Quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

10/07/2015 00:00:00

Hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi người có công, trợ giúp đối tượng BTXH và phòng chống TNXH ngày càng được bổ sung hoàn thiện

 

Mục tiêu

  • Phát triển mạng lưới cơ sở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 hiện đại, tiên tiến, tạo điều kiện chăm lo tốt hơn đời sống người có công với cách mạng, nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội và tăng cường phòng chống tệ nạn xã hội phù hợp với điều kiện và nguồn lực của TP. Hà Nội thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030
  • Xây dựng phương án quy hoạch phát triển cơ sở xã hội phù hợp với chủ trương, chính sách và mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và TP. Hà Nội giai đoạn 2ß11-2030

Những phát hiện chính

Một số thành tựu/thuận lợi

  • Hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi người có công, trợ giúp đối tượng BTXH và phòng chống TNXH ngày càng được bổ sung hoàn thiện theo xu hướng mở rộng diện đối tượng hưởng lợi và tăng cường các chế độ chính sách trợ giúp đã phần nào cải thiện đời sống của người có công và các nhóm đối tượng xã hội, tạo cơ hội cho họ hòa nhập với cuộc sống xã hội.
  • Mạng lưới cơ sở xã hội hiện tại đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của cơ sở, chú trọng đến việc chăm lo cuộc sống của người có công, trợ giúp đối tượng BTXH và quản lý chữa trị, giáo dục nhóm đối tượng TNXH theo đúng các quy định pháp luật của Nhà nước nói chung và của TP. Hà Nội nói riêng.
  • Quy mô diện tích của các cơ sở xã hội công lập lớn, tạo môi trường sinh hoạt đảm bảo không gian thoáng, phù hợp với nhu cầu chăm sóc, phục hồi chức năng và lao động trị liệu toàn diện của người có công và các nhóm đối tượng BTXH và TNXH tại cơ sở.
  • Hầu hết các cơ sở xã hội đều được trang bị các thiết bị chăm sóc đặc thù (chuyên dùng) dành cho từng nhóm đối tượng, có các khu vui chơi, giải trí, khu học tập, chăm sóc sức khỏe hoặc khu vực dành cho các hoạt động tăng gia sản xuất,… đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt của các đối tượng.
  • Xu hướng xã hội hóa chăm sóc người có công và trợ giúp đối tượng xã hội ngày càng phát triển đã tạo thêm nguồn lực (kinh phí và nhân lực) chăm sóc và trợ giúp tốt hơn cho người có công và các nhóm đối tượng xã hội.
  • Hà Nội đã rất chú trọng đầu tư cho phát triển xã hội, tăng cường cải thiện chất lượng cuộc sống người có công và hỗ trợ các nhóm đối tượng xã hội (BTXH và TNXH) ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Năm 2011, tổng đầu tư ngân sách TP. Hà Nội cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc người có công và các nhóm đối tượng BTXH, TNXH tại các cơ sở công lập đạt 162 tỷ đồng, chiếm 0,35% tổng chi ngân sách của TP. Hà Nội.

Một số khó khăn, hạn chế

  • Số lượng đối tượng cần trợ giúp ngày càng tăng trong khi nguồn ngân sách đầu tư còn hạn chế khiến cho công tác quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng người có công và đối tượng xã hội tại cơ sở chưa đạt hiệu quả cao.
  • Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của hầu hết các cơ sở xã hội đã xuống cấp, hư hỏng, lạc hậu và thiếu đồng bộ cũng phần nào hạn chế chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc người có công, trợ giúp nhóm đối tượng BTXH và quản lý, chữa trị nhóm đối tượng TNXH tại cơ sở.

Tình trạng quá tải trong công việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhất là đối với những người chịu trách nhiệm chăm sóc trực tiếp cho đối tượng là phổ biến ở hầu hết các cơ sở xã hội khiến cho chất lượng cuộc sống của người có công và các nhóm đối tượng BTXH và TNXH còn kém, đồng thời cũng khiến cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chưa thực sự chuyên tâm trong công việc, đồng thời khó thu hút lao động có trình độ và kinh nghiệm.

Giải pháp khuyến nghị

Đối với cơ sở chăm sóc người có công

  • Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung diện đối tượng người có công được nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình phục hồi chức năng, đáp ứng yêu cầu điều trị, phục hồi sức khỏe của người có công. Tăng cường chế độ điều dưỡng người có công và thân nhân.
  • Tăng cường tiếp nhận nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở cho người có công và thân nhân có nhu cầu được nuôi dưỡng tập trung và điều dưỡng tại cơ sở theo hình thức tự nguyện, có đóng góp kinh phí.
  • Tăng cường chất lượng môi trường và điều kiện sinh hoạt của người có công tại cơ sở xã hội. Điều chỉnh tên gọi và chức năng của cơ sở phù hợp với yêu cầu thực tế.

Đối với cơ sở bảo trợ xã hội

  • Nâng cao đời sống của nhóm đối tượng BTXH và vai trò của các cơ sở trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng BTXH.
  • Điều chỉnh điều kiện tiếp nhận nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở. Xã hội hóa công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng BTXH tại cơ sở theo hướng tăng đối tượng có nhu cầu được nuôi dưỡng theo hình thức tự nguyện.
  • Tăng cường chất lượng môi trường và điều kiện sinh hoạt của đối tượng tại cơ sở XH. Bố trí các cơ sở mới ngoài phạm vi trung tâm hành chính và công nghiệp, dịch vụ, gần với cộng đồng khu dân cư, khu vực hành làng xanh nhằm tăng cường cơ hội tham gia các hoạt động cộng đồng của đối tượng, đảm bảo về môi trường và điều kiện không gian thông thoáng, tiện lợi cho sinh hoạt của đối tượng.

Đối với cơ sở quản lý đối tượng tệ nạn xã hội

  • Chuyển dần chức năng của các cơ sở xã hội sang chỉ thực hiện chữa trị cai nghiện phục hồi đối với nhóm đối tượng nghiện ma túy.
  • Đổi mới phương thức quản lý đối tượng. Chuyển dần từ quản lý, điều trị tập trung bắt buộc sang chữa trị phục hồi theo hình thức tự nguyện.
  • Tăng cường chất lượng môi trường và điều kiện sinh hoạt, điều trị phục hồi của đối tượng tại cơ sở.

Tăng cường chất lượng các dịch vụ cung cấp của mạng lưới cơ sở xã hội. Phát triển các dịch vụ tư vấn tại cơ sở và cộng đồng.

2011-2013, TS Nguyễn Thị Lan Hương và nhóm nghiên cứu

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội