Tác động của suy giảm tăng trưởng kinh tế đến nông nghiệp và vai trò của hệ thống ASXH

21/06/2015 00:00:00

Suy thoái kinh tế thế giới đã tác động đáng kể đến Việt Nam, nhiều ngành kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Suy thoái kinh tế thế giới đã tác động đáng kể đến Việt Nam, nhiều ngành kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành nông nghiệp – nơi được coi là bệ đỡ then chốt trong giai đoạn suy giảm tăng trưởng và bất ổn kinh tế vĩ mô cũng không nằm ngoài số đó. Hệ quả của nó là những khó khăn trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất thủ công mỹ nghệ như: sản phầm mất giá, không tiêu thụ được, người sản xuất thua lỗ liên tục… Do vậy, nhiều lao động rời bỏ nông nghiệp để di cư ra thành phố tìm việc, bên cạnh đó, cũng xuất hiện dòng lao động di chuyển ngược từ thành thị về nông thôn, điển hình là lao động ngành xây dựng. Để đối phó với những tác động của suy giảm tăng trưởng kinh tế, dường như khu vực nông thôn còn rất bị động trong các chiến lược này, nếu thiếu vắng các chương trình, dự án và sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Vì vậy, hệ thống an sinh xã hội cần thiết phải được vận hành hiệu quả và dễ dàng tiếp cận đối với khu vực này.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn về tăng trưởng và giảm nghèo trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã suy giảm trong vài năm gần đây. Tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2009- 2013 chỉ đạt hơn 5%/năm, so với mức tăng trưởng 7%/năm thời kỳ trước năm 2009. Năm 2013, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế5,42%, cao hơn mức 5,03% năm 2012, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng thời kỳ trước năm 2009. Ngành nông nghiệp, nơi được coi là bệ đỡ then chốt trong giai đoạn suy giảm tăng trưởng và bất ổn kinh tế vĩ mô, chỉ tăng 2,67% (tương đương với mức tăng năm 2012). Trong khi kim ngạch xuất khẩu của tất cả các nhóm hàng khác đều tăng thì hàng nông lâm sản, kim ngạch xuất khẩu lại giảm 1,9% chỉ đạt 16,5 tỷ USD so với 16,8 tỷ USD năm 2012. Có thể nói, ngành nông nghiệp đã bị tác động mạnh bởi tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế kéo dài.

Nông nghiệp là ngành có tỷ trọng lao động làm việc cao nhất, là nơi hấp thu lao động bị mất việc làm từ các ngành khác. Tuy nhiên hoạt động nông nghiệp lại chịu nhiều rủi ro: thiên tai, sâu bệnh, giá cả biến động, tư thương ép giá, cạnh tranh với nông sản Trung Quốc… Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, tác động của những rủi ro này đối với ngành nông nghiệp còn trầm trọng hơn.

an-sinh-xa-hoi

Những tác động đến ngành nông nghiệp

Bối cảnh suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế kéo dài khiến thị trường tiêu thụ bị hẹp lại ở nhiều mặt hàng. Mặt khác, lao động từ các ngành khác bị ảnh hưởng mạnh hơn quay về nông nghiệp (tạm thời hoặc lâu dài) cũng tác động lên việc làm và thu nhập của các hộ gia đình. Rủi ro nông nghiệp ít tác động đến đời sống của hộ gia đình hơn nếu hộ có nguồn thu ngoài nông nghiệp và sẽ trầm trọng hơn nếu nguồn thu của hộ chỉ trông chờ vào nông nghiệp. Đặc biệt, ngành trồng trọt và chăn nuôi được nhận định là có khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế.

Các chính sách an sinh xã hội hiện hành tập trung hỗ trợ những nhóm đối tượng đã được xác định như hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ sinh sống tại các vùng khó khăn…, hầu như chưa tính đến các rủi ro kinh tế của người lao động. Các chính sach chủ yếu là BHXH bắt buộc và BHTN chưa với tới lao động trong nông nghiệp nông thôn.

BHXH tự nguyện thực hiện từ năm 2008 được coi là chính sách bổ sung cho BHXH bắt buộc hướng tới nhóm lao động khu vực phi chính thức này. Tuy nhiên, đến nay, BHXH tự nguyện mới chỉ thu hút được khoảng trên 170 nghìn lao động tham gia, trong đó khoảng 70% là những người trước đó đã đóng BHXH bắt buộc. Mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng tối thiểu theo qui định (bằng 22% mức tiền lương tối thiểu) là cao so với thu nhập của lao động trong nông nghiệp. Do vậy, họ không muốn tham và tự nguyện nằm ngoài hệ thống BHXH. Công tác tuyên truyền, phổ biến luật BHXH và thông tin về các hình thức BHXH còn nhiều hạn chế. Người dân lao động còn chưa biết và chưa hiểu về các chính sách BHXH để tham gia.

Trong thực tế, người dân các vùng nông thôn chưa được phổ biến, giới thiệu về các chính sách việc làm và dạy nghề, BHXH, BHTN, BHYT do đó còn chưa biết để tham gia, hoặc biết có chính sách nhưng không biết tham gia như thế nào. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về pháp luật và chính sách lao động, an sinh xã hội, đảm bảo thông tin, tiếp cận thông tin về chính sách để người lao động và người dân nói chung hiểu về quyền lợi, nghĩa vụ của bản thân từ đó chủ động tham gia. Đồng thời cũng cần có những điều chỉnh trong thiết kế chính sách để hỗ trợ các đối tương người nông dân thu nhập trung bình có cơ hội tham gia BHXH tự nguyện và BHYT.

Chính sách thúc đẩy sản xuất, tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp thông qua xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, hướng tới những sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm sạch là giải pháp thiết thực đối với người lao động của khu vực nông thôn hiện nay. Đẩy mạnh việc gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp, công tác khuyến nông và bao tiêu nông sản để đảm bảo thu nhập của người nông dân, đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như khuyến khích được sản xuất nông nghiệp. Như vậy nông nghiệp nông thôn sẽ giữ được vai trò làm giá đỡ cho người lao động cũng như nền kinh tế trước những cú sốc lớn.

Các chính sách khác như dạy nghề cho lao động nông thôn cũng cần được xem xét, đánh giá và triển khai trên cơ sở gắn với nhu cầu đào tạo thực tế tại mỗi địa phương để tránh lãng phí nguồn lực và phát huy hiệu quả; hỗ trợ hộ gia đình nông lâm ngư nghiệp có mức thu nhập trung bình tham gia các chính sách an sinh xã hội, khuyến khích trách nhiệm và nâng cao vai trò chủ động trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho bản thân và hộ gia đình./.

ThS. Lưu Quang Tuấn – ThS. Phạm Thị Bảo Hà