Tác động của bất bình đẳng giới trong giáo dục và việc làm đến tăng trưởng kinh tế

16/07/2015 00:00:00

Có nhiều lí do để lo ngại bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại liên quan đến chất lượng cuộc sống như trong giáo dục, y tế, việc làm và trả công lao động

Tóm tắt: Có nhiều lí do để lo ngại bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại liên quan đến chất lượng cuộc sống như trong giáo dục, y tế, việc làm và trả công lao động. Trên quan điểm về phúc lợi và sự bình đẳng, bất bình đẳng giới trở thành vấn đề nan giải, làm suy giảm lợi ích và là một dạng bất công trong xã hội. Trong khi đó vẫn có cái nhìn lạc quan về vấn đề này ở một số nghiên cứu gần đây về ảnh hưởng tích cực của bất bình đẳng giới đến các vấn đề khác nhau, đặc biệt tập trung cụ thể vào tăng trưởng kinh tế. Bài viết này sử dụng hồi quy dữ liệu mảng để xem xét mức độ ảnh hưởng của khoảng cách giới trong việc làm và giáo dục đến tăng trưởng. Kết quả cho thấy bất bình đẳng giới có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn
  1. Giới thiệu

Trong những năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá và tương đối ổn định. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân hàng năm trong thời kỳ 2000-2012 đạt 7,1% và mặc dù có xu hướng giảm đi vào năm 2009 do khủng hoảng tài chính thế giới những vẫn còn ở mức gần 6%. Việt Nam đang chuyển dần vị trí từ nhóm nước nghèo nhất sang nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.

Thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã coi Bình đẳng giới vừa là mục tiêu vừa là cơ sở thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng xã hội ổn định và đồng thuận, phát triển bền vững đất nước. Việt Nam đã quy định sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong hệ thống Luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước từ nhiều năm nay. Đặc biệt, sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã đánh dấu một bước tiến mới, là căn cứ pháp lý quan trọng trong sự nghiệp thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam trên mọi phương diện và lĩnh vực.Trong những năm qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Vị trí xếp hạng của chỉ số phát triển giới (GDI) tăng trong vòng 15 năm qua, từ mức trung bình thấp năm 1995 (đạt giá trị 0,537, đứng vị trí thứ 72/130 nước) lên mức trung bình cao năm 2009 (đạt giá trị 0,723, đứng vị trí 94/155 nước được xếp hạng); hiện nay chỉ số quyền năng giới (GEM) của Việt Nam đạt 0,554, đứng ở vị trí thứ 62/109 nước, thuộc nhóm nước có sự phát triển trung bình về giới. Tuy nhiên, khoảng cách giới vẫn còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực quan trọng như: chính trị, kinh tế, lao động và việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, gia đình.

Trong một thập kỷ qua, Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc phát triển thị trường lao động, mở rộng cơ hội việc làm cho phụ nữ và nam giới. Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế – lao động dần được thu hẹp, phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Trên toàn quốc, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động đạt 78,2% so với nam giới là 86%.Lao động nữ đóng vai trò quan trọng trong các ngành chế biến, xuất khẩu. Tỷ lệ lao động nữ cao hơn rõ rệt so với nam ở ngành dệt, may (trên 70%), ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (53,7%). Nữ chủ doanh nghiệp tăng nhanh. Tuy nhiên, lao động nữ chiếm số đông trong những ngành nghề có vị thế thấp, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, có thu nhập thấp, điều kiện lao động nghèo nàn, thời gian lao động kéo dài và việc làm bấp bênh, độ rủi ro cao.

Trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo và khoa học công nghệ: khoảng cách giới được thu hẹp đáng kể ở từng cấp học, bậc học. Tuy nhiên, khoảng cách giới về giáo dục-đào tạo vẫn còn đáng kể tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn: Phụ nữ và trẻ em gái thuộc gia đình nghèo gặp nhiều khó khăn và trở ngại hơn so với các em trai và nam giới trong việc tiếp cận với học tập; phụ nữ và trẻ em gái vẫn chiếm số đông trong số người ở độ tuổi 15 trở lên cho đến 40 trong dân số không biết đọc, biết viết. Trình độ học vấn của phụ nữ so với nam giới ở bậc sau đại học có sự chênh lệch lớn.

  1. Cơ sở lý luận và thực tiễn

Trước hết về bất bình đẳng giới trong giáo dục:

Nghiên cứu của Dollar và Gatti [1999] chỉ ra rằng bất bình đẳng giới làm giảm chất lượng trung bình của nguồn nhân lực trong xã hội và có tác động xấu tới phát triển kinh tế. Sở dĩ như vậy là vì nó làm hạn chế nguồn chất xám cho giáo dục, khiến nữ giới không được học hành đầy đủ.

Tăng cường giáo dục nữ giới là cách thức làm giảm mức sinh đẻ, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ, và tăng cường mức giáo dục cho thế hệ tiếp theo. Do đó có tác động tích cực đối với phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Gia tăng khoảng cách giới trong giáo dục làm giảm các lợi ích xã hội của nữ giới có trình độ cao (Galor và Weil [1996]; LagerlöfF [2003], Ngân hàng Thế giới [2001], và King, Klasen, và Porter [2008]).

Liên quan đến cạnh tranh quốc tế, nhiều nước Đông Á có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới thông qua việc sử dụng lao động nữ trong các ngành sản xuất theo hướng xuất khẩu (Stephanie Seguino [2000a, 2000b]). Đối với các ngành xuất khẩu mang tính cạnh tranh như vậy, để hội nhập và phát triển thì nữ giới cần được giáo dục để không bị hạn chế trong lao động sản xuất. Bất bình đẳng giới trong giáo dục và việc làm sẽ làm giảm năng lực của các nước trong việc tận dụng nguồn nhân lực trong các ngánh sản xuất (Ngân hàng Thế giới 2001; Busse và Spielmann 2006).

Trên cơ sở bằng chứng thực nghiệm, có nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng cách giới trong giáo dục làm giảm tăng trưởng kinh tế. Elizabeth M. King và M. Anne Hill (1993) cũng như Knowles, Lorgelly, và Owen (2002) sử dụng mô hình tăng trưởng Solow và đưa ra kết luận khoảng cách giới trong giáo dục có tác động tiêu cực lớn và đáng kể về mặt thống kê đối với mức tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dollar và Gatti (1999), Forbes (2000), Yamarik và Ghosh (2003), Elizabeth N. Appiah và Walter W. McMahon (2002), và Klasen (2002) tìm hiểu tác động của khoảng cách giới đối với tăng trưởng kinh tế, và tất cả nhận thấy khoảng cách giới trong giáo dục có tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế về sau. Họ cũng tìm ra các kết quả nghiên cứu trước đây của Barro và Lee (1994) cho rằng nền tảng giáo dục của phụ nữ có thể ảnh hưởng không tốt đến sự tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, về khoảng cách giới trong việc làm

Các nghiên cứu cho rằng nó có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế thông qua các hiệu ứng nhân khẩu học. Mô hình của Cavalcanti và Tavares (2007) cho thấy sự bất bình đẳng giới trong việc làm sẽ được liên kết với mức sinh cao hơn, do đó làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Liên quan đến tầm quan trọng của việc làm và thu nhập với khả năng thương lượng của phụ nữ trong gia đình, có nhiều nghiên cứu chỉ ra việc làm và thu nhập của nữ giới làm tăng khả năng thương lượng của họ trong gia đình (Amartya Sen [1990]; Lawrence James Haddad, John Hoddinott, và Harold Alderman [1997]; Duncan Thomas [1997]; Ngân hàng thế giới [2001]; Stephan Klasen và Claudia Wink [2003], King, Klasen và Porter [2008]). Khả năng thương lượng lớn hơn không chỉ có lợi cho phụ nữ mà còn có thể có một loạt các tác dụng thúc đẩy tăng trưởng bao gồm tiết kiệm cao hơn, vì phụ nữ và nam giới khác nhau trong hành vi tiết kiệm (Stephanie Seguino và Maria Sagrario Floro [2003]), các khoản đầu tư hiệu quả hơn (Janet Stotsky [2006]), đầu tư cao hơn trong y tế và giáo dục cho con cái của họ, do đó làm tăng vốn nhân lực của thế hệ tiếp theo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Thomas [1997] và Ngân hàng Thế giới [2001]).

Liên quan đến quản trị, xét trung bình thì lao động nữ dường như ít bị cuốn vào tham nhũng và có tư tưởng gia đình trị hơn lao động nam (Ngân hàng Thế giới 2001; Anand Swamy, Omar Azfar, Stephen Knack và Young Lee 2001). Nếu những phát hiện này được chứng minh là thực thì nữ giới giữ chức vụ cao hơn nam giới có thể có lợi cho hoạt động kinh tế.

Có một số nghiên cứu xem xét tác động của phân biệt đối xử về giớitrong thu nhập người lao động tlên hiệu quả kinh tế. Ở đây các nghiên cứu khá mâu thuẫn. Một mặt, nghiên cứu của Galor và Weil (1996), Cavalcanti và Tavares (2007) cho thấy khoảng cách thu nhập lớn sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế. Khoảng cách đó khiến lượng lao động nữ giảm xuống, khả năng sinh sản tăng lên, và tăng trưởng kinh tế thấp hơn thông qua sự tham gia vào thị trường lao động và tác động nhân khẩu học. Ngược lại, Blecker và Seguino (2002) nhấn mạnh một cơ chế khác, dẫn đến kết quả tương phản. Họ cho rằng khoảng cách thu nhập theo giới tính làm tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế công nghiệp theo hướng xuất khẩu và do đó tăng hiệu suất tăng trưởng của các nước này. Sự khác biệt quan trọng nhất trong nghiên cứu này, trái ngược với các mô hình xem xét ở trên là nó tập trung nhiều hơn vào những tác động tăng trưởng ngắn hạn trong khi các mô hình khác là các mô hình tăng trưởng dài hạn, tăng trưởng được điều khiển bởi những ràng buộc về nguồn cung. Rõ ràng, cả hai tác động có thể có liên quan, tùy thuộc vào phạm vi thời gian xem xét.

Rất khó để tách biệt về mặt lý thuyết hiệu ứng giữa khoảng cách giới trong giáo dục, việc làm và tiền lương. Thực tế, trong hầu hết các mô hình được xem xét ở trên, khoảng cách giới ở một khía cạnh này có khuynh hướng dẫn tới khoảng cách giới ở những khía cạnh khác theo lý thuyết nhân quả. Khoảng cách giới trong giáo dục có thể tự động dẫn đến khoảng cách về giới trong việc làm, đặc biệt trong khu vực chính thức, nhà tuyển dụng ưa thích lao động được đào tạo hơn và do đó sẽ không xem xét đơn xin việc của nữ giới không được đào tạo. Ngược lại, nếu có những rào cản lớn hơn đối với công việc của nữ giới hoặc khoảng cách giới trong thu nhập, những bậc phụ huynh có thể quyết định rằng giáo dục đối với trẻ em gái không sinh lợi, do đó có thể dẫn tới việc giảm nhu cầu đối với giáo dục cho nữ giới và dẫn tới khoảng cách giới trong giáo dục.

Khoảng cách giới trong giáo dục và việc làm không được đánh giá cùng một lúc, vì vậy việc tìm hiểu chúng một cách riêng rẽ là rất quan trọng. Chẳng hạn, một người có thể nghĩ rằng chính sách giáo dục cố gắng đạt được nền giáo dục toàn diện sẽ làm giảm khoảng cách giới, trong khi nó vẫn tiếp tục có những rào cản đáng kể đối với việc làm cho phụ nữ trong thị trường lao động. Hơn nữa, những ảnh hưởng ngoại lai về nền tảng giáo dục và công việc của nữ giới là không giống nhau. Chẳng hạn, nữ giới được giáo dục có thể dẫn tới mức sinh sản thấp hơn và tỷ lệ tử vong ở trẻ em thấp hơn đối với đời sau, trong khi có thể có những tác động ngược lại, ví dụ sự vắng mặt của phụ nữ ở nhà có thể có ảnh hưởng không tốt đối với chất lượng chăm sóc trẻ nhỏ.

Một vài nghiên cứu về tác động của khoảng cách giới trong việc làm và thu nhập của lao động đối với tăng trưởng kinh tế, chủ yếu dựa trên số liệu và sử dụng kinh tế lượng. Klasen (1999) chỉ ra rằng sự gia tăng lực lượng lao động nữ trong khu vực chính thức gắn liền với mức tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên những kết quả này cần được xem xét thận trọng vì chúng có thể chịu những ảnh hưởng trái ngược. Cụ thể, có thể mức tăng trưởng cao thu hút nữ giới tham gia vào lực lượng lao động (thay vì tăng sự tham gia của nữ giới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế).

Ở cấp trực thuộc quốc gia, Esteve-Volart (2004) thấy rằng những ảnh hưởng tiêu cực có ý nghĩa thống kê của khoảng cách giới trong việc làm đối với tăng trưởng kinh tế của các bang của Ấn Độ sử dụng dữ liệu mảng và kiểm soát tính nội sinh bằng việc sử dụng các biến phúc lợi.

Có một số bài báo của Seguino (2000a, 2000b) ủng hộ sự kết hợp khoảng cách giới ở mức thấp trong giáo dục và việc làm với khoảng cách giới ở mức cao trong trả lương (gây ra thu nhập thấp của nữ giới) là một yếu tố thuộc tính đối với kinh nghiệm tăng trưởng của những nước có thu nhập trung bình định hướng xuất khẩu. Một bài báo của Busse và Spielmann (2006) ủng hộ quan điểm thực nghiệm này. Bài báo đã đưa ra một ví dụ của 23 nước đang phát triển về sự kết hợp giữa khoảng cách giới thấp về giáo dục, việc làm và khoảng cách giới lớn về trả lương giúp tăng cường xuất khẩu. Tuy nhiên tất cả đều không có dữ liệu toàn diện, chuẩn hóa và có thể so sánh về khoảng cách giới trong trả lương ở nhiều quốc gia, vì thế những phân tích này phải dựa trên những ví dụ tương đối nhỏ và ít cụ thể của các nước.

Tóm lại cả lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra tăng khoảng cách giới trong giáo dục và việc làm có thể làm giảm hiệu quả kinh tế.

  1. Nguồn số liệu và ước lượng thực nghiệm

3.1. Số liệu sử dụng

Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu cấp Tỉnh, với các biến dưới đây. Số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hay đầu tư xã hội (Inv) được thu thập từ Tổng cục Thống kê. Chỉ số phát triển giới (GDI) được thu thập từ UNDP. Nghiên cứu sử dụng một số biến đại diện (proxy) thể hiện khoảng cách giới trong giáo dục và việc làm như tỷ số giữa số việc làm của nữ so với nam; tỷ số giữa số năm đi học của nữ so với nam, số liệu này được tính toán từ số liệu điều tra mức sống hộ gia đình (VHLSS). Bên cạnh đó nghiên cứu sử dụng tỷ lệ giá trị xuất nhập khẩu trong tổng giá trị gia tăng cấp Tỉnh để đo ảnh hưởng của độ mở cửa đến biến phụ thuộc trong mô hình.

Để đảm bảo tương đồng về năm giữa các quan sát, nghiên cứu sử dụng số liệu cấp Tỉnh cho các năm 2006, 2008 và 2010.

TT Tên biến Giải thích biến Nguồn
 1  GDP  Tổng sản phẩm quốc nội  TCTK
 2  Inv  Đầu tư xã hội  TCTK
 3  GDI  Chỉ số phát triển giới[1]  UNDP
 4  Edugap  Tỷ số giữa số năm đi học của nữ so với nam  VHLSS, TCTK
 5  Refm  Tỷ số giữa số việc làm của nữ so với nam  VHLSS, TCTK
 6  Trade  Độ mở cửa: Tỷ lệ giá trị XNK trong tổng giá trị gia tăng  Tổng điều tra Doanh nghiệp, TCTK
 7 LF Lực lương lao động  TCTK

Đồ thị 1cho thấy, quan hệ giữa tăng trưởng (LnGDP) và khoảng cách giáo dục theo giới (edugap) chưa rõ ràng hay không thể kết luận việc thu hẹp khoảng cách giáo dục theo giới có làm tăng GDP hay không.

anh

Đồ thị 1: Mối quan hệ giữa tăng trưởng và khoảng cách giáo dục theo giới

Đồ thị 2 cho thấy các tỉnh có tỷ lệ lao động có việc làm nữ so với nam cao thì dường như có GDP thấp.

anh

Đồ thị 2: Mối quan hệ giữa tăng trưởng và tỷ số lao động có việc làm giữa nữ và nam

Đồ thị 3 phản ánh khá rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chỉ số phát triển giới GDI. Chỉ số phát triển giới càng tăng thì tăng trưởng càng cao, hay các Tỉnh càng hướng tới bình đẳng theo giới thì có tăng trưởng cao.

anh

Đồ thị 3: Đồ thị mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và GDI

Nghiên cứu kế thừa cách tiếp cận của các nghiên cứu trên và tiến hành kiểm chứng mối quan hệ giữa bất bình đẳng giới và tăng trưởng kinh tế thông qua một số mô hình sau:

3.2. Mô hình ước lượng

Mô hình ước lượng ảnh hưởng của bất bình đẳng giới trong giáo dục và việc làm đến tăng trưởng được thể hiện như sau:

lnGDPi = α1 + α2lnEmpi + α3lnInvi + α4lnTradei + α5Xi + ei(1)

Trong đó i là chỉ số quan sát của Tỉnh i; lnGDP là logarit của GDP; lnEmp là logarit của số việc làm (Emp); lnInvlà logarit của đầu tư; lnTrade là logarit của biến thương mại; X là biến số đại diện cho bất bình đẳng hoặc bình đẳng (chênh lệnh theo giới trong giáo dục, việc làm hoặc chỉ số phát triển giới,…), ei là sai số ngẫu nhiên của mô hình

Với cách tiếp cận này, nghiên cứu sử dụng OLS để ước lượng mô hình dạng (1)

Bên cạnh đó, có nhiều lý thuyết đã chỉ ra tác động của bất bình đẳng giới đến tăng trưởng là tác động trễ, với mô hình dạng (1) đã xem xét tác động tức thời của khoảng cách giới trong giáo dục và việc làm tới tăng trưởng. Để xem xét tác động của vấn đề này tới tăng trưởng trong ngắn hạn và dài hạn, nghiên cứu sử dụng mô hình ước lượng với số liệu mảng với phép biến đổi Koych. Nghiên cứu giả định rằng tiến tới bình đẳng giới có tác động đến tăng trưởng và tác động này còn phụ thuộc vào những năm trước đó. Mô hình dạng:

Yt = a + β0Xt + β1Xt-1 + β2Xt-2+ …+βkXt-k+ et (2)

Mô hình (2) có thể được biến đổi về dạng sau:

Yt = (1-λ)a + β0Xt + λYt-1 + et – λet-1 (3)

Như vậy tác động ngắn hạn của X lên Y là  β0; và tác động dài hạn là β0/(1-λ)

Nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa bất bình đẳng giới và tăng trưởng thông qua việc xem xét quan hệ giữa chỉ số phát triển giới (GDI) và tăng trưởng kinh tế. Do số liệu GDI theo thời gian ở Việt Nam khá hạn chế, nên nghiên cứu sử dụng bộ cơ sở dữ liệu cấp Tỉnh để đánh giá quan hệ giữa GDI và tăng trưởng. Giả thuyết kỳ vọng là khi GDI tăng lên hay sự chênh lệch về những gì đạt được của nam và nữ giảm xuống thì thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hay nói cách khác tiến tới bình đẳng giới sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế.

3.3 Kết quả ước lượng mô hình

– Ước lượng mô hình dạng (1) với X là khoảng cách giáo dục theo giới và tỷ lệ lao động có việc làm giữa nữ và nam.

Bảng 1: Kết quả ước lượng mô hình dạng 1

LnGDP Mô hình với X là:
Khoảng cách giáo dục theo giới Tỷ lệ việc làm của nữ so với nam
Lninv 0.540*** 0.497***
  [0.096] [0.090]
Lnemp 0.766*** 0.835***
  [0.125] [0.117]
tradeva 0.623 0.491
  [0.428] [0.400]
X 0.261 -1.491***
  [0.660] [0.487]

Nguồn: Ước lượng mô hình từ số liệu cấp tỉnh

Kết quả mô hình chỉ ra rằng không có dấu hiệu về quan hệ giữa khoảng cách về giáo dục theo giới và tăng trưởng kinh tế. Có thể trong ngắn hạn, vấn đề về bất bình đẳng giới trong giáo dục chưa gây ảnh hưởng tức thì tới chất lượng nguồn nhân lực như theo các lý thuyết đã chỉ ra, mà nó sẽ tác động đến chất lượng nguồn nhân lực trong dài hạn.

Khoảng cách giới trong việc làm tác động có ý nghĩa thống kê đến tăng trưởng, nếu tỷ lệ có việc làm của nữ so với nam tăng thêm 1 điểm % thì GDP sẽ giảm 0.0149%. Kết quả cho thấy trong thời gian qua mặc dù nữ giới được cải thiện về tiếp cận việc làm nhưng phần lớn nữ giới vẫn làm trong các ngành có giá trị gia tăng thấp hoặc tự làm hoặclàm trong nông nghiệp hoặc ngành sử dụng phần lớn lao động phổ thông với năng suất thấp do vậy năng suất lao động bình quân của nữ chưa cao so với trung bình chung và chưa có tác động tích cực tới tăng trưởng.

Như vậy để tận dụng được nguồn lực lao động nữ trong tăng trưởng, cần tiếp tục cải thiện khả năng tiếp cận việc làm nhưng gắn với chất lượng của lao động nữ, để từ đó nâng cao năng suất lao động cho lao động nữ do vậy năng suất lao động chung được cải thiện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

– Ước lượng mô hình (3) với t là chỉ số thời gian, Y là LnGDP và X là chỉ số phát triển giới GDI, thu được kết quả ước lượng mô hình phân tích tác động của chỉ số phát triển giới đến tăng trưởng kinh tế.

Bảng 2. Kết quả ước lượng mô hình

LnGDP Coef. Std. Err. z P>z [95% Conf. Interval]
             
LnLF 0.583 0.073 7.950 0.000 0.439 0.726
LnInv 0.247 0.042 5.870 0.000 0.165 0.329
GDI 0.032 0.006 5.090 0.000 0.019 0.044
LnGDP(-1) 0.256 0.038 6.750 0.000 0.182 0.331
_cons -1.614 0.450 -3.580 0.000 -2.497 -0.732

Nguồn: Ước lượng mô hình của tác giả

Sử dụng phương pháp ước lượng với số liệu mảng (panel data) đã cho phép kiểm soát các yếu tố không quan sát được.

Kết quả ước lượng mô hình cho thấy bình đẳng giới sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Cụ thể trong ngắn hạn, chỉ số phát triển giới (GDI) tăng thêm 1 điểm % thì GDP tăng thêm 0.032%, trong dài hạn tác động này là 0.043%. Như vậy có thể thấy, bình đẳng giới trên các khía cạnh như giáo dục, y tế, việc làm, thu nhập,…sẽ có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Như vậy các chương trình, chính sách lồng ghép giới hay với mục đích thu hẹp khoảng cách giới sẽ có những tác động tích cực ngay cả trước mắt và về lâu dài đến tăng trưởng kinh tế.

  1. Kết luận khuyến nghị
  • Chưa có bằng chứng cho rằng khoảng cách giới trong giáo dục ở Việt Nam có tác động đến tăng trưởng kinh tế.
  • Bình đẳng giới (GDI) có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn
  • Việc cải thiện vai trò của phụ nữ không thể chỉ đơn thuần là việc tăng số lượng hay tỉ lệ phụ nữ tham gia vào tiến trình phát triển mà còn đòi hỏi phải chú ý đến chất lượng của sự tham gia.
  • Định kiến xã hội liên quan đến giới là yếu tố quan trọng quyết định thị trường cung cầu lao động trong một nền kinh tế. Vấn đề này dẫn đến việc bỏ qua một số lao động đủ năng lực hoặc thậm chí có năng lực tốt chỉ vì giới tính của họ hay lao động nữ có trình độ, kỹ năng và khả năng làm việc tốt mất cơ hội tiếp cận việc làm, dẫn đến giảm năng suất của doanh nghiệp hay tổ chức đồng thời ảnh hưởng đến năng suất của cả nền kinh tế.
  • Cần tiếp tục lồng ghép bình đẳng giới trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo mọi điều kiện cho trẻ em được học hành, phát triển.
  • Đẩy mạnh hơn nữa việc lồng ghép giới vào chương trình dạy học trong các nhà trường; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông, nâng cao nhậnthức về bình đẳng giới.

2014 – ThS Phạm Ngọc Toàn, ThS Nguyễn Vân Trang

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. TS Nguyễn Lộc và TS. Đỗ Thị Bích Loan (2010), “Tình hình thực hiện chiến lược phát triển giáo dục 2000-2010 và việc đảm bảo bình đẳng giới trong thực hiện mục tiêu 2-Phổ cập giáo dục tiểu học trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”
  2. Phạm Ngọc Toàn (2013), “Phân tích ảnh hưởng của một số yếu tố đến bất bình đẳng giới ở Việt Nam”, Tạp chí kinh tế phát triển
  3. Đinh Thị Vân, Nguyễn Thành Tuân, Nguyễn Vân Trang (2013), “Sự khác biệt tiền lương của người lao động theo giới giai đoạn 2006-2010”
  4. Dollar & Gatti(1999),“Gender Inequality, Income, andGrowth: Are Good Times Goodfor Women?”
  5. Galor và Weil (1996),“The Gender Gap, Fertility, and Growth”.
  6. King, Klasen, và Porter (2008), “Women and Development”
  7. Lawrence James Haddad, John Hoddinott, và Harold Alderman (1997), “Testing Competing Models of Intrahousehold Allocation”
  8. Duncan Thomas (1997), “Health and wages: Evidence on men and women in urban Brazil”
  9. Stephan Klasen và Claudia Wink (2003), Missing Women – Revisiting the Debate
  10. Stephanie Seguino và Maria Sagrario Floro (2003), Does Gender have any Effect on Aggregate Saving? An empirical analysis”
  11. Janet Stotsky (2006), “Gender and its relevance to macroeconomic policy”, “Gender Budgeting
  12. Anand Swamy, Omar Azfar, Stephen Knack và Young Lee (2001), “Gender and corruption”
  13. Galor và Weil (1996), “The Gender Gap, Fertility, and Growth”
  14. Cavalcanti và Tavares (2007), “The Output Cost of Gender Discrimination: A Model-Based Macroeconomic Estimate”
  15. Blecker và Seguino (2002), “Macroeconomic Effects of Reducing Gender Wage Inequality in an. Export-Oriented, Semi-Industrialized Economy”
  16. Elizabeth Kingvà M.Anne Hill(1993), “Women’s education in developing countries: an overview”

[1]  Chỉ số phát triển liên quan đến giới (Gender related development index –  GDI) là một chỉ số tổng hợp đo lường phát triển con người trong ba lĩnh vực giống như trong chỉ số phát triển con người HDI (tuổi thọ, học vấn và thu nhập) nhưng đã điều chỉnh để xem xét sự bất bình đẳng giới trong những lĩnh vực này. GDI được UNDP đưa ra và xây dựng cách tính toán từ năm 1995. Về cơ bản GDI vẫn dựa trên những số liệu của HDI nhưng có tính đến sự can thiệp của yếu tố giới để qua đó đánh giá trình độ phát triển giới của mỗi quốc gia.