Phương pháp tiếp cận và đề xuất phương án mức sống tối thiểu chung của việt nam, 2013

17/07/2015 00:00:00

Mức sống tối thiểu là một trong những nội dung được đưa vào Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020

việc xây dựng một mức sống tối thiểu chung để làm căn cứ cho việc xác định các đối tượng thụ hưởng cũng như mức hỗ trợ cho các đối tượng này là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ tiêu mức sống tối thiểu tại Việt Nam chưa được công nhận chính thức và cũng chưa có phương pháp tính toán chuẩn mực. Về bản chất, mức sống tối thiểu là mức thấp nhất về phúc lợi và thu nhập để duy trì cuộc sống ở mức thấp nhất tương ứng với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia hay một vùng tại một thời điểm nhất định. Mức sống tối thiểu phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản về lương thưc, thực phẩm, mặc, nhà ở, đi lại, nước sạch, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe. Có thể nói mức sống tối thiểu là tồn tại khách quan và về mặt xã hội, phản ánh trình độ phát triển của kinh tế – xã hội của một quốc gia nói chung và vùng kinh tế nói riêng. Nghiên cứu này nhằm làm rõ hơn về mặt phương pháp luận và phương pháp xác định cũng như sử dụng số liệu để xác định mức sống tối thiểu chung và phân tích phân vùng, xác định mức sống tối thiểu vùng đến 2013.

 

Mức sống là một khái niệm, liên quan đến sự phát triển và thỏa mãn nhu cầu của xã hội nói chung và nhu cầu của con người nói riêng. Hiện tồn tại rất nhiều định nghĩa về mức sống nhưng nhìn chung, giữa các nhà nghiên cứu có hai cách tiếp cận đối với khái niệm này:

  • Cách thứ nhất lấy mức thỏa mãn nhu cầu của con người làm cơ sở xem xét.
  • Cách thứ hai chọn tập hợp các điều kiện sống làm đối tượng nghiên cứu, trong đó bao gồm điều kiện xã hội, chính trị, mức sản xuất chung, môi trường v.v.

Theo quan điểm A.Maslow, về căn bản, nhu cầu của con người được chia làm hai nhóm chính: nhu cầu cơ bản (basic needs) và nhu cầu bậc cao (meta needs).

  • Nhu cầu cơ bản liên quan đến các yếu tố thể lý của con người như mong muốn có đủ thức ăn, nước uống, được ngủ nghỉ… : Những nhu cầu cơ bản này đều là các nhu cầu không thể thiếu hụt vì nếu con người không được đáp ứng đủ những nhu cầu này, họ sẽ không tồn tại được nên họ sẽ đấu tranh để có được và tồn tại trong cuộc sống hàng ngày.
  • Các nhu cầu cao hơn nhu cầu cơ bản trên được gọi là nhu cầu bậc cao: Những nhu cầu này bao gồm nhiều nhân tố tinh thần như sự đòi hỏi công bằng, an tâm, vui vẻ, địa vị xã hội, sự tôn trọng, vinh danh với một cá nhân v.v.

Các nhu cầu cơ bản thường được ưu tiên chú ý trước so với những nhu cầu bậc cao này. Với một người bất kỳ, nếu thiếu ăn, thiếu uống… họ sẽ không quan tâm đến các nhu cầu về vẻ đẹp, sự tôn trọng…

  1. Khái niệm, phân loại mức sống tối thiểu

Mức sống tối thiểu là mức để con người có thể tồn tại, bảo đảm cho con người một thân thể khỏe mạnh và một nhu cầu văn hóa tối thiểu. Như vậy, thực chất của mức sống tối thiểu là mức độ thỏa mãn các nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu của thành viên trong xã hội, mà những nhu cầu này đã được xã hội thừa nhận tuỳ theo trình độ phát triển kinh tế- xã hội và phong tục tập quán của địa phương.

Có thể chia ra làm một số nhóm mức sống tối thiểu sau:

  • Mức sống tối thiểu chung (quốc gia), theo vùng, nhóm dân cư
    • Khi nhu cầu cơ bản đại diện cho cả quốc gia, vùng hoặc nhóm dân cư
  • Mức sống tối thiểu tuyệt đối và mức sống tối thiểu tương đối
    • Mức sống tối thiểu tuyệt đối: Được thiết lập tại mức giúp cho các cá nhân có được một khả năng nhất định, bao gồm cả sức khoẻ, cuộc sống tích cực và tham gia đầy đủ vào xã hội.
    • Mức sống tối thiểu tương đối: Đề cập đến mối tương quan giữa mức tối thiểu so với mức sống trung bình đạt được. Một số quốc gia xác định mức sống tối thiểu bằng 40-60% của mức sống trung bình. Khi đất nước giàu lên thì mức sống tối thiểu sẽ tăng nhanh và tỷ lệ sẽ cao hơn, ngược lại, khi bất bình đẳng càng cao thì mức sống tối thiểu chiếm tỷ lệ thấp hơn.
  • Mức sống tối thiểu khách quan và chủ quan:
    • Mức sống tối thiểu khách quan được xác định bằng số lượng và chất lượng nhu cầu cơ bản theo từng trình độ phát triển kinh tế-xã hội của từng quốc gia trong từng thời kỳ.
    • Mức sống tối thiểu chủ quan, được xác định trên cơ sở cảm nhận của cá nhân về mức sống và mức độ thỏa mãn về chất lượng cuộc sống của mình.
  1. Phương pháp xác định mức sống tối thiểu khách quan

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều phương pháp đo khác nhau, tuỳ vào từng điều kiện cụ thể mà các quốc gia có thể lựa chọn để sử dụng cho mình phương pháp xác định phù hợp.

Một trong những cách phổ biến là mức sống tối thiểu sẽ được thiết lập tại mức giúp cho các cá nhân có được một khả năng nhất định, bao gồm cả sức khoẻ, cuộc sống tích cực và tham gia đầy đủ vào xã hội.

Về bản chất, đó chính là phương pháp xác định chuẩn nghèo khách quan với 2 cách phương pháp phổ biến là:

  • Dựa vào năng lượng trong khẩu phần lương thực thực phẩm-FEI (phương pháp tiếp cận gián tiếp)
  • Dựa vào chi phí cho các nhu cầu cơ bản-CBN (phương pháp tiếp cận trực tiếp)

2.1. Dựa vào năng lượng trong khẩu phần lương thực thực phẩm-FEI

Phương pháp này xác định mức chi tiêu cho đời sống (hoặc thu nhập) cho phép có đủ lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Chi tiêu cho đời sống bao gồm cả chi tiêu l­ương thực thực phẩm cũng như chi tiêu phi lương thực thực phẩm.

Hình 1 cho thấy một hàm biểu diễn quan hệ giữa năng lượng Calories và thu nhập (hoặc chi tiêu). Khi thu nhập (hoặc chi tiêu) tăng lên thì năng lượng trong khẩu phần ăn tăng lên song chậm hơn. Gọi k là mức năng lượng cần trong khẩu phần ăn, người ta có thể dựa vào đ­ường cong này để xác định đ­ường mức sống tối thiểu z. Ta có công thức sau:

k = f(y)

do đó:   y = f-1(k)

hoặc, cho một mức calories tối thiểu vừa đủ kmin ta sẽ có:

z = f-1(kmin)

Lưu ý rằng cách tiếp cận này không đòi hỏi phải có bất kỳ một thông tin nào về giá của hàng hoá tiêu dùng

Hình 1: Hàm quan hệ thu nhập-calories

12

Điều trước tiên là phải xác định được số lượng lương thực, thực phẩm thích hợp. Cần phải lưu ý là, không có sự thống nhất giữa các quốc gia về luợng Kcal tiêu dùng để xác định mức sống tối thiểu. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng các quốc gia xây dựng mức sống tối thiểu dựa trên các tiêu chuẩn calo rất khác nhau, dao động từ mức thấp là 1800 Kcals ở Ấn Độ (GOI, 2009) đến mức trên 2700 Kcals đối với một số quốc gia ở Châu Phi.

Bảng 1: Lượng Kcal tiêu dùng hàng ngày sử dụng khi xây dựng mức sống tối thiểu

Nước Kcal/ngày/người
Ấn Độ 1800[1]
Indonesia 2.100
Philippines 2.000
Thái Lan 1.978
Trung Quốc 2.150

Phương pháp dựa vào khẩu phần ăn không hoàn hảo và không được sử dụng trừ khi nếu các cách khác không thực hiện được. Một trong những lý lo chính đó là:

– Sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị: Hộ gia đình ở nông thôn có thể mua lương thực thực phẩm rẻ hơn, do lương thực thực phẩm ở nông thôn thường rẻ hơn vừa vì họ có xu hướng tiêu dùng những thực phẩm mà tính theo calories thì rẻ hơn (ví dụ như sắn nhiều hơn gạo). Kết quả, hàm calories thu nhập cho các hộ gia đình ở nông thôn sẽ cao hơn các hộ gia đình thành thị. Nói cách khác với mỗi đầu vào năng lượng từ lương thực thực phẩm đưa ra, chuẩn nghèo trong khu vực nông thôn sẽ thấp hơn ở khu vực thành thị thể hiện trong hình 2.

 

– Sự biến động của giá cả: Trong một vài trường hợp đặc biệt như ở Việt Nam, giai đoạn 1993-1998, 2009-2011 có sự tăng vọt của giá cả lương thực thực phẩm (70%). Trong khi đó giá cả các hàng hoá phi lương thực, thực phẩm lại chỉ tăng 25%. Kết quả là người tiêu dùng lương thực, thực phẩm chuyển từ tiêu dùng lương thực thực phẩm sang phi lương thực thực phẩm.

2.2. Mức sống tối thiểu dựa vào chi phí cho các nhu cầu cơ bản – CBN

Phương pháp này xác định giá trị của chi tiêu tiêu dùng cần thiết để đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Mức sống tối thiểu được tính toán như sau:

Nhu cầu Msmin Z: Z=ZF + ZN

ZF = Nhu cầu min về lương thực, thực phẩm

ZN= Nhu cầu min về phi lương thực, thực phẩm

  1. Xác định nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm

Hình 2: Các hàm Calaories thu nhập cho khu vực nông thôn và thành thị

12

FEI (Cal/day)

 

Inc/exp

  • Xác định lượng kcalo tiêu dùng
  • Xác định nhóm hộ gia đình tiêu dùng nhu cầu tối thiểu về LTTP đảm bảo lượng kcal tiêu dùng.
  • Xác định rổ hàng hóa lương thực, thực phẩm để bảo đảm lượng Kcalo tiêu dùng

Có thể áp dụng một rổ hàng hóa lương thực, thực phẩm cho cả nước hoặc rổ riêng cho từng vùng địa lý, khu vực thành thị-nông thôn. Tuy nhiên, phương pháp đơn giản nhất là chỉ áp dụng một rổ hàng hoá lương thực, thực phẩm cho tất cả các vùng trong các khu vực thành thị, nông thôn, miền núi, bởi vì:

  • Bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân không phân biệt nơi sinh sống của họ.
  • Tạo điều kiện cho việc tính toán và tránh gây nhầm lẫn cho người sử dụng thông tin.

Nhu cầu tối thiểu về lương thực thực phẩm chính là chi phí mua rổ hàng hoá lương thực, thực phẩm đảm bảo lượng Kcalo tiêu dùng.

Chi phí cần thiết để mua rổ hàng hoá được tính bằng cách nhân khối lượng từng mặt hàng trong rổ với giá của mặt hàng tương ứng theo công thức sau đây:

Chi phí rổ = S Xi Pi

Trong đó: Xi: Hàng hoá i trong rổ hàng hoá LT-TP

Pi: Giá mua hàng hoá i

– Do định lượng của rổ hàng hoá cố định, sự khác biệt về giá trị của rổ hàng hoá chủ yếu là do sự khác biệt về giá cả gây nên.

  1. Xác định chi phí nhu cầu phi lương thực, thực phẩm

Các mặt hàng phi lương thực, thực phẩm rất khó xác định được khối lượng tiêu dùng cho từng mặt hàng do chúng bao gồm cả các hàng hoá là dịch vụ (như y tế, giáo dục) và các hàng hoá được tiêu dùng trong nhiều năm như đồ dùng lâu bền, quần áo và chi cho an sinh xã hội,vv… Cách tiếp cận xác định nhu cầu phi lương thực- thực phẩm cũng dựa trên mức chi tiêu thực tế của nhóm hộ gia đình “chuẩn” theo hướng như sau:

– Giả định rằng các hộ gia đình phân bổ chi tiêu cân bằng giữa nhu cầu lương thực-thực phẩm và phi lương thực-thực phẩm. Có nghĩa là, những hộ gia đình đáp ứng vừa đủ nhu cầu chi tiêu cho hàng hoá lương thực thì cũng đáp ứng được chi tiêu cho hàng hoá phi lương thực. Vì vậy, nhu cầu đối với hàng hoá phi lương thực được tính trên cơ sở chi tiêu thực tế cho hàng hoá phi lương thực của những hộ gia đình có mức chi cho lương thực thực phẩm tương đương ở mức lương thực lựa chọn (ví dụ mức 2100 kcal/ngày).

  1. Xác định mức sống tối thiểu chung

Có 2 cách xác định:

  • Lấy chi phí cho nhu cầu lương thực, thực phẩm cộng với chi phí cho nhu cầu các mặt hàng phi lương thực, thực phẩm.

MS min chung = Chi (LT-TP + phi LT-TP)

  • Xác định tỷ lệ chi lương thực, thực phẩm trong tổng chi tiêu của hộ (K), chi tiêu cho nhu cầu chung/mức sống tối thiểu chung sẽ bằng = chi (LT-TP)/K
  1. Xác định mức sống tối thiểu dựa vào nhu cầu của một cá nhân hộ gia đình Việt Nam năm 2013

Tại Việt nam, mức sống tối thiểu lần đầu tiên được thể chế hóa tại nghị quyết 15/NQ-TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, theo đó qui định: Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội.

Dựa trên phương pháp tiếp cận chi phí cho nhu cầu cơ bản (CBN), mức sống tối thiểu của Việt Nam năm 2013 sẽ được xây dựng dựa trên xác định mức sống tối thiểu (bao gồm: Xác định mức chi tiêu cần thiết để các hộ gia đình bảo đảm nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu về lương thực, thực phẩm và các hàng hóa phi lương thực thực phẩm khác phục vụ nhu cầu thiết yếu) để có đủ thực phẩm để duy trì sức khỏe và sản xuất cũng như có phương tiện để tham gia đầy đủ vào xã hội.

  1. Xác định nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm
  • Xác định lượng kcalo tiêu dùngTiêu chuẩn dinh dưỡng 2230 kcalo/ngày/người

Theo kiến nghị của Viện dinh dưỡng Việt nam, theo cơ cấu dân số điều tra tháng 4/2009, nhu cầu năng lượng bình quân cho người Việt nam là 2.067 kcal/ người/ngày. Nếu lấy lề an toàn là 10% thì cần 2267 kcal và lề an toàn là 20% thì cần 2473 kcal. Theo tính toán của tổ chức FAO, thì khi mức bình quân lương thực đạt 2500 Kcal trở lên thì coi như đã đạt được mức an ninh thực phẩm quốc gia. Theo khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng, muốn đảm bảo an ninh thực phẩm ở cấp hộ gia đình thì cần một khẩu phần ăn bình quân 2.300 Kcal/ người/ngày. Một tiêu chuẩn 2.230 Kcals/người/ngày đã được ước tính nhờ sử dụng các nhu cầu về calo cụ thể theo giới tính và theo độ tuổi đối với dân số Việt Nam do Viện Dinh dưỡng thuộc Bộ Y tế xây dựng (Bộ Y tế, 2006), và được điều chỉnh theo cơ cấu dân số quốc gia theo giới tính và theo độ tuổi theo kết quả Điều tra Mức sống Hộ Gia đình Việt Nam năm 2010, với khả năng phát triển kinh tế của nước ta trong thời gian qua kết hợp với sự thay đổi về chiều cao và cân nặng của người dân trong thập niên qua nên nghiên cứu này khuyến nghị một khẩu phần đảm bảo mức tối thiểu 2230 Kcal. Những tiêu chuẩn mới này có nhiều nét tương đồng so với thông lệ quốc tế.

  • Xác định rổ hàng hóa lương thực, thực phẩm để bảo đảm lượng 2230 Kcalo/ngày/người tiêu dùng:

Sử dụng bộ số liệu Điều tra mức sống dân cư năm 2.010 xác định nhóm chi tiêu sử dụng gần mức 2.230kcal nhất để làm nhóm tham chiếu tính toán.

Chia tổng số hộ điều tra thành 10 nhóm dân cư, bắt đầu với nhóm 1 tương ứng là 10% số hộ nghèo nhất. Tiêu chí phân nhóm dựa trên tổng chi tiêu thực tế bình quân đầu người năm 2010.

Căn cứ vào thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam[2] và thực đơn hàng ngày (trung bình trong năm) của người Việt để tính năng lượng tiêu dùng bình quân đầu người theo các nhóm chi tiêu.

Tiếp đó, lựa chọn nhóm dân cư được căn cứ vào mức tiêu thụ năng lượng Kcal/ngày gần nhất với mức 2230 Kcal/ngày/người. Sau đó, hiệu chỉnh khối lượng các mặt hàng để rổ hàng hóa đáp ứng đủ 2230kcal.

Chú ý: Trong thực tế, có nhiều mặt hàng không thu được lượng, ví dụ như ăn thức ăn chế biến sẵn, ăn uống ngoài gia đình,… do vậy, phải tính lượng kcal tương đương với giá mua được 1 kcal trong số chi tiêu cho ăn uống đối với mặt hàng không thu được lượng. Kết quả tính toán chỉ ra cho thấy đơn giá để mua được 1 kcal có sự khác biệt giữa hộ giàu và hộ nghèo, càng những hộ giàu thì lượng tiền để mua được 1 kcal càng lớn hơn.

Hình 3: Đơn giá 1 kcal và Lượng kcal của mặt hàng có lượng và không có lượng của các hộ theo 10 nhóm dân cư.

4142

Nguồn: Tính toán từ số liệu Mức sống dân cư 2010, TCTK.

Rổ hàng hóa gồm 54 mặt hàng trong đó 40 mặt hàng có đầy đủ cả lượng và giá và 14 mặt hàng không có lượng. Kết quả của các nhóm chia theo hàng có có lượng và hàng không có lượng. Kết quả cũng cho thấy càng những hộ giàu có hơn thì xu hướng tiêu dùng những mặt hàng không có lượng cao hơn.

Chi phí cho rổ hàng hoá lương thực, thực phẩm

Tổng hợp lượng kcal của 10 nhóm dân cư được thể hiện ở bảng 3 dưới đây:

Từ bảng 3 cho thấy, nhóm dân cư thứ 2 là nhóm có mức tiêu dùng gần với ngưỡng 2.230 K.cal nhất. Do vậy, khối lượng hàng hoá lương thực, thực phẩm tiêu dùng bình quân đầu người của nhóm dân cư này sẽ được hiệu chỉnh và tính toán để xác định rổ hàng hoá lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu 2.230 K.cal/ngày/người.


Bảng 2: Lượng Kcalo tiêu dùng của các nhóm dân cư, năm 2010

Nhóm Tổng chi tiêu/tháng (1000VNĐ) Chi tiêu LTTP /tháng (1000VNĐ) Chi tiêu phi LTTP /tháng(1000VNĐ) kcal/ngày/người Đơn giá kcal %LTTP
1 362.9 219.0 143.9 1906.9 0.0039 60.35
2 562.2 313.2 249.0 2217.2 0.0047 55.71
3 708.2 365.6 342.6 2401.5 0.0051 51.62
4 843.1 414.7 428.4 2516.8 0.0056 49.19
5 992.7 463.3 529.4 2603.1 0.0061 46.67
6 1153.2 517.3 635.9 2748.0 0.0066 44.86
7 1379.5 590.4 789.1 2917.0 0.0073 42.80
8 1683.3 679.3 1004.0 3098.7 0.0080 40.36
9 2205.4 796.7 1408.7 3225.2 0.0093 36.12
10 4413.7 1096.5 3317.2 3606.5 0.0123 24.84

Nguồn: Kết quả tính toán từ VHLSS 2010

Bảng 3: Rổ lương thực, thực phẩm của Việt Nam cung cấp 2230 K.cal/ngày năm 2010 (đã quy đổi)

Mặt hàng Lượng tiêu dùng (kg) Giá tiêu dùng (1000Đ) Chi tiêu trung bình tháng (1000Đ)
101. Gạo tám thơm, gạo đặc sản 5.76 8.20 47.25
102. Gạo nếp 1.18 12.29 14.52
103. Ngô/bắp 1.25 5.50 6.88
104. Săn/khoai mỳ 1.91 3.11 5.93
105. Khoai các loại 0.43 6.07 2.60
106. Mỳ hạn, bánh mỳ, bột mỳ 0.13 21.88 2.81
107. Mỳ sợi, mỳ, phở/cháo ăn lion 0.21 23.12 4.93
108. Bánh phở, bún, bánh đa thái 0.24 11.38 2.68
109. Miến 0.14 18.22 2.61
110. Thịt lợn 0.30 52.74 15.66
111. Thịt bò 0.08 98.31 7.44
112. Thịt trâu 0.11 84.87 9.21
113. Thịt gà 0.18 70.47 12.96
114. Thịt vịt & gia cầm khác 0.22 42.08 9.22
115. Các loại thịt khác   . 5.76
116. Thịt chế biến   . 4.48
117. Mỡ, dầu ăn 0.14 29.86 4.18
118. Tôm, cá t­ơi 0.55 28.07 15.58
119. Tôm, cá khô và chế biến 0.11 49.36 5.32
120. Thuỷ, hải sản khác   . 3.92
121. Trứng/hột gà, vịt 1.45 2.30 3.34
122. Đầu phụ/tàu hũ 0.28 11.93 3.40
123. Lạc nhân/dậu phộng, vừng/Mỡ 0.11 26.71 2.83
124. Đỗ hạt các loại 0.13 24.87 3.31
125. Đỗ quả t­ơi 0.32 7.48 2.36
126. Rau muống 0.73 3.91 2.85
127. Su hào 0.43 6.02 2.62
128. Bắp cải 0.35 6.66 2.36
129. Cà chua 0.16 8.97 1.43
130. Các loại rau khác   . 5.70
131. Cam 0.19 13.77 2.57
132. Chuối 0.50 5.17 2.57
133. Xoài, muỗm 0.41 9.56 3.90
134. Hoa quả/trái cây   . 3.62
135. N­ớc mắm, n­ớc chem. 0.15 14.48 2.21
136. Muối 0.13 4.53 0.57
137. Bột nêm, bột canh, viên súp   . 1.04
138. Mỳ chính, bột ngột   . 2.02
139. Đ­ờng mật 0.14 18.16 2.47
140. Bánh, mứt, kẹo 0.08 32.57 2.57
141. Sữa đặc, sữa bột 0.12 84.27 9.71
142. Kem, sữa chua các loại   . 2.38
143. Sữa t­ơi 0.31 19.04 5.98
144. R­ợu các loại 0.31 12.21 3.73
145. Bia các loại 0.37 11.59 4.24
146. N­ớc giải khát 0.62 13.91 8.69
147. Cà phê uống liền   . 3.67
148. Cà phê bột 0.06 62.11 3.97
149. Bột chè/ trà uống liền   . 2.20
150. Chè/trà khô 0.06 63.28 3.60
151. Thuốc lá, thuốc lào   . 5.38
152. Trầu, cau, vôi vỏ   . 2.82
153. ăn, uống ngoài gia đình   . 16.61
154. Các thứ khác   . 4.38
Tổng     315.01

Như đã đề cập, chi phí cần thiết để mua rổ hàng hoá được tính bằng cách nhân khối lượng từng mặt hàng trong rổ với giá của mặt hàng. Trong đó, giá mua hàng hoá i là giá trị trung vị của giá các mặt hàng trong rổ theo giá khai báo của các hộ gia đình thực tế năm 2010 để mua các hàng hoá đó. Chi phí để mua được rổ hàng hóa 2230 kcal là: 315 ngàn đồng/người/tháng.

  1. Xác định chi phí nhu cầu phi lương thực, thực phẩm

Cách 1: Tính trực tiếp

Giả định rằng các hộ gia đình có mức tiêu thụ 2230Kcal (nhóm 2 trong 10 nhóm theo kết quả tính toán trên) có khả năng cân đối chi tiêu giữa lương thực
thực phẩm và phi lương thực thực phẩm một cách hợp lý. Ngoài ra, khi tính toán mức sống tối thiểu, để đảm bảo an sinh xã hội, phần chi cho phi lương thực thực phẩm cần được bổ sung thêm 20% chi cho an sinh xã hội. Vì vậy, chi phí phi lương thực thực phẩm được xác định dựa trên cơ sở mức tiêu dùng thực tế các mặt hàng phi lương thực thực phẩm bình quân /người của những hộ gia đình có mức tiêu thụ bình quân 2230 Kcal/ngày/người. Chi phí phi lương thực thực phẩm tính toán được là: 301 ngàn đồng/người/tháng.

Mức sống tối thiểu chung = mức chi phí LTTP+ Mức chi phí phi LTTP, kết quả ở bảng dưới đây:


 

Bảng 4: Kết quả tính toán mức sống tối thiểu năm 2010

Tổng chi tiêu

 

(1000đ/người/tháng)

Chi tiêu LTTP (1000đ/người/tháng) Chi tiêu phi LTTP

 

(1000 đồng/người/tháng)

Tỷ lệ LTTP trong tổng chi tiêu (%)
616 315 301 51

 


Cách 2: Dựa trên cơ cấu chi tiêu lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm.

Thông thường, cơ cấu chi tiêu lương thực thực phẩm giao động trong khoảng từ 40-60% tổng chi tiêu, tùy thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế, cuộc sống ngày một tốt hơn thì tỷ trọng lương thực thực phẩm có xu hướng giảm, nhóm nghiên cứu đưa ra các giả thiết tỷ trọng như sau:

Phương án 1 : tỷ trọng LTTP chiếm 49% trong tổng chi tiêu.

Phương án 2 : tỷ trọng LTTP chiếm 44% trong tổng chi tiêu.

Xác định tỷ lệ chi lương thực, thực phẩm trong tổng chi tiêu của hộ (K), chi tiêu cho nhu cầu chung/mức sống tối thiểu chung sẽ bằng = chi (LT-TP)/K, kết quả thể hiện ở bảng dưới đây:


 

Bảng 5: Mức sống tối thiểu chung theo các phương án, 2010

  PA 1 PA 2
LTTP (1000đ/người/tháng) 315 315
Tỷ trọng LTTP/tổng chi tiêu 49% 44%
Mức sống tối thiểu chung (1000đ/người/tháng) 642.9 716.0

 


  1. Cập nhật mức sống tối thiểu cho các năm 2011-2013

Do không có số liệu trực tiếp, sau khi xác định được mức sống tối thiểu (LTTP và Phi LTTP) của năm gốc (2010), mức sống tối thiểu của các năm tiếp theo được điều chỉnh theo chỉ số giá CPI hàng năm của Tổng cục thống kê.

Các phương án điều chỉnh: phương án gốc (chi tiêu chuẩn LTTP và Phi LTTP), tỷ trọng LTTP chiếm 49%, 44% trong tổng chi tiêu.


 

Bảng 6 : Mức sống tối thiểu thời kỳ 2010-2013- qua các phương án

  2010 2011 2012 2013
Tốc độ tăng giá (CPI)   118.58 109.21 109
LTTP (1000đ/người/tháng) 315.0 373.6 408.0 444.7
Mức sống tối thiểu chung (1000đ/người/tháng)
PA gốc 51% 615.5 729.9 797.1 868.8
PA 1: Tỷ trọng LTTP 49% 642.9 762.4 832.6 907.5
PA 2: Tỷ trọng LTTP 44% 716.0 849.0 927.2 1010.7

 

Việc sử dụng số liệu VLSS để xác định thành phần, cơ cấu của Rổ hàng hoá cũng như các nhu cầu lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm (có tính đến chỉ số giá hàng lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm tại thời điểm tính toán) của người dân ở mức tối thiểu đã bảo đảm phương pháp này vừa có tính kinh tế vừa có tính xã hôị, phản ánh trình độ đạt được của mức sống và thói quen tiêu dùng của dân cư.

                                   ThS Nguyễn Huyền Lê – Trưởng phòng Nghiên cứu tiền lương và quan hệ lao động & nhóm nghiên                   cứu

Tài liệu tham khảo

  1. Exploratory Factor Analysis – Ledyard R Tucker and Robert C.MacCallum.
  2. Understanding Factor Analysis – Rudolph J. Rummel.- http://www.hawaii.edu/
  3. Understanding Correlation – Rudolph J. Rummel – http://www.hawaii.edu/
  4. States with Minimum wage above the Federal level have had faster small business and retail job growth- Fiscal Policy Institute.
  5. Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Phân vùng tiền lương tối thiểu.

[1] Nguồn: GOI, 2009

[2] Bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam, Viện Dĩnh Dưỡng và Bộ Y tế.