Đánh giá chính sách an sinh xã hội bằng công cụ tự đánh giá: Trường hợp Việt Nam

10/07/2015 00:00:00

Đánh giá chính sách an sinh xã hội bằng công cụ tự đánh giá: Trường hợp Việt Nam

Mục tiêu

Sử dụng bộ công cụ chẩn đoán cơ bản (gọi tắt là CODI) để thử nghiệm đánh giá chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo phát triển sản xuất và chương trình hỗ trợ tiền mặt hàng tháng cho người khuyết tật và người cao tuổi tại Việt Nam.

Những phát hiện chính

  • Kết quả đánh giá chính sách bằng bộ công cụ CODI cho thấy:
  • Về chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo phát triển sản xuất: (1) Hạn mức vay dù được điều chỉnh tăng qua các thời kỳ nhưng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo; (2) Đối tượng được vay vốn chưa được hướng dẫn sử dụng vốn hợp lý hiệu quả; (3) Thiếu gắn kết, lồng ghép với các chương trình khác.
  • Về chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người cao tuổi và người khuyết tật: (1) Mức hỗ trợ cho đối tượng còn thấp, chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu của đối tượng; (2) Vẫn còn lỗi rò rỉ và bỏ sót do những nguyên nhân về thủ tục hành chính và phương pháp xác định mưc độ khuyết tật; (3) Sự phối hợp giữa các ban ngành trong quản lý đối tượng, xác định đối tượng, chi trả tiền cho đối tượng được đánh giá khá hiệu quả. Vai trò tham gia của các hiệp hội đoàn thể trong vấn đề xác định đối tượng, phát hiện đối tượng tiềm năng và giám sát cơ sở phát huy tốt; (4) Hoạt động giám sát còn chưa thật sự hiệu quả.

Qua thử nghiệm cho thấy được bộ công cụ CODI cũng cần phải chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình ở Việt Nam. Ví dụ: Nội dung bộ câu hỏi quá chi tiết, mang tính học thuật; nhiều nội dung còn chung chung, khó áp dụng; Không thể phù hợp để áp dụng đánh giá đối với cấp tỉnh.

Giải pháp, khuyến nghị

Về chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo phát triển sản xuất:

  • Tăng cường phối hợp giữa NHCSXH và các ngành (LĐTBXH, NN&PTNT, Công thương…) trong hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả vốn vay trong SXKD;
  • Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng, rà soát, bổ sung hộ nghèo, hộ tái nghèo.
  • Về chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người cao tuổi và người khuyết tật:
  • – Điều chỉnh kịp thời mức chuẩn trợ cấp cho các đối tượng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tễ – xã hội của đất nước;
  • Xây dựng phương pháp xác định mức độ khuyết tật riêng đối với nhóm khuyết tật thần kinh, tâm thần;
  • Sớm thực hiện mã số định danh và xây dựng hệ thống quản lý thông tin đối tượng thống nhất từ Trung ương tới địa phương;
  • Tăng tính gắn kết và lồng ghép với các chương trình khác trong hệ thống ASXH;
  • Tăng cường các kênh phản hồi, công tác giám sát, đánh giá. Nâng cao hơn nữa vai trò của cộng đồng xã hội trong tham gia và giám sát.

Về bộ công cụ chẩn đoán cơ bản (CODI)

  • Khi áp dụng thực tế, cần được điều chỉnh cho phù hợp với mỗi loại chương trình/chính sách để đi sâu, khai thác được thông tin theo đặc trưng của chương trình đó;
  • Nên có các phiên bản khác nhau cho các đối tượng khác nhau (ví dụ nhà hoạch định chính sách/người thực hiện chính sách/cơ quan nghiên cứu/đối tượng thụ hưởng/…) ở các cấp khác nhau (trung ương/địa phương/cộng đồng/…);
  • Đơn giản hóa hoặc làm cho các câu hỏi dễ hiểu hơn (với tất cả các module);

Nên kèm theo một bảng giải thích thuật ngữ được sử dụng trong bộ công cụ.

2014, ThS Lưu Quang Tuấn và nhóm nghiên cứu