Tập huẩn "Việc làm thỏa đáng cho phát triển bền vững"

06/10/2020 10:28:59

 

Ở Việt Nam, việc làm bền vững từ lâu đã được xem là một cấu phần của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng. Bốn trụ cột của việc làm bền vững phụ thuộc và hỗ trợ lẫn nhau đều đã đạt được những tiến bộ đáng kể, mặc dù chưa đồng đều. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những thách thức trong việc đảm bảo đem lại cơ hội làm việc có hiệu quả và thu nhập công bằng cho tất cả phụ nữ và nam giới ở Việt Nam; đảm bảo an toàn tại nơi làm việc và bảo trợ xã hội cho gia đình; viễn cảnh tốt đẹp hơn về phát triển cá nhân và hội nhập xã hội; sự tự do thể hiện mối quan tâm, tổ chức và tham gia của người dân vào những vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Nhằm giải quyết những thách thức này, trên cơ sở tham vấn với các đối tác quốc gia của ILO, Chương trình Quốc gia về Việc làm bền vững của Việt Nam, giai đoạn 2017-2021 đã xác định 3 ưu tiên quốc gia để hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam đó là: 

·        Thúc đẩy việc làm bền vững và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững;

·        Giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người và giảm các hình thức việc làm không thể chấp nhận được, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất; và

·        Xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc cơ bản và quyền trong lao động.

Bốn trụ cột của việc làm bền vững – việc làm, quyền, bảo trợ và đối thoại – không thể tách rời, tương quan và hỗ trợ lẫn nhau; Việt Nam cam kết thúc đẩy và đảm bảo mang lại nhiều việc làm bền vững hơn nữa cho người dân.

Khóa tập huấn “Việc làm thỏa đáng cho phát triển bền vững” được tổ chức tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc và qua 2 ngày làm việc các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, giảng viên đến từ Tổng Cục Thống kê, Cục Việc làm, Tổ chức Lao động Quốc tế, Viện Khoa học lao động và xã hội, chuyên gia CIM giới thiệu lý thuyết về việc làm thỏa đáng, cơ hội và thách thức phát triển việc làm thỏa đáng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid 19; Giới thiệu về phương pháp đo lường một số chỉ tiêu thị trường lao động theo ICLS 19th của Tổ chức Lao động Quốc tế; Đánh giá việc làm thỏa đáng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch covid 19. Bên cạnh đó, chúng ta cũng được nghe các chuyên gia giới thiệu về Chương trình việc làm bền vững ở Việt Nam; Việc làm bền vững của thanh niên Việt Nam và Giải pháp gia tăng lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH. Đồng thời các học viên được thảo luận, trao đổi các vấn đề về hiện trạng, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến việc làm thỏa đáng/bền vững đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid 19 hiện nay.