Khảo sát hoạt động kinh tế của lao động di cư đã trở về nước (Nghiên cứu trường hợp lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình Cấp p

13/07/2015 00:00:00

thông tin về tình hình hoạt động kinh tế của người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình Cấp phép Việc làm (EPS) đã trở về Việt Nam, làm cơ sở đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động di cư Việt Nam trở về, tìm được việc làm và tái hòa nhập vào thị trường lao động ở Việt Nam

Mục tiêu

Thu thập thông tin về tình hình hoạt động kinh tế của người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình Cấp phép Việc làm (EPS) đã trở về Việt Nam, làm cơ sở đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động di cư Việt Nam trở về, tìm được việc làm và tái hòa nhập vào thị trường lao động ở Việt Nam.

Những phát hiện chính

Hoạt động kinh tế của người lao động trước khi đi làm việc ở Hàn Quốc

  • Trước khi đi làm việc ở Hàn Quốc, số lao động đã có kinh nghiệm làm việc trong nước chiếm tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận nhỏ người lao động đã từng có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài.
  • Chỉ một số ít lao động đạt được bằng kỹ sư hoặc chứng chỉ kỹ thuật trước khi đi lao động tại Hàn Quốc, điều này khiến cho phần lớn lao động mất nhiều thời gian học làm quen với công việc khi ở Hàn Quốc. Trình độ tiếng Hàn của đa số người lao động trước khi đi Hàn Quốc còn hạn chế.
  • Mức lương cao và môi trường làm việc tốt là những yếu tố quan trọng thúc đẩy người lao động lựa chọn đi làm việc tại Hàn Quốc.

Hoạt động kinh tế của người LĐ trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc

  • Sang Hàn Quốc làm việc, rất ít lao động có việc làm liên quan ít nhiều đến công việc đã làm ở Việt Nam. Người lao động phải mất bình quân 64.4 ngày học việc để có thể thành thạo công việc ở Hàn Quốc; cá biệt cũng có những lao động phải mất đến 180 ngày học việc.
  • Tất cả số lao động sang Hàn Quốc làm việc đều gửi tiền về cho gia đình. Bình quân, mỗi lao động đã gửi về cho gia đình số tiền tương đương với 251 triệu đồng. Các khoản tiền gửi về Việt Nam chủ yếu được sử dụng vào đầu tư kinh doanh, mua sắm tài sản (xây nhà, mua nhà, v.v…) và gửi tiết kiệm.

Tình hình hoạt động kinh tế và đời sống của người LĐ sau khi trở về nước

Đối với nhóm lao động hiện đang không làm việc

  • Trong số lao động không làm việc, có 28.6% số lao động cho rằng “Không tìm được việc làm” là lý do họ không làm việc. Ngoài ra, cũng có 23.1% trong số lao động hiện không làm việc là vì muốn được nghỉ ngơi hoặc do sức khỏe yếu. Cũng có một số lao động quyết định không làm việc vì lý do không tìm được công việc đáp ứng nhu cầu về mức lương (8.7%) hoặc công việc theo ý muốn của họ (4.8%).
  • Mức tiền lương tối thiểu mà những lao động này mong muốn nhận được tương đối cao, 59.5% số lao động đề xuất mức lương tối thiểu từ 5 triệu đến dưới 10 triệu đồng/tháng và 28.6% đề xuất mức lương tối thiểu trên 10 triệu đồng/tháng.

Đối với nhóm lao động hiện đang làm việc

  • Phần lớn người lao động không có nhiều cơ hội phát huy khả năng tiếng Hàn, kiến thức về văn hóa–xã hội của Hàn Quốc.
  • Tỷ lệ lao động hiện đang làm những công việc hoàn toàn không liên quan đến công việc họ đã từng làm ở Hàn Quốc chiếm tới 67.6% tổng số lao động hiện đang có việc làm.
  • Phần lớn lao động không bị áp lực về thời gian làm việc trong ngày. Tuy nhiên, vẫn có 21.2% lao động có thời gian làm việc bình quân dưới 8 giờ/ngày (trong đó, mức giá trị nhỏ nhất là 3 giờ/ngày) và 8.4% số lao động đang làm việc bình quân trên 10 giờ/ngày.
  • Thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động hiện đang có việc làm đạt gần 5.1 triệu đồng/người.
  • Kinh nghiệm sống và làm việc ở Hàn Quốc tác động mạnh đến thái độ của người lao động đối với công việc hiện tại ở Việt Nam. Đặc biệt, phần đông lao động có thái độ tiêu cực đối với công việc tập trung vào các yếu tố lương/thu nhập chưa thỏa mãn nguyện vọng của người lao động (45.8%), tiềm năng phát triển hạn chế (41.9%), vị trí và tính chất việc làm chưa phù hợp với năng lực cá nhân (40.8%).

Giải pháp, khuyến nghị

Đối với Chính phủ Hàn Quốc

  • Hoạt động thông tin, truyền thông cần được tăng cường hơn nữa để người lao động di cư biết được và tiếp cận được với chương trình. Đặc biệt, các tài liệu quảng cáo của chương trình hỗ trợ EPS phải được gửi đến tất cả các lao động nhập cư đang làm việc tại Hàn Quốc bằng cả hai ngôn ngữ Hàn Quốc và Việt Nam; thông tin của các chương trình hỗ trợ cũng nên định kỳ được phổ biến tới người lao động thông qua cuộc họp công đoàn ở cấp độ doanh nghiệp.
  • Cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động di cư cũng như bản thân người lao động di cư tham gia vào các chương trình hỗ trợ đào tạo của EPS: Thời gian đào tạo phải phù hợp với thời gian làm việc hàng ngày của người lao động và doanh nghiệp; Tạo cơ chế cho các doanh nghiệp có tỷ lệ lao động được đào tạo theo chương trình hỗ trợ EPS được dễ dàng tiếp cận vốn vay và được giảm các chi phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông công cộng, ….
  • Tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu về lao động giữa người lao động di cư từ Hàn Quốc trở về Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Điều này nhằm tối đa hoá kinh nghiệm của người lao động di cư Việt Nam trở về, giúp họ có cơ hội ứng dụng các kỹ năng về ngôn ngữ Hàn Quốc, phong cách làm việc, kỹ năng kinh doanh… của Hàn Quốc mà họ đã tích luỹ được trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc.
  • Công tác quản lý, thanh tra, giám sát các doanh nghiệp có lao động di cư nói chung và lao động là người Việt nam nói riêng cần được tăng cường để giảm thiểu tình trạng lao động di cư phá bỏ hợp đồng, chuyển sang cư trú và lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Đối với Chính phủ Việt Nam

  • Tiếp tục chuẩn hóa nội dung, phương pháp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghề nghiệp và ngoại ngữ cho người lao động tham gia tuyển dụng đi làm việc tại nước ngoài (kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn kỹ thuật, định hướng ngành nghề….), cũng như chuẩn hóa công tác giám sát/đánh giá/kiểm định chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo nghề nhằm trang bị cho người lao động các kỹ năng nghề nghiệp và ngôn ngữ tiếng Hàn đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động Hàn Quốc và hỗ trợ người lao động nhanh chóng hội nhập với môi trường sống và làm việc ở Hàn Quốc.
  • Xây dựng khung khổ pháp lý về các chính sách, chương trình hỗ trợ người lao động xuất khẩu trở về tái hòa nhập thị trường lao động trong nước theo hướng xã hội hóa, khuyến khích chính quyền địa phương và các đối tác xã hội khác (người sử dụng lao động, hiệp hội tổ chức xã hội/nghề nghiệp….) cùng tham gia.
  • Tăng cường kết nối thông tin thị trường lao động, tư vấn và giới thiệu tạo việc làm cho người lao động di cư; khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận, giới thiệu việc làm cho lao động xuất khẩu về nước; khuyến khích người lao động sử dụng tiền tiết kiệm, kinh nghiệm và tay nghề để chuyển đổi việc làm, hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, tiếp tục đi xuất khẩu lao động…; có chính sách cụ thể hỗ trợ đối với những lao động trở về nước trước thời hạn do nguyên nhân khách quan (khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài gặp khó khăn/phá sản).
  • Tăng cường các hoạt động hợp tác với các nước tiếp nhận lao động trong việc bảo vệ quyền con người của tất cả lao động xuất khẩu, về trao đổi thông tin và tiếp cận thị trường lao động, đơn giản hoá các thủ tục gửi và tiếp nhận lao động, xây dựng các chính sách và hình thức để tăng cường chuyển tiền kiều hối qua các kênh chính thức, cung cấp các khóa đào tạo kỹ thuật và phát triển tay nghề, ngăn chặn sự di cư và tuyển dụng lao động bất hợp pháp.

ThS Lưu Quang Tuấn và nhóm nghiên cứu

Viện Lao động Hàn Quốc – KLI