Hội thảo "Biến đổi khí hậu và sinh kế của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long"

06/10/2020 10:33:24

 

Mực nước biển dâng dẫn đến xâm nhập mặn và các loại hình thiên tai khác đang gia tăng nhanh cả về cường độ và tính bất thường, nhất là ở khu vực ĐBSCL. Ngay trong năm 2019-2020, hạn hán, xâm ngập mặn là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu nước nước ngọt trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nói chung và sinh kế nói riêng của người dân ĐBSCL. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 khốc liệt hơn và có một số đặc điểm khác với quy luật nhiều năm trước như: xuất hiện sớm hơn so trung bình nhiều năm gần 3 tháng. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL, ranh giới độ mặn 4gam/lít đã làm 42,5% diện tích tự nhiên của toàn vùng, tương đương 1 triệu 688 nghìn 600 ha bị ảnh hưởng, cao hơn năm 2016 là 50 nghìn 376 ha. Tính đến ngày 15/4/2020, đã có 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng công bố tình trạng khẩn cấp. Theo số liệu ghi nhận, Cà Mau là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất với 16 nghìn 500/176 nghìn 700 hécta diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2019 bị ảnh hưởng, trong đó diện tích bị thiệt hại từ 70% trở lên là 14 nghìn hécta. Vụ đông xuân 2019-2020, sáu tỉnh là Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An và Cà Mau bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn với tổng diện tích khoảng 41 nghìn 900 hécta, trong đó có 26 nghìn hécta thiệt hại mất trắng và Trà Vinh là tỉnh có diện tích thiệt hại nhiều nhất với 14 nghìn 300 hécta.

 

 

Hội thảo khoa học “Biến đổi khí hậu và sinh kế của người dân vùng đồng bằng Sông Cửu Long” do Viện KHLĐ&XH phối hợp với Văn phòng UBND và Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Hann Siedel Foundation của CHLB Đức nhằm chia sẻ những kết quả nghiên cứu, theo dõi, đánh giá về tình hình BĐKH và tác động của BĐKH đến sinh kế của người dân vùng ĐBSCL; chia sẻ và trao đổi thông tin về các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH của người dân vùng ĐBSCL.