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của chương trình, đề tài.

– Nghiên cứu xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo hình thức nghị định thư.

– Xây dựng cơ chế điều phối tổng thể hoạt động khoa học – công nghệ, chế độ báo cáo định kỳ hàng năm. Trên cơ sở đó xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê, tổng hợp chương trình đề tài để tránh trùng lặp.

– Đổi mới phương thức đánh giá nghiệm thu đề tài nhằm nâng cao chất lượng trong nghiên cứu khoa học.

– Nghiên cứu sửa đổi quy chế xét duyệt đề tài, đánh giá kết quả nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế; đổi mới phương thức lựa chọn chuyên gia tham gia hội đồng đánh giá nghiệm thu đảm bảo khách quan minh bạch; có cơ chế mời chuyên gia phản biện độc lập hoặc phản biện kín. Sửa đổi những bất cập trong mẫu phiếu đánh giá, tiêu chí xét duyệt, quy định rõ yêu cầu về công bố kết quả nghiên cứu của đề tài.

– Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia, nghiên cứu viên, đề tài, nguồn lực khoa học – công nghệ phục vụ công tác đánh giá, thông kê và quản lý nhà nước về khoa học – công nghệtheo hướng liên ngành về cơ sở dữ liệu.

– Xây dựng đề án phát triển cơ quan nghiên cứu của Bộ đạt chuẩn trong khu vực và đứng trong 20 viện nghiên cứu hàng đầu của quốc gia về lao động và xã hội; cải thiện vị thế, nâng cao chất lượng nghiên cứu trong các trường đại học và cao đẳng thuộc Bộ. Củng cố và phát triển nghiên cứu chuyển giao công nghệ dạy nghề và chỉnh hình phục hồi chức năng./.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương

Trưởng phòng Quản lý Khoa học

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Tư vấn chiến lược của Bộ Trưởng – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Hà Nội (1998). Những chính sách có tầm chiến lược về Lao động – Thương binh và Xã hội thời kỳ 2001-2010.
  2. Đề án đổi mới KHCN (Ban hành kèm theo Quyết định số 171/2004/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ).
  3. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000.
  4. Nguyễn Văn Điểm (2004), Toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập, CTQG, H.

Nghị quyết TW 2 (Khóa VIII); Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (Khóa IX); Thông báo kết luận số 234-TB/TW của Bộ Chính trị (Khóa X); Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX); Chỉ thị số 63-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX); Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư (Khóa IX); Nội dung văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI về khoa học và công nghệ.