Năng suất lao động Việt Nam – Hướng tới cộng đồng kinh tế Asean

30/06/2015 00:00:00

Hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN là bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập trong khu vực một cách toàn diện, tạo ra một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, thị trường chung của các Quốc gia thành viên.

Bài viết đề cập đến thực trạng năng suất lao động Việt Nam và so sánh với các nước trong khu vực nhằm xác định những cơ hội cũng như thách thức liên quan đến tăng trưởng và vấn đề lao động. Kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp nhưng xét về khoảng cách năng suất lao động giữa Việt Nam với các quốc gia có năng suất lao động cao thì đang có sự thu hẹp khoảng cách tích cực.

NỘI DUNG

Hội nhập kinh tế ASEAN (AEC) là vấn đề được tất cả các Quốc gia ASEAN quan tâm và tích cực triển khai các hoạt động chuẩn bị. AEC ra đời là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện trong các nền kinh tế Đông Nam Á hướng tới mô hình một cộng đồng kinh tế – an ninh – xã hội theo kiểu Liên minh châu Âu. Đồng thời AEC cũng sẽ hòa trộn nền kinh tế của 10 Quốc gia thành viên thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung khu vực nhằm mục đích tạo ra sự ổn định, thịnh vượng và có tính cạnh tranh cao của khu vực kinh tế ASEAN ở đó có sự tự do di chuyển cuả các luồng hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và một dòng tự do hơn nữa của vốn, sự phát triển kinh tế bình đẳng và giảm nghèo đói và chênh lệch kinh tế xã hội vào năm 2020. Điều đó sẽ có những tác động, ảnh hưởng nhất định tới nền kinh tế Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi cấu trúc mang tính chất nền tảng từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới năm 1986. Việt Nam đã đạt được thành công về tốc độ tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng (tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,2% bình quân giai đoạn 1990-2013), gia nhập hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010 (thu nhập bình quân đầu người tăng từ khoảng 100 đo là Mỹ năm 1990 lên 1.960 đô la Mỹ năm 2013) và đóng góp làm giảm nghèo nhanh chóng (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống 6% năm 2014). Điều kỳ diệu về kinh tế này có được trước tiên là nhờ tăng năng suất lao động đáng kể – thể hiện qua GDP bình quân tính theo đầu người tăng gấp đôi trong giai đoạn 1990-2000 và nhờ vào hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tăng lên và việc dịch chuyển việc làm chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang các công việc phi nông nghiệp có năng suất cao hơn[1]

Năng suất đề cập đến hiệu quả mà con người hoặc các doanh nghiệp chuyển đổi nguồn lực sản xuất – ví dụ như lao động và vốn – thành đầu ra hàng hóa và dịch vụ. Cải thiện năng suất lao động cho phép một số lượng nhất định sản lượng được sản xuất bởi ít nguồn lực hơn hoặc đầu ra nhiều và tốt hơn được sản xuất bởi nguồn giống ban đầu.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2014 năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước đạt 74,3 triệu đồng, trong đó khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản đạt 29 triệu đồng, khu vực Công nghiệp và Xây dựng đạt 133 triệu đồng và khu vực Dịch vụ đạt trên 100 triệu đồng. Nhìn chung, từ 2005 đến nay năng suất lao động của các ngành đều cải thiện, với tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3,5% một năm. Khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản tăng đều với tốc độ khoảng gần 3%/ năm; Khu vực Dịch vụ cũng có sự gia tăng năng suất một cách ổn định với mức tăng bình quân 2 – 3 % một năm. Khu vực Công nghiệp và Xây dựng sau tăng năng suất lao động đột biến vào năm 2007 đã bị suy giảm mạnh trong giai đoạn 2008 – 2010. Từ 2011 đến nay, năng suất lao động của khu vực này đã có sự phục hồi đáng kể.

Hình 1: Năng suất lao động theo ngành (theo giá hiện hành, Triệu đồng/người)

tien luogn

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2006- 2014), Niên giám thống kê các năm từ 2006-2014.

So sánh năng suất lao động Việt Nam và các nước ASEAN. Năm 2013 NSLĐ của Việt Nam, tính theo sức mua tương đương của đồng đô la Mỹ tại thời điểm 2005 ($PPP, 2005)[2] là 5.440 USD[3], cao hơn của Myanma (2.828), Campuchia (3.989) và Lào (5.396 USD); thấp hơn của các nước còn lại trong khối ASEAN: Indonesia (9.848 USD), Philipine (10.026), Thái Lan (14.754), Malaxia (35.751), và Singapore (98.072 USD).

Về tốc độ, thời kỳ 2006-2012, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam đạt 3,6%, cao hơn mức trung bình chung của ASEAN (2,84%), Việt Nam thuộc nhóm nước có tốc tăng NSLĐ ở mức trung bình (thấp hơn của Trung Quốc (8,48%), Ấn Độ (5,99%), nhưng cao hơn Malaysia (1,4%), Thái Lan (2,2%).

Hình 2: Tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2006-2012 (%) theo sức mua tương đương giá cố định 2011.

Nguồn: Báo cáo năng suất 2014 của APO, 2014

Mặc dù, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp nhưng xét về khoảng cách năng suất lao động giữa Việt Nam với các quốc gia có năng suất lao động cao thì đang có sự thu hẹp khoảng cách tích cực. Nếu năm 1990 năng suất lao động của Singapore là 64,5 nghìn USD trên một lao động, Malaisia 25,2 nghìn USD trên một lao động. Thái Lan là 11 nghìn trên một lao động, Việt Nam chỉ là năng suất lao động 2,7 nghìn USD, khi đó, năng suất lao động của Singapore gấp 24 lần Việt Nam, Malaisia gấp hơn 9 lần, Thái Lan gấp 4 lần. Đến 2012, khoảng cách về năng suất đang được thu hẹp dần, tương đương với năng suất lao động của Singapore gấp 14,5 lần Việt Nam, Malaisia gấp 5.8 lần và Thái Lan gấp 2,9 lần. Năm 2007 mức năng suất lao động bình quân của các nước ASEAN là 9173 US$ gấp 2.12 lần so với năng suất lao động bình quân của Việt Nam thì đến năm 2013 tỷ lệ này giảm xuống còn 1.98 lần.

Nguyên nhân NSLĐ của Việt Nam ở trong nhóm nước có mức thấp trong khu vực, gồm:

(i) Trình độ công nghệ sản xuất của Việt Nam thấp. Năng suất, chất lượng, hiệu quả của từng ngành cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa phụ thuộc rất lớn vào trình độ công nghệ nhưng đến nay việc sử dụng công nghệ ở ta vẫn vô cùng lạc hậu, vào loại thấp nhất khu vực. Hầu hết DN Việt Nam sử dụng công nghệ tụt hậu so với thế giới từ 2 đến 3 thế hệ; gần 80% các loại thiết bị máy móc đang sử dụng được nhập khẩu từ thời kì 1960 -1970; hơn 75% thiết bị đã quá thời hạn khấu hao nhưng không được thay thế; trong tổng số thiết bị máy móc nhập khẩu, có hơn 50% thuộc loại tân trang. Đánh giá chung, có 52% thiết bị máy móc lạc hậu và rất lạc hậu, riêng khu vực sản xuất nhỏ, tỉ lệ này là hơn 70%; chỉ có khoảng 10% thiết bị máy móc nằm trong nhóm hiện đại[4].

(ii) Việc làm vẫn tập trung ở nhóm ngành có năng suất thấp: Quý 2 năm 2014, tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng số lao động đang làm việc là 47,07%; tỷ trọng lao động ngành công nghiệp và xây dựng là 21,11% nhưng trong đó chủ yếu là các ngành gia công tạo giá trị gia tăng thấp như ngành dệt may, da giày (chiếm 32% trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo); 62,6% trong khu vực kinh tế hộ và tự làm.

(iii) Chất lượng lao động thấp: Quý 2 năm 2014 tỷ lệ lao động có bằng bằng cấp chứng chỉ mới đạt 18,25%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thái Lan là 51,4%, Malaysia là 36%, Philipine là 28,2%, Indonesia là 27%, Lào là 16,7%, Campuchia là 15,8%.

(iv) Trình độ quản lý chưa cao và đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng kinh tế còn hạn chế: Hiệu quả quản lý cả ở tầm vĩ mô và vi mô (doanh nghiệp) ở nước ta còn thấp. Giai đoạn 2011- 2015, tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng GDP của Việt Nam, chỉ là 17,2%[5], so với của Thái Lan là 21,32%, của Trung Quốc là 37,49%, của Malaysia là 40,74%, của Hàn Quốc là 47,54%.

TFP ngày càng trở nên quan trọng trong điều kiện phát triển dựa trên đổi mới và tri thức, bằng sự nhấn mạnh vào khả năng sáng tạo, phát triển khoa học kỹ thuật và phương pháp quản lý tiên tiến cũng như các đầu tư mang lại giá trị gia tăng cao.

Giai đoạn 2006 – 2010[6] tốc độ tăng TFP bình quân là (-) 0,27%, TFP giảm vào năm 2008 và 2009. Từ 2011, TFP tăng ổn định với tốc độ tăng bình quân là 1,44% một năm. Trong giai đoạn 2006 đến 2014, tốc độ tăng TFP cao nhất vào năm 2014, tăng 2,16% so với năm 2013. Xu hướng cho thấy TFP đang tăng dần đều một cách ổn định. Nếu xét ba yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng của vốn, lao động và TFP, thì vốn luôn có tốc độ tăng cao nhất với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006 – 2010 là 11,67%, giai đoạn 2011 – 2014 là 7,52%. Tốc độ tăng của lao động 2006 – 2010 và 2011 – 2014 lần lượt là 2,78% và 1,97%. TFP có tốc độ tăng chậm nhất. Xét về xu hướng, vốn cố định và lao động đều có xu hướng tăng chậm dần, trong khi đó TFP có xu hướng tăng nhanh dần lên trong những năm gần đây. Đây là sự chuyển biến theo hướng nền kinh tế tập trung vào chất lượng tăng trưởng: như chất lượng lao động, chất lượng về vốn, nghiên cứu triển khai, khoa học kỹ thuật và hiệu quả kinh tế.

Ở các nước phát triển, tăng trưởng kinh tế thường chậm, trong đó tốc độ tăng vốn và tăng lao động không cao, đóng góp chủ yếu là từ cải tiến năng suất. Vì vậy, đóng góp của tăng TFP vào tăng GDP thường cao, thông thường trên 50%. Nước phát triển như Nhật Bản có thể tới 80 đến 90%.

Do vậy, trước những thách thức mới mà Việt Nam đang phải đối mặt như tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc di chuyển việc làm từ khu vực nông nghiệp sang các ngành khác đã chậm lại do những bất ổn kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây, đầu tư vốn, chứ không phải năng suất lao động đã trở thành nguồn lực chính của tăng trưởng kinh tế. Đây không phải là một mô hình bền vững để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao. Mặc dù quy mô lực lượng lao động vẫn tiếp tục gia tăng, dân số trẻ của Việt Nam đang giảm. Điều đó có nghĩa là Việt Nam không thể chỉ dựa vào quy mô của lực lượng lao động để tiếp tục thành công đã có, mà còn phải tập trung nỗ lực để làm cho lực lượng lao động trở nên có năng suất cao hơn[7]. Đây không phải là một mô hình bền vững để duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế cao. Việt Nam cần lựa chọn con đường nâng cao năng suất lao động dựa trên sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập AEC.

Do vậy, để thúc đẩy NSLĐ Việt Nam ngoài các yếu tố về Vốn, việc xem xét các yếu tố tác động thúc đẩy năng suất do các yếu tố tổng hợp và Lao động (Kỹ năng lao động) là rất cần thiết, cần:

  • Thúc đẩy nhu cầu về hàng hóa trong nước cũng như xuất khẩu tăng lên, tăng các cơ hội tiêu thụ hàng hóa, từ đó tăng được đầu ra và kích thích được sản xuất hàng hóa và dịch vụ, các nguồn lực được sử dụng và khai thác đầy đủ, tận dụng được lợi ích kinh tế theo quy mô và theo phạm vi, tăng được năng suất (đây là cơ hội đối với các quốc gia khi tham gia AEC).
  • Xây dựng môi trường kinh doanh, chính sách và thể chế có tác động dưới dạng tạo những điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sản xuất. Hoặc môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và thuận lợi dẫn đến tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, hiệu quả hoạt động, giảm những hoạt động không tạo giá trị gia tăng để tập trung vào hoạt động tạo giá trị gia tăng cao hơn.
  • Tái cơ cấu kinh tế (phân bổ vốn và lao động của nền kinh tế): Cơ cấu lại nền kinh tế là việc chuyển các nguồn lực (chủ yếu là vốn và lao động) từ những ngành và thành phần kinh tế kém năng suất sang ngành và thành phần kinh tế có năng suất cao. Việc phân bổ lại các nguồn lực để có được ngành và thành phần kinh tế có năng suất cao hơn sẽ dẫn đến sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dẫn đến TFP tăng cao. Thông qua cơ cấu lại vốn và lao động các ngành sẽ hoạch định tốt hơn nhằm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
  • Cải tiến đổi mới công nghệ và sản phẩm: Tiến bộ trong công nghệ có tác động đến tăng TFP.
  • Chất lượng lao động: Rõ ràng nền kinh tế hoặc một doanh nghiệp không thể có năng suất cao nếu chất lượng lao động thấp. Chất lượng lao động thể hiện dưới hai hình thái, trình độ lao động và thái độ làm việc. Việc đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ mới sẽ không có hiệu quả nếu như người lao động không biết vận hành, sử dụng, khai thác để tạo ra được những sản phẩm tốt. Bên cạnh trình độ lao động, yếu tố thái độ làm việc cũng rất quan trọng. Chỉ có thái độ làm việc tích cực mới phát huy hết khả năng lao động, đem lại được hiệu quả tổng thể về mặt kinh tế và xã hội. Việc trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết sẽ là một phần quan trọng trong nỗ lực để tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế và tiếp tục quá trình cải cách kinh tế. Các kỹ năng đáp ứng nhu cầu dịch chuyển từ các công việc chủ yếu là thủ công và đơn giản sang các công việc kỹ thuật và đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Tăng cường nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo: Thu hút chất xám, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp, tạo điều kiện nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, chú trọng hơn nữa đến năng lực kinh doanh và các kỹ năng mềm, thúc đẩy trao đổi kiến thức giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu của nhà nước và khu vực doanh nghiệp. Đẩy mạnh sáng tạo trong các doanh nghiệp.

Th.s Nguyễn Huyền Lê, CN Phạm Huy Tú và nhóm nghiên cứu

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Văn Thành- Đỗ Văn Lâm, Sản lượng tiềm năng của kinh tế Việt Nam đến năm 2025, Kỷ yếu Hội thảo Kinh tế Việt Nam đến năm 2025: Cơ hội và Thách thức, Hà Nội 10/2014.
  2. Ngân hàng Thế giới, Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 “ Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam”
  3. Viện Năng suất Việt Nam. Báo cáo năng suất Việt Nam 2014, 2014
  4. Tăng Văn Khiên – Tốc độ tăng Năng suất các nhân tố tổng hợp – Phương pháp tính và ứng dụng, NXB Thống kê, Hà Nội năm 2005.
  5. Bá Tân (08/05/2014), Quá lạc hậu, Trang tin Đại đoàn kết  http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1372&Style=1&ChiTiet=81240.

[1] Ngân hàng Thế giới, 2012b

[2]Sức mua tương đương là tỷ lệ trao đổi giữa hai đồng tiền, theo tỷ lệ này thì số lượng hàng hóa mua được là như nhau ở trong nước và ở nước ngoài khi chuyển đổi một đơn vị nội tệ ra ngoại tệ và ngược lại. Để có thể so sánh với các nước, người ta quy đổi GDP và GDP bình quân đầu người sang một loại đồng tiền ví dụ đô-la Mỹ, dựa trên tỷ giá hối đoái thị trường. Tuy nhiên, ở mỗi nơi trên thế giới thì đồng đô-la Mỹ lại có sức mua khác nhau.

[3] ILO- ADB (2014), Asean community 2015: Managing integration for better job and share prosperity.

[4] Bá Tân (08/05/2014), Quá lạc hậu, Trang tin Đại đoàn kết

http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1372&Style=1&ChiTiet=81240

[5] Đỗ Văn Thành- Đỗ Văn Lâm, Sản lượng tiềm năng của kinh tế Việt Nam đến năm 2025, Kỷ yếu Hội thảo Kinh tế Việt Nam đến năm 2025: Cơ hội và Thách thức, Hà Nội 10/2014.

[6] Viện Năng suất Việt Nam. Báo cáo Năng suất Việt Nam 2014, 2014.

[7] Ngân hàng Thế giới, Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 “ Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam”