Hội thảo "Thực trạng tiếp cận hệ thống dịch vụ việc làm của lao động di cư"

03/12/2018 15:40:26

              Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực của các tổ chức và các bên liên quan trong xây dựng khung thể chế, chính sách nhằm tăng cường bình đẳng ở Việt Nam”, hôm nay được sự đồng ý của Bộ LĐ-TB&XH, Viện KHLĐ&XH phối hợp với Viện Hanns Seidel (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo: “Thực trạng tiếp cận hệ thống dịch vụ việc làm của lao động di cư”. Hội thảo diễn ra vào thứ 5 ngày 29/11/2018 tại Khách sạn Vietsovpetrol Đà Lạt, Lâm Đồng.

Mục tiêu của hội thảo nhằm:

(i)                Trình bày cách tiếp cận hệ thống dịch vụ việc làm của lao động di cư qua kết quả khảo sát tại Hà Nội và Bình Dương;

(ii)             Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tại một số tỉnh;

(iii)           Chia sẻ nguồn nhân lực Việt Nam thời đại 4.0: Thách thức và giải pháp

(iv)           Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ việc làm cho lao động di cư của mạng lưới Hành động vì lao động di cư Mnet và chia sẻ kinh nghiệm của đại diện người di cư về tiếp cận dịch vụ việc làm

Đến tham dự hội thảo gồm có đại diện của các đơn vị thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Vụ Pháp chế, Cục Quan hệ lao động và tiền lương, TTQG về Dịch vụ việc làm và đại diện đến từ BHXH Việt Nam.

Đại diện đến từ các sở/ban ngành tỉnh Lâm Đồng: Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng, Liên đoàn lao động, Cục Thống kê, tỉnh đoàn Lâm Đồng, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lâm Đồng.

Đại diện đến từ các sở lao động thương binh và xã hội: tỉnh Bình Dương, tỉnh Đăk Nông cùng đại diện đến từ các cơ quan BHXH của các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa,…

Đại diện đến từ trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh: Bình Dương, Dak Nông, Đồng Nai, Lâm Đồng, Hải Dương, Tuyên Quang và đại diện của phòng Lao động thương binh và xã hội thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Đào Quang Vinh nêu “Hoạt động DVVL hiện nay được luật hóa tại Bộ luật Lao động năm 2012 (khoản 2 Điều 14 Bộ Luật Lao động 2012), Luật Việc làm năm 2013 (Chương V), và các Nghị định quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm... Qua hơn 30 năm hoạt động, hệ thống dịch vụ việc làm đã đóng vai trò rất quan trọng trong kết nối cung cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, cung cấp các dịch vụ tư vấn chính sách, nghề nghiệp, việc làm, xuất khẩu lao động, dịch vụ dạy nghề ngắn hạn góp phần vào giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động.

Hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên là một trong những nội dung của Dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm” thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, Dự án đã đề ra mục tiêu đến năm 2020: Tư vấn việc làm và học nghề để 45% đến 50% số người NLĐ đến các TTDVVL được giới thiệu tìm việc làm và 70% trong số đó có kết nối việc làm thành công; Hỗ trợ tư vấn, GTVL cho 10.000 lượt người LĐDC. LĐDC đến các TTDVVL được hỗ trợ tư vấn, cung cấp thông tin lao động việc làm; tư vấn nghề nghiệp, GTVL; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng tìm việc, làm việc.

Hiện nay luồng di cư từ nông thôn ra thành thị để tìm việc làm đang diễn ra mạnh mẽ. Theo kết quả Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 của Tổng Cục Thống kê, cả nước có 13,6% dân số là người di cư, 80% NDC có nguồn gốc xuất thân từ nông thôn, 51,1% NDC quyết định di chuyển do tìm được việc làm ở nơi mới. Tuy nhiên, rất ít NDC nhận được thông tin về nơi cư trú hiện tại từ các nguồn chính thức như đơn vị sử dụng lao động, trung tâm GTVL mà phần lớn biết thông tin qua người thân, bạn bè (46,7%), qua gia đình hoặc bản thân đã từng sống ở đấy (51,1%). Theo kết quả Điều tra Lao động việc làm, các hình thức tìm việc chủ yếu của LĐDC là qua bạn bè, người thân (42%), nộp đơn xin việc (29,1%), qua thông báo tuyển dụng của DN (10%); chỉ có 2,4% LĐ DC tìm việc qua cơ sở DVVL. Hiệu quả hoạt động của hệ thống DVVL trong cung cấp thông tin về thị trường lao động, giúp người di cư có việc làm ổn định, thu nhập tốt, tạo cơ hội cho NLĐ di cư được trang bị kiến thức, các kỹ năng cần thiết trong quá trình tìm việc làm và làm việc tại nơi đến…còn nhiều hạn chế.

Hội thảo cũng là diễn đàn để thảo luận về những định hướng, giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập và nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ việc làm trong thời gian tới, góp phần phát triển thị trường lao động và hỗ trợ di cư an toàn và việc làm bền vững cho lao động di cư, hướng tới xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bao trùm và bình đẳng cho mọi người.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

 

 

TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện KHLĐ&XH