Một số giải pháp chủ yếu ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực lao động và xã hội

17/07/2015 00:00:00

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương.

 Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương. Trong lĩnh vực lao động và xã hội, các vấn đề được xác định sẽ chịu nhiều tác động của BĐKH như lao động, việc làm; tình trạng nghèo đói và công tác giảm nghèo; gia tăng nhu cầu trợ giúp xã hội và vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em. BĐKH đang và sẽ tiếp tục là thách thức làm cản trở, kìm hãm quá trình phát triển bền vững và thành quả giảm nghèo của Việt Nam. Các giải pháp đề xuất từ giác độ ngành lao động thương binh và xã hội chủ yếu tập trung vào các giải pháp lồng ghép chính sách, xây dựng và phát triển các chương trình hỗ trợ để giảm thiểu rủi ro và đa dạng hoá sinh kế cho người dân. Mục tiêu của các giải pháp hướng tới đảm bảo: (i) an ninh con người (sinh mạng và sức khoẻ); (ii) điều kiện sống (cư ngụ và tiếp cận các dịch vụ cơ bản); và (iii) sinh kế (phục hồi, cải thiện và đa dạng các điều kiện sinh kế).

Báo cáo phát triển con người năm 2007/2008 của UNDP đã chỉ ra 5 nguy cơ của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gia tăng hiện nay đối với sự phát triển của con người, cụ thể là năng suất nông nghiệp bị giảm sút, các hệ sinh thái bị phá vỡ, nguy cơ từ thời tiết cực đoan, bệnh tật và tình trạng thiếu nước ngày càng gia tăng. Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. BĐKH đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương. Nhiều nghiên cứu trước đây của Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã trình bày các vấn đề về BĐKH và tác động của nó đến các lĩnh vực lao động và xã hội. Bài viết này sẽ điểm lại các tác động của BĐKH đến các lĩnh vực lao động và xã hội và tập trung vào đề xuất các giải pháp dưới giác độ ngành Lao động – Thương binh và Xã hội để ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.

  1. Tác động của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực lao động và xã hội

Trong lĩnh vực lao động và xã hội, các vấn đề được xác định sẽ chịu nhiều tác động của BĐKH như lao động, việc làm; tình trạng nghèo đói và công tác giảm nghèo; gia tăng nhu cầu trợ giúp xã hội và vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, các nội dung khác như công tác dạy nghề được xem như một trong các giải pháp quan trọng để trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho lao động di cư và chuyển đổi nghề nghiệp và vấn đề bình đẳng giới được xem xét như một nội dung lồng ghép xuyên suốt.

Lao động – việc làm

Nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (2010) đã đánh giá tác động của BĐKH dựa trên tác động đến các nguồn vốn sinh kế đối với một số lĩnh vực chủ yếu như việc làm và giảm nghèo. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các tác động chủ yếu của BĐKH đến lao động, việc làm gồm như vấn đề di cư, thay đổi cơ cấu lao động; vấn đề mất và thay đổi chất lượng việc làm.

Có sự tác động, ảnh hưởng của thời tiết đến sự khan hiếm, khó khăn về điều kiện sản xuất dẫn đến sự di cư của lao động, đặc biệt các vùng có nhiều thiên tai, các vùng quanh các khu vực đô thị phát triển, quanh vùng kinh tế năng động. Nguyên nhân của di cư lao động có nhiều, song trong đó có thể tách làm hai nhóm yếu tố là tác động từ cầu lao động khu vực nhập cư và cung lao động các vùng xuất cư. Nguyên nhân chính của di cư xuất phát từ các nguyên nhân kinh tế, các điều kiện việc làm và sinh sống tại nơi nhập cư tốt hơn. Tuy nhiên, một trong các yếu tố không kém phần quan trọng đã tác động đến quyết định di cư, di chuyển lao động là do các điều kiện sản xuất, sinh kế của người dân trở nên khó khăn, rủi ro trước các tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan.

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, di cư là một trong các giải pháp quan trọng trong hích nghi với BĐKH. Di cư là cơ hội để người dân di chuyển khỏi các khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiên tai, nơi có các điều kiện sinh kế khó khăn để tìm đến nơi sinh sống mới có điều kiện sống và sinh kế tốt hơn. Tuy nhiên, trùng với các luồng di cư nông thôn – thành thị, di cư do các điều kiện và tác động của BĐKH dường như bị bỏ qua (hoặc không được để ý đến) chưa được phân tích, đánh giá đúng.

Dịch chuyển lao động có tác động lớn đến nguồn lao động của các địa bàn xuất cư, đặc biệt là cơ cấu nguồn lao động. Hiện tại, nhiều địa bàn nông thôn đã xuất hiện hiện tượng thiếu lao động thanh niên, lao động nam giới vốn là những lao động chính của các hộ nông dân trước đây, nay do đã di chuyển để tìm kiếm việc làm và sinh kế tạm thời tại các đô thị, các khu công nghiệp tập trung. Lao động nông nghiệp, nông thôn còn lại chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, những người ít có cơ hội và ít lợi thế trong di chuyển và tìm kiếm việc làm. Do đó, một trong tác động của BĐKH đã tạo ra sự mất cân đối trong nguồn lao động trong nông nghiệp và nông thôn.

Về việc làm, tác động của BĐKH làm cho suy giảm về số lượng và chất lượng việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Một mặt, một số địa bàn do ảnh hưởng của thiên tai, các diện tích canh tác lúa và hoa màu bị thu hẹp, hoang mạc hoá, làm giảm số vụ mùa hoặc bỏ hoang trong trường hợp không chuyển đổi vật nuôi, cây trồng được. Mặt khác, trên các diện tích vẫn có thể canh tác được, với điều kiện khí hậu khắc nghiệt hơn, phải gia tăng các điều kiện đầu tư, nhân lực để duy trì mức sản lượng thì hiệu quả sản xuất giảm xuống. Trong trường hợp, các khoản đầu tư này không được thực hiện, có thể sản lượng hoặc năng suất cây trồng giảm sút. Các trường hợp trên xảy ra đều làm mất về số lượng và suy giảm về chất lượng việc làm của người nông dân. Nghiên cứu gần đây của Viện KHLĐ&XH (2011) về tác động của BĐKH đến việc làm của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2006-2010 cho thấy, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan làm giảm tiềm năng tạo việc làm bình quân khoảng 0,22%/năm tương đương với khoảng 1.400 chỗ việc làm mỗi năm.

Nghèo đói và công tác giảm nghèo

Báo cáo về sự phát triển của con người năm 2007/2008 (UNDP) chỉ ra rằng “Rủi ro do BĐKH sẽ tác động đến 40% những người nghèo nhất của thế giới – vào khoảng 2,6 tỷ người – bị giảm hoặc mất các cơ hội trong tương lai”. Ở Việt Nam, đại bộ phận dân số nghèo phải sống trong những môi trường khắc nghiệt, khiến họ rất dễ bị tổn thương trước những thảm họa khí hậu.[1]BĐKH tạo ra những rủi ro tiềm ẩn đối với người nghèo, những đối tượng dễ bị tổn thương ở mọi nơi trên cả nước, trong đó người nghèo ở nông thôn, người nghèo ven biển là những nhóm đối tượng nhạy cảm nhất với những hiện tượng khí hậu bất thường, vì nông nghiệp, đánh bắt cá là những ngành đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động của BĐKH.[2]

Nghiên cứu gần đây tại Hà Tĩnh và Ninh Thuận còn cho thấy một nghịch lý (nhưng thực tế) là xét về tổn thất dài hạn, người nghèo lại thấy ít bị tổn hại hơn so với các hộ gia đình khá giả. “Khoảng 44% số hộ nghèo thấy có ảnh hưởng lâu dài trong khi có 74% hộ có mức sống trung bình và khá giả cho rằng chịu ảnh hưởng lâu dài của thiên tai[3] Điều này được lý giải bằng bằng chứng là người nghèo thì ít tài sản hơn và đầu tư cho sản xuất cũng ít hơn nên thiệt hại ít hơn. Tuy nhiên, nếu đánh giá theo mức độ tổn thương và khả năng phục hồi thì xảy ra theo chiều hướng ngược lại. Nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi CRES[4] cho thấy, trong khi các hộ gia đình khá giả chịu thiệt hại nhiều theo số tuyệt đối thì người nghèo chịu thiệt hại nhiều về số tương đối. Trong đợt lũ lụt năm 2008, các hộ nghèo bị mất khoảng 70% thu nhập của họ từ nông nghiệp so với các hộ gia đình giàu chỉ mất khoảng 33%.

Ngoài những hình ảnh thường thấy về những tổn thất của người nghèo, BĐKH sẽ là trở ngại lớn với những nỗ lực giảm nghèo của quốc gia và từng người dân. Nghiên cứu thực tế tại Sơn La, năm 2011 của Viện KHLĐ&XH cho thấy, do tác động của BĐKH đã ảnh hưởng đến giá trị sản xuất và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tiềm năng nên khi tăng trưởng giảm đi 1% thì tác động làm tăng tỷ lệ nghèo thêm 0,51%. Tương tự, tại Hà Tĩnh khi tăng trưởng tiềm năng giảm đi 1% thì đồng nghĩa làm tăng tỷ lệ nghèo thêm 0,74%.[5]

Về cơ bản có mối liên hệ giữa các điều kiện khí hậu khắc nghiệt và mức độ nghèo đói sẽ ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Sinh kế của người nghèo bị phụ thuộc vào nông nghiệp, đánh bắt hải sản, phụ thuộc vào các hệ sinh thái dẫn đến nhiều rủi ro tiềm ẩn. Do đó, các giải pháp ứng phó với BĐKH nhằm giảm nghèo bền vững phải tập trung vào củng cố, tăng cường đảm bảo các nguồn vốn sinh kế của người nghèo giảm thiểu rủi ro trước thiên tai.

Công tác trợ giúp xã hội

Đối tượng hưởng các chính sách trợ giúp thường xuyên khá ‘không nhạy cảm’ với các tác động của BĐKH, vì họ không có tài sản lớn, thường không có các hoạt động kinh tế, đầu tư lớn và cũng thường không tham gia lao động mà thụ hưởng các chính sách của nhà nước. Đối tượng này cũng thường được xã hội, cộng đồng quan tâm trong các trường hợp bị thiên tai. Tuy nhiên, BĐKH và thiên tai tác động đến những đối tượng này nhằm vào tính mạng, sức khỏe và tài sản, đặc biệt là đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Đối tượng trợ giúp xã hội thường là thuộc nhóm yếu thế trong xã hội và cũng là những người dễ bị tổn thương, gặp rủi ro trong thiên tai. Họ có thể là những hộ gia đình nghèo, hoặc khó khăn về điều kiện kinh tế, hoặc là những người bị tàn tật, yếu sức khỏe, người già, người bị bệnh tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt v.v….. Bản thân những đối tượng trợ giúp xã hội thường có năng lực phòng ngừa thấp hơn những người khác do điều kiện kinh tế và do năng lực cá nhân, khả năng khắc phục các hậu quả của đối tượng này cũng hạn chế.

Các nghiên cứu lý luận và thực nghiệm đều đi đến cùng một đánh giá chung là BĐKH đang làm kéo lùi những thành quả phát triển và giảm nghèo, làm tăng số đối tượng phải trợ giúp trong ngắn hạn và dài hạn.

Tác động của BĐKH đến phụ nữ và trẻ em

Những điểm quan trọng khi phân tích tác động của BĐKH dưới góc độ giới cho thấy, phụ nữ và nam giới đối mặt với những tác động của BĐKH trong các điều kiện không giống nhau. Các nghiên cứu về góc độ giới cho thấy phụ nữ chịu nhiều tác động của BĐKH hơn nam giới. Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn thường phải gánh vác nhiều công việc nặng nhọc, đóng vai trò người chủ gia đình và những lao động chính trong các vùng mà nhiều nam giới và thanh niên thoát ly. Ngoài thiên chức làm mẹ, người phụ nữ phải chăm lo cho gia đình về mọi mặt như giáo dục, dinh dưỡng và cả nước sạch, vệ sinh môi trường v.v… Trẻ em và phụ nữ mang thai đặc biệt mẫn cảm với các bệnh như tiêu chảy, tả. Thiếu nước ảnh hưởng đặc biệt đến phụ nữ để giữ vệ sinh cá nhân, nhất là phụ nữ có thai và cho con bú, cũng như tăng nhiều rủi ro đối với trẻ sơ sinh.

Các vùng bị nhiều thiên tai, người phụ nữ vừa lo cho gia đình mình, vừa cùng cộng đồng tham gia phòng chống, tham gia khắc phục hậu quả tổn thất sau thiên tai. Trong bối cảnh BĐKH ngày càng gia tăng khiến họ bị giảm cơ hội được giải phóng và bình đẳng. Tác động và các giải pháp ứng phó với BĐKH liên quan đến phụ nữ, vì thế được xem xét từ những tác động trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản và các vấn đề sinh kế của người phụ nữ nghèo ở các vùng rủi ro, dễ tổn thương trước thiên tai.

Một lý do trong những nạn nhân bị chết trong các trận lũ, lụt thường là trẻ em, người già, người tàn tật v.v…. vì họ không có khả năng nhận biết, phản ứng, đối phó kịp thời như những đối tượng khác. Các rủi ro là cực kỳ cao đối với phụ nữ và trẻ em ở các vùng hay bị lũ lụt vì khả năng bơi của họ tương đối thấp. “Đa số người chết trong trận lũ năm 2001 ở đồng bằng sông Cửu Long là trẻ em”.[6] Nhiều phụ nữ bị chết hơn nam giới do hậu quả (trực tiếp hay gián tiếp) của thiên tai. Tác động của BĐKH đến trẻ em được xem xét qua bốn quyền của trẻ em thông qua các tác động tới xã hội và gia đình của trẻ. Trong đó, những tác động sẽ mạnh mẽ và biểu hiện cụ thể vào sinh mạng và sức khỏe của trẻ là yếu tố điển hình dễ bị tổn thương trước BĐKH. BĐKH đã làm tăng dịch bệnh và khả năng sống còn của trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi. Chưa có nghiên cứu thực chứng để chứng minh mối liên hệ giữa BĐKH với tình trạng suy dinh dưỡng và còi cọc của trẻ em, nhưng những mối liên hệ giữa tình trạng này với kinh tế hộ gia đình và những ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết, khí hậu đến sức khỏe của trẻ là mối quan hệ có ý nghĩa chặt chẽ. Do đó, những vấn đề tác động và giải pháp ứng phó BĐKH liên quan đến trẻ em cần tập trung vào đảm bảo tính mạng, chăm sóc sức khoẻ và đảm bảo dinh dưỡng, giáo dục cho trẻ.

  1. Một số giải pháp ứng phó với BĐKH

Trong bối cảnh BĐKH ngày càng gia tăng, cần có các giải pháp lồng ghép chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trước các tác động của BĐKH. Mục tiêu của các giải pháp này cần hướng tới đảm bảo: (i) an ninh con người: vấn đề liên quan là đảm bảo sinh mạng trước tác động của thiên tai; (ii) điều kiện sống: đảm bảo các điều kiện cư ngụ và tiếp cận các dịch vụ cơ bản cho dân cư; và (iii) sinh kế: phục hồi, cải thiện và đa dạng các điều kiện sinh kế để đảm bảo đời sống người dân các vùng dễ bị tổn thương.

Giải pháp ứng phó với BĐKH thông thường có hai hướng, đó là các giải pháp công trình và phi công trình. Do đặc thù của ngành lao động – thương binh và xã hội, các giải pháp của ngành chỉ hướng tới giải pháp phi công trình và tập trung vào nhiệm vụ thích ứng với BĐKH. Trong đó, giải pháp trọng yếu ở tầm vĩ mô là lồng ghép chính sách thích ứng với BĐKH vào các chiến lược, chương trình, chính sách của ngành. Ngoài ra, các giải pháp đồng thời khác cần phải triển khai thực hiện như nghiên cứu đánh giá, dự báo các tác động của BĐKH, xây dựng các mô hình thích ứng, các chương trình hỗ trợ nhằm giảm rủi ro thiên tai cho người dân, các hoạt động đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, hợp tác quốc tế trong ứng phó với thiên tai v.v…

Mối liên hệ giữa phát triển và khí hậu đã được thừa nhận và đã đến lúc phải có những hành động để hiện thực hoá các ứng phó với BĐKH trong hoạt động của các nền kinh tế, các hoạt động của xã hội. Cùng với việc thừa nhận các tác động của BĐKH cần phải tích hợp hoặc ‘chính thức hoá’ hoạt động thích ứng BĐKH bằng cách đưa vào các chính sách, quy hoạch phát triển và quá trình ra quyết định phát triển. “lồng ghép là sự tích hợp mối quan tâm về khí hậu và phản ứng thích ứng vào các chính sách có liên quan, kế hoạch, chương trình và các dự án ở quy mô quốc gia và địa phương”.[7] Các yếu tố khí hậu cần được chắt lọc, xem xét để lồng ghép trong quá trình hoạch định trong ngành lao động và xã hội đó là các vấn đề an sinh xã hội. Hiểu theo nghĩa rộng vấn đề an sinh gồm cả trợ giúp xã hội, giảm nghèo và các vấn đề việc làm và sinh kế ổn định của nhân dân.

Một số chính sách, chương trình cần xem xét mở rộng, lồng ghép về đối tượng, vấn đề hoặc địa bàn như sau:

– Lồng ghép hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho nông dân vào Đề án Đào tạo nghề cho Lao động Nông thôn theo Quyết định 1956/TTg theo hướng tập trung vào: (i) chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp và (ii) sản xuất thâm canh nhằm gia tăng giá trị sử dụng đất và mặt nước.

– Hỗ trợ tạo việc làm: Hoạt động hỗ trợ tạo việc làm hiện đang được triển trong nhiều chương trình, dự án. Rõ ràng nhất là dự án vay vốn tạo việc làm trong khuôn khổ Chương trình MTQG về việc làm và dự án hỗ trợ vay tín dụng ưu đãi tạo việc làm trong khuôn khổ Chương trình MTQG Giảm nghèo. Lồng ghép các vấn đề, yếu tố gây suy giảm tư liệu sản xuất do thiên tai, BĐKH vào các chương trình tín dụng tạo việc làm và các chương trình giải quyết, chuyển đổi việc làm gắn với di cư.

– Nước biển dâng, nhiều cơ sở sản xuất sẽ bị ảnh hưởng, mất mặt bằng và nhà xưởng, cơ hội việc làm cho người lao động sẽ mất, giảm đi. Do đó cần có chính sách về quy hoạch phát triển, hỗ trợ về tín dụng, cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp ổn định sản xuất trong dài hạn.

– Lồng ghép vấn đề rủi ro và khắc
phục rủi ro sản xuất, ổn định sinh kế thông qua hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm cây trồng, vật nuôi. Thử nghiệm, tiến tới mở rộng đề án hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo, mua bảo hiểm nông nghiệp để khi rủi ro xẩy ra, đời sống của người dân vẫn được đảm bảo và có khả năng tái sản xuất.

– Lồng ghép vấn đề rủi ro do thiên tai vào các chính sách di dân, tái định cư như hỗ trợ xây dực các khu định cư ổn định để di chuyển người dân ra khỏi những địa bàn bị rủi ro cao nhất do hiện tượng nước biển dâng mà trước hết là những địa bàn chịu ảnh hưởng lớn do triều cường.

– Lồng ghép vào các chính sách trợ giúp đột xuất, mở rộng diện thụ hưởng của các chính sách trợ giúp xã hội trên cơ sở xây dựng một bộ chỉ tiêu xác định đối tượng thụ hưởng trợ giúp đột xuất bị thiên tai dẫn đến mất nguồn sinh kế.

Lồng ghép chính sách là kết quả quan trọng của quá trình nghiên cứu, đưa các yếu tố BĐKH vào các chính sách. Lồng ghép chính sách cũng là một việc quan trọng nhất trong vấn đề ứng phó với BĐKH từ giác độ hoạch định chính sách. Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để ứng phó với BĐKH đối với mỗi ngành là xem xét lại, nghiên cứu và lồng ghép các chính sách hiện thời với vấn đề BĐKH.

Ngoài việc lồng ghép các chính sách, cần xây dựng và phát triển một số chương trình nhằm tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho người nghèo, nhóm dễ bị tổn thương. Trong đó, chương trình việc làm công là một giải pháp tốt, sẽ đảm bảo cả hai mục tiêu: thứ nhất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động (thuộc nhóm yếu thế) hoặc người tàn tật, lao động bị thất nghiệp v.v… có được việc làm và có được nguồn thu nhập tối thiểu nuôi sống bản thân. Thứ hai, các chương trình này nhằm vào việc tái thiết hoặc xây dựng mới các công trình công cộng phục vụ phòng chống lụt bão, thiên tai, ứng phó với BĐKH.

Hỗ trợ tìm kiếm việc làm và di cư an toàn thông qua phát triển hệ thống thông tin và giao dịch việc làm trên thị trường lao động các khu vực nhạy cảm với tác động của BĐKH; hoàn thiện và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường lao động hướng đích tới các đối tượng có nhu cầu tìm việc làm và di cư an toàn. Tăng cường hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm gắn với nhu cầu thực tế cần chuyển đổi việc làm của người dân, đặc biệt dân cư vùng ven biển.

Triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ LĐTBXH (Quyết định 403/QĐ-LĐTBXH ngày 31/3/2011 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH), qua các năm, Bộ LĐTBXH đã tiến hành tuyên truyền và tập huấn nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ ngành các cấp. Công tác truyền thông, tuyên truyền nhằm cung cấp thông tin và kiến thức cho người dân và các cán bộ địa phương về BĐKH cần tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã xây dựng kế hoạch hành động của địa phương mình, do đó, cán bộ ngành LĐTBXH được đào tạo, tập huấn sẽ cùng địa phương đóng góp cho việc xây dựng các mô hình tự ứng phó tại cộng đồng và phát triển các dự án nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó với thiên tai, triển khai các chính sách của ngành trong bối cảnh ứng phó với BĐKH.

BĐKH tác động đến mọi mặt của cuộc sống, đến mọi phương diện của nền kinh tế và hoạt động xã hội, trong đó chịu tác động cuối cùng và nhiều nhất là người nghèo, người nông dân (các địa bàn dễ bị tổn thương trước BĐKH). Thiệt hại, tổn thất trực tiếp do thiên tai đến hạ tầng, tài sản hay sản xuất chỉ là những tác động dẫn xuất làm tổn thương đến sinh kế, thu nhập và đời sống của người dân. Do đó, chúng ta cần phải có nhận thức đầy đủ, toàn diện, đánh giá được tác động và có các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh BĐKH cho nhân dân.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ LĐTB&XH (2011), Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giai đoạn 2011 – 2015, Quyết định số 403/QĐ-LĐTBXH, Bộ LĐTB&XH.
  2. Bộ TN&MT (2008), Người nghèo và sự thích ứng với Biến đổi khí hậu: Nghiên cứu tại bốn xã ven biển thuộc các tỉnh Hà Tĩnh và Ninh Thuận, Việt Nam, Hà Nội.
  3. Bộ TN&MT (2009), Kịch bản Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội.
  4. Chính phủ (2008), Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu, Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg, Thủ Tướng Chính Phủ.
  5. CARE, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam (2010), Sổ tay phòng ngừa giảm nhẹ ảnh hưởng của lũ và bão dành cho cộng đồng, NXB VHTT, Hà Nội.
  6. Ngân hàng Thế giới (2010), Báo cáo Phát triển Thế giới 2010: Phát triển và Biến đổi khí hậu, Ngân Hàng Thế Giới, Wasington, DC.
  7. Oxfam (2008), Việt Nam – Biến đổi khí hậu, sự thích ứng và người nghèo.
  8. Peter Chaudhry, Greet Ruysschaert (2008), Nghiên cứu điển hình phục vụ báo cáo phát triển con người 2007/2008, Báo cáo nghiên cứu đóng góp cho Báo cáo Phát triển con người 2007/2008, UNDP.
  9. United Nations Việt Nam (2009), Việt Nam và Biến đổi khí hậu: Báo cáo thảo luận các chính sách phát triển con người bền vững, NXB VHTT, Hà Nội.

Bùi Tôn Hiến

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường &ĐKLĐ

[1] Chaudhry và Ruysschart (2008)

[2] CARE (2010)

[3] Bộ TN&MT (2008), Người nghèo và sự thích ứng với BĐKH, tr 32.

[4] CRES: Tên viết tắt tiếng Anh của Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia.

[5] Viện KHLĐ&XH (2011)

[6] UN (2009), Việt Nam và BĐKH: Báo cáo thảo luận các chính sách phát triẻn con người bền vững, Hà Nội, Tr.9

[7] USAID (2009, tr.47)