HỘI THẢO "PHÁT HUY LỢI THẾ CƠ CẤU DÂN SỐ VÀNG VÀ THÍCH ỨNG VỚI GIÀ HÓA DÂN SỐ"

15/04/2021 10:30:18

           Xác định công tác dân số, chuyển đổi nhân khẩu học và phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chính sách, chiến lược, chương trình về dân số, lao động, việc làm để sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực của đất nước.

          Bên cạnh đó, dự báo của Tổng cục Thống kê và Quỹ phát triển Dân số của Liên hợp quốc, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 33 năm, sẽ kết thúc vào năm 2039, nghĩa là chỉ còn 19 năm. Thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già khoảng 26 năm, từ năm 2011 đến năm 2036 - đây là khoảng thời gian chuyển đổi rất ngắn so với các quốc gia có trình độ phát triển cao, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Đặc biệt, xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước cũng già hoá khác, đã và đang tạo ra nguy cơ rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già” nếu chúng ta không tận dụng tốt cơ hội dân số vàng và có các biện pháp thích ứng hiệu quả đối với vấn đề già hóa dân số.

Vì vậy, trong thời gian tới, có hai vấn đề cơ bản đặt ra cho Việt Nam đó là:

         Thứ nhất, thời gian cho phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng không còn nhiều trong khi chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và chất lượng việc làm chưa cao. Hiện nay, tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ mới đạt 24,5%; nếu tính cả số việc làm trong khu vực nông nghiệp thì tỷ lệ việc làm phi chính thức còn chiếm hơn 2/3 tổng số việc làm của toàn nền kinh tế. Thực tế này là rào cản đối với việc tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kìm hãm nỗ lực tăng nhanh năng suất lao động.

        Thứ hai, tốc độ già hóa dân số nhanh trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ. Có 32% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng; hệ thống dịch vụ chăm sóc  người cao tuổi còn chưa đầy đủ cả về số lượng và chất lượng. Thực tế này làm gia tăng gánh nặng an sinh xã hội cho ngân sách nhà nước và đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho người cao tuổi.

         Hội thảo được Bộ Lao động – Thương binh và xã hội tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Tổ chức Hann Siedel Foundation của CHLB Đức nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu về phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam trong thời gian qua. Tại hội thảo, các đại biểu cùng các chuyên gia đã tập trung trao đổi và thảo luận về phạm vi, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ chốt cho các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lao động – việc làm và hệ thống an sinh xã hội để phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác dân số của nước ta trong tình hình mới.

     Một số hình ảnh của hội thảo: