Tư duy mới về quản lý tệ nạn xã hội ở nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế

13/07/2015 00:00:00

Đề tài đã xây dựng Khung lý thuyết về quản lý TNXH trong KTTT và hội nhập quốc tế

Mục tiêu

  • Nhận dạng các biểu hiện mới của những TNXH (ma tuý, mại dâm và cờ bạc) phổ biến ở nước ta trong điều kiện KTTT và hội nhập quốc tế.
  • Đánh giá thực trạng quản lý TNXH ở nước ta hiện nay. Xu hướng vận động của TNXH chủ yếu hiện nay. Các yêu cầu đối với chính sách mới để quản lý hiệu quả các TNXH.

Đề xuất quan điểm, các tiếp cận mới và giải pháp đổi mới quản lý TNXH theo tư duy mới đảm bảo tính hiệu quả, khả thi trong điều kiện KTTT và hội nhập quốc tế.

Nhứng phát hiện chính

  • Đề tài đã xây dựng Khung lý thuyết về quản lý TNXH trong KTTT và hội nhập quốc tế, gồm các khái niệm, cơ sở khoa học của việc hình thành nhận thức mới, các quan điểm và định hướng phát triển tư duy mới về quản lý TNXH. Trong đó, đã làm rõ bản chất kinh tế, xã hội, văn hóa, pháp lý và hội nhập của TNXH, từ đó đưa ra khái niệm về TNXH, quản lý TNXH trên cơ sở tách hành vi tội phạm ra khỏi khái niệm TNXH để từ đó có thái độ ứng xử đúng với hành vi TNXH, tránh hình sự hóa và thiếu tôn trọng quyền con người.
  • Vấn đề rất quan trọng đối với sự hình thành tư duy mới về quản lý TNXH ở Việt Nam là phải đặt trong điều kiện chuyển đổi sang nền KTTT định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Trong đó, phải nhận thức đúng về những mặt trái của KTTT và hội nhập quốc tế đối với phát sinh, phát triển và diễn biến của TNXH do sự điều chỉnh tiêu cực bởi những giá trị và chuẩn mực xã hội từ những mặt trái này tạo ra, nhất là do ma lực của đồng tiền, chạy theo lợi nhuận với bất cứ giá nào, suy thoái đạo đức, lối sống buông thả…

Phương pháp tiếp cận quản lý nhà nước về TNXH là trên cơ sở coi quản lý TNXH là một khoa học, đồng thời cũng là một nghệ thuật. Theo tiếp cận khoa học, các công cụ quản lý (cơ chế, chính sách, pháp luật…) cần phải dựa trên các quy luật và tính quy luật khách quan của các mối quan hệ xã hội phức tạp, cũng như mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp giữa các chủ thể tham gia các hoạt động quản lý TNXH, tránh chủ quan, duy ý chí, nặng tính hành chính, bệnh thành tích… Quản lý TNXH còn là một nghệ thuật bởi vì nó phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố, năng lực chủ quan, sáng tạo và năng động của chủ thể quản lý, tức là phụ thuộc vào yếu tố con người quản lý với trình độ nghề nghiệp, nhân cách, bản lĩnh cần phải có, cũng như phong cách làm việc, phương pháp và hình thức quản lý TNXH một cách khoa học, hiệu quả.

Giải pháp, khuyến nghị

  • Tư duy mới về quản lý TNXH trong điều kiện KTTT và hội nhập quốc tế, phải hướng vào hình thành các trụ cột cơ bản sau đây: (i) Trụ cột thứ nhất: Tập trung quản lý “Hệ giá trị và chuẩn mức xã hội” trên cơ sở xây dựng và phát triển con người mới với hệ giá trị và chuẩn mực xã hội tiến bộ, tạo lập kỹ năng sống mới lành mạnh trở thành công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội, hành vi con người theo hướng lành mạnh không sa vào TNXH; (ii) Trụ cột thứ hai: Xây dựng mối quan hệ công – tư trong quản lý TNXH một cách tối ưu, chặt chẽ và đồng thuận. Quản lý TNXH là chức năng, trách nhiệm chính của Nhà nước. Tuy nhiên, phát huy vai trò và sức mạnh của xã hội dân chủ trong mối quan hệ chặt chẽ công – tư nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, biến thành sức mạnh tổng hợp quản lý TNXH là vấn đề rất cơ bản của tư duy mới quản lý TNXH ở nước ta cả trong ngắn hạn và dài hạn, trong xu hướng ” Nhà nước nhỏ, xã hội lớn”. (iii) Trụ cột thứ ba: Đảm bảo ASXH bền vững là trụ cột rất quan trọng phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu tác hại của TNXH, thực sự là giá đỡ không thể thiếu trong quản lý TNXH theo tư duy mới. (iv) Trụ cột thứ tư: Quản lý TNXH phải bắt đầu từ nắm chắc đối tượng, phải lấy địa bàn thôn, bản, xã, phường làm cơ sở; phải hướng vào giải quyết các vấn đề căn nguyên, gốc rễ của nó và tác động vào các nhân tố cơ bản nhất để triệt tiêu mầm mống phát sinh đối tượng có nguy cơ sa vào TNXH; cần phải thay đổi thái độ và cách thức đối xử thể hiện tính nhân văn, nhân đạo và công bằng; trợ giúp đối tượng để họ tự vươn lên hòa nhập cộng đồng, tránh kỳ thị, xa lánh; đổi mới tổ chức cơ sở quản lý đối tượng TNXH để không tạo hình ảnh phản cảm, bảo đảm quyền con người; phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, chữa trị và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
  • Lựa chọn và xây dựng mô hình mới quản lý hiệu quả TNXH là khâu then chốt của quy trình quản lý theo tư duy mới trong điều kiên KTTT và hội nhập quốc tế ở Việt Nam trong thời gian tới. Mô hình quản lý hiệu quả TNXH tiếp cận khoa học và nghệ thuật quản lý tiên tiến hiện nay dưa trên lý thuyết chung về quản lý phát triển xã hội theo cấu trúc (hoặc phức hợp) G.P.S (viết tắt của các từ Goal – mục đích, Process – quá trình, System – hệ thống). Lý thuyết này được mô hình hình hóa với 5 hợp phần (hay còn gọi là Mô hình 5P: (i) Chính sách và điều phối, phối hợp – P (policy and coodination) cả bên trong cơ quan (Inter -coodination); (ii) Phòng ngừa – P (prevention) là các can thiệp ngăn ngừa từ xa, tập trung vào giải quyết các nguyên nhân gốc dễ của TNXH (phát triển NNL, việc làm, nghèo đói…); (iii). Nghiên cứu, điều tra, phát hiện, khởi tố nếu cần – P (prosecution); (iv) Bảo vệ – P (protection: rescue -giải thoát, recovery – phục hồi, repatriation- hồi hương, intergration- tái hòa nhập); (v) Hợp tác (đối tác) “công – tư” – P (Partnership)).
  • Các giải pháp đột phá quản lý TNXH trong điều kiện KTTT và hội nhập quốc tế ở Việt nam tập trung vào 6 nhóm chính, theo thứ tự ưu tiên là: (i) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, phát triển kỹ năng sống lành mạnh cho mọi người dân và đối tượng TNXH; (ii) Hoàn thiện thể chế (chính sách, pháp luật và tổ chức bộ máy) tạo hành lang pháp lý quản lý hiệu quả TNXH; (iii) Giải quyết từ gốc nguyên nhân của TNXH thông qua phát triển NNL, dạy nghề, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, phát triển hệ thống an sinh…; (iv) Quản lý hiệu quả môi trường kinh tế, xã hội, văn hoá… phát sinh TNXH; (v) Đổi mới mô hình tổ chức hoạt động cai nghiện, chữa bệnh, dạy nghề, tạo việc làm và tái hoà nhập cộng đồng cho đối tượng nghiện ma túy, mại dâm, cờ bạc; (vi) Quản lý TNXH dựa vào cộng đồng.

TS Nguyễn Hữu Dũng và nhóm nghiên cứu