Quan điểm giới trong phân chia lao động gia đình ở việt nam

22/04/2016 00:00:00

Bài viết này trình bày quan điểm giới ở xã hội Việt Nam hiện đại thông qua việc nghiên cứu nhận thức và hành vi của phụ nữ và nam giới trong phân chia lao động hộ gia đình. Lấy thông tin nghiên cứu định tính từ 12 cuộc phỏng vấn sâu với 12 đối tượng nghiên cứu có đặc điểm nhân khẩu học đa dạng (6 nam và 6 nữ), nghiên cứu này đã chỉ ra rằng phân chia lao động hộ gia đình vẫn đang bị chi phối bởi quan niệm vai trò giới.

Mặc dù hiện nay phụ nữ Việt Nam có trình độ giáo dục cao, tham gia vào thị trường lao động nhiều hơn, đồng thời nam giới bắt đầu làm việc nhà và chăm sóc con nhưng phụ nữ vẫn đảm nhiệm phần lớn công việc nhà, thêm vào đó xã hội vẫn kỳ vọng cao phụ nữ đảm nhiệm tốt vai trò truyền thống là mẹ và vai trò hiện đại là người lao động. Sự tồn tại dai dẳng của tư tưởng Nho giáo trong xã hội Việt Nam là nguyên nhân gốc rễ duy trì và củng cố quan điểm vai trò giới trong xã hội.

Từ khóa: giới, lao động hộ gia đình, Nho giáo

Phân công lao động hộ gia đình là một trong những khía cạnh đã được nghiên cứu nhiều trong lĩnh vực giới, gia đình và hôn nhân ở Việt Nam và trên thế giới. Theo Lavee và Katz (2002)[1], có mối liên hệ chặt chẽ giữa các quan điểm giới và phân công lao động hộ gia đình. Hầu hết các quan điểm giới trên thế giới đều thuộc một trong hai trường phái: truyền thống hay tiến bộ[2]. Quan điểm giới truyền thống cho rằng vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình không bình đẳng như nhau. Nam giới thường giữ vai trò người gia quyết định và trụ cột gia đình trong khi phụ nữ giữ vai trò là người mẹ và nội trợ. Ngược lại, quan điểm giới tiến bộ lại ghi nhận vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình là ngang nhau. Vì vậy, việc nghiên cứu quan điểm và hành vi của phụ nữ và nam giới trong phân chia lao động hộ gia đình có thể giúp nhận diện quan điểm giới trong một xã hội nhất định[3][4].

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lâu đời của Nho giáo. Tư tưởng này áp đặt phụ nữ và nam giới ở hai vị trí đối ngược nhau, trong đó nam giới được ưu tiên và được coi là “phái mạnh”, có địa vị và quyền lực trong gia đình[5]. Vì vậy nam giới thường được giao những trọng trách quan trọng như kiếm tiền và đưa ra quyết định. Ngược lại, Nho giáo cho rằng phụ nữ là “phái yếu” và cần được “phái mạnh” bảo vệ. Vì vậy, họ nên chỉ đóng vai trò hỗ trợ chồng và chăm sóc con cái. Chính vì vậy mà từ trước đến nay, việc phân chia lao động trong hộ gia đình ở Việt Nam chủ yếu dựa trên quan điểm vai trò giới và quan điểm này chủ yếu được hình thành và duy trì bởi Nho giáo[6].

Tuy nhiên do tác động của toàn cầu hóa và phát triển kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, văn hóa tiêu dùng, tư tưởng bình quyền của phương tây, các phong trào thúc đẩy quyền và giải phóng phụ nữ cũng như các phong trào tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, Nho giáo có khả năng bị giảm tầm ảnh hưởng[7][8][9]. Vì vậy cần tiến hành nghiên cứu để xem xét liệucó bất kỳ sự thay đổi nào về quan niệm vai trò giới trong phân chia lao động gia đình ở Việt Nam đương đại hay không?

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết này được xây dựng dựa trên một nghiên cứu lớnhơn mang tên “quan điểm giới và hôn nhân ở Việt Nam hiện đại” – nghiên cứu tập trung vào việc tìm kiếm sự thay đổi và tiếp tục của quan điểm về giới và hôn nhân ởViệt Nam, với việc tìm hiểu tầm quan trọng của hôn nhân đối với cá nhân, gia đình và xã hội cũng như vấn đề ngoại tình ở Việt Nam trong năm 2015. Kết quả nghiên cứu này đã được sử dụng để viết luận văn thạc sỹ hoàn thành khóa học về Nghiên cứu Phát triển tại Đại học Melbourne. Quá trình thu thập số liệu của nghiên cứu chia làm 02 giai đoạn: (i) Theo dõi các câu chuyện kể thực được đăng trên Mục Hôn nhân và Gia đình của Webtretho  – một diễn đàn dành cho phụ nữ lớn nhất ở Việt Nam; (ii) thực hiện 12 phỏng vấn sâu đối với các thành viên của Webtretho – những người tham gia tích cực vào việc đăng và bình luận về các bài viết trên trang Web. Tuy nhiên, bài viết này chỉ lấy kết quả nghiên cứu từ 12 phỏng vấn sâu (6 nam/6 nữ). 12 người tham gia phỏng vấn này có đặc điểm nhân khẩu học đa dạng về lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn, dân tộc, .v.v. Các phỏng vấn sâu được thực hiện trong tháng 7 và 8/2015 thông qua các kênh mạng xã hội bao gồm Skype, Facebook, Yahoo Messenger, Gmail or Viber.

Phần phân tích dữ liệu được chia làm 03 phần chính, dựa theo các đặc điểm phân chia lao động trong hộ gia đình: (i) thu nhập; (ii) việc nhà; và (iii) chăm sóc con cái. Để giải thích cho sự thay đổi và tiếp tục của vai trò giới trong phân chia lao động hộ gia đình, bài viết cũng xem xét các yếu tố kinh tế, văn hóa và xã hội đã góp phần vào sự thay đổi hoặc tiếp tục đó.

Thu nhập và vai trò trụ cột gia đình

Các nghiên cứu trước đây về giới và gia đình ở Việt Nam, đặc biệt là của Houtrat và Lemercinier (1984)[10], Vũ (1991)[11], Phạm (1999)[12], và Teerawichitchainan và cộng sự (2010)[13] đã chỉ ra rằng nam giới ở Việt Nam tiếp tục giữ vai trò trụ cột truyền thống trong gia đình. Khi phỏng vấn, một câu hỏi đặt ra cho người trả lời phỏng vấn là yêu cầu họ mô tả mẫu người chồng/vợ lý tưởng của bản thân, hầu hết người trả lời phỏng vấn đều đưa ra câu trả lời giống nhau là họ kỳ vọng nam giới vẫn giữ vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình. Trong việc lựa chọn bạn đời, tiêu chí quan trọng nhất đối với phụ nữ chính là khả năng kiếm tiền của của nam giới.

“…Tôi nghĩ vai trò quan trong nhất của một người đàn ông trong gia đình chính là việc anh ta có kiếm được tiền hay không… câu nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” chính là chỉ phân công lao động trong gia đình…”

(Hòa, nam, 31 tuổi, Hưng Yên)

“…Tôi cần một người chồng có thể làm trụ cột gia đình. Trụ cột không chỉ là việc anh ấy có khả năng nuôi gia đình hay không mà hơn nữa anh ấy cũng cần mạnh mẽ, có đầu óc, cương quyết trong công việc và có khả năng lãnh đạo gia đình tốt…”

(Trang, nữ, 30 tuổi, Hà Nội)

Kỳ vọng nam giới là trụ cột gia đình ở Việt Nam chính là dựa trên các chuẩn mực về giới, được hình thành từ các quan niệm về văn hóa và xã hội chịu ảnh hưởng của Nho Giáo[14][15]. Tư tưởng Nho giáo ủng hộ quan niệm “nhị phân giới” hay quan niệm “âm – dương”, trong đó, nam giới được cho là “phái mạnh”, đại diện cho tính nóng (Yang – dương), với các đặc tính như ánh sáng, nhiệt, vị trí phía trên, chuyển động, hướng ngoại, nhiệt huyết và nam tính, ngư,ợc lại, phụ nữ được coi là “phái yếu” (Ying – âm), với các đặc tính như là bóng tối, lạnh, vị trí thấp hơn, nghỉ ngơi, hướng nội, kiềm chế và nữ tính[16]. Vì vậy, phụ nữ và nam giới không thể giống nhau trong quan hệ vợ chồng, phụ nữ phải kém hơn nam giới để duy trì sự ổn định và hòa hợp của gia đình[17][18].Về vai trò giới trong gia đình, Nho giáo, dựa trên quan niệm “Âm – Dương”, đã phân định cho nam giới và phụ nữ những vai trò khác nhau. Bởi vì nam giới là “phái mạnh” nên nam giới được giao những trọng trách quan trọng và có vị thế cao trong hộ gia đình như kiếm tiền và ra quyết định. Trong khi đó, phụ nữ là “phái yếu” nên họ chỉ nên giao các nhiệm vụ phụ với vị thế thấp hơn trong gia đình: là người phụ thuộc, người mẹ và người nội trợ.

Trong nghiên cứu này, tôi khám phá ra rằng mặc dù vai trò trụ cột của nam giới được Nho giáo ủng hộ và rất khó để thay đổi trong một sớm một chiều, nhưng điều đó không có nghĩa là quan điểm trụ cột của nam giới luôn được bảo toàn tuyệt đối. Thực tế cho thấy, phụ nữ Việt Nam đang ngày càng tham gia thị trường lao động nhiều hơn, làm các công việc trả lương và thậm chí họ kiếm được thu nhập cao hơn nam giới. Theo kết quả của Điều tra Lực lượng lao động và Việc Làm do Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2012, tỷ lệ phụ nữ Việt tham gia thị trường lao động là 48.6%, thấp hơn so với tỷ lệ nam giới (51.4%) chỉ có 2.8%. Kết quả phỏng vấn sâu của nghiên cứu này cho thấy hầu hết nam giới đã kết hôn tham gia trả lời phỏng vấn đều cho biết vợ của họ cũng đi làm, có công việc tốt và đóng góp vào thu nhập gia đình tương đương với họ, thậm chí còn cao hơn. Trong khi đó, tất cả phụ nữ được phỏng vấn đã lập gia đình cũng cho biết họ cũng có việc làm, có thu nhậpriêng, vai trò trụ cột trong kiếm thu nhập không còn đè nặng lên vai người chồng mà đang chia đều cho cả người vợ.

“… Trong gia đình tôi, cả hai vợ chng đều phi làm vic để có thu nhp cho gia đình… Như chị biết đấy, cuc sng ở thành phố thc sự tn kém, vì vậy gia đình tôi sẽ rất khó khăn nếu chỉ có chồng tôi làm việc mà tôi không làm gì… “

(Chi, nữ, 27 tuổi, Hà Nội)

Một số nam giới tham gia trả lời phỏng vấn thậm chí cho biết công việc của họ không tốt và ổn định như vợ của họ, điều đó ngụ ý rằng vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình họ không còn do nam giới nắm giữ.

“… Vợ tôi đang làm vic cho mt công ty tư nhân nưc ngoài. Lương ca cô ấy thm chí còn cao hơn tôi. Tôi là ging viên đi hc, thu nhp ca tôi khiêm tn hơn nên nguồn thu chính của gia đình là từ vợ tôi… “

(Thiết, nam, 32 tuổi, Hà Nội)

Điều thú vị là khi phỏng vấn hai nam giới chưa lập gia đình, cả hai đều cho biết họ mong muốn kết hôn với những người phụ nữ có trình độ giáo dục cao hơn và có thể kiếm tiền tốt hơn họ vì họ không có đủ năng lực và khả năng để kiếm được công việc ổn định và lương cao.

“…Bởi vì công việc hiện tại của tôi không ổn định và lương cũng không cao nên tôi mong muốn vợ tôi sau này phải có công việc tốt và thu nhậổn định để có thể nuôi sống gia đình…”

(Tài, nam, 28 tuổi, Hồ Chí Minh)

Trong những năm qua, các chính sách ưu đãi của Chính phủ thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào giáo dục và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường lao động đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ có trình độ giáo dục cao hơn, việc làm ổn định và thu nhập cao[19]. Do đó, nam giới Việt Nam không phải chỉ cạnh tranh với các nam giới khác trong thị trường lao động để có được các công việc tốt và thu nhập cao mà họ còn phải cạnh tranh thêm cả với phụ nữ trong thị trường đó. Điều này đồng nghĩa với việc họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thực hiện vai trò trụ cột kinh tế của mình. Theo Boserup và công sự (2007)[20], một khi vị thế kinh tế của phụ nữ trong gia đình được cải thiện, quyền lực và vị thế của họ trong gia đình sẽ được điều chỉnh lại. Kết quả là, phụ nữ sẽ được hưởng sự bình đẳng so với nam giới trong đời sống gia đình. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và giáo dục đại học dường như lại không giúp thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình. Ngược lại, phụ nữ đang bị gánh nặng nhiều hơn khi phải đảm nhiệm “3 vai” cùng một lúc: vai trò làm mẹ, nội trợ và người lao động. Trong khi đó, nam giới, mặc dù nhận thức được vai trò trụ cột của mình không còn được đảm bảo như trước, nhưng tư tưởng Nho giáo vẫn là công cụ để họ duy trì vai trò trụ cột, vị thế và quyền lực của họ trong gia đình.

Làm việc nhà

Khía cạnh thứ hai khi nghiên cứu về phân chia lao động hộ gia đình chính là việc xem xét phụ nữ và nam giới quan niệm thế nào về trách nhiệm của họ trong phân công làm việc nhà. Theo Greenstein (1996), nếu bạn muốn quan sát xem quan niệm về vai trò giới truyền thống đã thay đổi hay chưa thì chỉ cần so sánh số giờ mà phụ nữ và nam giới dành để làm việc nhà. Các nghiên cứu trước đây về phân công lao động theo giới tại Việt Nam như Knodel và cộng sự (2004) và Teerawichitchainan và cộng sự (2010) chỉ ra rằng nam giới Việt Nam mới chỉ tham gia khoảng 20% khối lượng công việc nhà. Số liệu trên chỉ ra rằng phụ nữ Việt Nam vẫn phải đảm nhiệm chính công việc nhà trong khi sự tham gia của nam giới là rất khiêm tốn.

Vì nghiên cứu này chỉ áp dụng phương pháp nghiên cứu định tính, do đó, không thể tính được số giờ bình quân mà một nam giới/phụ nữ dành để làm công việc nhà trong một ngày. Tuy nhiên khi phỏng vấn, một câu hỏi đã đặt ra là liệu họ (nam giới/phụ nữ) có ủng hộ mẫu người phụ nữ làm trụ cột kinh tế, dành ít thời gian chăm lo gia đình và con cái hay không thì đa số câu trả lời chung là “không”. Theo quan niệm của người tham gia phỏng vấn, vai trò chính của phụ nữ vẫn là chăm sóc gia đình, họ không nên dành quá nhiều thời gian cho sự nghiệp.

“… Trong gia đình, vợ tôi làm vic nhà là chủ yếu, ví dụ như nu ăn, dn dp, git giũ … Tôi không phn đi vic vợ i có ng vic ca riêng mình; Tuy nhiên, công vic đó không nên quá vất và và chiếm nhiều thời gian, cô ấy vẫn cần phải chăm sóc gia đình nhỏ của chúng tôi… “

(Hòa, nam, 31 tuổi, tỉnh Hưng Yên)

Mặc dù nam giới Việt đã nhận thức được rằng phụ nữ ngày càng bận rộn hơn và khó khăn hơn trong việc chăm sóc gia đình và hoàn thành tốt công việc trả lương của họ cùng một lúc, tuy nhiên họ vẫn không ủng hộ việc phụ nữ dành phần lớn thời gian cho công việc và để việc chăm sóc gia đình hoàn toàn vào tay người giúp việc. Họ cho rằng dù phụ nữ thành công đến đâu đi nữa thì họ cũng không thể bỏ bê gia đình nếu họ muốn có một gia đình hạnh phúc và bình yên. Theo Schuler (2006)[21], xã hội Việt Nam đang hình thành một quan niệm “vai trò giới” mới thông qua việc duy trì tư tưởng Nho giáo trong bối cảnh kinh tế – xã hội mới. Schuler (2006) đã chỉ trích rằng Chính phủ Việt Nam đã và đang gián tiếp tạo ra bất bình đẳng giới sâu hơn trong gia đình khi tiếp tục truyền thông xây dựng mẫu hình phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, tức là phải đảm nhiệm tốt 3 vai trò: làm mẹ, làm vợ và làm người lao động gương mẫu, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Thú vị hơn là mẫu hình phụ nữ này lại do chính Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của phụ nữ Việt Nam tuyên truyền và vận động. Phong trào “phụ nữ ba sẵn sàng, ba đảm đang” hay “giỏi việc nước, đảm việc nhà”đã và đang tạo nên những định kiến giới sâu hơn, tạo ra gánh nặng nhiều hơn đối với phụ nữ, khiến cho chuẩn mực để trở thành một người phụ nữ hiện đại cao khó có thể đáp ứng. Ngược lại vai trò của nam giới trong các chiến dịch về gìn giữ và phát triển gia đình cũng như bình đẳng giới ở Việt Nam lại rất mờ nhạt.

Chăm sóc con cái

Theo Teerawichitchainan và cộng sự (2010), khi theo dõi sự thay đổi về quan niệm vai trò giới ở Việt Nam, cần quan sát xem liệu phụ nữ và nam giới tham gia vào việc nuôi dạy và chăm sóc con cái. Trong nghiên cứu của mình, Teerawichitchainan (2010) đã chỉ ra rằng, nam giới Việt Nam tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc và nuôi dạy con cái so với làm việc nhà. Tuy nhiên, mức độ tham gia của họ ở các độ tuổi và cấp học của con là khác nhau. Ví dụ ở độ tuổi tiền đi học, các cha mẹ thường ưu tiên quan tâm chăm sóc việc phát triển thể chất và tính cách của con, vì vậy mà ở giai đoạn này họ cho rằng phụ nữ nên đóng vai trò chính và quan trọng. Vì phụ nữ Việt Nam được coi là người gìn giữ phúc đức cho gia đình[22] nên họ là người thích hợp để đào tạo nhân cách cho con khi con còn nhỏ.  Ngoài ra, bởi vì xã hội luôn quan niệm phụ nữ nên là người nội trợ chính và chăm sóc gia đình nên họ khéo léo hơn nam giới trong việc nấu ăn và chăm sóc sự phát triển thể chất cho con cái. Nhưng khi bước vào giai đoạn đi học, Teerawichitchainan (2010) lại chỉ ra rằng nam giới tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc sự phát triển tri thức cho con cái so với phụ nữ. Bởi vì Nho giáo luôn qua niệm nam giới có trí tuệ hơn phụ nữ[23], nên nam giới là lựa chọn thích hợp trong việc kèm cặp con cái học hành để đạt được kết quả học tập cao hơn.

Tuy nhiên kết quả phỏng vấn trong nghiên cứu nay lại không giống với kết luận mà Teerawichitchainan đưa ra ở trên. Cả phụ nữ và nam giới tham gia trả lời phỏng vấn cho biết trong gia đình họ cả vợ và chồng đều có vai trò tích cực trong việc chăm sóc con cái ở cả giai đoạn tiền đi học và đi học. Anh Thiết, cha của cô con gái 3 tuổi sống tại Hà Nội chia sẻ rằng anh và vợ của anh có vai trò như nhau trong việc chăm sóc con gái. Nếu vợ anh cho con ăn thì anh sẽ cho con đi tắm, nếu vợ anh chơi với con thì anh sẽ kể truyện hoặc cho con đi ngủ. Trong giai đoạn đi học, mặc dù nam giới có tham gia nhiều hơn vào việc kèm con học tại nhà, tuy nhiên phụ nữ vẫn đóng vai trò tích cực trong việc rèn luyện và giám sát sự phát triển cả về thể chất, tính cách và tri thức của con. Vì con cái được coi là nguồn đầu tư “kinh tế” của cha mẹ khi họ về già[24] và duy trì hương hỏa cho gia đình bên nội[25] nên cha mẹ ở Việt Nam thường nỗ lực hết mình để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của con mình. Trong thực tế, việc giáo dục và nuôi dạy trẻ, vai trò giới của cha và mẹ là quan trọng như nhau. Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, vẫn tồn tại định kiến về vai trò của cha mẹ trong việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ, mà ở đó, các vai trò không tương trợ nhau, vô hình tạo nên sự không bình đẳng giữa vợ chồng.

Kết luận và khuyến nghị

Tóm lại, kết quả nghiên cứu trên chỉ ra rằng mặc dù có những thay đổi đáng kể về vai trò trụ cột gia đình của nam giới cũng như sự tham gia tích cực hơn của họ vào việc chăm sóc con cái, quan niệm vai trò giới vẫn tồn tại khá dai dẳng trong xã hội Việt Nam. Nghiên cứu đã chỉ ra hai kết quả nghiên cứu mới so với các kết quả nghiên cứu trước đây. Thứ nhất việc phụ nữ tăng quyền về kinh tế và có trình độ giáo dục cao lại không giúp họ có được vị thế cao hơn trong gia đình và giảm bớt khối lượng công việc nhà, trái lại họ bị áp lực và bất bình đẳng hơn khi phải đảm nhiệm ba vai trò cùng một lúc: vai trò làm mẹ, làm vợ và người lao động. Kết quả này trái ngược hoàn toàn với kết luận mà Dorious và Alwin (2010)[26] và Boserup và cộng sự (2007)[27] đưa ra rằng khi phụ nữ được tăng quyền năng kinh tế và có trình độ giáo dục cao hơn thì họ sẽ đạt được vị thế ngang bằng hơn so với nam giới trong gia đình. Phát hiện mới thứ hai là nam giới Việt Nam đang tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc con cái, bao gồm cả việc chi trả học phí khi đi học. Kết quả này trái ngược hoàn toàn với kết luận mà Teerawichitchainan và cộng sự (2010) đưa rằng nam giới chỉ tham gia nhiều vào việc kèm con cái học, còn giai đoạn tiền đi học thì họ ít tham gia vào. Từ các phân tích của các kết quả phỏng vấn sâu, có thể kết luận rằng, sự thay đổi trong phân chia lao động gia đình không góp phần nhiều vào việc thay đổi quan niệm vai trò giới trong xã hội Việt Nam đương đại. Từ kết quả nghiên cứu, tôi đề xuất một số khuyến nghị sau: (i) cần tăng cường tuyên truyền về bình đẳng giới trong gia đình và xã hội để giảm bớt tầm ảnh hưởng của Nho
giáo trong phân chia lao động hộ gia đình; (ii) cần có các dự án/mô hình điểm về mẫu hình người đàn ông hiện đại tham gia làm việc nhà và chăm sóc con cái để thay đổi quan điểm vai trò giới trong gia đình Việt Nam; (iii) cần thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc con cái và làm việc nhà để giảm gánh nặng, giúp phụ nữ có cơ hội phát triển tốt trong cả gia đình và xã hội./.

2016, Ths. Nguyễn Thị Hiển

[1] Lavee, Y. and Katz, R. (2002) ‘Division of Labour, Perceived Fairness, and Marital Quality: The Effect of Gender Ideology’, Journal of Marriage and the Family, 64(1), 27-39.

[2] Kroska, A. and Elman, C. (2006) ‘Gender Ideology Discrepancies: Exploring A Control Model of Gender Ideology Change’, in Annual Meeting of The American Sociological Association, Montreal Convention Centre, Montreal Quebec, Canada, 26

[3] Greenstein, T. N. (1996) ‘Gender Ideology and Perceptions of the Fairness of the Division of Household Labour: Effects on Marital Quality’, Social Forces, 74(3), 1029-1042

[4] Chesters, J., Baxter, J. and Western, M. (2009) ‘Paid and Unpaid Work in Australian Households: Trends in the Gender Division of Labour, 1986- 2005′, Australian Journal of Labour Economics, 12(1), 89-107

[5] Nguyen, T. H. (2013) ‘The Vietnamese Concept of a Feminine Ideal and the Images of Australian in Olga Masters’ Stories’, Gender Forum: An Internet Journal for Gender Studies, 1(45), 1-10

[6] Vu, M. L. (1991) ‘The Gender Division of Labour in Rural Families in The Red River Delta’ in Liljestrom, R. and Tuong, L., eds., Sociological Studies on the Vietnamese Family, Hanoi: Social Science Publishing House, 149-163

[7] Long, L., Le, N. H., Truitt, A., Le, T. P. M. and Dang, N. A. (2000) Changing Gender Relations in Vietnam’s Post Doi Moi Era, 14, Hanoi: The World Bank

[8] Gammeltoft, T. (2002) ‘Being Special for Somebody: Urban Sexualities in Contemporary Vietnam’, Journal of Social Science, 30(2), 476-492

[9] Knodel, J., Vu, M. L., Jayakody, R. and Vu, T. H. (2004) Gender Roles in the Family: Change and Stability in Vietnam, The USA: University of Michigan

[10] Houtrat, F. and Lemercinier, G. (1984) Hai Van: Life in a Vietnamese Commune, London: Zed Books

[11] Xem chú thích Footnote số 7

[12] Pham, V. B. (1999) The Vietnamese Family in Change: The Case of the Red River Delta, Richmond: Curzon

[13] Teerawichitchainan, B., Knodel, J., Vu, M. L. and Vu, T. H. (2010) ‘Division of Household Labour in Vietnam: Cohort Trends and Regional Variations’, Joural of Comparative Family Studies, 41(1), 57-85

[14] Xem chú thích số 7

[15] Xem chú thích số 8

[16] Louie, K. (2002) Theorising Chinese Masculinity: Society and Gender in China, London: Cambridge University Press

[17] Jamieson, N. L. (1993) Understanding Vietnam, Berkeley, US: University of California Press

[18] Vu, S. H. (2008) ‘The harmony of family and the silence of women: sexual attitudes and practices among rural married women in northern Viet Nam’, Journal of Culture, Health & Sexuality, 10(1), 163-176

[19] WB (2011) Vietnam – Country Gender Assessment, Washington D.C: World Bank

[20] Boserup, E., Kanji, N. and Tan, S. F. (2007) Women’s Role in Economic Development, London: Earthscan

[21] Schuler, S. R., Hoang, T. A., Vu, S. H., Tran, H. M., Bui, T. T. M. and Pham, V. T. (2006) ‘Constructions of Gender in Vietnam: In Pursuit of the ‘Three Criteria”, Culture, Health and Sexuality, 8(5), 383-394

[22] Xem chú thích số 6

[23] Xem chú thích số 17

[24] Gallup, J. L. (1995) The Economic Value of Children in Vietnam, Hanoi, Vietnam: Institute of Economics and Society

[25] Guilmoto, C. Z., Hoang, X. and Ngo, V. T. (2009) ‘Recent Increase in Sex Ratio at Birth in Vietnam’, PLoS One, 4(2), 1-7

[26] Dorious, S. F. and Alwin, D. F. (2010) The Global Development of Egalitarian Beliefs – A Decomposition of Trends in the Nature and Structure of Gender Ideology, New York: Population Studies Centre, University of Michigan, Institute of Social Research

[27] Xem chú thích số 21