Những thách thức về lao động việc làm trong quá trình tận dụng cơ hội dân số vàng và đối phó với già hóa dân số để phát triển bền vững đất nước

17/07/2015 00:00:00

Đánh giá chung cho thấy, cho đến nay chưa có cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chung về chuẩn bị tận dụng cơ hội “dân số vàng” và đối phó với những thách thức của “già hóa dân số” nhằm phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là về chất lượng dân số, việc làm nhân văn, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội; đang chỉ có những cơ quan chức năng quản lý từng lĩnh vực chuyên ngành, thiếu sự điều phối quản lý thống nhất chung ở tầm vĩ mô theo định hướng lâu dài

Print Friendly

Tóm tắt: Đánh giá chung cho thấy, cho đến nay chưa có cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chung về chuẩn bị tận dụng cơ hội “dân số vàng” và đối phó với những thách thức của “già hóa dân số” nhằm phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là về chất lượng dân số, việc làm nhân văn, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội; đang chỉ có những cơ quan chức năng quản lý từng lĩnh vực chuyên ngành, thiếu sự điều phối quản lý thống nhất chung ở tầm vĩ mô theo định hướng lâu dài. Rất cần có sự nghiên cứu toàn diện và phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng và thực hiện những chính sách tận dụng cơ hội có một không hai “dân số vàng” và thích ứng với giai đoạn “dân số già”.

  1. Thực trạng dân số, lao động, việc làm

1.1. Dân số

Năm 2012, dân số trung bình của cả nước đạt 88,78 triệu người, tăng 1,07% (tương ứng 924 nghìn người) so với năm 2011 và là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới. Giai đoạn 2002 -2012, tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm đạt 1,11% và có xu hướng chững lại trong những năm gần đây. Sau 20 năm (từ 1990-2010), tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở nước ta đã tăng gấp 4,12 lần nhưng quy mô dân số chỉ tăng 1,32 lần, nên GDP bình quân đầu người tăng 3,12 lần (cao hơn nhiều so với mức tăng GDP 2,57 lần nếu duy trì mức sinh như năm 1989).

anh

 

Hình 1.Xu hướng dân số Việt Nam, giai đoạn 2002-2012

Nguồn: – Niên giám Thống kê các năm 2002 – 2011, NXB Thống kê;

           – Báo cáo công bố số liệu kinh tế – xã hội năm 2012 của TCTK.

 

Đặc điểm là dân số nước ta vẫn sống tập trung ở khu vực nông thôn với 59,97 triệu người, tương đương 67,55% (năm 2012), đồng thời với quá trình đô thị hóa làm cho dân số thành thị có xu hướng tăng nhanh, đạt mức tăng 3,82%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng dân số nông thôn 0,28%/năm trong giai đoạn 2002-2012.

Năm 2012, dân số trong độ tuổi dưới 15 là 19,58 triệu người (chiếm tỷ trọng 22,06%), dân số trong độ tuổi từ 15 đến dưới 60 tuổi có 59,94 triệu người (chiếm tỷ trọng 67,51%), dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng 9,3 triệu người (chiếm tỷ trọng 10,43%). Tỷ lệ phụ thuộc của dân số hiện nay là 48/100 tức là cứ 1 người phụ thuộc thì có hơn 2 người trong độ tuổi lao động. Với cơ cấu dân số này, Việt Nam đã bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” từ năm 2007, đồng thời cũng bắt đầu thời kỳ “già hóa dân số”.


 anh

Hình 2. Cơ cấu dân số Việt Nam theo nhóm tuổi, 2002-2012

Nguồn: – Niên giám Thống kê các năm 2002 – 2011, NXB Thống kê;

           – Báo cáo công bố số liệu kinh tế – xã hội năm 2012 của TCTK.

Năm 2012, quy mô dân số từ 15 tuổi trở lên đạt 69,24 triệu, chiếm 77,94% tổng dân số cho thấy nguồn lao động khá dồi dào. Giai đoạn 2002-2012, nguồn lao động tăng trưởng nhanh với tốc độ bình quân 1,8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dân số chung (1,11%/năm).

Chất lượng dân số nước ta ngày càng được cải thiện. Tỷ suất chết thô, tỷ suất chết của bà mẹ và tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta giảm mạnh. Khi mức sinh, mức chết đều giảm và điều kiện kinh tế-xã hội, y tế, giáo dục của đất nước được nâng lên thì tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cũng tăng lên. Trong vòng hơn 50 năm, tuổi thọ bình quân đã tăng thêm 33 tuổi (từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2012), trong khi đó thế giới chỉ tăng thêm 21 tuổi. Về trình độ học vấn, tỷ lệ dân số từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đi học đã giảm mạnh, từ 18% năm 1989 xuống 5,1% năm 2009.

1.2. Lực lượng lao động

Năm 2012, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,35 triệu người chiếm 58,96% tổng dân số, trong đó nam giới chiếm khoảng 51%, nữ chiếm 49%. Lực lượng lao động khu vực thành thị đạt là 15,88 triệu người (chiếm 30,33%), lực lượng lao động nông thôn đạt 36,46 triệu người (chiếm 69,65%).

Phân bố lực lượng lao động thành thị-nông thôn trong những năm vừa qua chịu ảnh hưởng mạnh của di cư lao động. Giai đoạn 1999-2009, số người di cư nông thôn- thành thị tăng từ 856 nghìn, chiếm 7,2% dân số thành thị, lên 2,06 triệu người, chiếm 8,9% dân số thành thị. Sự giảm cầu lao động trong các hoạt động nông nghiệp tại nông thôn và gia tăng các cơ hội việc làm tại các thành phố và các khu công nghiệp là những lý do chính cho hiện tượng này. Lao động di cư có những đặc điểmlà nữ chiếm tỷ lệ cao hơn so với nam giới và đa số dân di cư là những người ở độ tuổi thanh niên. Người di cư đã tạo nên một lực lượng lao động dồi dào, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở cả nơi đi và nơi đến. Tuy nhiên, người di cư cũng tạo ra sức ép rất lớn về việc làm đối với nơi đến, tạo khoảng trống về lao động đối với nơi đi và ảnh hưởng đến cơ cấu ngành nghề, năng suất lao động của nơi đi. Một bộ phận lớn người dân di cư đã và đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức về điều kiện sống và làm việc: công việc nặng nhọc, lương thấp và không ổn định, điều kiện làm việc kém, khó khăn trong tiếp cận được với các chính sách an sinh xã hội (y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội…), nảy sinh nhiều vấn đề xã hội như mại dâm, ma túy, buôn bán người. Đã xuất hiện hình thái tập trung nhiều lao động trẻ ở nơi đến và dân số già hóa ở nơi đi. Già hóa dân số ở nơi đi làm gia tăng tỷ lệ phụ thuộc và đặt ra nhiều thách thức đối với an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người già. Tỷ lệ đang học tiểu học và trung học cơ sở của trẻ em trong độ tuổi đến trường ở nhóm trẻ em di cư thấp hơn đáng kể so với nhóm trẻ em không di cư.

Lực lượng lao động nước ta khá trẻ, gần 52% ở độ tuổi dưới 40, trong đó tập trung đông nhất ở nhóm 15-24 tuổi (15,07%); 35-39 tuổi (12,55%); nhóm 40-44 tuổi (12,33%) và nhóm từ 25-29 tuổi (12,26%). Lực lượng lao động trên 60 tuổi chiếm 7,3%.

Bảng 1. Lực lượng lao động theo nhóm tuổi, 2012

Nhóm tuổi Số lượng (người) Cơ cấu (%)
15-19 tuổi 2700544 5.16
20-24 tuổi 5187250 9.91
25-29 tuổi 6420238 12.26
30-34 tuổi 6306863 12.05
35-39 tuổi 6571025 12.55
40-44 tuổi 6456858 12.33
45-49 tuổi 6259535 11.96
50-54 tuổi 5136689 9.81
55-59 tuổi 3487274 6.66
60-64 tuổi 1906316 3.64
>=65 tuổi 1915449 3.66
Tổng số 52348041 100.00

Nguồn: ILSSA tính toán từ “Số liệu điều tra lao động – việc làm năm 2012” của TCTK.

Chất lượng của lực lượng lao động nước ta vẫn còn thấp. Đến năm 2012, chỉ có ¼ lực lượng lao động có trình độ trung học phổ thông (26,6%), lực lượng lao động chưa đạt được trình độ tiểu học vẫn còn ở mức cao (15,45%). Tỷ lệ lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm gần 45,9%, tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên mới chiếm khoảng 8,4% trong tổng lực lượng lao động.

1.3. Việc làm

Năm 2012, tổng việc làm cả nước khoảng 51,42 triệu người. Chuyển dịch cơ cấu đã góp phần làm thay đổi cả cơ cấu dân số nông thôn-thành thị, hiện ngành nông nghiệp chiếm 47,3% tổng việc làm cả nước. Việc làm ngoài nước, năm 2012, đạt 80,320 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, mới chiếm gần 0,16% tổng việc làm.

Theo nhóm tuổi, lao động có việc làm tập trung đông nhất ở nhóm tuổi trung niên (từ 30 đến dưới 60 tuổi (chiếm 78,1% tổng số việc làm); nhóm thanh niên (từ 15-29 tuổi) chỉ chiếm 14,5% tổng số việc làm; người cao tuổi (trên 60 tuổi) theo quy định của pháp luật lao động đã hết tuổi lao động hiện chiếm 7,42% tổng số việc làm với gần 4 triệu người. Như vậy, với tổng số 9,3 triệu người trên 60 tuổi, cứ 10 người trên 60 tuổi thì có 4 người vẫn đang làm việc. Lý do chính để người cao tuổi tiếp tục làm việc là nhu cầu về thu nhập cộng với sức khỏe cho phép và kinh nghiệm làm việc. Các chủ sử dụng lao động đánh giá người cao tuổi cao tuổi thân thiện, tận tâm, chu đáo, cẩn thận và có kỹ năng chuyên môn tốt hơn so với lao động trẻ; chủ sử dụng lao động cũng nhận thức được, sự hết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm của người lao động cao tuổi với các nhân viên trẻ hiểu biết về công nghệ là cách tốt nhất để tăng năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì vậy, xu thế trong tương lai là người cao tuổi sẽ tiếp tục được khuyến khích làm việc.

Bảng 2. Việc làm theo nhóm tuổi, 2012

Nhóm tuổi Số lượng (người) Cơ cấu (%)
15-19 tuổi 2.550.894 4,96
20-24 tuổi 4.904.830 9,54
25-29 tuổi 6.258.020 12,17
30-34 tuổi 6.232.237 12,12
35-39 tuổi 6.520.930 12,68
40-44 tuổi 6.412.298 12,47
45-49 tuổi 6.212.228 12,08
50-54 tuổi 5.062.994 9,85
55-59 tuổi 3.450.244 6,71
60-64 tuổi 1.904.307 3,70
>=65 tuổi 1.913.458 3,72
Tổng số 51.422.441 100,00

Nguồn: ILSSA tính toán từ “Số liệu điều tra lao động – việc làm năm 2012” của TCTK.

Việc làm có chuyên môn kỹ thuật đã tăng lên đáng kể nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Năm 1996, cả nước có 27,2 triệu lao động làm trong các nghề giản đơn, chiếm 71,2% tổng số việc làm thì đến năm 2012, số lao động làm nghề giản đơn đã giảm hẳn cả về số tuyệt đối và tương đối với 20,8 triệu người, chiếm tỷ lệ 40,5%.

Theo vị thế việc làm, năm 2012, cả nước có 17,85 triệu người lao động làm công ăn lương, 1,39 triệu chủ doanh nghiệp có thuê lao động và 32,13 triệu người lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương với cơ cấu tương ứng là 34,71% – 2,70% – 62,48%. Giai đoạn 2002 – 2012, số lượng lao động làm công ăn lương tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua với tốc độ tăng bình quân một năm là 8,32%. Bên cạnh đó, nhóm chủ doanh nghiệp có thuê lao động mặc dù còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu việc làm song đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng 33,58%/năm. Năm 2012, do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy giảm kinh tế của những năm trước làm số doanh nghiệp bị giải thể và phá sản tăng lên, số lượng lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương tăng gần 492 ngàn lao động so với năm 2011, số chủ doanh nghiệp có thuê lao động cũng giảm gần 78 ngàn người, chất lượng việc làm bị giảm sút.


Bảng 3: Cơ cấu lao đông theo hình thức việc làm, 2002 – 2012

  Cơ cấu việc làm theo hình thức việc làm (%) Tốc độ tăng bình quân   (%/năm)
2002 2005 2007 2011 2012 2002-2006 2007-2012 2002-2012
Tổng số 100,0 100,0 100,0 100,0 100,0 2,69 2,49 2,60
Lao động làm công ăn lương 20,4 25,7 29,5 34,6 34,71 9,64 6,49 8,32
Chủ DN có thuê lao động 0,4 0,4 0,3 2,9 2,70 21,89 35,70 33,58
Lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương 78,3 73,9 69,7 62,4 62,48 0,73 0,20 0,55
Khác 0,9 0 0,5 0,1 0,12

Nguồn: – Số liệu TK Việc làm-Thất nghiệp ở VN 1996- 2005 của Bộ LĐTBXH. NXB LĐXH, 2006;

           – Số liệu TK Lao động -Việc làm – Thất nghiệp năm 2008, 2009, 2010 của TCTK;

           – ILSSA tính toán từ “Số liệu điều tra lao động – việc làm năm 2011, 2012” của TCTK

Như vậy, tỷ lệ việc làm không chính thức ở nước ta rất lớn, khoảng 70-75% nếu kể cả lao động làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng. Đây chính là bộ phân lao động dễ bị tổn thương với các đặc điểm là không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội, không được công đoàn bảo vệ và không được hưởng các phúc lợi xã hội cơ bản.

Về bảo hiểm xã hội, năm 2012, số người tham gia BHXH bắt buộc ước đạt 10,437 triệu người, tham gia BHXH tự nguyện mới đạt gần 140 nghìn người. Như vậy, số lao động tham gia BHXH cả nước mới chiếm 20,2% lực lượng lao động, tỷ lệ này vẫn còn rất thấp so với mục tiêu mở rộng hệ thống BHXH bao phủ 30% lực lượng lao động vào năm 2015 và 50% vào năm 2020. Đáng chú ý là trong 3 năm gần đây, qui mô tăng thêm số người tham gia BHXH bắt buộc hàng năm có xu hướng giảm dần. Giai đoạn 2002-2010, số tham gia BHXH bắt buộc bình quân mỗi năm tăng thêm 615,5 nghìn người, trong khi con số này là 511 nghìn người trong giai đoạn 2010-2012, đặc biệt năm 2012 chỉ tăng thêm 332 nghìn người, bằng gần ½ quy mô tăng bình quân cả giai đoạn.Năm 2012, cả nước có trên 2,5 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội hàng tháng, chiếm khoảng 27% dân số từ 60 tuổi trở lên. Về bảo hiểm thất nghiệp, sau 4 năm triển khai, năm 2012, ước tính có 8.305 nghìn người tham gia, chỉ chiếm 15,8% lực lượng lao động và khoảng 46,53% số người làm công ăn lương cả nước.

Về tiền lương thu nhập, lao động khu vực phi chính thức có mức thu nhập bình quân tháng và phúc lợi thấp hơn nhiều so với khu vực chính thức. Năm 2012, lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng cao nhất (gần 5,6 triệu đồng), tiếp đến là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (4,5 triệu đồng).


Hình 3: Tiền lương bình quân tháng của lao động làm công ăn lương 2012

anh

Nguồn: Tính toán từ Số liệu Điều tra Lao động Việc làm năm 2012 của Tổng Cục Thống Kê

Thất nghiệp ở nước ta thấp cả về số lượng người và tỷ lệ. Năm 2012, cả nước có 925,6 nghìn người thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp là 1,77%, đã giảm 0,23 điểm phần trăm so với năm 2011 (2%). Năm 2012, tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên (độ tuổi 15-29) cao khoảng 2,5 lần so với tỉ lệ thất nghiệp chung (4,2% so với 1,77%) và số lượng thanh niên thất nghiệp chiếm 64,2% trong tổng số. Ở nhóm tuổi càng trẻ tỷ lệ thất nghiệp càng cao – 5,54% ở nhóm tuổi 15-19; 5,44% ở nhóm tuổi 20-24; 2,53% ở nhóm tuổi 25-29. Đặc biệt, ở hai nhóm tuổi 15-19 và 20-24, tỷ lệ thất nghiệp đã có xu hướng tăng.


Bảng 4. Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp theo nhóm tuổi, 2002 – 2012, nghìn người

Năm 2011 Năm 2012
Số thất nghiệp LLLĐ Tỷ lệ thất nghiệp (%) Số thất nghiệp LLLĐ Tỷ lệ thất nghiệp (%)
Cả nước 1.045 51724 2,0 925,6 52350 1,77
15-19 tuổi 153 3102 4,9 150 2701 5,54
20-24 tuổi 287 5417 5,3 282 5187 5,44
25-29 tuổi 178 6664 2,7 162 6420 2,53
30-34 tuổi 92 6431 1,4 75 6307 1,18
35-39 tuổi 70 6497 1,1 50 6571 0,76
40-44 tuổi 65 6171 1,1 45 6457 0,69
45-49 tuổi 68 5939 1,1 47 6260 0,76
50-54 tuổi 81 4847 1,7 74 5137 1,43
55-59 tuổi 44 3136 1,4 37 3487 1,06
60-64 tuổi 4 1698 0,2 2 1906 0,11
>=65 tuổi 3 1822 0,1 2 1915 0,1

Nguồn: ILSSA tính toán từ “Số liệu điều tra lao động – việc làm năm 2011, 2012” của TCTK.

Thiếu việc làm tập trung nhiều ở ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn. Năm 2012, cả nước có 1,34 triệu lao động thiếu việc làm (có thời gian làm việc ít hơn 35 giờ/tuần), chiếm 2,6% tổng việc làm, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn cao gần gấp đôi so với khu vực thành thị. Thiếu việc làm tỷ lệ nghịch với độ tuổi, càng ít tuổi thì tỷ lệ thiếu việc làm càng cao. Ở độ tuổi 15-19 tuổi, tỷ lệ thiếu việc làm là 5,22%; nhóm 20-24 tuổi là 3,76% trong khi đó ở nhóm trên 60 tuổi rất thấp (chỉ có 1,57% và 0,6%).

Bảng 5. Thiếu việc làm theo nhóm tuổi, 2012

Nhóm tuổi Số lượng (người) Tỷ lệ thiếu việc làm (%) Cơ cấu (%)
15-19 tuổi 133.252 5,22 9,92
20-24 tuổi 184.600 3,76 13,74
25-29 tuổi 168.938 2,70 12,57
30-34 tuổi 149.793 2,40 11,15
35-39 tuổi 157.696 2,42 11,74
40-44 tuổi 163.816 2,55 12,19
45-49 tuổi 160.517 2,58 11,95
50-54 tuổi 111.687 2,21 8,31
55-59 tuổi 71.793 2,08 5,34
60-64 tuổi 29.860 1,57 2,22
>=65 tuổi 11.561 0,60 0,86
Tổng số 1.343.514 2,61 100,00

Nguồn: ILSSA tính toán từ “Số liệu điều tra lao động – việc làm năm 2012” của TCTK.

1.4. Dạy nghề

Năm 2011, cả nước có 16,6 triệu lao động đã qua đào tạo nghề chiếm 32% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đã tăng lên hàng năm: năm 2006 là 17,65%, năm 2007 là 18,68%; năm 2010 đạt khoảng 22%.Tỷ lệ lao động có kỹ năng nghề chiếm khoảng 25% trong tổng số lao động xuất khẩu. Mặt bằng chất lượng lao động của Việt nam còn thấp và còn khoảng cách khá xa so với các nước khu vực trong quá trình phát triển đất nước và cạnh tranh quốc tế.

Năm 2011 cả nước có 135 trường cao đẳng nghề (trong đó có 33 trường ngoài công lập), 320 trường trung cấp nghề (trong đó có 111 trường ngoài công lập); 849 trung tâm dạy nghề (trong đó có hơn 300 trung tâm ngoài công lập) và khoảng 1000 cơ sở khác (các cơ sở giáo dục – đào tạo, doanh nghiệp,…) tham gia dạy nghề. Số lượng tuyển sinh dạy nghề tăng từ 887,3 nghìn người (ngoài công lập 170 nghìn) năm 2001 lên 1,748 triệu người (ngoài công lập 625 nghìn) năm 2010, tăng 1,96 lần, trong đó trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề tăng 2,2 lần.

Như vậy, thách thức chính ở nước ta là vấn đề chất lượng việc làm, đặc biệt là chất lượng việc làm của thanh niên (tỷ lệ dân số làm việc, thu nhập, vị thế, việc làm có bảo hiểm xã hội, trình độ chuyên môn kỹ thuật yêu cầu, thất nghiệp trá hình dưới các hình thức khác nhau…). Kết quả là năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Nhật Bản 38,8 lần, Hàn Quốc 16,2 lần, Malaysia 6,6 lần, Thái Lan 2,3 lần, Trung Quốc 1,9 lần và Indonesia 1,4 lần.

  1. Xu hướng dân số, lao động việc làm trong những thập kỷ tới

2.1. Dân số

Về quy mô và cơ cấu, dự báo quy mô dân số tiếp tục gia tăng, đến năm 2049 có khoảng 108 triệu người (theo phương án tăng trung bình), đến khoảng giữa thế kỷ 21 mới đạt mức cực đại. Bình quân mỗi năm nước ta vẫn tăng gần 1 triệu người. Dân số trong độ tuổi 15-64 sẽ tăng dần đạt mức cực đại khoảng 71,9 triệu người vào năm 2039 và giảm dần xuống còn 70 triệu người năm 2049. Tỷ lệ tăng dân số trong độ tuổi 15-64 sẽ giảm mạnh vào thập niên 2030-2040 (xuống dưới 0,7% và 0,2% tương ứng).

Tỷ số phụ thuộc của dân số nước ta vẫn tiếp tục giảm, đạt giá trị cực tiểu là 43 vào khoảng năm 2015. Điều đó có nghĩa là, vào năm 2015, cứ khoảng 2,3 người trong độ tuổi lao động mới phải “gánh” một người ngoài độ tuổi lao động. Sau năm 2019, tổng tỷ số phụ thuộc tăng dần và đến khoảng năm 2041, tổng tỷ số phụ thuộc quay về con số 50% và sẽ tiếp tục tăng. Sau năm 2040, tổng tỷ số phụ thuộc sẽ tăng rất nhanh chủ yếu do số lượng và tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh. Đến năm 2049, tổng tỷ số phụ thuộc của nước ta là 55,2.

anh

Hình 4: Xu hướng dân số Việt Nam, 1970-2040

Nguồn:World Population Prospects 2010 và tính toán của Phạm Ngọc Toàn trong “Cơ hội từ biến đổi dân số cho tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người”- Bản tin Khoa học Lao động và Xã hội, số 26, Quý I/2011.


Về chất lượng, mất cân bằng giới tính khi sinh diễn biến ngày càng nghiêm trọng, mỗi năm tăng khoảng 1 điểm phần trăm và dự báo còn tiếp tục tăng và ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội và an ninh trật tự. Chất lượng dân số còn rất nhiều khó khăn. Di cư và đô thị hóa tăng mạnh, hiện tượng “nữ hóa di cư” cũng đặt ra những thách thức đối với việc bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng chăm sóc y tế, sức khỏe sinh sản/KHHGĐ.

Về cơ hội và thách thức, dự báo đến năm 2040 dân số trong tuổi lao động (15-64 tuổi) bắt đầu giảm, có nghĩa rằng thời kỳ “dân số vàng” của nước ta sẽ kéo dài từ năm 2007 đến khoảng năm 2041 (khoảng 34 năm). Đây sẽ là cơ hội “vàng” cho tích lũy và tăng trưởng kinh tế. Với lực lượng lao động dồi dào, nếu tận dụng tối đa trí tuệ và sức lao động thì sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn dân số “già”. Theo Tổng Cục Thống Kê, thời kỳ quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của nước ta diễn ra trong thời gian 18-20 năm. “Già hóa dân số” hay nói cách khác, tuổi thọ người dân tăng cao, phản ánh những thành tựu to lớn của đất nước. Bước vào giai đoạn “già hóa dân số”,,nước ta vừa thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp để trở thành nước có thu nhập trung bình nhưng đồng thời phải giải quyết những vấn đề của cơ cấu “dân số vàng”, do vậy cũng đồng nghĩa với việc phải đương đầu với những thách thức rất lớn.

2.2. Lao động

Dự báo, lực lượng lao động nước ta đến năm 2050 đạt 68,2 triệu người, chiếm khoảng 76% dân số từ 15 tuổi trở lên. Tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động có xu hướng tăng đến năm 2020 (1,7%/năm) và sẽ có giảm dần từ năm 2021 trở đi, tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng dân số 15 tuổi trở lên. Đặc biệt, ở thập niên 2040-2050 lực lượng lao động hầu như không tăng (chỉ dao động từ 68,0 đến 68,2 triệu lao động).

Về cơ hội, lực lượng lao động gia tăng cả về số lượng cũng như tỷ lệ tham gia trong thập niên này, do vậy kinh tế có tiềm năng phát triển cao hơn nếu chúng ta khai thác có hiệu quả tiềm năng “vàng” này. Mặt khác, xã hội ngày một phát triển đòi hỏi gia tăng thu nhập nhằm thỏa mãn nhu cầu cao hơn như giải trí, du lịch và nâng cao giá trị cuộc sống nên nhu cầu làm việc sẽ gia tăng không chỉ với dân số trong tuổi lao động mà cả dân số ngoài tuổi lao động. Người ngoài tuổi lao động sẽ vẫn có nhu cầu lao động, vừa để đảm bảo an sinh cho tương lai, vừa để tăng cường sức khỏe, góp phần giảm gánh nặng cho xã hội (Số liệu thống kê cho thấy ngay từ năm 2001 số người ngoài tuổi lao động tham gia hoạt động kinh tế ngày một gia tăng, từ 1,6 triệu người lên 3,1 triệu người năm 2005 và 4 triệu người vào năm 2007).

Về thách thức, tương tự như nhóm dân số từ 15 tuổi trở lên, lực lượng lao động có tốc độ tăng trưởng cao nhưng giảm dần ở 2 thập niên 2000-2010-2020 với các mức tương ứng là 2,8% và 1,7%. Tuy nhiên, ở hai thập niên sau (2020-2030-2040) tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động không chỉ tiếp tục giảm mà có xu hướng tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng dân số 15 tuổi trở lên. Đặc biệt, ở thập niên 2040-2050 lực lượng lao động hầu như không tăng (chỉ dao động từ 68.055 đến 68.243 nghìn lao động). Khi đó khả năng thiếu lao động là rất lớn đối với những doanh nghiệp duy trì công nghệ thâm dụng lao động hay quá lệ thuộc vào số lượng lao động giá rẻ. Thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già nhanh sẽ khiến cho Việt Nam phải đối mặt nhanh với tình trạng thiếu lao động và không đủ người để để cung cấp các dịch vụ cho người già và trẻ em.

2.3. Việc làm

Dự báo, số lao động có việc làm dự báo sẽ đạt 54,1 triệu người năm 2015 và 59,5 triệu người năm 2020, tốc độ tăng bình quân 1,8%/năm giai đoạn 2012-2015 và 1,4%/năm giai đoạn 2016-2020. Tốc độ tăng việc làm dự kiến trong giai đoạn 2021-2050 là 1,2%/năm. Lao động có việc làm ở thành thị đạt 15 triệu người vào năm 2012 và 23,5 triệu người năm 2020, bình quân tăng 6,2%/năm giai đoạn 2012-2015 và 5,4%/năm giai đoạn 2016-2020. Việc làm khu vực nông thôn giảm chậm (0,1%/năm) giai đoạn 2012-2015 nhưng sẽ giảm nhanh hơn (0,9%/năm) trong giai đoạn 2016-2020. Dự báo người cao tuổi vẫn tiếp tục tham gia làm việc sau khi nghỉ hưu và là một nguồn thu nhập gia đình quan trọng trong tương lai. Dự báo đến năm 2020 có hơn 20 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 78% số người tham gia bảo hiểm xã hội.

Về cơ hội, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, đến năm 2020, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm còn 30,3%, giai đoạn 2012-2020 mỗi năm sẽ tiếp tục chuyển 817 nghìn lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp (trong đó 50% sẽ tiếp tục làm việc ở nông thôn, 50% làm việc ở khu vực thành thị). Ngành dịch vụ sẽ phát triển mạnh với lượng hút mỗi năm 989 nghìn người, lớn hơn 1,5 lần lượng hút của ngành công nghiệp.

Về thách thức, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đặt ra những thách thức đối với chính sách thị trường lao động, đặc biệt là đào tạo nghề và bố trí việc làm cho nông dân mất đất sản xuất nông nghiệp. Trong dài hạn, nông nghiệp vẫn giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, dự báo cho thấy năm 2050 lao động trong nông nghiệp còn khoảng 20%.

2.4. Dạy nghề

Dự báo, tổng số lao động qua đào tạo của toàn nền kinh tế khoảng 30,79 triệu người (năm 2015); 42,01 triệu người (năm 2020); 52,49 triệu người (năm 2030); 57,85 triệu người (năm 2040) và 60,05 triệu người (năm 2050). Trong đó, số lao động qua đào tạo nghề của cả nước tương ứng là 22,4 triệu người; 33 triệu người; 42,65 triệu người; 47,64 triệu người và 49,82 triệu người. Như vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong tổng lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên sẽ tăng từ 24,5% năm 2011 lên đến 40,3% năm 2015, 54,3% năm 2020, 65% năm 2030, 70% năm 2040 và 73% năm 2050.Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 35%; công nghiệp – xây dựng 63% và dịch vụ 50%. Nhu cầu nhân lực trình độ cao cho một số tập đoàn kinh tế khi mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ ngày càng tăng lên.Tổng số nhân lực được đào tạo để đi làm việc ở ngoài nước thời kỳ 2011 – 2015 khoảng 450.000 người và thời kỳ 2016 – 2020 khoảng 670.000 người với bậc đào tạo khác nhau, trong đó 50% trung cấp nghề trở lên.

Về cơ hội, hội nhập quốc tế sâu, rộng tạo điều kiện thuận lợi cho dạy nghề tiếp cận với những kiến thức mới, công nghệ mới, mô hình dạy nghề hiện đại; mở rộng trao đổi kinh nghiệm, có cơ hội tiếp cận, thu hút các nguồn lực bên ngoài cho phát triển dạy nghề.

Về thách thức, quá trình công nghiệp hóa đất nước đòi hỏi một đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật trình độ cao với đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm; do vậy thị trường lao động trong nước, khu vực và thế giới đòi hỏi người lao động phải đạt tiêu chuẩn kỹ năng nghề hướng tới chuẩn khu vực và thế giới.

  1. 3. Hàm ý chính sách

Đánh giá chung cho thấy, cho đến nay chưa có những đánh giá đầy đủ, tổng thể và dự báo chi tiết dựa trên cơ sở khoa học về tác động của giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” và “già hóa dân số” đến các lĩnh vực dân số, lao động và xã hội để làm căn cứ hoạch định các chính sách xã hội. Do vậy, vấn đề tận dụng cơ hội và đối mặt với những thách thức của hai giai đoạn dân số này chưa được đề cập đến một cách cụ thể trong các chiến lược, đề án và các chính sách, chương trình của quốc gia cũng như của từng Bộ, ngành. Nhận thức của các cơ quan nhà nước và công chức về cơ hội và thách thức trong giai đoạn “dân số vàng” và chuẩn bị cho thời kỳ ”dân số già” cũng còn hạn chế. Hiện tại vẫn chưa có cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chung về chuẩn bị tận dụng cơ hội “dân số vàng” và đối phó với những thách thức của “già hóa dân số” nhằm phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là về chất lượng dân số, việc làm nhân văn, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội. Đang chỉ có những cơ quan chức năng quản lý từng lĩnh vực chuyên ngành, thiếu sự điều phối quản lý thống nhất chung theo chiều dọc và chiều ngang ở tầm vĩ mô và ở cấp quốc gia theo định hướng lâu dài. Sự liên hệ, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng và thực hiện những chính sách tận dụng cơ hội có một không hai “dân số vàng” và thích ứng với giai đoạn “dân số già” còn thiếu.

Để các chính sách dân số và lao động việc làm được lồng ghép hiệu quả phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, theo chúng tôi cần tập trung hơn tới hai hướng:

3.1. Các chính sách nhằm tận dụng cơ hội dân số vàng

– Thực hiện tốt chính sách dân số để kéo dài thời gian già hóa dân số nhằm tích lũy dể phát triển kinh tế, tận dụng lực lượng lao động dồi dào, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn dân số già. Những chính sách kế hoạch hóa gia đình vẫn là cần thiết nhằm hạn chế tăng trưởng dân số, tuy nhiên nên giữ TFR ở mức hợp lý, không thấp hơn tỷ lệ thay thế. Cần có các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực như tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản, các dịch vụ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi.

– Phát triển thị trường lao động trong giai đoạn trước mắt (2013-2015) dựa vào chiến lược phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, hướng về xuất khẩu, phát huy được các lợi thế so sánh và tiềm năng của lực lượng lao động nhưng dần xóa bỏ sự phụ thuộc vào lao động giá rẻ, kỹ năng thấp và khai thác tài nguyên thô. Giai đoạn tiếp theo (2016-2020) và sau đó, thị trường lao động cần tập trung vào nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đổi mới công nghệ sản xuất và và yêu cầu kỹ năng cao.

– Thúc đẩy quá trình tự do lựa chọn việc làm và dịch chuyển lao động (dịch chuyển dọc theo các cấp trình độ, dịch chuyển ngang giữa các thành phần sở hữu, khu vực, vùng và quốc tế) đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

– Tăng cường xuất khẩu lao động nhằm đảm bảo tạo việc làm nhiều hơn và chất lượng tốt hơn cũng như cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho những lao động xuất khẩu trở về Việt Nam.

– Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng của thị trường lao động (tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động) và tổ chức cung cấp các dịch vụ công có hiệu quả.

– Trong thời gian tới, cần tập trung đổi mới hệ thống giáo dục-đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giáo dục phổ thông cần chuyển từ mở rộng số lượng sang nâng cao chất lượng, cấu trúc của hệ thống giáo dục phổ thông cần thay đổi căn bản theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức, đạo đức và thể chất cho dân số trẻ. Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh; thu hút, khuyến khích học sinh, người lao động nói chung, lao động trẻ nói riêng tham gia đào tạo nghề.Cải thiện sự tham gia dịch vụ tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ đào tạo và giáo dục, cải thiện khả năng tiếp cận với các dịch vụ đối với người nghèo và người dễ bị tổn thương. Đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành, phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế và nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Tiếp tục chuyển mạnh đào tạo theo “hướng cầu” của thị trường lao động, nghiên cứu và áp dụng các mô hình đào tạo gắn chặt với doanh nghiệp. Tập trung đột phá vào chất lượng dạy nghề, ưu tiên các trường đạt đẳng cấp quốc tế; các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tếphù hợp với các lĩnh vực ưu tiên sản xuất, mũi nhọn để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

– Tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tiến tới mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm xã hội. Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

3.2. Các chính sách nhằm thích ứng với các thách thức về già hóa dân số

– Thực hiện bình đẳng giới và có phương án tăng tuổi nghỉ hưu vào thời điểm thích hợp, chú trọng các chính sách khai thác lợi thế của lao động là người cao tuổi và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

– Tạo điều kiện phát triển việc làm bán thời gian như là một cách thức tạo việc làm cho người cao tuổi, người hết tuổi lao động. Có các chính sách hỗ trợ đào tạo lại để những người cao tuổi có nhu cầu có thể chuyển đổi sang nghề phù hợp.

– Từng bước mở rộng hình thức bảo hiểm xã hội, thí điểm và triển khai thực hiện chế độ hưu trí bổ sung, mô hình tài khoản cá nhân danh nghĩa nhằm đảm bảo tốt hơn cuộc sống cho người nghỉ hưu và giảm áp lực đối với quỹ hưu trí hiện hành.

– Mở rộng chính sách trợ cấp xã hội cho nhóm người cao tuổi và tiến tới một hệ thống đảm bảo mức sống tối thiểu cho mọi người cao tuổi. Phát triển các mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho người cao tuổi tại cộng đồng; khuyến khích, mở rộng sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi./.

PGS. TS. Nguyễn Bá Ngọc – ThS. Đặng Đỗ Quyên

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ LĐ-TB&XH, Báo cáo về chính sách dân số, lao động và xã hội trình Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, kèm theo công văn số 3082/LĐTBXH-KHLĐXH ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ LĐ-TB&XH)
  2. Bộ Y tế, Báo cáo về chính sách dân số và gia đình gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, kèm theo Công văn số 551/BC-BYT ngày 27/6/2012
  3. Ho, N., and M. Zjhra. 2008. “Chuyển đổi sang hthống đào tạo tín chỉ ở Vit Nam: Cơ hội và thách thc”. Báo cáo ti hi tho Giáo dục Việt Nam trong Bối cảnh Toàn cầu hóa do Trung tâm Nghiên cứu và Giao lưu Văn hóa Giáo dục Quc tế, Vin Nghiên cu Giáo dc- Trường Đại học Sư phạm TPHCM tchc ngày 23-5-2008 ti TPHCM.
  4. Nguyễn Đình Cử. 2008b. “Cơ cấu dân số Việt Nam có gì mới?”, Tạp chí Cộng sản.
  5. Nguyn Thế Hu. 2008. “Chất lượng dân scao tui Vit Nam hin nay – Phn I”. Tạp chí Cộng sản số 19(163).
  6. Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bản tin Khoa học Lao động và Xã hội, số 36, Quý III năm 2013
  7. Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bản tin Khoa học Lao động và Xã hội, số 26, Quý I năm 2011
  8. Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Xu hướng Lao động và Xã hội Việt Nam 2012.