Hội thảo Công bố Ấn phẩm khoa học: "Báo cáo xu hướng lao động và xã hội 2019" và"Bản tin chắt lọc chính sách lao động và xã hội 2019"

26/02/2020 16:36:47

 

Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2019-2020, Viện Khoa học Lao động và Xã hội tổ chức Hội thảo công bố Ấn phẩm khoa học “Báo cáo xu hướng lao động và xã hội 2019 và Bản tin chắt lọc chính sách lao động và xã hội 2019”. Hội thảo diễn ra vào 13:30 thứ tư ngày 26/2/2020 tại hội trường tầng 2, Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

Đến tham dự hội thảo gồm có đại diện của các đơn vị thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đại diện của các Viện nghiên cứu và trường đại họcđông đảo cơ quan thông tấn, báo chí trong nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Đào Quang Vinh nhấn mạnh Báo cáo Xu hướng Lao động và Xã hội Việt Nam 2019 là ấn phẩm thường niên xuất bản lần thứ chín của Viện Khoa học Lao động và Xã hội. Báo cáo năm 2019 tiếp tục phân tích, đánh giá các vấn đề về lao động và xã hội giai đoạn 2009-2018 và dự báo xu hướng giai đoạn 2019-2021.

Báo cáo cho thấy trong giai đoạn 2009-2018, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao (bình quân tăng 6,08%/năm), lạm phát được kiểm chế ở mức thấp, cán cân thương mại được cải thiện, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Tiến bộ về kinh tế đã tác động tích cực đến lĩnh vực lao động – xã hội. Tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, an sinh xã hội được tăng cường. Tuy nhiên, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực vẫn còn thấp; chất lượng việc làm không cao.

Trong giai đoạn ngắn hạn tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh nhiều thách thức về thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an toàn thông tin, nền kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn bất cập, lĩnh vực lao động và xã hội cũng chịu tác động và ảnh hưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ của ngành, cụ thể như: Thị trường lao động đối mặt với nguy cơ thừa lao động với trình độ, kỹ năng thấp nhưng lại thiếu nhân lực trình độ cao cho cuộc cách mạng 4.0; xu hướng đô thị hóa và di cư của người dân tạo sức ép lớn về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội; già hóa dân số tốc độ nhanh tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội; chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; biến đổi khí hậu tác động đến nhiều mặt của đời sống người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội.

          Bên cạnh báo cáo Xu hướng Lao động và Xã hội, từ năm 2019 đến nay Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã bắt đầu phát hành bản tin chính sách chắt lọc từ các kết quả nghiên cứu của Viện. Các bản tin chắt lọc chính sách lao động xã hội 2019 cũng được công bố trong hội thảo gồm có Bản tin chắt lọc chính sách về Biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó của ngành Lao động, thương binh và xã hội giai đoạn đến 2030, Phát triển dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi ở Việt Nam, và tăng cường việc làm thoả đáng cho lao động trung niên ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Bản tin chắt lọc về Biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó của ngành Lao động, thương binh và xã hội giai đoạn đến 2030 cho thấy Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) và đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. BĐKH tác động đến mục tiêu xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và các nhóm yếu thế nói riêng. Những năm qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực thực hiện các điều ước quốc tế và nỗ lực ứng phó với BĐKH thể hiện qua các chính sách và các chương trình quốc gia. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2010-2015 và đã đạt được kết quả bước đầu. Giai đoạn từ nay đến 2030, trong bối cảnh BĐKH có nhiều diễn biến phức tạp, ngành lao động – thương binh và xã hội (LĐTBXH) cần tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH.

Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Lao động-thương binh và xã hội nhấn mạnh nâng cao nhận thức kiến thức về ứng phó BĐKH thông qua đào tạo, truyền thông. tiếp tục hoàn thiện các chính sách lồng ghép với ứng phó với BĐKH theo hướng rà soát các chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình các lĩnh vực thuộc ngành LĐ-TB&XH quản lý nhằm lồng ghép giải pháp ứng phó BĐKH Chủ động ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả trong tổ chức thực hiện đồng thời tiếp tục Nghiên cứu, triển khai áp dụng các mô hình việc làm xanh, ATVSLĐ hướng tới giảm phát thải khí nhà kính.

Bản tin chắt lọc về phát triển dịch vụ chăm sóc dài hạn cho thấy già hoá dân số là xu hướng chung trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam. Mặc dù tuổi thọ bình quân ngày càng cao (73,5 tuổi vào năm 2018) nhưng số năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam thấp (khoảng 64 tuổi), sức khỏe yếu; tỷ lệ người cao tuổi (NCT) mắc các bệnh mãn tính không lây truyền cao, có đến 72,9% dân số NCT sống phụ thuộc bị suy giảm chức năng và khuyết tật tự chăm sóc trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe còn mỏng, chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc NCT. Trong khi đó, khoảng 60% NCT ở Việt Nam không có bất cứ chế độ trợ cấp hàng tháng hoặc lương hưu nào từ các chính sách xã hội của Nhà nước tạo thành gánh nặng trong chăm sóc NCT ở Việt Nam. Thực tiễn già hóa dân số và xu hướng phát triển các hình thức bệnh không lây nhiễm của NCT tại Việt Nam làm gia tăng nhu cầu thiết yếu về chăm sóc dài hạn đặt ra yêu cầu về xây dựng và phát triển hệ thống chăm sóc dài hạn cho NCT với việc mở rộng, nâng cấp về các hình thức chăm sóc dài hạn; quy mô cũng như phạm vi bao phủ của hệ thống chăm sóc dài hạn ở Việt Nam.

Bản tin chắt lọc về tăng cường việc làm thoả đáng cho lao động trung niên ngành công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang chú trọng hơn vào chất lượng nhân lực để tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng đầu tư, đổi mới sáng tạo. Mặt khác, do ứng dụng công nghệ mới nên nhu cầu lao động của doanh nghiệp cũng thay đổi. Những lao động không thích ứng kịp với đổi mới, trong đó có lao động trung niên, phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm hoặc việc làm thiếu bền vững. Do vậy, việc xác định được các đặc điểm việc làm của lao động trung niên trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cơ sở quan trọng để có các giải pháp phù hợp nhằm tăng cường việc làm thỏa đáng cho lao động trung niên trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Các khuyến nghị chính sách đối với Nhà nước gồm có nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về lao động, củng cố và tăng cường hệ thống thông tin thị trường lao động để kết nối người lao động bị mất việc với doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận, nhất là LĐTN và thực hiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, cần phối hợp với tổ chức công đoàn xây dựng thỏa ước lao động tập thể rõ ràng, thực chất, cần có chiến lược nhân sự dài hạn để phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra nhanh chóng. Về phía lao động trung niên, cần xác định đúng các ưu điểm và hạn chế của bản thân để sẵn sàng tham gia vào các công việc phù hợp đồng thời chủ động và tận dụng các cơ hội để nâng cao kiến thức chuyên môn, đạt các chứng chỉ nghề chuyên nghiệp; phát huy tinh thần trách nhiệm cao và vốn xã hội tốt để duy trì và phát triển việc làm.

Một số hình ảnh tại biểu lễ: