Kinh nghiệm quốc tế trong tuyển dụng, quản lý và hỗ trợ lao động di cư ở nước ngoài của các nước phái cử lao động

17/07/2015 00:00:00

Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về hệ thống luật pháp, chính sách và các chương trình, biện pháp về tuyển dụng, đào tạo và quản lý lao động di cư ở nước ngoài, hỗ trợ lao động trở về và tái hòa nhập, cũng như các mô hình quản lý và hỗ trợ hiệu quả lao động làm việc ở nước ngoài của các nước phái cử lao động như Philipines, Srilanka, Pakistan, Trung Quốc, Campuchia, Thailand

Print Friendly

Tóm tắt: Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về hệ thống luật pháp, chính sách và các chương trình, biện pháp về tuyển dụng, đào tạo và quản lý lao động di cư ở nước ngoài, hỗ trợ lao động trở về và tái hòa nhập, cũng như các mô hình quản lý và hỗ trợ hiệu quả lao động làm việc ở nước ngoài của các nước phái cử lao động như Philipines, Srilanka, Pakistan, Trung Quốc, Campuchia, Thailand. Trên cơ sở các kinh nghiệm và thực tiễn tốt của các nước này, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong công tác quản lý và hỗ trợ lao động di cư.

  1. Kinh nghiệm của các nước phái cử lao động
  2. Philippines

Phillipines là một trong những nước có thế mạnh và phát triển về xuất khẩu lao động, công tác XKLĐ được quan tâm và đầu tư toàn diện về chính sách cũng như củng cố bộ máy quản lý từ khâu chuẩn bị cho người lao động đi XKLĐ, việc tuyển dụng và bố trí người lao động ở nước ngoài, bảo vệ các quyền và lợi ích của người lao động làm việc ở nước ngoài. Philipines được cả thế giới biết đến với một chương trình quản lý người lao động ở nước ngoài rất tiến bộ có tên là “Di cư có quản lý”. Chương trình này được xây dựng trên cơ sở tích hợp cơ chế bảo vệ người lao động trong cả chu trình: trước, trong và sau phái cử cho đến khi người lao động về nước, tái hòa nhập cộng đồng. Để cơ chế này hoạt động có hiệu quả, công tác bảo vệ người lao động rất được Philipines chú trọng.

Phillipines là nước dẫn đầu trong việc cung cấp các khóa đào tạo về định hướng cho lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Chính phủ Phillipines quy định việc học đinh hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài là bắt buộc. Chứng chỉ của khóa học này là điều kiện không thể thiếu được nếu lao động muốn được xuất cảnh. Chương trình đào tạo định hướng của Phillipines nhằm mục tiêu chuẩn bị cho lao động về chuyến đi và dạy họ cách để có thể đạt được lợi ích tối đa từ việc đi làm việc ở nước ngoài. Một Chương trình đào tạo định hướng truyền thống của Phillipnes bao gồm các hướng dẫn trong quá trình đi lại từ Phillipnes đến các nước, hiểu cụ thể về hợp đồng lao động, về công việc sẽ làm, các việc nên làm và không được làm tại nước đến, những kiến thức cần thiết để phòng ngừa lây nhiễm bệnh HIV/AIDS, cách thức gửi tiền về nhà, kế hoạch tái hòa nhập sau khi làm việc ở nước ngoài và tìm ra những giải pháp đối phó với khủng hoảng tâm lý (nếu có) trong quá trình tái hòa nhập. Tuy nhiên, cũng có những ngành nghề được xếp vào diện “nguy hiểm”, như giúp việc gia đình hay biểu diễn nghệ thuật (vũ công, nhạc công, kịch sỹ). Lao động những ngành này ngoài học định hướng còn được tham gia khóa đào tạo kỹ năng đặc biệt. Một đặc điểm nổi bật nữa trong chương trình đào tạo định hướng của Phillipines là họ xây dựng những Chương trình đào tạo định hướng dành riêng cho lao động đến các khu vực/ các quốc gia khác nhau. Chương trình đào tạo giáo dục định hướng được chia thành các tài liệu hướng đến các nhóm đối tượng “nhạy cảm” khác nhau: thuyền viên, giúp việc gia đình, dịch vụ giải trí, những lao động sẽ đến các nước “đặc biệt” (Irac, Cô Oét, Libya, Hàn Quốc), các lao động được tuyển dụng trực tiếp.

Tại Phillipines, các bài giảng chủ yếu thông qua thảo luận và xem video. Các phim video được thiết kế ngắn gọn, súc tích nhằm truyền tải đầy đủ thông tin trong thời gian cho phép. Người trực tiếp tiến hành các bài giảng được gọi là “hướng dẫn viên” hay “người đào tạo”. Để được công nhận là “hướng dẫn viên” hay “người đào tạo”, người này phải tốt nghiệp đại học và tham gia khóa học đào tạo nâng cao dành cho những người chuyên làm nghề này.

Philipines cũng có cơ chế hỗ trợ phúc lợi trực tuyến với mạng lưới 250 cán bộ lao động chuyên trách ở các nước có lao động Philipines. Cơ chế này hỗ trợ người lao động về pháp lý và những hỗ trợ cần thiết khác trong trường hợp người lao động phải về nước khẩn cấp. Ngoài ra, đa số người lao động và công ty cung ứng xuất khẩu lao động phải ký quỹ một khoản tiền theo quy định cho việc đưa lao động sang xuất khẩu nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động và của nhà nước.

Chính phủ Philipines rất chú trọng công tác quản lý người lao động khi họ làm việc ở nước ngoài, tập trung nhiều biện pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động và có nhiều cơ quan thực hiện các công tác liên quan đến việc tuyển dụng và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay riêng trong Cục Lao động – Việc làm đã có 2 cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về XKLĐ: (i) Cơ quan quản lý lao động nước ngoài (POEA) và (ii) Văn phòng lao động nước ngoài Philipines (POLO) trực thuộc Cục Lao động việc làm (DOLE), có 34 văn phòng tại các quốc gia có lao động Phillipines. Mỗi POLO có một tùy viên lao động và một trợ lý tùy viên cùng một nhân viên phúc lợi xã hội. Ngoài ra, POLO được thuê thêm người bản địa làm các công việc khác như phiên dịch, conciliator… POLO thực hiện chế độ báo cáo thông qua Ban Lao động quốc tế. POLO cũng là đơn vị duy trì và quản lý trung tâm nguồn lao động Phillipines (FRC). Trung tâm nguồn nhân lực Phillipines được Cục Lao động Việc làm thành lập ở những quốc gia có nhiều lao động Phillipines. Hiện DOLE đã thành lập 20 FRC tại các điểm khác nhau tại Châu Á, Trung Đông, Châu Âu và Châu Mỹ. Những FRC này hoạt động 24/24 nhằm cung cấp thông tin và hỗ trợ cho người lao động Philllipines ở nước ngoài.

Chính phủ Philippines có các chương trình hỗ trợ hiệu quả dành cho người lao động hồi hương như sinh kế và phát triển nghề nghiệp, tư vấn kinh doanh hoặc đào tạo kinh doanh cho những người đủ vốn và muốn mở kinh doanh khi trở về nước. Cơ quan quản lý lao động nước ngoài (POEA) còn phối hợp với ILO để có những dự án thành lập các trung tâm đào tạo ở những vùng có nhiều lao động đi xuất khẩu. Về chính sách tín dụng hỗ trợ tái hòa nhập, Chính phủ đưa ra chính sách cho vay sinh kế đối với các gia đình là 100.000 Pêsô (tương ứng với khoảng 1.850USD), cho vay hồi cư là 20.000 Pêsô (370USD) và tối đa là 50.000 Pêsô (khoảng 925 USD đối với các khoản vay trợ giúp nhóm. Chính phủ cũng đặt quan hệ với các tổ chức phi chính phủ trong việc tạo điều kiện dễ dàng về tín dụng và sinh kế cho người lao động hồi hương. Ngoài ra, các khoản cho vay về nhà ở và các khoản trọn gói cũng được đưa ra với những người lao động là thành viên của Quỹ phát triển tương hỗ về nhà ở.

  1. Sri Lanka

Chương trình đào tạo định hướng đối với lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài xuất phát từ nhu cầu cấp thiết trong việc đào tạo lao động nữ giúp việc gia đình đi làm việc tại các nước Trung Đông và sức ép của các tổ chức nhân quyền đối với việc đảm bảo nhân quyền và sự bảo vệ lao động tránh khỏi bạo lực và xâm hại. Cơ quan giáo dục quốc gia chịu trách nhiệm về việc xây dựng các chương trình học định hướng. Bộ Việc làm ngoài nước có bộ phận tổ chức cung cấp thông tin đến lao động di cư cũng như thu nhận những phản hồi từ phía các bên liên quan để đổi mới Chương trình giáo dục định hướng. Nội dung giảng dạy cụ thể hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm, hiểu biết của người tiến hành giảng dạy, nếu họ cảm thấy cần thiết phải cung cấp thêm các thông tin về nước tiếp nhận lao động hoặc theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Đặc biệt, những lao động đã trở về từ nước ngoài, có trình độ từ trung cấp trở lên có thể xin làm người hướng dẫn/giảng dạy giáo dục định hướng tại các lớp giáo dục định hướng.

Srilanka còn xây dựng được một hệ thống quản lý thông tin lao động di cư, bao gồm: Số lao động di chuyển hàng năm, đặc điểm, mức lương, điều kiện lao động, thời gian di chuyên, các cam kết, dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập của người lao động hồi hương đã được nhận. Những thông tin này được lưu trữ và cập nhật thường xuyên bởi Cục thông tin và phân tích trực thuộc Bộ xúc tiến việc làm ngoài nước thực hiện.

Về hỗ trợ lao động hồi hương, ngay từ khi chuẩn bị hết hạn hợp đồng lao động, văn phòng đại diện cho lao động Srilanka có trách nhiệm trong việc hỗ trợ giải quyết các thủ tục để người lao động trở về nước đúng thời hạn. Thông qua trung tâm lao động ngoài nước trực thuộc Bộ Xúc tiến việc làm ngoài nước, Srilanka đã đưa ra nhiều chính sách giúp lao động nước ngoài trở về và tái hòa nhập cộng đồng. Các chính sách chính phủ nước này đưa ra bao gồm: Đánh giá lại kỹ năng của người lao động, giúp người lao động tiếp cận tới việc làm và thông tin việc làm, hỗ trợ người lao động hồi hương trong việc sản xuất kinh doanh bằng việc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, giảm thuế trong một khoảng thời gian nhất định, các chính sách phúc lợi dành cho con em của người lao động hồi hương như khuyến khích đến trường, miễn giảm học phí. Đồng thời chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp tại Srilanka tiếp nhận người lao động hồi hương của mình, và khuyến khích vai trờ của các tổ chức nước ngoài và các cá nhân khác trong việc tạo điều kiện để người lao động trở về và tái hòa nhập cộng đồng.

  1. Thái Lan

Năm 1985, chính phủ Thái Lan thông qua Luật Tuyển dụng và tìm kiếm việc làm. Một trong những mục tiêu của Luật là hỗ trợ tìm kiếm việc làm, ngăn chặn di cư và nhập cư bất hợp pháp. Các hoạt động tuyển dụng lao động đi xuất khẩu đều chịu sự điều tiết của Bộ luật này.

Cục Quản lý lao động Ngoài nước là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc quản lý việc tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, quản lý thông tin về lao động, bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho người lao động, tuyển dụng lao động đưa đi xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước. Ngoài ra, Thái Lan còn thành lập quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động bao gồm phần đóng góp từ phía chính phủ, công ty tuyển dụng lao động và người lao động đi làm việc ở nước ngoài và các tổ chức khác. Quỹ này phục vụ cho việc bố trí sắp xếp cho người lao động hết hợp đồng lao động hoặc bị chấm dứt hợp đồng hồi hương và nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu, phát triển và mở rộng thị trường lao động. Các công ty tham gia vào quá trình tuyển dụng và đưa người lao động Thái Lan sang làm việc tại nước ngoài đều phải có giấy cấp phép tuyển dụng và bắt buộc phải có vốn điều lệ trên 1.000.000 bath và số tiền ký quỹ là 50.000 bath. Bên cạnh việc hình thành hệ thống quản lý lao động đi xuất khẩu ở trong nước, Thái Lan còn thành lập các Văn phòng đại diện cho người lao động đi xuất khẩu của mình tại 13 quốc gia, các văn phòng này có nhiệm vụ thúc đẩy tạo việc làm cho người lao động nước ngoài, cung cấp thông tin và bảo vệ người lao động Thái Lan ở nước ngoài.

Thái Lan cũng quan tâm chú trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động xuất khẩu, mã số hóa cho từng đối tượng; Và xây dựng cơ chế trao đổi thông tin thống nhất giữa chính phủ, các đối tác trong nước và các văn phòng đại diện của Thái Lan ở nước ngoài trong việc quản lý lao động xuất khẩu ở nước ngoài và đã về nước.

  1. Trung Quốc

Từ những năm 1985, nước này thực hiện chính sách mở cửa và khuyến khích di dân. Người Trung Quốc muốn đi nước ngoài làm việc không những được làm giấy tờ xuất cảnh dễ dàng mà họ còn được chính phủ khuyến khích, tạo điều kiện và định cư làm việc tại nước ngoài. Chính sách này càng được ưu tiên thực hiện ở những vùng nông thôn hoặc những vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao ở Trung Quốc. Chính sách tuyển dụng lao động đi xuất khẩu của Trung Quốc không chỉ hướng đến đối tượng lao động có kỹ thuật cao dành cho thị trường lao động cao cấp mà còn có cả những đối tượng lao động phổ thông, không có chuyên môn dành cho thị trường lao động thứ cấp. Trung Quốc có quy định cụ thể về việc bảo lãnh lao động đi làm việc ở nước ngoài – bất cứ 1 người lao động nào muốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đều phải có 2 quan chức nhà nước bảo lãnh nhằm hạn chế tình trạng bỏ trốn ở nước ngoài.

Trung Quốc cũng rất chú trọng đến công tác giáo dục định hướng. Trước khi đi xuất khẩu lao động, người lao động được đào tạo tập trung trong vòng 3 tháng. Trong trường hợp, người lao động tự ý nghỉ học, họ phải mất toàn bộ chi phí đã trả để được đào tạo. Các công ty xuất khẩu lao động cũng được quy định phải chịu trách nhiệm đào tạo cho người lao động trước khi đi xuất khẩu về công việc, pháp luật và phong tục truyền thống cơ bản của đất nước mà họ sẽ tới.

  1. Pakistan

Pakistan là một nước phái cử lao động lớn trong khu vực Nam Á. Pakistan luôn chú trọng phát triển các cơ chế để bảo vệ quyền lợi cho người lao động Pakistan làm việc ở nước ngoài trong đó chú trọng các biện pháp: nâng cao các cơ hội việc làm an toàn và ngăn chặn các hình thức đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp; huy động các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài tham gia vào ngoại giao lao động; tái kích hoạt nhiệm vụ xúc tiến tạo cơ hội việc làm cho người lao động, cam kết bảo vệ quyền lợi, phẩm giá và an ninh cho người lao động, hỗ trợ chuyển tiền về nước qua các kênh chính ngạch, hỗ trợ các sử dụng khoản tiền gửi về nước một cách hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của các thành viên trong gia đình người lao động. Việc bảo vệ quyền lợi của người lao động còn được Pakistan đảm bảo thông qua các kênh sau:

– Ký kết Hiệp định hoặc Thỏa thuận với các nước tiếp nhận lao động; phát triển một cơ chế cung cấp sự hỗ trợ về mặt pháp lý cho người lao động đang gặp khó khăn ở nước ngoài;

– Tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức, phổ biến các thông tin liên quan đến quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại nước phái cử. Triển khai các chương trình ở các vùng khác nhau trên toàn quốc và xuất bản những cuốn sách hướng dẫn có những thông tin cần thiết và phân phát rộng rãi. Bắt buộc các Trung tâm tuyển dụng lao động phải cung cấp sách hướng dẫn này cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Thiết lập một đường dây hỗ trợ miễn phí thông qua cơ quan đại diện Pakistan ở nước ngoài để người lao động Pakistan có thể liên hệ và thông báo bất kỳ thông tin khiếu nại nào hay cần có sự hỗ trợ khi họ bị mất việc làm. Những cán bộ có liên quan bắt buộc phải có câu trả lời trong vòng 72h kể từ khi nhận được yêu cầu.

– Cơ chế đăng ký: Người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đăng ký với các cơ quan đại diện của Pakistan ở nước ngoài. Thông tin về người lao động đăng ký được chuyển tới cơ quan đại diện của Pakistan tại nước tiếp nhận lao động. Tương tự, các cơ quan đại diện cũng hỗ trợ đăng ký trực tuyến để người lao động Pakistan đăng ký.

– Thiết lập các trung tâm tư vấn: Các trung tâm tư vấn được thành lập để bảo vệ người lao động ở nhiều địa điểm khác nhau trên toàn quốc và ở cả nước tiếp nhận, đặc biệt là ở các nước vùng vịnh và Malaysia. Các trung tâm ở các nước tiếp nhận cần có quan hệ với các tổ chức cộng đồng người Pakistan với CWAs cung cấp các thủ tục hỗ trợ cần thiết.

– Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu: Một hệ thống dữ liệu được máy tính hóa được thiết lập tại văn phòng cấp quận và tại trụ sở của văn phòng việc làm; các văn phòng và trụ sở này kết nối với Bộ Lao động, Sân bay và các văn phòng khu vực. Các tổ chức tuyển dụng hoặc các chủ sử dụng có thể sử dụng máy tính riêng của mình để tuyển dụng từ hệ thống dữ liệu này.

Chính sách di cư quốc gia của Pakistan năm 2008 đã xác định rõ một trong những mục tiêu để thúc đẩy và bảo vệ lao động di cư gồm: (i) Hỗ trợ các sử dụng khoản tiền gửi về nước một cách hiệu quả; (ii) Bảo đảm quyền lợi của các thành viên trong gia đình người lao động; (iii) Bảo đảm tái hoà nhập về kinh tế và xã hội cho người lao động sau khi hồi hương.

Việc tái hoà nhập của người lao động di cư trong thị trường lao động nội địa có mối liên kết với thông tin sẵn có về công việc và cơ hội đầu tư phù hợp với kỹ năng tay nghề và khoản tiền tiết kiệm của người lao động sau khi kết thúc hợp đồng về nước. Quỹ Người Pakistan ở nước ngoài (OPF) được cải tổ lại với mục đích tái hoà nhập người lao động di cư được coi là một biện pháp hỗ trợ quan trọng. OPF có trách nhiệm chăm lo quyền lợi của người lao động, kết hợp những nguồn lực trong cộng đồng người Do Thái với sự phát triển của đất nước. Một số biện pháp hỗ trợ khác như sau:

– Phát triển một cơ chế hợp tác với các văn phòng nhập cư thông qua Bộ Nội vụ sẽ giúp ghi lại những thông tin cần thiết về người lao động hồi hương.

– Dựa trên cơ sở những thông tin thu được, hình thành các chiến lược tập trung theo khu vực đối với những lao động hồi hương và các thành viên gia đình để họ sẵn sàng tìm việc, tự làm việc hoặc mở một cơ sở kinh doanh có liên quan đến tay nghề của họ.

– Cung cấp hỗ trợ tài chính đặc biệt thông qua hệ thống ngân hàng nhằm hỗ trợ vốn cho người lao động hồi hương và thành viên trong gia đình đối với hoạt động thành lập doanh nghiệp và tự kinh doanh.

– Chuẩn bị các dự án khả thi và cung cấp các dự án này cho lao động hồi hương cùng các thành viên gia đình họ ở mức giá thấp nhất có thể.

– Thành lập những văn phòng hỗ trợ kinh doanh đối với lao động hồi hương và thành viên gia đình họ tại văn phòng khu vực của Cục Di cư và Việc làm ngoài nước cũng như tại OPF.

  1. Camphuchia

Camphuchia cho phép tuyển dụng lao động trên 18 tuổi. Người lao động đi xuất khẩu lao động phải được ký kết hợp đồng lao động cho công việc tại nước ngoài. Trong hợp đồng ghi rõ tên, địa chỉ, ngày bắt đầu làm việc và ngày chấm dứt hợp đồng, vị trí và tính chất của công việc, kỹ năng cần thiết, tiền lương, bảo hiểm, thực phẩm, chăm sóc y tế, chỗ ở, thời giờ làm việc, chi phí vận chuyển, các quy định chế đọ dành cho người lao động hồi hương. Mỗi người lao động khi được tuyển dụng làm việc tại nước ngoài, họ phải ký một hợp đồng vay vốn với ngân hàng được chỉ định và buộc cá nhân phải có nghĩa vụ trả nợ. Ràng buộc này là một phương pháp hiệu quả trong việc quản lý người lao đông.

Trước khi được xuất cảnh, người lao động phải vượt qua các khóa kiểm tra cơ bản về nghề, và văn hóa và pháp luật của nước đó. Người lao động phải có chứng chỉ đào tạo do cơ sở đào tạo đủ thẩm quyền cấp. Thời hạn của chứng chỉ là 2 năm, trong trường hợp người lao động muốn nâng cao hoặc gia hạn chứng chỉ thì phải thi lấy chứng chỉ mới trong vòng trước 30 ngày chứng chỉ cũ hết thời hạn. Các công ty tuyển dụng có trách nhiệm đào tạo cho người lao động trước khi người lao động đi nước ngoài.

  1. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
  2. Về tuyển chọn lao động

Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền cả về hình thức và chất lương và hướng về cơ sở cho tới tận đối tượng. Công tác tuyển chọn phải được tiến hành chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu của đối tác, luôn có sẵn cơ sở dữ liệu về nguồn tuyển chọn để chủ động và có thông tin chính xác về người lao động. Nguồn lao động XK được mã số hóa (kinh nghiệm Philippines, Thái Lan) sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn cho công tác tuyển chọn và quản lý lao động.

  1. Về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết

Chương trình đào tạo định hướng sẽ có hiệu quả nhất nếu được thiết kế phù hợp với nhu cầu của từng nhóm lao động, tùy thuộc vào nước đến hoặc ngành nghề việc làm cụ thể. Kinh nghiệm của Phillipines cho thấy việc đưa ra những Chương trình định hướng đặc biệt cho lao động giúp việc gia đình, lao động làm biểu diễn nghệ thuật hay các nhóm lao động ngành nghề khác chứng tỏ rằng để có được hiệu quả cụ thể đối với những lao động di cư tiềm năng, định hướng chung chung là không đủ, đào tạo định hướng theo nghề nghiệp cụ thể mới mang lại hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó, việc thiết kế các bài giảng chủ yếu thông qua thảo luận và xem video đã mang lại hiệu quả rất lớn, thu hút được sự chú ý của người lao động.

Coi trọng vai trò và vị trí của các đối tác xã hội. Việc xây dựng và duy trì mối quan hệ phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ và khu vực tư nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong mở rộng chương trình đào tạo hướng tới số lượng lớn lao động di cư, tránh chồng chéo. Chính phủ có vai trò điều phối và duy trì tiêu chuẩn chất lượng của dịch vụ Chương trình đào tạo định hướng đối với lao động do các bên cung cấp.

  1. Về quản lý lao động xuất khẩu

Các quốc gia kể trên đều thiết lập cơ chế tổ chức đưa lao động đi xuất khẩu bao gồm việc gắn chặt về lợi ích, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, công ty cung ứng xuất khẩu lao động và người lao động. Sự hoạt động của các công ty cung ứng xuất khẩu lao động đều phải có giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đa số người lao động và công ty cung ứng xuất khẩu lao động phải ký quỹ một khoản tiền theo quy định của mỗi nước cho việc đưa lao động sang xuất khẩu nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động và của nhà nước.

Ngoài ra, xây dựng cơ chế bảo lãnh lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm tăng cường các ràng buộc pháp lý đối với người lao động và gia đình của họ nhằm hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn, phá hợp đồng ra ngoài làm (kinh nghiệm Trung Quốc). Tuy nhiên lao động của Việt Nam có xuất thân chủ yếu từ khu vực nông thôn, nông nghiệp, bên cạnh sự tham gia của các quan chức chính phủ, cần phát huy vai trò của các đoàn thể, hiệp hội ở địa phương trong việc bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Vấn đề này cũng cần được xem xét nghiên cứu đưa vào trong quy định của Luật.

Tạo được tính chủ động và tự trách nhiệm của người lao động trước công việc và mọi hoạt động khi ở nước ngoài

Bên cạnh đó, xây dựng một hệ thống quản lý thông tin lao động di cư là hết sức cần thiết (kinh nghiệm của Phillpines, Pakistan, Srilanka) bao gồm: thông tin về số lao động di chuyển hàng năm, đặc điểm, mức lương, điều kiện lao động, thời gian di chuyên, các cam kết, dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập của người lao động hồi hương đã được nhận. Một hệ thống dữ liệu được máy tính hóa được thiết lập và có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan (Cơ quan quản lý lao động các cấp, doanh nghiệp dịch vụ, cơ quan xuất nhập cảnh, …).

Một cơ chế hoàn chỉnh thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài nước về chính sách ưu đãi XKLĐ, nhất là đảm bảo phúc lợi cao cho lao động làm việc ở nước ngoài như: Đào tạo trước khi đi lao động, các kế hoạch hưu trí và bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí cho người lao động và gia đình họ, hỗ trợ vốn vay khẩn cấp… Ngoài ra, các hoạt động tăng cường sợi dây liên hệ của người lao động với quê hương như tài trợ cho các chuyến biểu diễn nghệ thuật hay thành lập trường học tại vùng có nhiều người Philippines sinh sống, tập trung vào “giá trị của người Philippines” trong cộng đồng người xa quê hương. Chính phủ thực hiện lệnh nghiêm cấm công dân ở quá hạn visa và thường xuyên cập nhật danh sách những lao động bị cấm trong các hợp đồng lao động xuất khẩu trong tương lai, đó là một phần nỗ lực để giữ “thương hiệu” về XKLĐ của quốc gia mình. Thông qua các chính sách này người lao động có ý thức công dân cao và tình trạng bỏ trốn ở lại làm việc sau khi hết hạn hợp đồng rất ít.

  • Về hỗ trợ lao động trở về và tái hòa nhập

Hầu hết các nước đếu đã xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ người lao động tái hòa nhập vào thị trường lao động thông qua các chính sách tái đào tạo, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ vay vốn sản xuất.

Thông qua kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ Người lao động trở về, các quốc gia cần có sự phối hợp chặt chẽ với các nước tiếp nhận lao động để thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ trở về nước và tái hòa nhập, giúp giảm tỉnh trạng trạng lao động bỏ trốn không chịu quay về nước.

Trách nhiệm tìm việc làm cho người lao động sau khi trở về nước cần được luật hóa đối với các cơ quan dịch vụ việc làm trong nước và các công ty tuyển dụng (theo kinh nghiệm của Philippines).

Bảo đảm quyền lợi của các thành viên trong gia đình người lao động, các chính sách phúc lợi dành cho con em của người lao động hồi hương (như khuyến khích đến trường, miễn giảm học phí ) cũng cần được chú trọng (Pakistan, Srilanka)./.

CN Trần Thị Ngọc Anh, Nguyễn Ngọc Bình, Đỗ Minh Hải

Tài liệu tham khảo

  1. Chan Sophal, “Review of labour migration management, policies and legal framework in Combodia”,(2009).
  2. Chalobon, “ Managing the labour migration in labour-sending countries”, 2008
  3. Ellene sana and Rhodra Alcantara Abano, “Labour migration in Southeast Asia, 2010.
  4. Ministry of Foreign Employment Promotion and Welfare, National Labour Migration Policy for Srilanka, 2008.
  5. Office of The Council of State Thailand, Employment And Job-seeker Protection Act, 1994.
  6. Xiaolin Kang, “Migration Policies of Thai National Abroad and Evaluation of Migration Policies Effect”, 2012.