Hệ thống dạy nghề ở Việt Nam và phát triển nghề nghiệp cho người lao động

30/06/2015 00:00:00

i gian qua, hệ thống dạy nghề đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ, chuyển từ hệ thống dạy nghề với hai chương trình đào tạo (dài hạn và ngắn hạn) sang hệ thống dạy nghề với 3 cấp trình độ (sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề); chuyển dần từ đào tạo theo hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động (TTLĐ)

Print Friendly

Trong thời gian qua, hệ thống dạy nghề đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ, chuyển từ hệ thống dạy nghề với hai chương trình đào tạo (dài hạn và ngắn hạn) sang hệ thống dạy nghề với 3 cấp trình độ (sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề); chuyển dần từ đào tạo theo hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động (TTLĐ). Số lượng học sinh học nghề và tốt nghiệp tăng lên hằng năm đã phần nào đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp cho người lao động nói riêng và góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động kỹ thuật trực tiếp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hệ thống dạy nghề đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) vào học nghề còn rất thấp .Theo đó, số người đến với học nghề còn rất ít, trong khi lao động qua đào tạo nghề lại là lực lượng lao động chính trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hệ thống dạy nghề vẫn còn thiếu một định hướng chiến lược phát triển nghề nghiệp cho người lao động, tiếp tục cần được củng cố về chính sách và thể chế.

  1. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG DẠY NGHỀ
    • Hệ thống dạy nghề

Theo Luật giáo dục Việt Nam năm 1998, dạy nghề là một bộ phận thuộc giáo dục nghề nghiệp, bao gồm loại hình dạy nghề ngắn hạn (dưới 1 năm) và dạy nghề dài hạn (từ 1-3 năm). Hai loại hình này được thực hiện tại các trường dạy nghề, trường trung học và cao đẳng có dạy nghề. Ngoài ra, dạy nghề ngắn hạn còn được thực hiện tại các trung tâm dạy nghề. Từ khi Luật Dạy nghề có hiệu lực (từ 31/7/2007), hệ thống chính sách khuyến khích học nghề cũng được hoàn thiện và phát triển, đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phát triển nghề nghiệp cho người lao động. Hai loại hình dạy nghề (ngắn hạn và dài hạn) được chuyển thành dạy nghề theo 3 cấp trình độ: cao đẳng nghề (CĐN), trung cấp nghề (TCN), sơ cấp nghề (SCN) và dạy nghề thường xuyên.

Theo đó, các cơ sở dạy nghề được phát triển theo quy hoạch rộng khắp trên toàn quốc, đa dạng về hình thức sở hữu và loại hình đào tạo. Số lượng cơ sở dạy nghề nói chung và cơ sở tư thục nói riêng tăng nhanh. Năm 2013, cả nước có 1339 cơ sở dạy nghề (CSDN), trong đó có: 162 trường cao đẳng nghề (chiếm 12,1%), 302 trường trung cấp nghề (22,6%) và 875 trung tâm dạy nghề (65,4%). Nhìn chung, mỗi tỉnh đã có ít nhất một trường nghề, một số huyện, cụm huyện đã có trường trung cấp nghề. Nếu tính cả các cơ sở khác có dạy nghề (bao gồm đại học, cao đẳng, trung tâm khác có dạy nghề) thì mạng lưới cơ sở dạy nghề cả nước năm 2013 có gần 2040 cơ sở, trong đó cơ sở dạy nghề công lập chiếm khoảng 60%. Đặc biệt, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, mạng lưới trung tâm dạy nghề cấp huyện đã được mở rộng. Năm 2013 có trên 430 trung tâm dạy nghề cấp huyện nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, việc phân bố mạng lưới cơ sở dạy nghề vẫn còn nhiều bất cập. Các trường, trung tâm dạy nghề chủ yếu tập trung ở các thành thị, các khu công nghiệp tập trung, các vùng kinh tế trọng điểm. Trong khi đó, vùng nông thôn, số trường, trung tâm dạy nghề rất ít ỏi. Đến nay còn trên 150 huyện chưa có trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở các vùng này được học nghề, đồng thời khó triển khai các chủ trương học tập suốt đời.

Biểu 1. Số lượng cơ sở dạy nghề theo loại hình cơ sở đào tạo

Cơ sở dạy nghề 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013
Trường cao đẳng nghề 62 92 107 123 136 155 162
Trường Trung cấp nghề 180 214 280 300 308 305 302
Trường Dạy nghề 262 52 27 15 10  –
Trung tâm dạy nghề 599 656 684 777 810 849 867 875
Tổng cộng 861 950 1,017 1,179 1,243 1,293 1,327 1,339

Nguồn: Tổng cục Dạy nghề, 2006-2013

Đào tạo nhân lực chất lượng cao đã và đang được đặc biệt quan tâm ở hệ thống dạy nghề. Mạng lưới các trường trung cấp, cao đẳng nghề chất lượng cao trọng điểm quốc gia, đạt chuẩn khu vực đã được hình thành và phát triển để đào tạo đội ngũ nhân lực nghề chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong nước và khu vực, quốc tế. Học sinh Việt Nam đã tham dự và đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới[1].

Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được cải thiện. (i) Về đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề từng bước được phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2013 có 33.270 giáo viên dạy nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề và có gần 16 nghìn giáo viên thuộc các cơ sở khác tham gia dạy nghề. Bên cạnh đó, còn có hàng nghìn người dạy nghề ở các lớp dạy nghề thuộc doanh nghiệp, làng nghề hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các chương trình, đề án như Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; (ii) về cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, công tác chuẩn hóa, hiện đại hóa trang thiết bị dạy nghề đã được quan tâm. Một số trường, trung tâm đã được trang bị đồng bộ, hiện đại ở một số nghề, nhất là nhưng cơ sở thụ hưởng các dự án ODA và Chương trình Mục tiêu Quốc gia; (iii) về kiểm định chất lượng dạy nghề và (iv) đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề là hai hoạt động mới của dạy nghề đã được chú trọng.

  • Kết quả Dạy nghề
  1. Tuyển sinh:

Hề thống dạy nghề phát triển đã tạo cơ hội cho mọi người có nhu cầu học nghề đều được học nghề phù hợp. Trong giai đoạn 2007-2013, tổng số tuyển sinh học nghề là 11,2 triệu người, trong đó cao đẳng nghề là 505,864 nghìn người (chiếm 4,52%), trung cấp nghề là 1.108,564 nghìn người (9,9%), sơ cấp nghề là 6,149 triệu người (54,89%) và dạy nghề dưới 3 tháng là 3,438 triệu người (30,69%). Bình quân mỗi năm, hệ thống dạy nghề tuyển mới khoảng 1,6 triệu người trong cùng giai đoạn, bằng 2,4 lần so với con số tương ứng của giai đoạn 1978 – 2006 (668 ngìn người/năm).

Chương trình đào tạo nghề đã chú trọng đến các nhóm đối tượng chính sách, các nhóm đối tượng “yếu thế” trên TTLĐ. Trong giai đoạn 2009 – 2013, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” là khoảng 1,619 triệu người, trong đó, có 35,2 nghìn người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, 330,2 nghìn người dân tộc thiểu số, 178,1 nghìn người thuộc hộ nghèo, 36,4 nghìn người thuộc hộ bị thu hồi đất, 9,5 nghìn người là người khuyết tật, 78,5 nghìn người thuộc hộ cận nghèo và 943,5 nghìn người thuộc đối tượng lao động nông thôn khác. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, người học nghề đa phần là lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hoặc thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo. Do vậy họ rất khó khăn khi học nghề, nhiều người không có điều kiện đi học nghề. Đặc biệt, đối với người DTTS, hiện nay theo quy định hiện hành, chính sách học nghề nội trú chỉ áp dụng cho học sinh tốt nghiệp THCS dân tộc nội trú hoặc THPT dân tộc nội trú và phải được UBND tỉnh cử tuyển. Với quy định này, đến nay mới chỉ có vài tỉnh trong số 52 tỉnh có dạy nghề cho người DTTS thực hiện chính sách này. Trong khi đó, số học sinh DTTS tốt nghiệp THCS, THPT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khyết tật có nhu cầu học nghề nhưng không có điều kiện. Do đó, cần mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ học nghề nội trú cho các đối tượng DTTS yếu thế này.

Quy mô cơ cấu nghề đào tạo được mở dần theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp với danh mục nghề của gần 400 nghề đào tạo ở trình độ cao đằng và khoảng 470 nghề đào tạo ở trình độ trung cấp. Các cơ sở dạy nghề đã mở thêm nhiều ngành nghề đạo tạo mới mà thị trường cần. Cùng với việc đào tạo các nghề phục vụ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dạy nghề đã đào tạo các nghề phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường nghề vẫn tập trung tuyển sinh và đào tạo ngắn hạn và ở những ngành nghề có chi phí thấp như kế toán, tài chính, lái xe, dịch vụ, .v.v…Việc chuyển từ đào tạo nghề từ năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề sang đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động còn chậm. Đặc biệt, sự tham gia của doanh nghiệp vào dạy nghề còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều trường kỹ thuật đang gặp khó khăn trong tuyển sinh đối với các nghề nặng nhọc độc hại nhưng TTLĐ có nhu cầu như nghề hàn, cắt gọt kim loại, nề, các nghề thuộc nhóm nghề mỏ hầm lò, .v.v…Nếu không có ưu đãi thì cơ cấu nguồn nhân lực qua đào tạo nghề sẽ mất cân đối nghiêm trọng, nhiều nghề khủng hoảng thừa, nhiều nghề khủng hoảng thiếu.

Cơ cấu học sinh học nghề theo trình độ còn hạn chế, mới chỉ tập trung vào trình độ Sơ cấp nghề và Dạy nghề dưới 3 tháng, trong khi tỷ lệ học sinh học ở trình độ Cao đẳng nghề và Trung cấp nghề rất thấp (xem Biểu 2). Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do nhận thức của người dân không muốn học nghề, học sinh tốt nghiệp THPT phần lớn có xu hướng đi học đại học hay cao đẳng chuyên nghiệp, các trường nghề gặp khó khăn trong tuyển sinh ở trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề.

Biểu 2. Số lượng và cơ cấu tuyển sinh học nghề theo cấp trình độ,

giai đoạn 2007 – 2013.

Năm học Tổng số (người) Cơ cấu (%)
Cao đẳng nghề Trung cấp nghề Sơ cấp nghề Dạy nghề dưới 3 tháng
2007 1.311.500 2,25 11,51 66,31 19,93
2010 1.745.527 5,53 10,34 41,68 42,45
2012 1.492.579 5,64 8,66 61,22 24,49
2013 1.744.723 3,83 6,28 50,25 39,63
Tổng cộng

2007-2013

11.201.295 4,52 9,90 54,89 30,69

Nguồn: Tổng cục Dạy nghề, 2014

Một vấn đề khác, trong những năm qua, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tham gia học nghề còn khiêm tốn. Theo thống kê, số học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển mới để tham gia học trung cấp nghề trong năm 2012 là 98 nghìn người, chỉ chiếm 8,3% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS. Điều này, ảnh hưởng đến chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề với mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề[2], gây mất cân đối cơ cấu nhân lực đào tạo nghề. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là, phần lớn học sinh tốt nghiệp THCS và THPT có tâm lý không muốn đi học nghề. Mặt khác quy chế tuyển sinh Đại học ngày càng cởi mở, chi phí cho đào tạo đại học thấp hơn dạy nghề. Vấn đề phân luồng học sinh vào học nghề sau tốt nghiệp THCS và PTTH thời gian qua không hiệu quả. Hiện nay đang thực hiện giảm 50% học phí cho các đối tượng này nhưng cũng không thu hút được người học.

  1. Tốt nghiệp

Trong giai đoạn 2007-2013, tổng số học sinh tốt nghiệp đào tạo nghề là hơn 7 triệu người. Trong đó, học sinh tốt nghiệp cao đẳng nghề và trung cấp nghề là 1,253 triệu người, tốt nghiệp Sơ cấp nghề là 2,019 triệu người và Dạy nghề thường xuyên (dưới 3 tháng) là 3,7 triệu người. Bình quân mỗi năm, hệ thống dạy nghề đào tạo được 1,168 triệu người trong cùng giai đoạn, bằng 2,8 lần so với giai đoạn trước (1978 – 2006).

Biểu 3. Kết quả tốt nghiệp đào tạo nghề giai đoạn 2007 – 2013

Đơn vị: 1000 người

Cấp trình độ Năm 2013 Giai đoạn
2007 – 2013
I Tốt nghiệp đào tạo nghề có bằng cấp/chứng chỉ: 905,9 3272,8
1 Cao đẳng nghề 45,8 1253,8
2 Trung cấp nghề 59,9
3 Sơ cấp nghề (từ 3 tháng đến dưới 1 năm) 800,2 2019,0
II Tốt nghiệp dạy nghề không có bằng cấp/chứng chỉ
4 Dạy nghề thường xuyên (dưới 3 tháng) 639,0 3733,1
Tổng cộng =(1) + (2)+ (3)+(4) 1544,9 7005,9

Nguồn: Tổng cục Dạy nghề, 2014

Nhìn chung, trong thời gian vừa qua, số lượng học sinh tốt nghiệp hằng năm mặc dù đã tăng song do cơ cấu tuyển sinh số học sinh tốt nghiệp hằng năm vẫn chủ yếu là đào tạo nghề ngắn hạn có trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng không chứng chỉ (giai đoạn đoạn 2007 – 2013, cơ cấu học sinh tốt nghiệp theo trình độ cao đẳng, trung cấp nghề – sơ cấp nghề – dạy nghề dưới 3 tháng tương ứng là 17,9% – 28,8% – 53,29%). Điều này sẽ gây nên sự mất cân đối về trình độ và sự cải thiện chậm về chất lượng lực lượng lao động trong tương lai.

  1. HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG LAO ĐỘNG QUA ĐÀO TẠO NGHỀ

Theo số liệu Điểu tra Lao động – Việc làm của Tổng cục Thống kê, đến quý 4/2013, cả nước có 18,432 triệu người qua đào tạo nghề, chiếm 34,33% tổng LLLĐ từ 15 tuổi trở lên của cả nước. Trong đó, số lượng lao động qua đào tạo nghề chính quy (có bằng cấp/chứng chỉ) còn rất ít, 2,851 triệu người, mới chỉ chiếm 5,26% tổng LLLĐ từ 15 tuổi trở lên.

Hình 1. Số lượng lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp/chứng

chỉ theo các cấp trình độ, Quý 4/2013

                                                                                               Đơn vị: 1000 người

Nguồn: TCTK (2013), Điều tra Lao động – Việc làm Quý 4/2013

Nhìn chung, theo đánh giá của các doanh nghiệp[3], kỹ năng nghề của học sinh tốt nghiệp các cơ sở dạy nghề đã được nâng lên với 80 – 85% số lao động qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo; 30% có kỹ năng nghề từ khá trở lên. Ở một số nghề (nghề hàn, dịch vụ nhà hàng, nấu ăn, thủy thủ tàu biển, thuyền trưởng và một số nghề thuộc lĩnh vực viễn thôn, v.v…), kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế. Lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện; khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi ra trường, ở một số nghề và một số cơ sở dạy nghề tỷ lệ này đạt trên 90%.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lao động qua đào tạo nghề làm trái ngành nghề, trình độ đào tạo. Theo số liệu Điều tra Lao động – Việc làm Quý 4/2013 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong số những người có trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề, có 280 nghìn người (chiếm 9,8%) đang làm các công việc giản đơn và 88 nghìn người (chiếm 3,1%) bị thất nghiệp. Điều này phản ánh sự mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo nói chung và qua đào tạo nghề nói riêng hiện nay. Đó là sự khập khiễng giữa kỹ năng của lao động qua đào tạo nghề và yêu cầu của thị trường, cũng như thiếu hụt trình độ và kỹ năng cần thiết như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm. Nhìn chung, kỹ năng nghề và năng lực nghề nghiệp của lao động Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Theo kết quả khảo sát của 101 trường nghề (năm 2011), mức lương khởi điểm bình quân cho học viên sau khi tốt nghiệp đạt từ khoảng 3 đến 3, 5 triệu đồng/tháng. Mức lương có sự chênh lệch ở các nghề đào tạo, cụ thể, nhóm nghề kỹ thuật có lương bình quân cao hơn, đạt khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Các nghề dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, lương bình quân thấp, chỉ ở mức 2,2 triệu đồng/tháng. Mức lương khiêm tốn này cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến các em học sinh không mặn mà với học nghề sau khi tốt nghiệp THPT.

Nhận thức được vấn đề này, trong thời gian qua Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước các cấp về dạy nghề đã và đang nỗ lực trong việc cơ cấu lại hệ thống dạy nghề và đề xuất sửa đổi Luật Dạy nghề nhằm cải cách dạy nghề gắn với thị trường lao động, gắn với ngành nghề kinh tế trọng điểm, sản phẩm kinh tế mũi nhọn của quốc gia; khuyến khích các trường nghề liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo nghề. Hiện đã có nhiều mô hình thành công, thí dụ hiện nay các trường liên kết với các doanh nghiệp Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc đào tạo chú trọng chất lượng nên đầu ra bảo đảm tốt. Tuy nhiên, số người được hưởng lợi từ các mô hình này còn rất khiêm tốn, chiếm khoảng 10% trong tổng số người tốt nghiệp đào tạo nghề.

III. HÀM Ý CHÍNH SÁCH THU HÚT HỌC NGHỀ ĐÁP ỨNG NHU CẦU THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Bổ sung thêm các chính sách cho người học sau tốt nghiệp. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ đào tạo nghề cho người dân, cũng như khuyến khích người dân nói chung và các nhóm đối tượng đặc thù tham gia đào tạo nghề nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, giảm nghèo ở Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách dạy nghề cũng như các giải pháp dạy nghề chưa hấp dẫn và chưa đủ sức thuyết phục với xã hội. Mặc dù đã có một số chính sách cho người học, tạo sức hút đối với người học như chính sách miễn, giảm học phí; cơ chế dạy nghề “mở” (vừa học vừa làm, học từ xa, liên thông dọc, ngang trong hệ thống…), hình thức học tập đa dạng (chính quy, thường xuyên), nội dung học tập phong phú (vừa học nghề, vừa học văn hóa) bảo đảm quyền học nghề của mỗi người, song những chính sách này còn chưa đủ mạnh, chưa sát với đặc điểm, tính chất của dạy nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay. Do vậy, ngoài các cơ chế, chính sách nêu trên nên mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung thêm các chính sách cho người học sau khi tốt nghiệp (chính sách tiền lương cho người học sau tốt nghiệp, tôn vinh người lao động .v.v…) để người lao động chuyên tâm với nghề. Đây cũng là cách để thu hút người học đến với học nghề.

Mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số. Để góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS, thu hút học sinh dân tộc thiểu số tham gia học nghề là hết sức cần thiết. Do đó, cần phải mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách dạy nghề cho người DTTS nội trú đến các đối tượng là người DTTS thuộc nhóm yếu thế (người nghèo, cận nghèo và người khuyết tật).

Miễn học phí học nghề là giải pháp quan trọng để có người học nghề. Để tạo điều kiện cho người học nghề, thu hút người học nghề, cần có cơ chế miễn học phí cho tất cả các đối tượng yếu thế khi tham gia học nghề. Bên cạnh đó, miễn học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp nghề nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh vào học nghề. Đặc biệt, miễn học phí cho người học trung cấp nghề, cao đẳng nghề đối với những nghề nặng nhọc độc hại, những nghề khó tuyển sinh để đảm bảo cơ cấu nhân lực đối với những ngành nghề này.

Thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với các cơ sở dạy nghề để tăng cường chất lượng và kỹ năng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động. Cần có quy định, văn bản xác định rõ vị thế của doanh nghiệp là một chủ thể chính của đào tạo nghề. Về tăng cường hợp tác gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, cần đẩy mạnh mô hình, phương thức hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệpvà cơ sở đào tạo; mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã vào xây dựng chương trình dạy nghề, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, cùng tuyển chọn học viên, cùng tham gia đào tạo thực hành và đánh giá học viên sau khi tốt nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cho người học, sắp xếp bố trí đầu ra cho hoạt động đào tạo.

Ths. Trịnh Thu Nga & CN. Nguyễn Ngọc Bình

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Luật Lao động, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012.
  2. Luật Dạy nghề, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2007.
  3. Báo cáo dạy nghề Việt Nam 2011, 2012, Viện nghiên cứu khoa học Dạy nghề, NXB Lao động – Xã hội.
  4. Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Dạy nghề.
  5. Báo cáo kết quả tuyển sinh và dạy nghề năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014, Tổng cục Dạy nghề (2013)
  6. Bản tin cập nhật Thị trường lao động Việt Nam số 1 năm 2014.

[1] http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=22069

[2] Chỉ thị số 10 – CT/TW ngày 5/12/2012 của Bộ Chính trị.

[3] Tại Hội nghị “Phát triển nhân lực qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội” do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) tổ chức ngày 11/12/2014.