Hội thảo “Một số vấn đề việc làm trong nền kinh tế việc làm tự do ở Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp lái xe/giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình”

14/01/2022 20:35:12

 

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của công nghệ số, các nền tảng lao động số cũng gia tăng nhanh chóng. Theo ILO (2021), toàn cầu hiện có khoảng 777 nền tảng lao động số (2020), tăng gấp 5 lần so với năm 2010. Dựa trên các nền tảng lao động số, chủ dịch vụ kết nối khách hàng và người lao động nhằm thực hiện các nhiệm vụ, hoặc các công việc cụ thể. Theo nghiều nghiên cứu, việc làm được tạo ra dựa trên các nền tảng công nghệ là việc làm trong nền kinh tế tự do.

Sự phát triển của internet, đặc biệt là các công nghệ số khiến việc làm trong nền kinh tế GIG phát triển nhanh chóng trong thời gian qua. Đặc biệt, khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy một cách mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế GIG. Nền kinh tế Gig mang đến sự chuyển dịch mạnh mẽ trong việc định hình lại cấu trúc việc làm, tạo ra những cơ hội chưa từng có cho người lao động, doanh nghiệp và xã hội. ILO (2021) chỉ ra rằng, các nền tảng lao động số đang tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là nhóm lao động yếu thế trong thị trường lao động truyền thống gồm phụ nữ, người khuyết tật, người di cư, người thất nghiệp,…Tuy nhiên, các vấn đề đặt ra trong nền kinh tế Gig là bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người lao động. Việc làm và thu nhập bấp bênh là những đặc điểm của việc làm GIG. Thêm vào đó, người lao động không được tiếp cận các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Hơn nữa, hiện nay không có quy định pháp lý thống nhất và người lao động phải chấp nhận các quy định/điều khoản do các doanh nghiệp công nghệ đặt ra bao gồm trả lương, các chính sách an toàn và điều kiện lao động,…

Sự bùng nổ của nền kinh tế GIG làm gia tăng mối quan ngại và những tranh cãi giữa các nhà lập pháp ở Việt Nam. Có nên thiết lập mối quan hệ lao động giữa NLĐ GIG với các DNCN hay là mối quan hệ thương mại thông thường? Chính phủ nên làm gì để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế GIG? Làm thế nào để quản lý người lao động GIG và các doanh nghiệp công nghệ. Cho đến nay, cơ chế pháp lý vẫn chưa có sự điều chỉnh.

Hội thảo được Viện KHLĐ&XH tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Tổ chức Hann Siedel Foundation của CHLB Đức nhằm chia sẻ và thảo luận về các phát hiện chính từ kết quả nghiên cứu Một số vấn đề việc làm trong nền kinh tế việc làm tự do ở Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp lái xe/giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình. Tại hội thảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia, đại diện cho các doanh nghiệp đã chia sẻ và trao đổi về khung khổ pháp lý cũng như thực trạng việc làm của người lao động làm việc dựa trên các nền tảng công nghệ và các đề xuất khuyến nghị chính sách nhằm quản lý và đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm lao động này.

Một số hình ảnh của hội thảo: