Đánh giá kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện của khu vực phi chính thức trên địa bàn Tp. Hà Nội

10/07/2015 00:00:00

(Dự án Nâng cao năng lực trong triển khai chính sách An sinh xã hội giai đoạn 2012-2020 của Việt Nam)

Những phát hiện chính

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện triển khai thực hiện từ năm 2008, đây là chính sách đặc thù được thiết kế với hai chế độ hưu trí và tử tuất là cơ hội để mọi người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia để được hưởng lương hưu khi về già, góp phần mở rộng độ bao phủ của hệ thống BHXH hiện hành. Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện, số người tham gia BHXH tự nguyện còn rất ít, khoảng 140 nghìn người so với đối tượng thuộc diện tham gia hiện rất lớn (lao động phi chính thức, nông dân…), cho thấy chính sách và triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện còn nhiều hạn chế, bất cập.

Kết quả nghiên cứu cho thấy BHXH tự nguyện giúp nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả hoạt động của thị trường lao động, hỗ trợ người lao động không bị gián đoạn trong tham gia BHXH do di chuyển việc làm từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức và ngược lại. So với BHXH bắt buộc, các qui định về chế độ hưu trí của chính sách BHXH tự nguyện được thiết kế theo hướng đảm bảo tính bền vững của tài chính quỹ BHXH hơn; giảm thiểu nguy cơ quỹ BHXH bị lạm dụng. Tuy nhiên, một số qui định chính sách hiện hành chưa hấp dẫn người lao động tham gia: (i) dù có 75% người lao động tuổi từ 45-60 có đủ năng lực tài chính để đóng BHXH thì họ cũng không thể tham gia BHXH tự nguyện vì nếu có tham gia thì khi đến tuổi nghỉ hưu họ sẽ không đủ điều kiện về số năm đóng tối thiểu là 20 năm để được hưởng lương hưu theo qui định; (ii) chưa có chính sách/cơ chế hỗ trợ một phần phí đóng BHXH tự nguyện cho 35% số người lao động không đủ khả năng tài chính để tham gia.

Công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách BHXH tự nguyện mặc dù đã được triển khai rộng rãi dưới nhiều hình thức nhưng còn chưa hấp dẫn và thu hút đối tượng, đang lồng ghép vào các chính sách bảo hiểm khác, nguồn lực thực hiện còn hạn hẹp. Theo khảo sát, chỉ có 1/3 lao động phi chính thức biết đến chính sách BHXH tự nguyện

Giải pháp, khuyến nghị

Hoàn thiện quy định hiện hành về BHXHTN: cho phép mua bù số năm đóng BHXH còn thiếu để hưởng lương hưu đối với người đủ tuổi nghỉ hưu; hỗ trợ tài chính cho lao động thu nhập thấp (mức đóng bằng 30% mức đóng tối thiểu).

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, tiếp thị xã hội về BHXH tự nguyện. Xây dựng cơ chế khuyến khích đối tượng tham gia BHXHTN.

Cơ quan BHXH địa phương cần xây dựng được cơ sở dữ liệu về: đối tượng của BHXH tự nguyện; chỉ tiêu phát triển BHXH, đưa vào Nghị quyết và Kế hoạch phát triển KTXH của từng địa phương; Phát triển mạng lưới thu/chi đảm bảo tiếp cận BHXH tự nguyện dễ dàng và thuận tiện.

2012, ThS Lưu Quang Tuấn và nhóm nghiên cứu

Tổ chức Hanns Seidel Foundation – HSF, CHLB Đức