Mô hình bảo hiểm chăm sóc dài hạn ở Đức – khả năng ứng dụng vào Việt Nam

16/07/2015 00:00:00

Mô hình bảo hiểm chăm sóc dài hạn ở Cộng hòa liên bang Đức được thành lập vào năm 1995 và là trụ cột thứ 5 trong hệ thống bảo hiểm xã hội của Đức. Đây là chính sách bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động và bao trùm lên toàn bộ người dân – những người cần được trợ giúp như người cao tuổi, người khuyết tật. Trong phạm vi bài viết này, tác giả hướng đến việc giới thiệu mô hình chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi của Đức và xem xét khả năng ứng dụng vào điều kiện của Việt Nam.

  1. Nhu cầu và thủ tục hành chính tham gia bảo hiểm chăm sóc dài hạn của Cộng hòa liên bang Đức

Già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi

Năm 2008 nước Đức có khoảng 20% dân số từ độ tuổi 65 trở lên và con số này được dự báo tăng lên 34% vào năm 2060. Cùng với sự già hóa dân số nhanh chóng thì tuổi thọ trung bình của dân số cũng không ngừng gia tăng. Tính đến năm 2013, dân số nước Đức đạt 80,7 triệu dân trong đó người cao tuổi chiếm 21% tổng dân số, sấp sỉ 17 triệu người; tuổi thọ trung bình đạt 80.9 tuổi[1].

Theo Bộ Y tế liên bang năm 2013, 28.8% số người trong độ tuổi từ 80% cần đến trợ giúp từ loại hình dịch vụ này; 4.2% những người trong độ tuổi từ 60-80 có nguy cơ cần đến trợ giúp này và con số này ở nhóm người dưới 60 tuổi là thấp nhất với 0.7%[2]. Như vậy, nhóm người cần nhận đươc sự trợ giúp này là nhóm người già trong xã hội. Theo số liệu thống kê, tính đến 2013 có hơn 2.55 triệu người ở Đức được bao phủ bởi quỹ bảo hiểm chăm sóc dài hạn. Trong đó, khoảng 0.77 triệu trong số này sống tại các bệnh xá, nhà an dưỡng với 12.400 viện dưỡng lão và khoảng 661.000 nhân viên chăm sóc; khoảng 1.77 triệu còn lại được chăm sóc tại nhà bởi người thân, hàng xóm, tình nguyện viên hoặc các nhân viên chăm sóc (trong đó khoảng 576.000 người sử dụng dịch vụ chăm sóc tại nhà với khoảng 12.300 tổ chức dịch vụ chăm sóc tại nhà và 291.000 nhân viên chăm sóc)[3].

Quy định về thủ tục hành chính

Quá trình phê duyệt: Việc yều cầu trợ giúp theo cung ứng của dịch vụ chăm sóc dài hạn cần phải được cá nhân đệ trình đến quỹ bảo hiểm chăm sóc dài hạn của họ, là quỹ mà cá nhân đó có bảo hiểm y tế. Việc yêu cầu cũng có thể được thực hiện bởi các thành viên trong gia đình, hàng xóm hoặc bạn bè thân thiết nếu họ được ủy quyền để làm việc đó. Một yêu cầu chỉ được chấp nhận bởi quỹ bảo hiểm chăm sóc dài hạn, quỹ này sau đó đề nghị dịch vụ khám chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế Đức để đánh giá nhu cầu chăm sóc của người bệnh.

Quy trình theo luật định (thời gian phê duyệt hồ sơ) cho việc yêu cầu chăm sóc dài hạn là 5 tuầnTuy nhiên, nếu người đó ở trong bệnh viện hoặc trong các trung tâm phục hồi, trong bệnh viện dành cho người nguy kịch hoặc được chấp thuận chăm sóc giảm nhẹ tại nhà (ngoài bệnh viện) thì sự đánh giá của Quỹ bảo hiểm y tế Đức phải được thực hiện trong 1 tuần. Việc đánh giá đươc sử dụng để xác định mức độ chăm sóc sau đó khai báo đến cơ quan chịu trách nhiệm cho việc chăm sóc tại nhà. Quá trình này kéo dài 2 tuần nếu người đó ở nhà và không nhận được sự chăm sóc giảm nhẹ và giai đoạn chăm sóc tại nhà được khai báo đến cơ quan chăm sóc hoặc giai đoạn chăm sóc tại nhà được thỏa thuận với cơ quan chịu trách nhiệm chăm sóc.

Xác định nhu cầu chăm xóc: Quỹ bảo hiểm chăm sóc dài hạn yêu cầu cơ quan kiểm tra MDK (hoặc dịch vụ chăm sóc xã hội SMD cho những người được bảo hiểm với quỹ bảo hiểm bộ phận) để đưa ra một báo cáo đánh giá sử dụng trong việc đánh giá mức độ của nhu cầu chăm sóc và kết quả có liên quan[4]. Nếu họ đã được bảo hiểm cá nhân, họ có thể đệ trình yêu cầu của mình đến quỹ bảo hiểm tư nhân đó và việc đánh giá được thực hiện bởi những người đánh giá dịch vụ y khoa (MEDICPROOF).

  1. Quy định của bảo hiểm chăm sóc dài hạn

Đối tượng và mức đóng góp

Về đối tượng tham gia: Bảo hiểm chăm sóc dài hạn được biết đến từ năm 1995 ở Đức, bao phủ lên toàn bộ người lao động, kể cả những người đang nghỉ hưu và là chương trình bảo hiểm bắt buộc đối với người tham gia bảo hiểm xã hội. Quỹ bảo hiểm chăm sóc dài hạn hoạt động tuân theo hệ thống quỹ bảo hiểm y tế. Theo đó, các thành viên tham gia bảo hiểm y tế tư nhân cũng phải tham gia bảo hiểm chăm sóc dài hạn tại các tổ chức bảo hiểm tư nhân.

Về mức đóng góp: Mức đóng được chi trả theo cùng phương pháp được sử dụng cho việc đóng góp bảo hiểm y tế bắt buộc: chủ sử dụng lao động và người lao động (mức đóng 50/50) đóng góp trực tiếp từ lương của người lao động và chuyển số tiền đó đến quỹ bảo hiểm y tế của người lao động. Mức đóng góp bảo hiểm chăm sóc dài hạn được điều chỉnh theo từng giai đoạn cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội.

 


Giai đoạn Mức đóng theo lương (%) Ghi chú
Chủ sử dụng lao động Người lao động
Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1996 0.5 0.5  
Từ tháng 6 năm 1996 đến tháng 12 năm 2007 0.85 0.85 Người lao động không có con đóng thêm 0.25% lương
Từ tháng 1 năm 2008 đến tháng 12 năm 2012 0.975 0.975
Từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 12 năm 2014 1.025 1.025

Từ 1/1/2005, những người có trách nhiệm đóng góp mà không có con, không kể vì nguyên nhân gì được yêu cầu đóng thêm 0.25%, tăng đóng góp để chia sẻ trách nhiệm. Đây là quyết định của Hội đồng Liên bang đưa ra với mức đóng giữa những người có trách nhiêm đóng góp và những người không có con. Tuy vậy, người đóng góp không có con sinh

trước 1940 được miến khoản đóng tăng này, cũng như những trẻ em cho đến năm

23 tuổi, những người nhận bảo hiểm thất nghiệp loại II và và những người trẻ làm trong khu vực dịch vụ công. Với những người được nhận từ bảo hiểm thất nghiệp hoặc trợ cấp chi phí sống, việc đóng góp được chi trả bởi Cơ quan việc làm của Bang. Với người được nhận bảo hiểm thất nghiệp loại II, việc chi trả do Cơ quan Việc làm của bang hoặc các nhà cung cấp được ủy quyền thuộc bang, thành phố đó. Với những người nhận các trợ cấp phúc lợi khác để đảm bảo chi phí cho cuộc sống sẽ do cơ quan dịch vụ phúc lợi chi trả. Việc đóng góp của những người nghỉ hưu được trích từ khoản hưu của họ và việc đóng góp đối với những người tự làm việc (self-employement) được chi bởi chính khoản thu nhập của họ.

Đối tượng và mức hưởng lợi

Đối tượng hưởng lợi: Đối tượng hưởng lợi của bảo hiểm chăm sóc dài hạn là toàn bộ những người cần được chăm sóc và họ có thể chứng minh rằng họ cần được một sự chăm sóc đặc biệt (mức độ cần được chăm sóc) và đệ trình đơn đến cơ quan chức năng để được phê duyệt.

Mức độ hưởng lợi: Mô hình này hướng đến chăm sóc cho người bệnh và giúp đỡ, hỗ trợ để họ có thể phục hồi được một vài chức năng cơ bản hoặc hướng dẫn để họ có thể tự làm được một số công việc như vệ sinh cá nhân. Mô hình bảo hiểm chăm sóc dài hạn bao phủ được các nguy cơ về tài chính đối với những người cần được chăm sóc.

Gói hưởng lợi của chương trình này hướng đến: (1) Tập huấn cho những người thân và các tình nguyện viên; (2) Các cơ sở chăm sóc hỗ trợ cho hình thức tự tổ chức hỗ trợ chăm sóc; (3) Chăm sóc ngày và đêm; (4) Giúp đỡ về y tế và kỹ thuật; (5) Cung cấp sự chăm sóc tương xứng cho những người cần được chăm sóc.

Việc chăm sóc cho người bệnh tập trung vào các hoạt động hàng ngày được bao gồm:

(1)Vệ sinh cá nhân; (2) Ăn uống; (3) Di chuyển; (4) Việc trông coi nhà ở. Việc trợ giúp có thể gồm có một vài người giúp đỡ họ để tham gia các hoạt động hàng ngày của đời sống, giúp họ có thể thực hiện các nhiệm vụ trên để ít nhất họ có thể tự thực hiện được một phần trong đó hoặc hướng dẫn họ làm các công việc đó.

Các mức độ và hình thức chăm sóc

– Các mức độ chăm sóc: Tùy thuộc vào mỗi loại nhu cầu chăm sóc, có 3 mức độ chăm sóc (I, II, hoặc III) và có cả mức 0. Các mức độ chăm sóc được xác định dựa trên điều kiện chăm sóc. Ngoài ra, quy định cũng nêu ra trường hợp cần được chăm sóc đặc biệt. Kinh phí để chăm sóc cho một người theo hình thức đồng chi trả từ mức I, II, III (Cơ quan bảo hiểm chi trả theo quy định và người bệnh chi trả phần còn lại).

Mức 0: Nếu người bệnh có chứng mất trí liên quan đến mất khả năng, khuyết tật và các hoạt động hàng ngày của họ có một vài khó khăn ngay cả khi sự chăm sóc cơ bản và nhu cầu giúp đỡ tại nhà không đủ tiêu chuẩn ở mức I thì họ vẫn có thể nhận được sự chăm sóc.

Mức I: Mức độ “cân nhắc” cần được chăm sóc (Considerable need of care): Việc cân nhắc nhu cầu chăm sóc diễn ra khi người đó cần sự giúp đỡ ít nhất 1 giờ/ ngày với ít nhất 2 hoạt động từ 1 hoặc nhiều loại hoạt động (vệ sinh cá nhân, ăn uống hoặc đi lại). Người đó cũng cần được giúp đỡ trong một vài giờ/ tuần với việc nhà. Họ cần trung bình 90 phút giúp đỡ hàng ngày cho hoạt động chăm sóc cơ bản và việc nhà. Người chăm sóc của họ phải cần nhiều hơn 45 phút để thực hiện các nhu cầu trên.

Mức II: Mức độ cần được chăm sóc (Severe need of care): Mức độ cần được chăm sóc diễn ra khi người đó cần sự giúp đỡ ít nhất 3 lần/ ngày với những chăm sóc cơ bản (vệ sinh cá nhân, ăn uống và đi lại). Hơn nữa, họ cần một khoảng thời gian giúp đỡ/ tuần với việc nhà. Họ cần trung bình ít nhất 3 giờ giúp đỡ hàng ngày của tuần cho chăm sóc cơ bản và việc nhà. Người chăm sóc cần ít nhất 2 giờ cho các hoạt động chăm sóc cơ bản này.

Mức III: Mức cần được chăm sóc cao nhất (Extreme need of care): Mức này diễn ra khi người bệnh cần sự giúp đỡ suốt ngày đêm (hàng ngày). Họ cũng cần một vài thời gian giúp đỡ/ tuần cho việc nhà. Họ cần trung bình ít nhất 5 giờ giúp đỡ hàng ngày cho các chăm sóc cơ bản (vệ sinh cá nhân, ăn uống và đi lại) và việc nhà. Người chăm sóc cần ít nhất 4 giờ cho việc thực hiện các công việc này.

Trường hợp đặc biệt (hardship cases): Họ cần ít nhất 6 giờ giúp đỡ hàng ngày, tối thiểu 3 giờ ban đêm. Nếu họ sống trong căn hộ cần chăm sóc toàn thời gian, thời gian để chăm sóc có thể phải phải cân nhắc đến vấn đề tài chính.

– Các hình thức chăm sóc:

Mô hình chăm sóc tại nhà: Phúc lợi của chăm sóc dài hạn được chấp nhận dựa trên mức độ cần được chăm sóc của họ và xem xét việc chăm sóc tại nhà hay tại cơ sở chăm sóc sức khỏe. “Người cung cấp” chính của việc chăm sóc dài hạn luôn luôn là gia đình họ. Đây là những điều tốt bởi hầu hết những người cần được chăm sóc dài hạn muốn sống với gia đình họ và họ quen thuộc với những gì xung quanh. Do đó, chăm sóc tại nhà phải được ưu tiên hơn là chăm sóc tại các trung tâm. Quy định pháp luật vì thế cũng tập trung vào việc hỗ trợ để cải thiện điều kiện cho việc chăm sóc tại nhà và chia sẻ gánh nặng với những người chăm sóc. Lợi ích chăm sóc tại nhà được cân nhắc thông qua mức độ cần được chăm sóc. Những người thuộc diện chăm sóc dài hạn có thể lựa chọn giữa việc nhận được gói chăm sóc bằng vật chất và gói hỗ trợ bằng tiền. Trong trường hợp không thể tiến hành chăm sóc tại nhà hoặc nếu cần đến các yếu tố bổ xung cho việc chăm sóc tại nhà, họ có thể nhận được những sự chăm sóc bán thời gian tại cơ sở chăm sóc sức khỏe trong khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc ban ngày và ban đêm. Nếu điều đó không đủ để đảm bảo nhu cầu của họ, họ cũng có thể tham gia vào một điều kiện chăm sóc ngắn hạn. Trong trường hợp đó, bảo hiểm chăm sóc dài hạn sẽ bảo đảm xác định chi phí của dịch vụ chăm sóc cơ bản, dịch vụ xã hội và trị liệu trong thời gian chăm sóc ban ngày và ban đêm.

Bảo hiểm xã hội cho người chăm sóc: Việc chăm sóc tại nhà là gánh nặng đối với người chăm sóc, hầu hết họ là phụ nữ. Họ thường phải từ bỏ công việc của họ hoặc cắt giảm số giờ làm việc để thực hiện những chức năng trên. Để đảm bảo cho tình trạng này, người chăm sóc cũng được hưởng bảo hiểm tai nạn bắt buộc trong thời gian họ đóng vai trò là người chăm sóc (Quy định tại điều khoản của bảo hiểm tai nạn lao động).

Chăm sóc tại cơ sở chăm sóc sức khỏe: Nếu người bệnh yêu cầu được chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe, Bảo hiểm chăm sóc dài hạn sẽ chi trả cho khoản chi phí chăm sóc cơ bản, hỗ trợ xã hội và trị liệu theo như mức mà người bệnh cần được chăm sóc. Mức chỉ trả này tăng dần theo cấp độ cần được chăm sóc của người bệnh[5].

Mức độ Chi trả bảo bảo hiểm/tháng
Mức I 1.023 euro
Mức II 1.279 euro
Mức III 1.550 euro

 

Mức chi trả bảo hiểm chăm sóc dài hạn không thể vượt quá 75% chi phí phải trả cho các bệnh xá, viện dưỡng lão. Ngoài ra, cũng giống như chăm sóc tại nhà, người được chăm sóc có trách nhiệm chi trả cho chi phí ăn ở của họ tại các cơ sở chăm sóc. Nếu cá nhân người cao tuổi không thể chi trả các khoản này thì con cái họ được yêu cầu để chi trả. Trong trường hợp con cái họ cũng không thể thanh toán khoản chi phí này thì Quỹ an sinh xã hội được yêu cầu chi trả cho các chi phí. Mức chi phí mà người bệnh phải trả ít nhất 25% cho các chi phí ở bệnh xá.

Để hỗ trợ thông tin cần thiết, Chính phủ Đức đã cung cấp các trang thông tin hỗ trợ cho các cá nhân: (1) Bộ Y tế Liên bang Đức thiết lập đường dây nóng thông tin cho người dân về bảo hiểm chăm sóc dài hạn. (2) Bộ Y tế cũng cung cấp dịch vụ tư vấn miến phí (tư vấn về chăm sóc dài hạn). (3) Thông tin về bảo hiểm y tế và bảo hiểm chăm sóc dài hạn được cung cấp cho từng trường hợp bởi cơ quan DVKA[6]. (4) Thông tin về các câu hỏi các vấn đề khuyết tật (bao gồm các vấn đề liên quan đến bảo hiểm dài hạn và sức khỏe) cũng có thể được giải quyết tại các cơ quan dịch vụ phục hồi chức năng. Việc tư vấn và hỗ trợ có thể được tìm kiếm từ địa phương được ủy quyền trách nhiệm cho lợi ích của người cao tuổi.

  1. Khả năng ứng dụng loại hình bảo hiểm chăm sóc dài hạn vào Việt Nam

3.1 Tình hình người cao tuổi ở Việt Nam

Nhu cầu được chăm sóc là nhu cầu thiết yếu đối với mọi người dân, đặc biệt đối với các trường hợp già yếu, bệnh tật và bị hạn chế khả năng tự chăm sóc. Theo kết quả điều tra biến động Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi của Việt Nam là 8,65 triệu người, chiếm gần 10% dân số, tỷ lệ người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm 7% dân số. Với số liệu này, năm 2011 Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “Già hóa dân số”. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, năm 2011 tuổi thọ bình quân của Việt Nam đạt 73 tuổi, là mức khá cao so với điều kiện của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tuổi thọ bình quân khoẻ mạnh khá thấp, chỉ đạt 66 tuổi và xếp thứ 116 so với 177 nước trên thế giới. Tuy tuổi thọ trung bình cao nhưng gánh nặng bệnh tật của người Việt Nam cũng cao. Bình quân mỗi người dân có tới 15,3 tuổi là ốm đau, bệnh tật so với 73 tuổi sống[7]. Người cao tuổi đang đối diện với “gánh nặng bệnh tật kép”, một đặc trưng của các quốc gia đang phát triển khi cùng lúc phải giải quyết các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng và tai biến bệnh tật, mặt khác phải đương đầu với các bệnh không lây truyền (khoảng 95% người cao tuồi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền). Những vấn đề trên cũng là những thách thức đáng ngại trong quá trình chăm sóc người cao tuổi. Thực tế cho thấy, việc chăm sóc cho người cao tuổi là một việc làm không hề đơn giản, thậm chí rất khó khăn và chiếm nhiều thời gian của các thành viên khác. Nhiều gia đình có người cao tuổi bệnh tật nặng cần có ít nhất một thành viên chăm sóc thường xuyên, thậm chí phải tạm dừng các công việc khác để phục vụ cho người già trong gia đình.

3.2 Khả năng ứng dụng loại hình bảo hiểm chăm sóc dài hạn vào Việt Nam

Quá trình đô thị hóa cùng với sự biến đổi trong văn hóa gia đình Việt Nam cũng như sự thay đổi điều kiện kinh tế – xã hội đã kéo theo sự thay đổi trong cấu trúc gia đình. Xu hướng gia đình với quy mô nhỏ, gia đình một thế hệ đang dần xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Quy mô gia đình người cao tuổi (chỉ có người già sống chung, sống riêng) cũng đang tăng lên nhanh chóng. Do đó, việc chăm sóc cho người cao tuổi càng trở nên khó khăn hơn đối với các thành viên trong gia đình và ngay cả đối với bản thân người cao tuổi. Thực tế cho thấy, người cao tuổi Việt Nam đa số sống cùng với con cháu trong gia đình. Theo báo cáo Điều tra quốc gia vể Người cao tuổi 2012, hiện có 69.5% người cao tuổi sống với con cái. Tuy nhiên, theo báo cáo của UNFPA (2011) thì con số này giảm nhiều trong thời gian qua (từ hơn 80% năm 1993 xuống còn 70% năm 2008)[8]. Cùng với đó, tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều các vấn đề. Trước hết, dân số già sẽ đi đôi với việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội… Do đó, Chính phủ cần có một chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong tương lai để giúp cho người cao tuổi có được một tuổi già khỏe mạnh và được chăm sóc đầy đủ. Bảo hiểm chăm sóc dài hạn do đó có khả năng giải quyết được vấn đề này.

Ở Việt Nam hiện nay đang xuất hiện một số mô hình chăm sóc người cao tuổi. Mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng cũng đang được xem xét như một trong những phương pháp ưu việt khi đa số người cao tuổi sinh sống cùng với các thành viên khác trong gia đình và trong “văn hóa làng xóm” với các Hội, tập thể. Bên cạnh đó, mô hình viện dưỡng lão cũng đã xuất hiện tại các thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi ở các đô thị bởi tại đây, gia đình người cao tuổi có nhiều điều kiện kinh tế và cũng thiếu thời gian để chăm sóc người cao tuổi. Do đó, họ cần đến một nơi có thể chăm sóc người cao tuổi thay thế các thành viên trong gia đình. Đây hoàn toàn là mô hình tư nhân và hình thức tham gia tự nguyện. Cá nhân người cao tuổi và gia đình phải chi trả toàn bộ chi phí trong quá trình sinh sống tại đó. Tuy nhiên, “Chúng ta có hệ thống các trung tâm bảo trợ xã hội là nơi chăm sóc những người già, trẻ em, những người không nơi nương tựa, gặp khó khăn trong đời sống… nhưng về khía cạnh chăm sóc y tế thì chưa có. Hiện cũng có những trung tâm tư nhân chăm sóc cho người già nhưng khía cạnh y tế cần đẩy mạnh hơn nữa. Trong tương lai, cần thiết lập những Trung tâm cho người cao tuổi” (GS Phạm Thắng, Viện trưởng Viện Lão khoa Trung ương, Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về già hóa dân số, ngày 25/09/2013 tại Hà Nội”).

Hai mô hình chăm sóc người cao tuổi nêu trên đang tồn tại song song ở Việt Nam. Tuy nhiên, đối với mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng cần phải phát huy được khả năng tự chăm sóc của người cao tuổi hoặc của người thân. Trong điều kiện đó thì việc hướng dẫn, tập huấn cho cá nhân, người thân của người cao tuổi các kỹ năng cần thiết trở nên vô cùng quan trọng để người cao tuổi có được những điều kiện chăm sóc cơ bản.

Đối với mô hình chăm sóc người cao tuổi tại các viện dưỡng lão cần tăng cường hơn nữa trình độ chuyên môn của các cơ sở này, đáp ứng khả năng chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, tại Việt Nam đây chỉ là mô hình tư nhân và cá nhân người tham gia phải tự túc toàn bộ chi phí do đó rất khó để có thể thu hút nhiều người cao tuổi bởi không phải người cao tuổi nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để chi trả cho các chi phí.

Kinh nghiệm của Đức cũng như nhiều nước khác cho thấy, quá trình giá hóa dân số kéo theo một loạt các hệ lụy về kinh tế – xã hội đặc biệt các vấn đề về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Loại hình bảo hiểm chăm sóc dài hạn tại Đức đã góp phần đảm bảo cho chất lượng cuộc sống và chăm sóc cho người cao tuổi hiện tại và tương lai trong điều kiện giá hóa dân số diễn ra mạnh mẽ. Mô hình này đã “chia sẻ” gánh nặng chăm sóc đối với người thân, gia đình người cao tuổi tại đây.

Đối với điều kiện của Việt Nam – một quốc gia đang trong quá tình già hóa dân số nhanh chóng thì đây cũng là một trong những mô hình mà chúng ta cần tính đến để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong tương lai. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn cho nên việc áp dụng mô hình này cũng cần có những tính toán phù hợp và thử nghiệm mô hình trước khi áp dụng rộng rãi và cần quan tâm đến các yếu tố sau:

– Đối với hình thức bảo hiểm chăm sóc dài hạn bắt buộc: Trước tiên cần có những thử nghiệm đối với những loại hình này. Bước đầu, có thể sử dụng ở hình thức bảo hiểm tự nguyện hoặc có thể áp dụng thí điểm đối với những nhóm đối tượng cụ thể chẳng hạn như khu vực công. Sau đó, có thể mở rộng loại hình này đến toàn bộ người lao động.

– Về mức đóng: Cần cân nhắc cho phù hợp với mức lương của người lao động và điều kiện kinh tế-xã hội.

Về mức chi: Phương thức chi trả và định mức chi trả cho các chi phí trong quá trình chăm sóc nên theo phương thức đồng chi trả giữa cơ quan bảo hiểm và cá nhân/ gia đình người tham gia.

Bên cạnh đó, mô hình này đòi hỏi cần có hệ thống cơ sở vật chất theo mô hình viện dưỡng lão đáp ứng điều kiện chăm sóc người cao tuổi có nhu cầu. Đối với người cao tuổi có nhu cầu được chăm sóc tại nhà cần phải có các khóa tập huấn, hướng dẫn họ và người thân có thể tự chăm sóc. Để thực hiện được điều đó, cần có đội ngũ nhân viên chăm sóc y tế đảm bảo về chất lượng và số lượng. Cần học tập thêm các mô hình bảo hiểm chăm sóc dài hạn ở các nước khác trên thế giới để có những lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội cũng như điều kiện văn hóa của Việt Nam./.

2014 – ThS Triệu Thị Phượng

 

Tài kiệu tham khảo

  1. Andrea Nahles, Ministry of Labour and Social Affairs, Social at a glance, 2014
  2. Federal Ministry of Health: Date and Facts Care insurance – 2013
  3. GIZ, Tài liệu học tập về “Nghiên cứu an sinh xã hội quốc tế (ISPS)”, 2015
  4. Hội thảo công bố kết quả điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, ngày 4/5/2012, Hà Nội
  5. Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về già hóa dân số”, ngày 25/09/2013, Hà Nội
  6. http://countryeconomy.com/demography/life-expectancy/germany
  7. http://www.tanphu.hochiminhcity.gov.vn/tintuc/Lists/Posts/Post.aspx?Source=&Category=&ItemID=2652&Mode=1.

[1] http://countryeconomy.com/demography/life-expectancy/germany

[2] Federal Ministry of Health: Date and Facts Care insurance – 2013.

[3] Aus Destatis: Pflegeversicherung 2013.

[4] MDK là cơ quan đánh giá, xác định nhu cầu của người bệnh trong quá trình chăm sóc cơ bản (vệ sinh cá nhân, ăn uống và đi lại) và trong nhu cầu được giúp đỡ với việc nhà.

[5] Andrea Nahles, Ministry of Labour and Social Affairs, Social at a glance, 2014

[6] DVKA là thành viên của Hội đồng quốc gia về Bảo hiểm y tế Bắt buộc từ 1/7/2008.

[7]http://www.tanphu.hochiminhcity.gov.vn/tintuc/Lists/Posts/Post.aspx?Source=&Category=&ItemID=2652&Mode=1

[8] Hội thảo công bố kết quả điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, ngày 4/5/2012, Hà Nội