Một số giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe người lao động trí óc

16/07/2015 00:00:00

Bài viết tập trung phân tích thực trạng một số vấn đề sức khỏe của người lao động trí óc

Print Friendly

Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích thực trạng một số vấn đề sức khỏe của người lao động trí óc. Các phân tích cho thấy người lao động trí óc Việt nam đang gặp nhiều vấn để về sức khỏe, đặc biệt là các rối loạn bệnh lí của hệ thần kinh song hiện nay chưa có một hệ thống dữ liệu quốc gia về tình hình sức khỏe của đội ngũ lao động này cũng như chưa có một hệ thống chăm sóc sức khỏe riêng biệt. Trên cơ sở đó, đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe như: bảo vệ và nâng cao sức khỏe nơi làm việc; đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe người lao động tăng cường các chương trình giám sát, tự giám sát, cung cấp các thông tin và các biện pháp hiệu quả; tăng cường chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế lao động cơ bản, …

Từ khóa: sức khỏe tâm thần, hệ thống y tế, lao động chuyên môn kỹ thuật cao

Sức khỏe không chỉ được hiểu là tình trạng không có bệnh tật mà là sự hoàn thiện về mặt thể chất lẫn tinh thần. Đội ngũ lao động, dù là lao động cơ bắp hay lao động trí óc đều cần sức vóc, thể chất tinh thần tốt để duy trì và phát triển trí tuệ, để chuyển tải trí thức vào hoạt động thực tiển nhằm đạt hiệu quả năng suất cao và bền vững.

Người lao động nước ta đang phải đối mặt với những yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe: thứ nhất, điều kiện lao động đang tồn tại nhiều yếu tố nguy hiểm có hại làm cho tình hình tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp ngày càng gia tăng. Mỗi năm ở Việt Nam để xảy ra 130.000 vụ tai nạn lao động trong đó 13000 tai nạn lao động chết người. Mặc dù công tác giám định chưa đầy đủ song tỷ lệ người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và số phát hiện mới hàng năm đang ở mức báo động. Tính đến tháng 12/2012, cả nước có trên 28.000 người bị mắc bệnh nghề nghiệp; thứ hai, nhịp sống của xã hội hiện đại rất dồn dập và rất nhiều thách thức.Trong quá trình đối phó với nhịp điệu cuộc sống, stress trong môi trường làm việc có thể nảy sinh; thứ ba, còn nhiều rào cản khi tếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Vì thế đòi hỏi một giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe đảm bảo về mặt thể chất và tinh thần đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

  1. Một số vấn đề sức khỏe và hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người lao động trí óc

1.1. Một số khái niệm

Sức khỏe tâm thần: là một trạng thái không có rối loạn hay dị tật tâm thần mà còn là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái.Một định nghĩa khác “sức khỏe tâm thần là khả năng của bộ máy tâm lý hoạt động một cách hoàn toàn hợp lý, có hiệu quả và đương đầu một cách mềm dẻo trước những tình huống khó khăn mà vẫn có thể tìm lại được sự cân bằng của mình”.

Stress là những phản ứng có hại về mặt cảm xúc và cơ thể xuất hiện khi yêu cầu của công việc vượt quá khả năng đối phó hay kiếm soát của bản thân, hay có sự mất cân bằng giữa yêu cầu của công việc và cuộc sống cá nhân. Stress xảy ra thường xuyên có tác hại khá nghiêm trọng đến sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống.

1.2. Hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người lao động

Ở Việt Nam, hệ thống chăm sóc sức khỏe là hệ thống quốc gia đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe lâu dài cho mọi người.Chăm sóc sức khỏe toàn diện gồm ba mặt thể chất, tâm thần và xã hội của một cá nhân. Hệ thống chăm sóc sức khỏe bao gồm 2 hệ thống chính: Hệ thống y tế ( mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở, khám bệnh, chữa bệnh và phục hổi chức năng, mạng lưới sản xuất,lưu thông, phân phối và ung ứng thuốc…từ các trạm y tế xã, phường, thị trấn đến các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương bao gồm 2 cấu thành chính là dịch vụ y tế và bảo hiểm y tế) và Hệ thống phi y tế (Hệ thống nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe toàn dân như các chính sách xã hội, chính sách tiền lương, chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng…)

Mục tiêu của hệ thống chăm sóc sức khỏe là (1) Đảm bảo mọi đối tượng đều được chăm sóc sức khỏe; (2) tránh chi tiêu lãng phí; (3) cho phép sự chăm sóc phản ánh những sở thích khác nhau của bệnh nhân.

Vấn đề sức khỏe của người lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố: sức khỏe nền, hay chất lượng dân số như chiều cao, cân nặng, chế độ dinh dưỡng và đặc biệt là điều kiện lao động. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của người lao động mang những yếu tố đặc trưng riêng, bên cạnh công tác điều trị chữa bệnh còn có nội dung cơ bản là phòng ngừa dựa trên cơ sở các ảnh hưởng xấu của điều kiện lao động đến sức khỏe người lao động

Dich vụ y tế lao động cơ bản (DVYTLĐ) là dịch vụ thiết yếu để bảo vệ sức khoẻ con người khi làm việc, nâng cao sức khoẻ, tinh thần và khả năng làm việc cũng như phòng tránh bệnh tật và tai nạn thương tích.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người lao động chủ yếu được chăm sóc sức khỏe bởi hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và hệ thống CSSK người lao động mang tính đặc thù riêng như khám sức khoẻ; khám, điều trị BNN và chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Nếu hệ thống dịch vụ này hoạt động hiệu quả có nghĩa là người lao động được bảo vệ phòng tránh các nguy cơ rủi ro nghề nghiệp xảy ra có thể gây thương tích, bệnh tật thậm chí có thể tử vong trong quá trình lao động. Ngược lại nếu hệ thống hoạt động không hiệu quả sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người lao động hay chất lượng lao động. Đặc biệt là vấn đề sức khỏe tâm thần, đây là gánh nặng bệnh tật của thế kỷ 21.

Như vậy hệ thống chăm sóc sức khỏe (Hệ thống dịch vụ y tế) gồm 2 cấu phần chính:

– Bảo hiểm y tế : là định chế hết sức cốt lõi của hệ thống chăm sóc sức khỏe, thực hiện chức năng cấp tài chính, người (đại diện cho bệnh nhân) mua dịch vụ từ những người cung cấp dịch vụ y tế (các bệnh viện, phòng khám bệnh).

– Dịch vụ y tế: là loại dịch vụ đặc biệt với những đặc tính riêng. Chất lượng dịch vụ y tế bao hàm hai cấu phần riêng biệt: chất lượng vận hành, tức là cách thức người bệnh được nhận dịch vụ KCB (chất lượng thức ăn, tiếp cận dịch vụ); chất lượng chuyên môn, tức là chất lượng của việc cung ứng dịch vụ KCB (năng lực và kết quả điều trị).

Mục tiêu của hệ thống chăm sóc sức khỏe phải là chính sức khỏe của cộng đồng, và có thể được đo bằng các con số về tuổi thọ trung bình, tỷ lệ tử vong trẻ em, tỷ lệ người mắc các chứng bệnh, tỷ lệ tử vong do các loại bệnh gây ra (các tỷ lệ này càng thấp càng tốt); còn số tiền chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, số bác sỹ và số giường bệnh trên 100.000 dân, v.v. chỉ đo mức độ của những công cụ mà thôi

Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ người lao động, số lượng các cán bộ làm công tác y tế lao động được bổ sung tăng lên đặc biệt là tuyến địa phương.

Bảng 1: Tổ chức hệ thống y tế lao động tuyến tỉnh và các Bộ, ngành 2011

Nội dung Địa phương Các ngành 2011
Tổng số cán bộ chuyên trách 519/305 104 623
Trong đó: Bác sỹ 151 48 199
Dược sỹ 5 2 7
Trình độ ĐH 191 28 219
Trình độ TC 212 33 245
Giám định viên BNN 29 14 43
Khoa Y tế lao động 49 4 53
Phòng khám BNN 33 4 37

Nguồn: Báo cáo Y tế – Cục Quản lý môi trường y tế- Bộ Y tế -2012

1.3. Tình hình sức khỏe của đội ngũ người lao động trí óc Việt Nam

Điều kiện lao động của người lao động trí óc có những đặc trưng riêng như: Lao động trí óc sáng tạo gần như không có sự chấm dứt theo thời gian, không thể ngừng hẳn sự suy nghĩ sau giờ làm việc. Một nhà phát minh, một nhà nghiên cứu hay một doanh nghiệp ngay cả nhà quản lý đã rời phòng làm việc, nhưng những ý nghĩ thì cứ tiếp diễn khi họ đi trên đường về nhà, đang trò chuyện với gia đình nhưng những suy nghĩ cứ đeo đuổi và có thể tái hiện ngay cả trong giấc ngủ. Lao động trí óc thường liên quan đến những công việc kéo dài nhiều giờ trong buồng kín và tư thế ngồi. Sự làm việc căng thẳng của hệ thần kinh làm tăng trương lực của mạch máu não. Vì vậy, nếu không có những biện pháp lao động hợp lí, thì lâu dài sẽ dẫn tới những rối loạn bệnh lí của hệ thần kinh.Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, bệnh cao huyết áp và các bệnh tim mạch thường hay xảy ra đối với những người lao động trí óc và rất ít thấy ở những người lao động chủ yếu bằng chân tay. Nhiều nhà khoa học đã xác định rằng, các bệnh như xơ cứng động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim có liên quan mật thiết đến những rối loạn trong việc điều chỉnh thần kinh về hoạt động của trái tim và các mạch máu. Cũng vì vậy, bệnh cao huyết áp phát triển nhiều ở những người lao động trí óc, làm việc căng thẳng thần kinh và ít chịu vận động các cơ bắp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới có 0,3% dân số thế giới bị bệnh tâm thần phân liệt.Riêng Việt Nam tỷ lệ này hiện là 0,3-0,5%, với tình trạng hiện tại, đến năm 2020,dự báo về tỷ lệ 20% dân số Việt Nam mắc các loại bệnh lý về tâm thần là khả thi. Những loại bệnh trầm cảm, lo âu… phần lớn rơi vào những người hoạt động trí não nhiều.Các chuyên gia ngành thần kinh cho rằng, xã hội càng phát triển, loại bệnh này càng gia tăng. Một số nguyên nhân cụ thể thường gặp liên quan đến nhịp độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thay đổi lớn về tính chất công việc trong thời đại hiện nay như thời gian làm việc, độ ổn định của công việc, vấn đề tăng năng suất và giảm chi phí → thiếu nhân lực và phương tiện, làm nhiều việc hay nhiều giờ; phong cách quản lý độc đoán, không kích thích tinh thần làm việc; quan hệ cá nhân không tốt; không nhìn thấy tương lai trong công việc; môi trường làm việc không thuận lợi…

Trên thực tế cũng không có hệ thống báo cáo thực trạng sức khỏe của lao động trí óc song một số nghiên cứu của Viện sức khỏe tâm thần, Viện Sức khỏe y tế công cộng đã đưa ra một số nghiên cứu mang tính cảnh báo đối với đội ngũ lao động này

– Vài năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh tâm thần do những yếu tố ngoại sinh (yếu tố bên ngoài) ngày càng gia tăng.Trong số đó, phần nhiều là giới trí thức và thanh niên. Chỉ tính riêng ở viện Sức khỏe Tâm thần Quốc Gia, bênh viện Bạch Mai có tới 47% là người trẻ (dưới 30 tuổi) trong tổng số người tâm thần điều trị ở đây. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo về căn bệnh trầm kha của giới trí thức hiện đại.

– Trong nhóm những người dùng máy tính thường xuyên, thì nguy cơ gặp rắc rối về mắt và cơ xương là cao hơn cả (83% và 63,9%). Ngoài ra các phản ứng xấu khác còn có thể bao gồm rối loạn hệ thống thần kinh, chứng trầm cảm, xơ cứng động mạch, bệnh tâm thần… Điều tra xã hội học cho thấy 74% nhân viên văn phòng bị đau, khô họng, 73% nhức đầu, 80,9% đau lưng, 90,5% đau cổ, gáy, 46% đau mắt, 35% chảy nước mắt… Những triệu chứng này là do ô nhiễm từ trang thiết bị văn phòng lắp điều hòa nhiệt độ.

– Bệnh của doanh nhân: stress, lười vận động, thói quen xấu trong ăn uống, thói quen xấu trong sinh hoạt… Suy giảm sưc khỏe sinh lý, tâm lý thể lực nghiên cứu của một số bệnh viện cho thấy có mối liên hệ mật thiết giữa điều kiện lao động của lao động trí óc và tình hình sức khỏe của họ.

Theo nghiên cứu của GS-TS. Trần Quán Anh (Bệnh viện Việt Đức), trong số 100 bệnh nhân có biểu hiện rối loạn cương dương đến khám tại bệnh viện, có tới 78% là doanh nhân, lao động trí óc; 5% là công nhân; còn lại là các thành phần khác. Có vẻ giới kinh doanh là những người nhạy cảm nhất với các chứng bệnh khó nói của đàn ông?

Chính vì thế, suy nhược chức năng sinh dục là một thực tế khó tránh trong cuộc sống căng thẳng vì áp lực công việc của giới doanh nhân.

– Đặc biệt của lao động trí óc là khi hết giờ làm việc con người vẫn không hoàn toàn trút bỏ được những suy nghĩ liên quan đến công việc. Điều này thường gây nên sự căng thẳng thần kinh. Nếu chỉ tính những người trên 40 tuổi thì bệnh tăng huyết áp và xơ cứng động mạch ở những người có lối sống ít vận động xảy ra gấp hai lần những người bình thường. Rõ ràng, việc rèn luyện thân thể và những vận động thể lực đã có tác dụng ngăn ngừa bệnh tật, rất cần thiết cho người lao động trí óc, bổ sung cho lối sống, công tác căng thẳng trí não và ít vận động của mình. Sự kết hợp khoa học giữa làm việc và nghỉ ngơi, hoạt động trí não và những vận động thể lực là phương pháp tổ chức lao động trí óc hợp lí nhất, nhằm duy trì sức sáng tạo và thể lực con người, ngay cả lúc về già, để mang lại hạnh phúc cho bản thân và cống hiến được nhiều cho xã hội.

– Đối với các lao động mang tính kỹ thuật cũng có những ảnh hường nhất định, bên cạnh các yếu tố đặc trưng của lao động trí óc còn chịu tác động của các yếu tố môi trường lao động như tiếng ồn, hóa chất, điện từ trường, phóng xạ, vi khí hậu bất lợi, bụi… Những yếu tố đó đã dẫn đến tình trạng suy giảm sức khỏe, và bệnh nghề nghiệp của Việt Nam gia tăng.

Theo nghiên cứu của nhóm bác sĩ Trần Viết Nghị, Nguyễn Viết Thiêm, Lã Thị Bưởi, Đinh Đăng Hòe và cộng sự ở Viện Sức khỏe tâm thần có những cảnh báo tác động của điều kiện lao động, tính “lặp đi lặp lại” – mức độ đơn điệu của công việc.

Bên cạnh đó các bệnh đặc trưng cho đội ngũ LĐCMKTTĐC do hoạt động mang tính chất tĩnh tại, ít vận động nên thường mắc các bệnh “Hội chứng văn phòng”, người lao động trí óc lâu năm cũng dẫn đến lao tâm, lao thần, hoặc suy nghĩ nhiều dễ sinh ra tâm thần bất túc.

Một nghiên cứu dành riêng cho ngành y tế Việt Nam cũng có những cảnh báo nhiều nguy cơ rủi ro nghề nghiệp đang đe dọa đến chính tính mạng và sức khỏe của đội ngũ lao động này.

Nhóm đã khảo sát người làm việc trong mười nhóm ngành nghề cơ khí luyện kim, cán bộ bệnh viện tâm thần, bệnh viện lao và bệnh phổi, công nhân may mặc, da giày, thủy sản, công trình ngầm, lái tàu hỏa, kiểm soát không lưu và lái xe buýt với các đặc điểm như công việc đơn điệu, cần lựa chọn chính xác, lo lắng bị tai nạn hoặc gây tai nạn,công việc nặng nhọc, lương không thỏa đáng, môi trường làm việc nóng bức, bẩn thỉu, nhiều hóa chất độc hại, hay phải làm việc quá giờ và căng thẳng tâm lý.Kết quả cho thấy: tỉ lệ rối loạn giấc ngủ, lo âu, suy nhược, trầm cảm lên tới 10%; ở một số ngành nghề như cơ khí luyện kim có tới 20,6% công nhân rối loạn giấc ngủ, lo âu, suy nhược cơ thể.

Theo ông Nghị các công việc trên là lặp đi lặp lại, thụ động trong công việc, ca lao động kéo dài, căng thẳng thần kinh vì liên quan tới tính mạng của chính mình và nhiều người khác, hoặc dễ bị xúc phạm, thậm chí bị tấn công như nhân viên bệnh viện tâm thần đã dẫn đến một tỉ lệ lớn người lao động bị rối loạn sức khỏe tâm thần, bị stress nghề nghiệp. Ông nói: “Nếu để lâu không được tư vấn sức khỏe, không được can thiệp, họ sẽ phải vào viện”. những stress, rối loạn kể trên liên quan đến môi trường làm việc, nên cải thiện công nghệ, môi trường xung quanh là một phần của liệu trình điều trị. “Thuốc chỉ là một phần, phải tư vấn cho người ta về tính tự thích nghi để giảm stress, tăng cường tiếp xúc và luyện tập thể thao”

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, 80% CBYT các Khoa Truyền nhiễm và 20% CBYT nói chung bị nhiễm virus viêm gan B từ người bệnh. Nhiều CBYT mắc các bệnh nghề nghiệp như lao, phong, viêm gan B, nhiễm xạ, bụi phổi silic…Trong khi đó chế độ bảo hiểm rủi ro cho những CBYT này hiện chưa thỏa đáng, điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn.Nhiều BV khi chiếu chụp X.quang, cửa không đóng được, chế độ bồi dưỡng độc hại đối với nhân viên làm việc trong khu vực x.quang, phóng xạ chưa được chi trả hoặc chi trả “tháng có, tháng không”. Các thiết bị có yêu cầu cao về nguy cơ mất an toàn như nồi hấp, lò hơi không được đăng kiểm… Nghiên cứu tại 3 BV ở Hà Nội do Viện Y học lao động và Vệ sinh Môi trường – Bộ Y tế thực hiện mới đây cũng khẳng định, hơn 70% CBYT cho biết họ từng bị tai nạn rủi ro do vật sắc nhọn trong khi làm việc. Vị trí bị tổn thương vật sắc nhọn chủ yếu ở bàn tay (96,3% và hầu hết tổn thương là xuyên thấu da.Những trường hợp rủi ro xảy ra khi tiêm là nhiều nhất, tiếp đến phẫu thuật, truyền dịch và làm các thủ thuật khác.

Các nghiên cứu của nước ngoài cũng có những cảnh báo về bệnh tật nguy hiểm với đội ngũ lao động này

  1. Ung thư ruột: sử dụng máy tính thường xuyên trong vòng 10 năm sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư đường ruột cao gấp đôi so với người không sử dụng. Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Western (Australia) cũng cho thấy một trong những nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do thiếu vận động trong thời gian quá lâu.Tiến sĩ Claire Knight thuộc Viện nghiên cứu Ung thư Anh quốc, cho biết: “Chúng ta vận động càng nhiều, nguy cơ mắc bệnh ung thư đường ruột càng giảm”.
  2. Đau tim: Những người ngồi hàng giờ trước máy tính có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của tim. Theo các bác sĩ chuyên khoa tim của Trường Đại học London, 67% người làm việc 11 giờ/ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim.
  3. Tụ máu: Những người làm việc trước máy tính trong khoảng thời gian dài có nhiều khả năng xuất hiện những cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch). Điều này làm tăng nguy cơ nghẽn mạch phổi lớn hơn gấp 2 lần.
  4. Bệnh béo phì: Các chuyên gia về sức khỏe ở Australia đã phát hiện rằng, những người ngồi quá lâu, vòng eo sẽ lớn và có lượng cholesterol LDL (cholesterol xấu) cao hơn. Bác sĩ Genevieve Healy thuộc Trường Đại học Queensland, Australia cho rằng hành động đơn giản như đứng lên khoảng một phút trong thời gian làm việc cũng giúp giảm được nguy cơ béo phì.
  5. Đau lưng: Số liệu từ Hiệp hội Chỉnh hình khớp xương của Anh cho thấy, nếu bạn ngồi hơn 10 giờ một ngày trước máy tính và không đứng lên đi lại sẽ có nguy cơ mắc bệnh đau lưng.
  6. Chứng tâm thần phân liệt: làm việc từ sáng sớm cho tới đêm khuya, có thể dẫn đến chứng tâm thần phân liệt hoặc suy nhược thần kinh. người ở độ tuổi trung niên làm việc hơn 55 giờ/tuần có kỹ năng và thần kinh yếu hơn những người chỉ làm việc 41 giờ.Tiến sĩ John Challenor cho biết: “Sử dụng nhiều thời gian làm những việc giống nhau có thể làm cho não mệt mỏi”.

Như vậy lao động trí óc Việt Nam đang gặp nhiều vấn để về sức khỏe song hiện nay chưa có một hệ thống dữ liệu quốc gia về tình hình sức khỏe của đội ngũ lao động này cũng như chưa có một hệ thống chăm sóc sức khỏe riêng biệt.

  1. Đề xuất một số giải pháp nâng cao sức khỏe cho lao động trí óc

Thứ nhất là bảo vệ và nâng cao sức khỏe nơi làm việc.

– Cần cải thiện việc đánh giá và quản lý các yếu tố nguy cơ sức khỏe tại nơi làm việc bằng cách: xác định các biện pháp can thiệp cần thiết cho công tác phòng chống và kiểm soát các nguy cơ cơ học, vật lý, hóa học, sinh học và tâm lý xã hội trong môi trường làm việc.

– Cần ban hành những quy định về bảo vệ sức khỏe tại nơi làm việc và áp dụng một bộ tiêu chuẩn vệ sinh lao động cơ bản để đảm bảo tất cả nơi làm việc phù hợp với yêu cầu tối thiểu của sức khỏe và bảo vệ an toàn, đảm bảo mức độ phù hợp cho thực thi, tăng cường kiểm tra sức khỏe tại nơi làm việc và xây dựng sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý có thẩm quyền theo hoàn cảnh cụ thể của quốc gia.

– Cần xây dựng năng lực cho phòng chống các nguy cơ nghề nghiệp, bệnh tật và thương tích, bao gồm tăng cường nguồn nhân lực, phương pháp và công nghệ, đào tạo huấn luyện cho người sử dụng lao động, người lao động những phương thức làm việc lành mạnh, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.

– Tiếp tục khuyến khích nâng cao sức khỏe và phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại nơi làm việc, bằng cách khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất trong công nhân, nâng cao sức khỏe gia đình và tâm thần tại nơi làm việc. Mối đe dọa sức khỏe toàn cầu như bệnh lao, HIV/AIDS, sốt rét và cúm gia cầm, cũng có thể được ngăn chặn và kiểm soát tại nơi làm việc.

– Tư vấn xây dựng, phổ biến chuyển giao các biện pháp phòng bệnh tích cực tại nơi làm việc cho lao động trí óc cao với với những biện pháp cụ thể nhằm phục hồi sinh lực và bảo vệ trí não và đảm bảo nhịp sinh học

Thứ hai là đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe người lao động nhất là vai trò của người sử dụng lao động và chính người lao động. Xây dựng và thực hiện các công cụ chính sách về sức khỏe người lao động.

– Xây dựng khung chính sách quốc gia về sức khỏe người lao động có xem xét tới các công ước lao động quốc tế và bao gồm: ban hành pháp luật; thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành trong các hoạt động; huy động nguồn lực để bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động; tăng cường vai trò và năng lực của Bộ Y tế; Bộ Lao động, lồng ghép các mục tiêu và hành động đối với sức khỏe người lao động vào các chiến lược y tế quốc gia.

– Các tiếp cận quốc gia nhằm phòng chống thương tích và bệnh nghề nghiệp cần được phát triển theo các ưu tiên của các quốc gia và trong sự phối hợp với các chiến dịch toàn cầu của WHO.

– Các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, phối hợp với ngành y tế triển khai các chương trình sức khỏe tại địa phương, tuyên truyền vận động làm cho mỗi người dân/ người lao động hiểu và tự giác tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng.

Thứ ba là tăng cường các chương trình giám sát, tự giám sát, cung cấp các thông tin và các biện pháp hiệu quả.

– Hệ thống giám sát sức khỏe người lao động cần được thiết kế với mục đích xác định chính xác và kiểm soát nguy cơ nghề nghiệp bao gồm thiết lập hệ thống thông tin quốc gia, xây dựng năng lực để ước tính gánh nặng nghề nghiệp của bệnh tật và thương tích, ghi chép sự phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ, bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, cải thiện báo cáo và phát hiện sớm các tai nạn và BNN nhất là đối với các đặc trưng của lao động trí óc

– Cần phải tăng cường hơn nữa các nghiên cứu về sức khỏe người lao động. Đặc biêt là các nghiên cứu chuyên sâu về sức khỏe lao động trí óc. Các chiến lược và công cụ cần phải được xây dựng với sự tham gia của tất cả các bên liên quan để cải thiện thông tin tuyên truyền và nâng cao nhận thức về sức khỏe người lao động.

Thứ tư là tăng cường chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế lao động cơ bản.

– Cải thiện độ bao phủ và chất lượng của các dịch vụ y tế lao động. Xây dựng năng lực thể chế nòng cốt ở cấp quốc gia và địa phương để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các dịch vụ y tế lao động cơ bản về giám sát, lập kế hoạch và chất lượng dịch vụ, thiết kế các biện pháp can thiệp mới, phổ biến thông tin và cung cấp chuyên môn chuyên ngành

– Cần tăng cường hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực cho sức khỏe người lao động bằng cách: đào tạo thêm sau đại học trong các ngành có liên quan; nâng cao năng lực cho các dịch vụ cơ bản về y tế lao động; Kết hợp vấn đề sức khỏe người lao động trong đào tạo cho cán bộ chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyên gia khác cần thiết cho các dịch vụ y tế lao động.

– Tăng cường chất lượng ban chăm sóc sức khỏe cán bộ trên phạm vi 63 tỉnh thành

– Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần nghề nghiệp

Thứ năm là kết hợp vấn đề sức khỏe của người lao động vào các chính sách khác.

– Năng lực của ngành y tế để thúc đẩy sự kết hợp của sức khỏe người lao động trong các chính sách khác cần được tăng cường. Các biện pháp bảo vệ sức khỏe của người lao động phải được kết hợp trong chính sách phát triển kinh tế và chiến lược xóa đói giảm nghèo.

– Sức khỏe của người lao động cần được xem xét hơn nữa trong nội dung của các chính sách thương mại. Chính sách việc làm cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó cần khuyến khích việc đánh giá tác động sức khỏe của các chiến lược việc làm.

– Sức khỏe người lao động cần được đề cập trong các chính sách của các ngành kinh tế khác nhau, đặc biệt là những người có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cao nhất. Các khía cạnh của sức khỏe của người lao động cần được đưa vào nội dung trong giáo dục cấp tiểu học, trung học, đại học và dạy nghề.

Thứ bảy là đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực lâu dài cần chuyển hướng nhận thức đầu tư hiệu quả vào cộng đồng để giải quyết cho 90% nhu cầu xã hội trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đó là việc đầu tư vào các chương trình truyền thông, giáo dục sức khỏe, sức khỏe học đường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng khi không có thầy thuốc… Đó là việc đào tạo rất ngắn hạn nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm nhiều đối tượng, kể cả thầy tu, sư sãi, ni cô, các sơ… các tình nguyện viên chăm sóc theo nhu cầu, nhân viên công tác xã hội (không nhất thiết họ phải có nhiều kiến thức chuyên môn y tế). Tăng cường chăm sóc bệnh tại nhà hơn là xây thêm bệnh viện, tăng số giường… Đó là việc kêu gọi gia đình, nhà trường, ngành giáo dục, phối hợp y tế, xã hội tham gia dạy dỗ, hỗ trợ con cái, tăng cường đào tạo kỹ năng sống của học sinh, sinh viên để giảm bớt bạo lực học đường, biết nói không với rượu bia, thuốc lá, lái xe lạng lách…và có thể chính các em vận động gia đình mình tham gia giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật…

Thứ tám, xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam.Đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.

Ngô Vân Hoài – Viện Khoa học Lao động và Xã hội

Tài liệu tham khảo

  1. Cải cách hệ thống CSSK- Nguyễn Quang A. Vietsciense
  2. Báo cáo tổng quan ngành Y tế 2011- Bộ Y tế
  3. Báo công tác y học lao động (2011, 6/ 2012) – Cục Quản lý môi trường- Bộ Y tế
  4. Trang thông tin điện tử – Bộ Y tế. moh.gov.vn
  5. Hồ sơ quốc gia về ATVSLĐ
  6. Hệ thống văn bản pháp luật về chăm sóc sức khỏe nhân dân
  7. Hệ thống văn bản pháp luật về an toàn sức khỏe nghề nghiệp
  8. Các công ước quốc tế về an toàn sức khỏe nghề nghiệp
  9. Sổ tay hướng dẫn công tác an toàn sức khỏe nghề nghiệp trong các doanh nghệp vừa và nhỏ. NXB LĐXH. 2010