Xây dựng các giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững đối với người nghèo

13/07/2015 00:00:00

Xây dựng các giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững đối với người nghèo khu vực nông thôn tại vùng đồng bằng sông cửu long trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng

 

Mục tiêu

  • Phân tích, đánh giá mức độ bị tổn thương do tác động của BĐKH tới các nhóm sinh kế khác nhau của hộ gia đình nghèo tại khu vực nông thôn ĐBSCL hiện nay và dự báo trong tương lai;
  • Tổng hợp các hoạt động chuyển đổi sinh kế điển hình đã triển khai tại địa bàn khảo sát và đánh giá hiệu quả và năng lực thích ứng của các sinh kế chủ động thích ứng với BĐKH và nước biển dâng cho người nghèo khu vực nông thôn ĐBSCL;
  • Đánh giá các chính sách hiện hành trong việc hỗ trợ sinh kế người nghèo thích ứng với BĐKH và nước biển dâng;
  • Đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm sinh kế bền vững và thích ứng với BĐKH và nước biển dâng và một số gợi ý chính sách quy hoạch lao động việc làm, chuyển dịch lao động nông nghiệp nông thôn và giảm nghèo đối với người nghèo khu vực nông thôn tại vùng ĐBSCL.

Những phát hiện chính

  • Theo kịch bản Bộ TNMT năm 2012, ĐBSCL sẽ bị xâm mặn 70% diện tích; mất khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa; nhiều tỉnh bị chìm trong nước; kéo dài thời gian ngập úng, 90% diện tích đồng bằng nhiễm mặn; đất canh tác bị chua hóa và mất khả năng sản xuất; mất sự đa dạng sinh học của vùng đất mặn ven biển, mất nhiều loại sinh vật, thay đổi hệ sinh thái rừng ngập mặn.
  • Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 4 triệu ha diện tích đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp 2,4 triệu ha, chủ yếu sử dụng cho sản xuất lúa (hơn 85%). Hiện nay, vùng đồng bằng này sản xuất gần 21 triệu tấn lúa/năm, chiếm trên 50% tổng sản lượng cả nước, đóng góp khoảng 90% lượng lúa gạo xuất khẩu. BĐKH buộc ĐBSCL phải thay đổi về cơ cấu sản xuất, cây trồng vật nuôi, ngành nghề kinh tế; tăng chi phí xã hội và chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng; biến động về phân bố dân cư sinh sống và các dịch vụ hỗ trợ; thay đổi cơ cấu ngành nghề và gia tăng áp lực với việc đào tạo kỹ năng mới cho người lao động; thay đổi các kế hoạch, quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế, xã hội; thay đổi cấu trúc và quan hệ cộng đồng.

Giải pháp, khuyến nghị

  • Thay đổi phương pháp tiếp cận với vấn đề nghèo tại ĐBSCL và làm rõ mối quan hệ giữa sinh kế của người nghèo với từng hệ sinh thái, làm rõ mối quan hệ được – mất giữa lợi ích kinh tế và môi trường, xã hội, thay đổi phương thức ra quyết định của chủ hộ trong chiến lược sinh kế.
  • Tập trung sự chỉ đạo của các cấp các ngành, chủ động lồng ghép nội dung thích ứng với BĐKH vào công tác lập kế hoạch phát triển địa phương, chiến lược sinh kế của hộ, sử dụng hiệu quản kiến thức bản địa trong các hoạt động giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH và nước biển dâng.
  • Tiếp tục thử nghiệp các mô hình canh tác, sản xuất, xây dựng sinh kế nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản thân thiện với môi trường, thích ứng với BĐKH và nước biển dâng. Bên cạnh đó, cần có tiếp tục xây dựng hê thống thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, cải tiến công tác quản lý và kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.
  • Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành kinh tế, các cơ quan chức năng, các đơn vị, tổ chức kinh doanh, xây dựng được cơ sở dữ liệu dự báo về thay đổi việc làm, nghề nghiệp trong từng khu vực ngành kinh tế, thời gian, độ tuổi, giới, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, các nhóm đối tượng để chủ động trong việc đào tạo kỹ năng và định hướng việc làm cho người lao động thích ứng với BĐKH và nước biển dâng.
  • Nghiên cứu, xây dựng mô hình bảo hiểm thiên tai, cần tạo ra cơ chế chia sẻ rủi ro từ người sản xuất tới người tiêu dùng theo chuỗi giá trị sản phẩm, xác định rõ hạn chế và điều kiện thuận lợi, phù hợp để mở rông phạm vi bao phủ và chất lượng dịch vụ cho các đối tượng tham gia.

PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc và nhóm nghiên cứu