Định hướng mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2020

10/07/2015 00:00:00

Định hướng mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2020

Những phát hiện chính

ASXH hướng tới 2 mục tiêu cơ bản: (i) bảo đảm cho nhiều người dân được tham gia vào chính sách/hệ thống và (ii) mức độ bảo vệ (mức độ hưởng lợi) được nâng cao nhằm bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, sức khỏe và các phúc lợi xã hội cho người dân khi bị mất việc làm, tuổi già, ốm đau, gặp rủi ro do thiên tai, khủng hoảng kinh tế hoặc không tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, do vậy, độ bao phủ của ASXH là mức độ hiệu quả thực hiện các chính sách và chương trình ASXH hoặc toàn bộ hệ thống ASXH do Nhà nước, các đối tác xã hội và tư nhân thực hiện.

Việc đo lường hiệu quả được thực hiện thông qua các chỉ tiêu: tỷ lệ bao phủ tiềm năng của chính sách ASXH, tỷ lệ bao phủ theo luật định của chính sách và tỷ lệ bao phủ thực tế của chính sách.

Thực trạng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội: Từ năm 2009, với việc mở rộng BHXH cho đối tượng ngoài khu vực chính thức, phạm vi bao phủ của chính sách BHXH (bắt buộc và tự nguyện) đã tăng lên đến 100%, đánh dấu một bước tiến rất quan trọng trong phát triển chính sách, song cũng đặt ra những thách thức trong công tác triển khai. Tổng số người tham gia BHXH tăng từ 4,7 triệu người năm 2003 lên 8,2 triệu người vào năm 2007 và đạt 10,5 triệu người năm 2012, tốc độ tăng cả thời kỳ đạt 9,85%, trong đó phần lớn là tham gia BHXH bắt buộc. So với lực lượng lao động, tỷ lệ bao phủ của BHXH thực tế khá thấp, chỉ đạt 11,22% năm 2003, tăng lên 17,5% năm 2007 và tăng lên 20,2% vào năm 2012, bao phủ khoảng 1/5 lực lượng lao động.

Thực trạng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Độ bao phủ tiềm năng cần hướng đến là toàn bộ (100%) người làm công ăn lương trong thị trường. Thực tế, số lượng lao động tham gia BH thất nghiệp đã tăng tương đối nhanh, năm 2009 có 5,99 triệu người, và đến năm 2012 đạt 8,3 triệu người, tốc độ tăng 1,99%/năm. So với tổng dân số tham gia lực lượng lao động đạt 12,16% năm 2009 tăng lên 15,8% năm 2012; so với lao động làm công ăn lương tăng từ 37% lên trên 46,5%.

Thực trạng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm y tế: Giai đoạn 2005-2012, với những điều chỉnh của chính sách, số lượng người tham gia BHYT đã tăng nhanh, từ 32,3 triệu người lên 59,3 triệu người, tốc độ tăng rất cao, khoảng 9,5%/năm. Số lượng người tham gia BHYT trong tổng dân số đã tăng từ 38,8% năm 2005 lên 66,8% năm 2012.

Thực trạng độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội: Giai đoạn 2001-2006, với 4 nhóm TGXH thường xuyên, có tổng số 0,6 triệu người nhận trợ cấp xã hội thường xuyên, đạt tỷ lệ bao phủ thực tế là 0,7%. Giai đoạn 2007-2009, với 9 nhóm TGXH thường xuyên, tổng số đối tượng hưởng đã tăng mạnh, đến năm 2009 đạt 1,2 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ thực tế 1,4%, tăng gấp 2 lần so với năm 2006. Từ năm 2010 đến nay, do bỏ quy định phải thuộc hộ nghèo đối với người tàn tật và giảm độ tuổi đối với người cao tuổi từ 85 xuống còn 80 tuổi, tổng số đối tượng hưởng TCXH thường xuyên tăng lên 2,65 triệu người năm 2012, đạt tỷ lệ bao phủ thực tế 3%.

Thực trạng độ bao phủ của chính sách thị trường lao động chủ động: Thời kỳ 2001-2012, dân số nông thôn từ 15+ có xu hướng tăng nhẹ, chỉ đạt 45,5 triệu năm 2012, tốc độ tăng 0,9%/năm; LLLĐ tăng chậm (1,7%/năm), đạt 36,5 triệu người; tỷ lệ tham gia LLLĐ nông thôn tiếp tục tăng nhẹ, đạt 80,15 năm 2020. Tỷ lệ LĐ không có CMKT cao (năm 2012 còn 55%) cho thấy nhu cầu của lao động về đào tạo rất lớn. Sau 3 năm thực hiện theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, có khoảng 1,09 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề, bình quân mỗi năm có 0,36 triệu lao động được đào tạo. Năm 2012, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề đạt 0,49 triệu người, tăng 1,9 lần so với năm 2010 (0,26 triệu người). Giai đoạn 2005-2012, số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có xu hướng tăng mạnh, bình quân mỗi năm có 81,1 nghìn người, tốc độ tăng 1,57%, đạt 80,3 nghìn người năm 2012. Tổng dư nợ cho vay tín dụng đã tăng từ 10,3 nghìn tỷ đồng (2003) lên 88,1 nghìn tỷ đồng năm 2011, tốc độ tăng đạt 32,3%/năm. Kết quả, có 1,97 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vay vốn với tổng dư nợ cho vay đạt 33,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2009; tổng dư nợ cho vay đối với hộ nghèo đạt 38,5 nghìn tỷ đồng và đối với hộ sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn đạt 11 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với năm 2009.

Giải pháp, khuyến nghị

Nguyên tắc mở rộng độ bao phủ của ASXH giai đoạn 2013-2020: i) đảm bảo quyền cơ bản của con người về ASXH; ii) bảo đảm công bằng về chính sách ASXH, hướng đến giảm nghèo bền vững; iii) bảo đảm công khai, minh bạch; iv) bảo đảm bền vững về tài chính; v) bảo đảm vai trò bảo trợ của Nhà nước đối với ASXH; và vi) Tiến hành các cải cách hành chính về ASXH và cải cách kinh tế xã hội khác.

Cải cách hệ thống an sinh xã hội, trong đó xây dựng một lộ trình củng cố căn cứ pháp lý cho việc hoàn thiện các chính sách hiện có, bổ sung các chính sách mới phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam và theo xu thế phát triển chung của thế giới trong giai đoạn 2013-2020.

Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về ASXH. Tiếp tục phân cấp cho địa phương và cơ sở trong thực hiện chính sách và cung cấp dịch vụ ASXH. Phát huy vai trò tích cực của các đối tác xã hội tham gia phát triển ASXH. Nâng cao năng lực tự an sinh của người dân và cộng đồng.

2011-2012, TS Nguyễn Thị Lan Hương và nhóm nghiên cứu