PHÂN TÍCH ẢNH HƯỞNG CỦA ĐÀO TẠO NGHỀ ĐẾN CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN NÔNG THÔN VIỆT NAM

04/07/2017 00:00:00

Bài viết này nghiên cứu ảnh hưởng của tham gia học nghề đến cơ hội việc làm và thu nhập của thanh niên nông thôn (TNNT). Nghiên cứu sử dụng dữ liệu mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS), điều tra lao động việc làm (LFS) và dữ liệu khảo sát trên địa bàn 3 tỉnh Hà Giang, Nam Định và Quảng Nam với thông tin về tình trạng tham gia học nghề, việc làm, thu nhập của thanh niên nông thôn. Kết quả bài viết chỉ ra rằng thanh niên nông thôn qua đào tạo nghề sẽ có lợi thế trong tiếp cận việc làm bền vững

Abstract. This article studies impacts of participating in vocational trainings on employment opportunities and incomes of rural youth. The study used the Vietnam Household Living Standard Survey (VHLSS), labor force survey (LFS) and survey data in 3 provinces of Ha Giang, Nam Dinh and Quang Nam with information about the status of participating in vocational training, employment and income of rural youth. The analysis indicates that rural youth with vocational training will have an advantage in accessing to decent work than one that are without vocational training. They also have the higher rate of educational refund than the group that did not participate in vocational training.

Keywords: Employment, rural youth, vocational training

  1. Giới thiệu

Tăng các cơ hội việc làm và nghề nghiệp cho thanh niên nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng có thể góp phần tạo thu nhập cho các hộ gia đình, giảm nghèo, giảm các nguy cơ liên quan đến việc rời bỏ quê hương đối với thanh niên và gia đình của họ. Theo lý thuyết vốn con người (Mincer, 1962; Becker, 1962), giáo dục nghề nghiệp mang lại cho người lao động lợi ích về năng suất và cơ hội về mức thu nhập cao hơn. Boheim và cộng sự (2009) cho rằng, việc đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng kỹ năng phỏng vấn, v.v…) có tác động tích cực đến khả năng có việc làm và nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động.

Ở Việt Nam dân số nông thôn chiếm 70,4% dân số cả nước; trong đó, thanh niên nông thôn chiếm 20% tổng dân số, thanh niên thành thị chiếm khoảng 10%. Nhóm thanh niên từ 15-24 tuổi có tỷ lệ thất nghiệp cao, tăng từ 6,26% năm 2014 lên 7,03% năm 2015. Trước tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm dẫn đến thanh niên nông thôn phải chấp nhận làm các công việc giản đơn, thu nhập thấp ảnh hưởng đến cơ hội phát triển và thay đổi cuộc sống.

Một số tác giả như Jones (2001) nhận định rằng, người lao động qua đào tạo nghề có nhiều cơ hội việc làm và năng suất lao động cao hơn so với nhóm chưa qua đào tạo nghề ở Ghana. Hempell (2003) cũng đã đưa ra những nhận định cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có tác động tích cực và đáng kể đối với cơ hội phát triển của chính người lao động và lợi ích mang lợi cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Mục tiêu của bài viết là đánh giá ảnh hưởng của chương trình đào tạo nghề đến cơ hội việc làm, thu nhập của thanh niên nông thôn Việt Nam.

Trong bài viết này, thanh niên nông thôn (TNNT) được hiểu là nhóm tuổi từ 15-24 tuổi thuộc thành viên hộ gia đình[1] ở khu vực nông thôn.

Nguồn số liệu và phương pháp phân tích

Bài viết sử dụng nguồn số liệu từ Điều tra Lao động-Việc làm 2015, Điều tra Mức sống hộ gia đình 2014 (VHLSS) của Tổng cục Thống kê; và Điều tra của cuộc khảo sát Cải cách đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn nhằm tiếp cận và phỏng vấn thanh niên sau tham gia học nghề thuộc thành viên hộ gia đình ở khu vực nông thôn tại thời điểm điều tra. Cuộc khảo sát được thực hiện trên địa bàn 3 tỉnh là Hà Giang, Nam Định và Quảng Nam.

Theo kết quả khảo sát, tình trạng hoạt động kinh tế của TNNT tham gia trả lời được phân thành 3 nhóm: (i) Nhóm hiện đang làm việc (68,9%); (ii) Nhóm đi học toàn thời gian (13,3%); và (iii) Nhóm hiện đang tìm việc (17,8%). Phần lớn TNNT học nghề và không tham gia học nghề hiện đang đi làm. Số ít TNNT học nghề và không học nghề không qua đào tạo hiện đang tìm việc.

Phương pháp phân tích: Nghiên cứu sử dụng số liệu VHLSS và ước lượng mô hình Probit để phân tích ảnh hưởng của đào tạo nghề đến cơ hội việc làm, và việc làm bền vững; ước lượng mô hình phân rã Blinder – Oaxaca để xác định chênh lệch về tiền lương giữa nhóm lao động qua đào tạo nghề và nhóm lao động chưa qua đào tạo nghề.

  1. Tổng quan việc làm của thanh niên nông thôn

Theo số liệu Điều tra Lao động-Việc làm năm 2015, số lao động có việc làm ở khu vực nông thôn là 36,47 triệu người. Trong đó, số TNNT có việc làm là 5,6 triệu người, chiếm 15,23% số lao động có việc làm ở khu vực nông thôn.

Giai đoạn 2011-2015, số lao động có việc làm ở khu vực nông thôn có biến động tăng nhẹ, tốc độ tăng việc làm bình quân là 0,43%/năm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân cả nước (1,3%/năm). Nhóm TNNT có việc làm có sự tăng so với năm 2014 nhưng tốc độ giảm bình quân 2,93%/năm cùng giai đoạn. Điều này cho thấy, xu hướng TNNT di chuyển từ khu vực nông thôn ra thành thị để tìm kiếm việc làm.

Theo vị thế việc làm, năm 2015, số lao động làm công hưởng lưởng ở khu vực nông thôn là 11,43 triệu người; trong đó, số TNNT chiếm 21,54%. Giai đoạn 2011-2015, nhóm TNNT làm công hưởng lưởng tăng so với năm 2014 và tốc độ tăng bình quân 1,26%/năm. Điều này cho thấy, mức độ ổn định hơn về việc làm đối với TNNT được thể hiện qua số lượng và tỷ lệ TNNT làm công hưởng lương tăng trong khi số lượng và tỷ lệ TNNT có làm việc trong khu vực nông thôn giảm trong cùng giai đoạn.

Bảng 1: Việc làm của thanh niên ở nông thôn, 2011-2015

Đơn vị: nghìn người

  2011 2012 2013 2014 2015 Tốc độ tăng (%)
1.1 Số người có việc làm ở khu vực nông thôn (nghìn người) 35.851 36.010 36.243 36.736 36.465 0,43
1.2 Tỷ lệ có việc làm (%) 98,56 98,76 98,63 98,69 98,36  
1.3 Tỷ lệ có việc làm hưởng lương (%) 27,22 27,08 27,51 27,85 31,35  
2.1 TNNT có việc làm (nghìn người) 6.258 5.663 5.655 5.400 5.554 -2,93
2.2 Tỷ lệ TNNT có việc làm (%) 96,02 95,75 95,3 95,37 94,77  
3.1 TNNT có việc làm hưởng lương (nghìn người) 2.342 2.210 2.143 2.113 2.462 1,26
3.2 Tỷ lệ TNNT có việc làm hưởng lương (%) 37,43 39,11 37,89 39,14 44,34  

Nguồn: Điều tra Lao động-Việc làm của GSO các năm 2011-2015

Năm 2015, phần lớn TNNT đang làm việc đều không có CMKT chiếm 83,95%; tỷ lệ TNNT đã qua đào tạo nghề ngắn hạn là 4,23%; tỷ lệ TNNT đã qua các cấp đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề (TCN) là 4,34%; và tỷ lệ TNNT có trình độ cao đẳng nghề (CĐN), CĐ/ĐH, trên ĐH là 7,49%. Theo ngành kinh tế và trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT), TNNT đang làm việc trong ngành “thông tin và truyền thông” có tỷ lệ trình độ CĐN, CĐ/ĐH, trên ĐH cao hơn so với các ngành khác (53,49%); ngành “sản xuất và phân phối điện, khí đốt” có tỷ lệ qua đào tạo nghề trình độ TCCN, TCN cao nhất (25,30%); ngành “vận tải, kho bãi” có tỷ lệ qua đào tạo nghề ngắn hạn cao nhất (41,37%); ngành “nông nghiệp” có tỷ lệ TNNT đang làm việc không có CMKT cao nhất (94,68%).

Bảng 2: Việc làm của thanh niên nông thôn phân theo ngành kinh tế và trình độ chuyên môn kỹ thuật năm 2015

 

 

 

Tổng số Không có CMKT Đào tạo nghề ngắn hạn Đào tạo nghề trình độ TCCN, TCN Trình độ CĐ/ĐH, trên ĐH
1. Số lượng (nghìn người) 5.554 4.663 235 241 416
2. Cơ cấu (%) 100,00 83,95 4,23 4,34 7,49
2.1 Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 100,00 94,68 1,13 1,77 2,43
2.2 Khai khoáng 100,00 78,16 12,45 4,16 5,22
2.3 Công nghiệp chế biến, chế tạo 100,00 78,10 7,89 4,54 9,47
2.4 Sản xuất và phân phối điện, khí đốt 100,00 39,03 2,17 25,30 33,50
2.5 Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 100,00 59,48 0,00 2,83 37,69
2.6 Xây dựng 100,00 86,82 4,32 3,17 5,69
2.7 Bán buôn và bán lẻ 100,00 73,05 5,60 7,69 13,66
2.8 Vận tải, kho bãi 100,00 41,67 41,37 6,35 10,61
2.9 Dịch vụ lưu trú và ăn uống 100,00 81,96 3,17 4,27 10,60
2.10 Thông tin và truyền thông 100,00 35,63 5,73 5,15 53,49
2.11 Hoạt động dịch vụ khác 100,00 38,91 5,91 22,13 33,06

Nguồn: Điều tra Lao động-Việc làm của GSO năm 2015

  1. Tác động của đào tạo nghề đến việc làm của thanh niên nông thôn

3.1 Tác động của đào tạo nghề đến khả năng có việc làm

Bài viết sử dụng ước lượng mô hình probit để xác định khả năng có việc làm giữa nhóm lao động qua đào tạo nghề và nhóm lao động chưa qua đào tạo nghề.

Theo kết quả ước lượng từ Điều tra mức sống hộ gia đình, lao động qua đào tạo nghề khả năng có việc làm công hưởng lương cao hơn so với nhóm chưa qua đào tạo nghề là 28,8%. Trong số lao động làm công hưởng lương, lao động qua đào tạo nghề khả năng được ký hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm xã hội cao hơn so với nhóm chưa qua đào tạo nghề khoảng 28,0%.

Đối với TTNT qua đào tạo nghề, khả năng có việc làm công hưởng lương, được ký hợp đồng lao động cao hơn so với nhóm chưa qua đào tạo nghề lần lượt là 12,8% và 0,4% nhưng khả năng được đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn so với nhóm từ 25 tuổi trở lên qua đào tạo nghề khoảng 7,5%.

Bảng 3: Tóm tắt kết quả ước lượng mô hình probit

Biến Có việc làm hưởng lương Có HĐLĐ Có BHXH
Probit Tác động biên Probit Tác động biên Probit Tác động biên
Qua đào tạo nghề 0,740*** 0,288*** 0,762*** 0,276*** 0,714*** 0,278***
  (0,018) (0,007) (0,001) (0,000) (0,001) (0,000)
Tốt nghiệp CĐ/ĐH trở lên 1,604*** 0,555*** 1,176*** 0,398*** 1,416*** 0,518***
  (0,024) (0,005) (0,001) (0,000) (0,001) (0,000)
Thanh niên qua đào tạo nghề 0,332*** 0,128*** 0,010*** 0,004*** -0,202*** -0,075***
  (0,014) (0,005) (0,001) (0,000) (0,001) (0,000)
Có biến kiểm soát x x x X x x
Hệ số chặn -0,897***   -1,605***   -1,841***  
  (0,009)   (0,001)   (0,001)  
Quan sát 64,623 64,623 23,541 23,541 23,541 23,541
Standard errors in parentheses        
*** p<0.01, ** p<0.05, * p<0.1

Nguồn: Tính toán từ Điều tra Mức sống hộ gia đình 2014; các biến kiểm soát bao gồm đặc điểm của người lao động, đặc điểm hộ gia đình

Kết quả trên cho thấy, lao động qua đào tạo nghề sẽ có lợi thế trong tiếp cận việc làm bền vững hơn so với lao động chưa qua đào tạo nghề (được trả lương, ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội).

Theo kết quả khảo sát tại địa bàn 3 tỉnh là Hà Giang, Nam Định và Quảng Nam, việc làm của TNNT qua đào tạo nghề được ghi nhận như sau:

Theo ngành kinh tế, tỷ lệ TNNT có việc làm hiện đang làm việc trong ngành CN&XD chiếm tỷ lệ cao nhất (51,6%), tiếp theo là ngành NLNTS (chiếm 38,7%). Cuộc khảo sát ghi nhận phần lớn TNNT qua đào tạo nghề làm việc trong ngành CN&XD và NLNTS; trong khi TNNT chưa qua đào tạo nghề và học CĐ/ĐH làm việc trong ngành DV chiếm tỷ lệ cao nhất, một số ít nhóm TNNT quay về làm nông nghiệp mở trang trại chăn nuôi và trồng trọt.

Theo vị thế việc làm, đa số TNNT đang làm việc thuộc nhóm lao động hưởng lương và tự làm (tương ứng 54,0% và 25,0%), tỷ lệ TNNT thuộc nhóm lao động gia đình không hưởng lương chiếm 18,55%. Cuộc khảo sát ghi nhận phần lớn TNNT chưa qua đào tạo nghề thuộc nhóm làm công hưởng lương và lao động gia đình không hưởng lương.

Theo khu vực kinh tế, tỷ lệ TNNT làm việc trong khu vực hộ NLNTS và tư nhân chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 35%), tiếp đến là khu vực hộ SXKD cá thể (chiếm 18,6%). Điều này cho thấy, một tỷ lệ không nhỏ các TNNT hoàn thành khóa học nghề ngắn hạn về nông nghiệp sản xuất tại hộ gia đình và một nhóm các TNNT chưa qua đào tạo nghề làm công hưởng lương trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.

Bảng 4: TNNT phân theo các đặc điểm lao động-việc làm (%)

 

 

 

TNNT học nghề

 

 

 TNNT không học nghề  Tổng

 

 

 Học CĐ/ĐH  Không qua đào tạo
Theo ngành kinh tế        
NLNTS 47.89 40.00 23.26 38.71
CN&XD 46.48 72.09 51.61
DV 5.63 60.00 4.65 9.68
Theo vị thế việc làm        
Chủ cơ sở (thuê lao động) 4.23 2.42
Tự làm (không thuê lao động) 43.66 25.00
Lao động gia đình không hưởng lương 14.08 40.00 20.93 18.55
Làm công hưởng lương 38.03 60.00 79.07 54.03
Theo khu vực kinh tế        
Hộ NLTS/cá nhân 49.30 40.00 20.93 38.71
Hộ SXKD cá thể 25.35 11.63 18.55
Tập thể 1.41 0.81
Tư nhân 23.94 62.79 35.48
Nhà nước 60.00 2.33 5.65
Vốn đầu tư nước ngoài 2.33 0.81
Tổng 100.00 100.00 100.00  

Nguồn: Tính toán từ kết quả khảo sát

Theo quy định, tuần làm việc chuẩn của nước ta hiện nay là không quá 48h/tuần. Số giờ làm việc bình quân được phân thành 3 khoảng: mức thấp (dưới 35 giờ/tuần), mức trung bình (từ 35-48 giờ/tuần) và mức cao (trên 48 giờ/tuần). Theo kết quả khảo sát, thời gian làm việc bình quân của TNNT tham gia trả lời là 49,7 giờ/tuần và 25-26 ngày/tháng; trong đó, TNNT qua đào tạo nghề là 51,2 giờ/tuần, TNNT không học nghề đối với học CĐ/ĐH là 41,5 giờ/tuần và không qua đào tạo là 49,2 giờ/tuần. Điều này cho thấy, công việc của TNNT là công việc đủ thời gian và đảm bảo thời giờ làm việc.

Cuộc khảo sát ghi nhận, TNNT qua đào tạo nghề có đủ thời gian làm việc trong tuần chiếm tỷ lệ cao hơn so với TNNT không tham gia học nghề (tương ứng chiếm 62,0% so với 20,0% và 48,8%), trong khi TNNT qua đào tạo nghề thiếu việc làm chiếm tỷ lệ thấp hơn so với TNNT không tham gia học nghề.

Bảng 5: TNNT phân theo thời gian việc làm (%)

  TNNT học nghề TNNT không học nghề Total
Học CĐ/ĐH Không qua đào tạo
Dưới 35 h/tuần 4.23 20.00 9.30 7.26
Từ 35-48 h/tuần 33.80 60.00 41.86 38.71
Trên 48 h/tuần 61.97 20.00 48.84 54.03
Tổng 100.00 100.00 100.00 100.00

Nguồn: Tính toán từ kết quả khảo sát

3.2 Tác động của đào tạo nghề đến thu nhập bình quân tháng

Bài viết sử dụng mô hình tiền lương Mincer, áp dụng phân rã Blinder-Oaxaca để xác định chênh lệch về tiền lương giữa nhóm lao động qua đào tạo nghề và nhóm lao động chưa qua đào tạo nghề.

Theo kết quả ước lượng từ Điều tra mức sống hộ gia đình, tiền lương bình quân tháng của lao động qua đào tạo nghề cao hơn 27,5% so với nhóm chưa qua đào tạo nghề. Trong đó, 7 điểm % từ sự khác biệt về yếu tố quan sát được của nhóm qua đào tạo nghề và chưa qua đào tạo nghề (các yếu tố: tỷ lệ lao động là thanh niên, giới tính, khu vực sống, nơi làm việc thuộc doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp Nhà nước, ngành mà người lao động đang làm việc); 3,5 điểm % sự khác biệt về yếu tố mà không giải thích được của nhóm qua đào nghề và chưa qua đào tạo nghề (nghĩa là cùng là thanh niên, cùng ở thành thị, cùng làm trong khu vực kinh tế, cùng một ngành nhưng lao động qua đào tạo nghề được trả lương cao hơn so với lao động chưa qua đào tạo nghề); và 17 điểm % trong tổng 27,5% là do khác biệt đồng thời cả hai thành phần trên hay là khác biệt do cơ cấu các yếu tố trên giữa nhóm qua đào nghề và chưa qua đào tạo nghề.

Bảng 6: Tóm tắt kết quả phân rã Blinder-Oaxaca

lnwage Coef. Std. Err. z P>z [95% Conf. Interval]
             
Nhóm chưa qua đào tạo 7,687 0,005 1,475,15               – 7,676 7,697
Nhóm qua đào tạo nghề 7,961 0,011 709,73               – 7,939 7,983
Sự khác biệt -,275 0,012 -22,22             – -0,299 -0,251
Khác biệt do:
1. Endowments (đặc điểm biến) -0,07 0,015 -4,67             – -0,099 -0,04
2. Coefficients (từ hệ số) -,035 0,013 -2,75 0,006 -0,06 -0,01
3. Interaction (tương tác) -0,17 0,015 -11             – -0,2 -0,14

Nguồn: Tính toán từ Điều tra Mức sống hộ gia đình 2014

Kết quả trên cho thấy, lao động qua đào tạo nghề có tiền lương bình quân tháng cao hơn so với lao động chưa qua đào tạo nghề.

Theo kết quả khảo sát tại địa bàn 3 tỉnh là Hà Giang, Nam Định và Quảng Nam, thu nhập bình quân tháng của TNNT qua đào tạo nghề được ghi nhận như sau:

Theo kết quả khảo sát, mức thu nhập bình quân tháng của TNNT qua đào tạo nghề cao hơn so với TNNT không tham gia học nghề (bao gồm nhóm TNNT học CĐ/ĐH và không qua đào tạo) tương ứng là 5333 nghìn đồng/tháng/người so với 4520 nghìn đồng/tháng/người và 4226 nghìn đồng/tháng/người. Cuộc khảo sát ghi nhận một số trường hợp TNNT không tham gia học nghề (học CĐ/ĐH) quay về mở trang trại chăn nuôi và trồng trọt có mức thu nhập bình quân tháng khá cao. Bên cạnh đó, một số trường hợp TNNT không tham gia học nghề đi làm công nhân trong các doanh nghiệp FDI có thu nhập cao, điển hình là TNNT ở tỉnh Hà Giang đang làm việc tại Công ty Samsung Thái Nguyên.

Bảng 7: Thu nhập của TNNT phân theo đặc điểm lao động-việc làm (%)

 

 

 

TNNT học nghề

 

 

 TNNT không học nghề Bình quân

 

 

 Học CĐ/ĐH  Không qua đào tạo
Theo ngành kinh tế        
NLNTS 5,279 4,750 3,040 4,757
CN&XD 5,603   4,526 5,073
DV 3,625 4,367 5,500 4,308
Theo vị thế việc làm        
Chủ cơ sở (thuê lao động) 5,333     5,333
Tự làm (không thuê lao động) 6,000     6,000
Lao động gia đình không hưởng lương 2,820 4,750 2,267 2,939
Làm công hưởng lương 5,531 4,367 4,744 5,020
Theo khu vực kinh tế        
Hộ NLTS/cá nhân 5,153 4,750 2,267 4,566
Hộ SXKD cá thể 4,889   3,460 4,578
Tập thể 4,000     4,000
Tư nhân 6,300   4,926 5,437
Nhà nước   4,367 3,000 4,171
Vốn đầu tư nước ngoài     8,000 8,000
Tổng 5,333 4,520 4,226 4,876

Nguồn: Tính toán từ kết quả khảo sát

  1. Kết luận:

Qua quá trình phân tích thực trạng việc làm của TNNT qua đào tạo nghề ở Việt Nam năm 2015, bài viết có thể rút ra được một số điểm sau: Theo kết quả phân tích dữ liệu trên phạm vi quốc gia, TNNT qua đào tạo nghề sẽ có lợi thế trong tiếp cận việc làm bền vững và thu nhập cao hơn so với lao động chưa qua đào tạo nghề (được trả lương, ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và mức thu nhập). Kết quả ghi nhận tại 3 tỉnh khảo sát cũng cho thấy (i) TNNT học nghề kỹ thuật ở trình độ cao hơn sẽ có lợi thế về tiếp cận việc làm bền vững và thu nhập cao hơn so với TNNT chưa qua đào tạo nghề; (ii) Tâm lý TNNT thường lựa chọn nghề phi nông nghiệp và làm việc tại các thành phố, khu vực đô thị nơi có nhiều cơ hội cải thiện việc làm, thu nhập và thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, TNNT học nghề ngắn hạn chưa tạo ra sự khác biệt về việc làm, thu nhập so với TNNT chưa qua đào tạo nghề.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Becker, G.S. (1962), Investment in human capital: a theoretical analysis, Journal
    of political economy
    , Vol. 70, Issue 5, p. 9-49.
  2. Böheim, R.; et al. (2009), Employer-provided training in Austria: productivity, wages and wage inequality. Linz: Austrian Center for Labor Economics and the
    Analysis of the Welfare State, Working paper, No 0927.
  3. Hempell, T. (2003), Do computers call for training? Firm-level evidence on
    complementarities between ICT and human capital. Mannheim: Centre for
    European Economic Research, ZEW Discussion paper, p.03-20.
  4. Jones, P. (2001), Are educated workers really more productive? Journal of
    development economics
    , Vol. 64, Issue 1, p. 57-79.
  5. Mincer, J. (1962), On-the-job training: costs, returns and some implications,
    Journal of political economy, Vol. 70, No 5, p. 50-79.
  6. GSO (2015), Số liệu Điều tra Lao động-Việc làm năm 2015.
  7. GSO (2014), Số liệu Điều tra Mức sống hộ gia đình năm 2014.
  8. GSO (2005), Báo cáo Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam.

Ths. Phạm Ngọc Toàn, Ths. Lê Thị Lương

Trung tâm Thông tin Phân tích và Dự báo Chiến lược

Viện Khoa học Lao động và Xã hội

[1] Thành viên hộ gia đình là những người thực tế thường xuyên ăn ở tại hộ tính đến thời điểm điều tra đã được 6 tháng trở lên; trẻ em mới sinh trước thời điểm điều tra; những người mới chuyển đến sẽ ở ổn định tại hộ và những người tạm vắng, không phân biệt họ có hay không có hộ khẩu thường trú.